Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public2 năm trước

[Tâm lý] 10 Dấu Hiệu “Red Flags” Trong Các Mối Quan Hệ

Mọi người nói nhiều về dấu hiệu cảnh báo (red flags) trong các mối quan hệ, nhưng chính xác thì thuật ngữ đó nghĩa là gì? Liệu tất cả các “red flags” của mọi người đều giống nhau không? Chúng có phải là lý do khiến chúng ta rời xa nhau? Giải quyết những dấu hiệu cảnh báo kia và hàn gắn mối quan hệ có thực sự ý nghĩa hay chăng? Bài viết này sẽ trả lời những câu hỏi đó và cũng nêu ra một số dấu hiệu cảnh báo phổ biến nhất trong các mối quan hệ mà ta cần lưu ý.

“Red flags” trong các mối quan hệ là gì?

Trong mọi bối cảnh, thuật ngữ “red flag” biểu thị một lý do để dừng lại. Những lá cờ đỏ xuất hiện trong các môn thể thao khi một trận đấu tạm dừng vì phạm lỗi; ta cũng vẫy cờ đỏ trên đường đua khi điều kiện quá nguy hiểm để tuyển thủ tiếp tục đua xe. Đèn đỏ báo hiệu chúng ta dừng xe trên đường và dây băng đỏ cảnh báo chúng ta không được vượt quá một điểm nhất định.

Tiến sĩ Wendy Walsh, nhà tâm lý học lâm sàng chuyên nghiên cứu về các mối quan hệ, giải thích: “Trong các mối quan hệ, những “lá cờ đỏ” là dấu hiệu cho thấy một người có khả năng không thể có một mối quan hệ lành mạnh và việc tiếp tục ở cạnh nhau sẽ rất nguy hiểm về mặt cảm xúc”.

Lưu ý rằng các dấu hiệu cảnh báo trong một mối quan hệ có thể không rõ ràng. Trong khi một số khác thì rất dễ nhận diện, nhiều cặp đôi lại cho thấy những manh mối hoặc gợi ý nhiều hơn rằng giữa họ có một vấn đề cơ bản. Ngoài ra, những dấu hiệu cảnh báo ấy mất nhiều thời gian để có thể xuất hiện trong một mối quan hệ.

“Red flags” & “Yellow flags” trong mối quan hệ 

Điều quan trọng là ta phải hiểu sự khác biệt giữa một lá “cờ đỏ” và “cờ vàng”. Rốt cuộc thì, “cờ đỏ” cho ta biết lý do để chấm dứt hoặc quay lưng lại trong một mối quan hệ, trong khi “cờ vàng” ít nghiêm trọng hơn và thay vào đó cảnh báo chúng ta nên giảm tiến độ yêu lại. Thông thường, những lá cờ vàng thay đổi tùy theo nhu cầu cá nhân và mong muốn của bạn trong một mối quan hệ trong khi cờ đỏ có tính chất phổ biến hơn.

Tiến sĩ Walsh nói: “[Ví dụ], lá cờ vàng có thể bao gồm khó khăn trong giao tiếp cảm xúc mà người đó nhận thức được và có những cách đối mặt, giải quyết vấn đề. Lá cờ đỏ có thể là người có tiền sử bạo lực gia đình, ngoại tình nhiều năm hoặc lạm dụng chất kích thích”. 


10 Dấu Hiệu Cảnh Báo Trong Mối Quan Hệ Cần Lưu Ý


Nếu đối phương bộc lộ bất kỳ dấu hiệu “red flags” nào sau đây, thì đã đến lúc bạn tự vấn bản thân và những dấu hiệu cảnh báo về tương lai cho mối quan hệ của các bạn. Trong khi tất cả các viễn cảnh tình huống đều khác nhau và luôn có chỗ cho các sắc thái trong tình yêu, nhưng một red flag sẽ chỉ ra một vấn đề sâu sắc mà nửa kia phải giải quyết để có một mối quan hệ lành mạnh với bạn, với chính họ và bất kỳ ai khác nữa.

Nghiện rượu & nghiện ma tuý

Cô Amber Trueblood, một nhà trị liệu về hôn nhân và gia đình (LMFT) cho hay: “Nhậu nhẹt hàng ngày hoặc uống cho đến khi say vài lần một tuần có thể là dấu hiệu cho vấn đề về thói nhậu nhẹt”.

