Amy Cattuong@Gia Vị
2 năm trước
[Tâm Lý] 5 Thuyết Tâm Lý Về Tình Yêu
Vì sao chúng ta lại rơi vào lưới tình? Vì sao một số mối quan tình yêu có thể kéo dài, trong khi số khác chỉ là hạnh phúc thoáng qua? Các nhà nghiên cứu và tâm lý học đã đưa ra rất nhiều học thuyết khác nhau để giải thích sự hình thành cũng như thời hạn của tình yêu.
Yêu thương là cảm xúc cơ bản của con người. Nhưng để giải thích vì sao cảm xúc này tồn tại và nó diễn ra như thế nào, thì không hề đơn giản. Trên thực tế, từ lâu người ta đã hiểu rằng tình yêu là điều một gì đó rất nguyên thuỷ, bí ẩn, và thuộc về tâm hồn mà khoa học không cách nào giải thích được.
Tuy nhiên, cho đến hiện nay vẫn có rất nhiều người cố gắng nghiên cứu để lý giải về loại cảm xúc dễ chịu này. Dưới đây là 5 trong số những lý thuyết chính được đề xuất, để giải thích về tình yêu và những trạng thái cảm xúc đi kèm.
1. Yêu và Thích
Vào năm 1970, nhà tâm lý học Zick Rubin đã lý giải về sự khác nhau giữa yêu và thích. Đôi lúc chúng ta vẫn hay có cảm giác ngưỡng mộ hoặc đánh giá cao một ai đó, hoặc thích dành thời gian để được ở cạnh một người nào đó nhiều hơn. Theo Rubin, đây là trạng của việc “thích” và không hẳn đó là “yêu”.
Tình yêu sẽ phải sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn, và bao gồm cả những mong muốn mạnh mẽ về sự thân mật cũng như tiếp xúc vật lý. Khi ở trong trạng thái “thích” một ai đó, chúng ta sẽ chỉ mong muốn được bầu bạn cùng nhau, nhưng nếu là “yêu” thì sự quan tâm đến những nhu cầu của đối phương sẽ nhiều như của bản thân mình.
Rubin tin rằng tình yêu lãng mạn được hình thành bởi 3 yếu tố sau:
Có liên kết chặt chẽ và nhu cầu phụ thuộc
Có khuynh hướng thiên về trợ giúp
Có tính sở hữu và bị thu hút bởi người còn lại
Dựa trên những dấu hiệu này, Rubin đã nghĩ ra một bảng câu hỏi khảo sát để đánh giá thái độ của một người đối với người khác. Ông ấy phát hiện ra rằng thang điểm từ “thích” đến “yêu” đã ủng hộ cho quan điểm của mình về tình yêu.
2. Bánh xe màu sắc tình yêu
Trong quyển sách Sắc Màu Tình Yêu - The Colors of Love được xuất bản vào năm 1973, tác giả kiêm nhà tâm lý học John Lee đã so sánh những kiểu tình yêu khác nhau thông qua bánh xe màu sắc.
Nguồn: Google.com
Ba kiểu tình yêu nguyên thuỷ
Giống như 3 màu gốc trong bản màu, ông Lee cho rằng tình yêu cũng bắt nguồn từ 3 hình thức cơ bản với những cái tên có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp.
Eros: Thuật ngữ với ý nghĩa “đam mê” hoặc “hấp dẫn giới tính”. Theo ông Lee, đây là kiểu tình yêu nồng nhiệt về cảm xúc lẫn thể xác. Nó đại diện cho kiểu mẫu tình yêu lý tưởng.
Ludus: Nghĩa là “trò chơi”. Đây là kiểu tình yêu với quan niệm ưu tiên cảm xúc vui vẻ hơn sự nghiêm túc. Những người thể hiện hình thức yêu này thường chưa sẵn sàng cho sự cam kết và luôn cảnh giác với sự thân mật. Vì lẽ đó mà nó được ví như một kiểu trò chơi tình ái.