Nếu rượu hoặc ma túy đang tác động tiêu cực đến cuộc sống của đối phương - có thể là công việc, sức khỏe hoặc các mối quan hệ - thì đó là dấu hiệu của thói nghiện. Tương tự, thói xấu này cũng xảy ra nếu người yêu bạn phụ thuộc vào các chất gây nghiện để vượt qua cả ngày, cả tuần hoặc trong một tình huống khó khăn; nó cho thấy họ chưa tìm ra cách đối mặt với trở ngại cuộc sống mà không thay đổi trạng thái tinh thần của mình.

Cuối cùng, nếu việc sử dụng chất kích thích khiến người yêu gây tổn hại cho bạn về thể chất hoặc tinh thần, thì đó là một dấu hiệu rõ ràng để bạn quay lưng và tránh xa mối quan hệ độc hại này rồi đấy.

Thể hiện bạo lực

Một người nào đó thể hiện bạo lực với bạn, với người thân, người lạ và thậm chí với cả động vật là một dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng. Nó chỉ ra rằng họ chưa có sự phát triển lành mạnh để chuyển hướng cảm xúc của mình một cách hợp lý. Trong một vài trường hợp, đó cũng có thể là dấu hiệu họ thiếu sự đồng cảm với người khác.

Nếu bạn hoặc người thân là nạn nhân của bạo lực gia đình, hãy liên hệ với Đường dây nóng Bạo hành Gia đình Quốc gia theo số 1-800-799-7233 để được hỗ trợ riêng từ những luật sư đã được đào tạo nhé!

Mục tiêu trong mối quan hệ không tương xứng nhau

Tiến sĩ Walsh nói rằng nếu có sự xung đột giữa các mục tiêu trong mối quan hệ của bạn, đây có thể là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn nên rời khỏi mối quan hệ này rồi. Mặc dù đây không phải một dấu hiệu cảnh báo theo nghĩa đó là một vấn đề cá nhân cần giải quyết, nhưng nó lại là “lá cờ đỏ” cho tương lai của mối quan hệ các bạn đấy.

Ví dụ, nếu họ nói rằng sẽ không bao giờ kết hôn và đó là điều bạn cực kỳ mong muốn, vậy thì hãy tin họ sẽ như vậy đi.

- TIẾN SĨ WENDY WALSH

Các mục tiêu trong mối quan hệ không tương xứng khác bao gồm nơi bạn muốn sống, dự định muốn có em bé hay không và cách bạn lên kế hoạch giải quyết vấn đề tài chính.

Liên tục ghen tuông và thiếu tin tưởng 

Cô Trueblood nói: “Một dấu hiệu “red flag” phổ biến khác là ghen tuông và đa nghi. Thông thường, dấu hiệu cảnh báo cho mối quan hệ không bền vững với nửa kia bắt đầu với sự quan tâm, săn sóc, nhưng chính họ lại gặp vấn đề với việc kiểm soát ẩn dưới tất cả những sự chú tâm kia. Trong mối quan hệ sau này, bạn sẽ dễ dàng nhìn lại và hiểu được rằng liên tục quan tâm hoặc hào phóng quá mức chính là vô cùng thiếu tự tin”.

Lịch sử ngoại tình trải dài

Có sự viên mãn trong chuyện lứa đôi đòi hỏi giữa các bạn phải đạt được sự tin tưởng. Nếu nửa kia có lịch sử ngoại tình trải dài, bạn hãy thật sự thận trọng khi tiến hành mối quan hệ yêu đương nhé! 

Ngay cả khi đối phương đã cho bạn thấy sự thay đổi, bạn phải tự vấn bản thân xem bạn có cảm thấy thoải mái theo đuổi mối quan hệ này hay không, khi biết họ có tiền sử gian dối trước đó. Một số người có thể không thấy phiền vì điều này, nhưng nếu có thì bạn hãy nhận ra yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến khả năng tin tưởng hoàn toàn vào người bạn đời của bạn rất nhiều đó.

Bản tính hay kiểm soát 

Người ấy đang kiểm soát theo bất kỳ cách nào có thể có những vấn đề cá nhân sâu sắc mà họ phải giải quyết. Suy nghĩ lại về mối quan hệ của bạn nếu đối phương cố gắng kiểm soát việc bạn gặp và nói chuyện với ai, bạn đi đâu, bạn tiêu tiền như nào, bạn làm gì trên mạng, thân hình bạn trông như thế nào, bạn dùng món gì hoặc thậm chí cả cách ăn mặc của bạn nữa.

Những câu chuyện mang tên “Người yêu cũ điên khùng”

Nói về người yêu cũ khá phổ biến, nhất là khi bạn bắt đầu hẹn hò với một người mới lần đầu tiên. Hãy chú ý đến ngôn ngữ mà đối phương sử dụng khi thảo luận về những người họ đã từng hẹn hò trong quá khứ. Kiểu quan điểm này làm lệch hướng của mọi trách nhiệm và thể hiện sự thiếu tôn trọng với những người họ đã từng chăm sóc và yêu thương.

“Nếu một người bạn đời tiềm năng mô tả người yêu cũ của họ là điên rồ thay vì chịu 50% trách nhiệm cho bất kỳ sự điên rồ nào có thể đã tồn tại trong các mối quan hệ trong quá khứ, thì rất có thể bạn sẽ trở thành “người yêu cũ điên rồ” tiếp theo của họ đấy”.

- AMBER TRUEBLOOD, LMFT  

Không có bạn bè

Nếu nửa kia của bạn gặp khó khăn trong việc tạo dựng và duy trì các mối quan hệ, điều đó có thể cho thấy bạn cũng sẽ gặp khó khăn trong việc kết nối với họ.

Cố gắng hiểu lý do tại sao người ấy phải vật lộn để xây dựng các mối quan hệ với những người khác. Nếu bạn nhận ra sự chệch hướng, không có lỗi cá nhân, hoặc thiếu nghị lực, thì bạn có thể sẽ nhận lấy sự đối xử tương tự trong mối quan hệ của chính mình. 

Dành cho bạn tất cả khoảng thời gian riêng 

“Lá cờ đỏ” này đôi khi có thể gói gộp vào với dấu hiệu cảnh báo cuối cùng. Khi đối phương không có các mối quan hệ, sở thích hay mục tiêu khác, đó là công thức cho một mối quan hệ không lành mạnh và viên mãn.

Khi mỗi bên có ý thức về bản thân mình, nó có thể làm phong phú thêm bản ngã cá nhân và sự gắn kết của các bạn. Nếu ai đó luôn hoàn toàn phụ thuộc, dựa dẫm vào bạn vì cảm giác hạnh phúc và vui vẻ, nó có thể dẫn đến cảm giác ngột ngạt, buồn bực và không hạnh phúc.  

Thiếu sự thân mật về tình cảm

Một trong những phần cốt yếu nhất của mối quan hệ yêu đương lãng mạn là kết nối sâu sắc và thực sự với một người khác. Một số người gặp khó khăn khi gần gũi về tình cảm nhưng nó phải luôn là mục tiêu hướng tới trong các mối quan hệ. Đối phương không quan tâm đến việc cởi mở và gắn kết sẽ là hồi chuông báo tử cho sự kết thúc của một mối quan hệ đấy.

Lời kết

Danh sách các dấu hiệu “red flags” của chúng tôi không đầy đủ và chắc chắn là sẽ còn nhiều những lá cờ khác nữa. Rốt cuộc thì, điều quan trọng là bạn phải tin vào trực giác của mình và tránh xa những người có một hoặc nhiều dấu hiệu cảnh báo như trên. Trong một số trường hợp, nó sẽ có nghĩa khi bạn có thể cố gắng cứu vãn tình cảm của mình, nhưng nếu đối phương không có dấu hiệu tự sửa đổi thì tốt nhất là bạn nên bỏ mối quan hệ ấy đi. Nếu bạn từng đấu tranh khi không biết phải làm gì, nói chuyện với bác sĩ trị liệu có thể hữu ích lắm nhé!


Tác giả: Wendy Rose Gould

-------------

Dịch giả: Diệu Linh

Biên tập: Thanh Ngô

Nguồn ảnh: Google Photos

Link bài gốc: https://www.verywellmind.com/10-red-flags-in-relationships-5194592

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.

(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,221 lượt xem