Storge: Từ này có nghĩa là “tình cảm đơn thuần tự nhiên”. Hình thức yêu này bao gồm cả tình cảm gia đình giữa cha mẹ và con cái, anh chị em trong nhà và các thành viên trong đại gia đình. Mặc khác, kiểu tình yêu này cũng có thể phát triển lên từ tình bạn, giữa những người có cùng sở thích và sự cam kết dần xuất hiện khiến cả hai nảy sinh tình cảm. Vậy nên nó đại diện cho mối quan hệ tình yêu như tình bạn.
Sáu phong cách yêu kết hợp
Theo nguyên tắc pha màu, từ ba màu gốc chúng ta có thể tạo ra những sắc màu khác nhau, nên ông Lee cho rằng việc kết hợp ba phong cách tình yêu chính có thể tạo nên một cấp bậc thứ hai về phong cách yêu. Vì vậy, vào năm 1977 ông đã mở rộng danh sách về hình thức thể hiện của tình yêu với ba nhóm sau.
Mania: Sự kết hợp giữa "Eros - Đam mê" và "Ludus - Trò chơi", đại diện cho kiểu tình yêu ám ảnh.
Pragma: Khi "Ludus - Trò chơi" kết hợp với "Storge - Tình cảm tự nhiên", sẽ đại diện cho hình thức yêu thực tế và thiết thực.
Agape: Đây là hình thức đại diện cho tình yêu vị tha, vì nó là sự kết hợp của "Eros - Đam mê" và "Storge - Tình cảm tự nhiên".
3. Tam giác tình yêu
Năm 1986, nhà tâm lý học Robert Sternberg đã đưa ra một lý thuyết tam giác về tình yêu, nghĩa là tình yêu được hình thành dựa trên 3 yếu tố:
Cảm giác thân thuộc
Cảm xúc đam mê
Sự cam kết
Nguồn: Verywellmind.com
Sự kết hợp khác nhau của ba yếu tố này sẽ tạo nên các kiểu tình yêu khác nhau. Ví dụ như nếu kết hợp yếu tố "Thân thuộc" và "Cam kết" sẽ tạo nên kiểu tình yêu động lòng thương, trong khi kết hợp "Đam mê" và "Thân thuộc" sẽ hình thành một tình yêu lãng mạn.
Dựa theo lý thuyết tam giác của Sternberg, các mối quan hệ được xây dựng dựa trên hai yếu tố sẽ bền vững hơn, so với những mối quan hệ chỉ có một yếu tố. Sternberg cho rằng nếu một mối quan hệ có cả ba yếu tố "Thân thuộc - Đam mê - Cam kết", thì nó được gọi là tình yêu viên mãn. Vì đây được xem là một hình thức yêu mãnh liệt và lâu dài, nên theo Sternberg nó có thể tồn tại nhưng rất hiếm.
4. Thuyết gắn kết trong tình yêu
Vào năm 1987, hai nhà nghiên cứu từ Đại học Denver là Cindy Hazan và Phillip Shaver đã đưa ra giả thuyết rằng tình yêu lãng mạn là một quá trình xã hội sinh học giống như cách mà một đứa trẻ gắn bó với cha mẹ của nó. Lý thuyết này được mô phỏng theo Lý thuyết gắn bó của nhà tâm lý học John Bowlby.
Theo thuyết gắn kết trong tình yêu của Hazan và Shaver, cách mà một người gắn bó với người khác phần nào được hình thành bởi mối quan hệ mà họ có với cha mẹ trong thời thơ ấu. Vì vậy nó đã trở thành thói quen cơ bản cho đến khi trưởng thành và trở thành một phần trong phong cách yêu của họ.
Sau đây là ba phong cách gắn kết của người trưởng thành:
Người hay băn khoăn/thái độ nước đôi: Người sở hữu cách yêu này thường hay lo lắng rằng người yêu không yêu mình. Đôi khi sự mong muốn của họ về việc được ở cạnh người yêu mọi lúc mọi nơi khiến đối phương sợ hãi.
Người né tránh: Người có cách yêu này sẽ cảm thấy không thoải mái khi quá gần gũi với người khác. Họ cũng là kiểu người tiêu biểu trong việc khó phát triển lòng tin và tin tưởng người khác.
Người an toàn: Như cái tên mà nó biểu hiện, phong cách yêu gắn kết với sự an toàn liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho một mối quan hệ. Kiểu người cảm thấy an toàn trong tình yêu thường ít lo lắng về việc bị bỏ rơi, hoặc không sợ hãi khi người khác ở cạnh mình quá lâu.
Dựa theo nghiên cứu của Hazan và Shaver, kết nối an toàn là phong cách yêu phổ biến nhất. Tiếp sau đó là kiểu gắn kết né tránh, và cuối cùng là kiểu gắn bó băn khoăn/thái độ nước đôi.
Hazan và Shaver cũng cho rằng sự liên kết và trải nghiệm của một người trong tình yêu sẽ tác động đến niềm tin của họ, và ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của một mối quan hệ. Có thể nói đây là một vòng tuần hoàn rất ổn đối kiểu yêu an toàn, nhưng sẽ là vấn đề đối với những ai có phong cách yêu né tránh hoặc thường băn khoăn/tỏ thái độ nước đôi trong mối quan hệ của họ.
5. Tình yêu đam mê và động lòng thương
Vào năm 1988, nhà tâm lý học Elaine Hatfield đã công bố hai kiểu tình yêu cơ bản là đam mê và động lòng thương.
Tình yêu động lòng thương được mô tả là sự tôn trọng, gắn kết, tin tưởng, và ảnh hưởng lẫn nhau. Kiểu tình yêu này phát triển vượt ra ngoài cảm xúc của sự thấu hiểu và dành tôn trọng cho nhau.
Tình yêu đam mê được nhận dạng bởi cảm xúc mãnh liệt, thu hút giới tính, bồn chồn lo lắng, và cảm giác yêu mến. Khi những cảm xúc mạnh mẽ bên trong được hồi đáp, con người sẽ cảm thấy phấn khởi và đủ đầy, tuy nhiên khi tình yêu không được đáp lại nó sẽ mang đến cảm giác tuyệt vọng và nản lòng.
Hatfield cho rằng tình yêu đam mê sẽ nảy sinh trong những trường hợp như khi ai đó kỳ vọng cao về tình yêu, khi một người gặp phải những định kiến về tình yêu lý tưởng, và khi sự xuất hiện của một ai đó khiến cho người còn lại bị hấp dẫn giới tính.
Nguồn: Google.com
Theo Hatfield, tình yêu đam mê là chỉ là nhất thời, thường kéo dài từ 6 đến 30 tháng. Điều lý tưởng nhất chính là tình yêu đam mê sẽ dẫn đến tình yêu động lòng thương, vì quá trình chuyển hoá này sẽ khiến tình yêu có giá trị lâu dài.
Trong khi hầu hết mọi người đều mong muốn một mối quan hệ, có thể kết hợp cả sự an toàn lẫn ổn định của kiểu tình yêu động lòng thương và tình yêu đam mê mãnh liệt cùng một lúc, thì Hatfield tin rằng sự tồn tại của tình yêu hoàn mỹ này là vô cùng hiếm có.
Đôi lời từ đội ngũ biên tập của Verywellmind.com
Có rất nhiều giả thuyết tồn tại về cách mà tình yêu hình thành và phát triển. Sự đóng góp của mỗi người trong chúng ta sẽ khiến cho số giả thuyết này thêm đa dạng, thông qua những gì đã biết về tình yêu dựa trên trải nghiệm riêng của từng người, hay lời giải thích khả thi về cách mà những mối quan hệ với nền tảng yêu thương được bắt đầu, phát triển, và biến đổi.
(*) Tác giả: Kendra Cherry, tác giả bài viết và cũng là nhà tư vấn giáo dục tập trung vào việc giúp sinh viên nghiên cứu về tâm lý học.
-------------
Dịch giả: Amy Cattuong
Biên tập: Mẫn Nhy
Link bài gốc: 5 Psychological Theories of Love
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Tâm lý học tuổi trẻ mong nhận được sự ủng hộ và góp sức của các bạn. Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức chuyên sâu về tâm lý cho cộng đồng tại đây: https://ybox.vn/idy8l214r1c6yo
(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.
(****) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
2,636 lượt xem