Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Tâm Lý] 6 Cung Bậc Cảm Xúc Cơ Bản Và Cách Chúng Tác Động Đến Con Người

Cảm xúc của con người có muôn hình vạn trạng và nó có những tác động nhất định đến cách chúng ta sống và tương tác với người khác. Những lần đưa ra quyết định, những lần hành động và cả nhận thức của chúng ta đều chịu ảnh hưởng bởi loại cảm xúc mà ta trải nghiệm tại thời điểm đó không ít thì nhiều.

Các nhà tâm lí học đã bắt tay vào để tìm hiểu và gắn định nghĩa cho những cảm xúc mà con người đang trải qua hằng ngày. Một vài lý luận đã được đưa ra để phân loại và giải thích cho những trạng thái cảm giác mà con người đã, đang và sẽ trải nghiệm từ xưa đến nay.

 I. NHỮNG CẢM XÚC CƠ BẢN

Vào những năm 1970, nhà tâm lí học Paul Eckman đã xác định rằng mọi nền văn hóa con người trong toàn vũ trụ này đều đã từng trải qua sáu cung bậc cảm xúc khác nhau: hạnh phúc, đau buồn, ghê tởm, sợ hãi, ngạc nhiên và giận dữ. Sau này, ông mở rộng thêm danh sách những cảm xúc cơ bản của mình bằng những trạng thái tâm lí khác như tự hào, xấu hổ, lúng túng, hào hứng…

 

 II. TỔ HỢP CẢM XÚC

Nhà tâm lí học Robert Plutchik cho rằng tồn tại thuyết “bánh xe cảm xúc” với cách thức vận hành như thuyết “bánh xe màu sắc”. Chúng ta có thể tạo ra “màu sắc mới” từ hai cảm giác chủ đạo ban đầu bằng cách kết hợp chúng với nhau hệt như cách pha trộn những màu sắc khác nhau để tạo ra một sắc độ màu mới. Để hiểu rõ hơn, có bao giờ bạn cảm thấy vô cùng vui vẻ và tin tưởng một người nào đó trong những mối quan hệ của bạn chưa? Trong thời khắc ấy, sự trộn lẫn hai cảm xúc ấy đã tạo nên một màu sắc tình cảm mới trong bạn - tình yêu thương, một cảm giác vô cùng mới và thú vị đối với bạn. Trên nền tảng sự kết hợp cảm xúc ấy, một nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học Quốc gia Mỹ vào năm 2017 chỉ ra rằng thật ra có nhiều hơn sáu loại cảm xúc cơ bản như đã nêu trước đó. Nghiên cứu này đã chỉ ra và xác định được 27 dạng cảm xúc khác nhau của con người. Tuy nhiên, thay vì tìm ra sự khác biệt giữa chúng, các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng con người thực sự trải nghiệm các dạng cảm xúc theo những cung bậc và mức độ khác nhau.

Hãy cùng nhìn sâu hơn vào những dạng cảm xúc cơ bản của con người và khám phá xem chúng tác động đến chúng ta như thế nào trong lối suy nghĩ và cách hành xử trong đời sống thường ngày.

 1. Hạnh phúc:

Chúng ta có xu hướng kiếm tìm sự hạnh phúc trong tất thảy những hình dáng xúc cảm. Hạnh phúc thường được định nghĩa là trạng thái hài lòng, dễ chịu được tạo nên bởi sự mãn nguyện, niềm vui, cảm giác khi được khen thưởng cái gì đó, sự thỏa mãn, trạng thái mạnh khỏe, thư thái… Dạng cảm xúc này thường được biểu hiện qua:

  • Nét mặt: cười…
  • Ngôn ngữ cơ thể: tư thế thoải mái...
  • Tông giọng: vui vẻ, hứng khởi, cách nói dễ chịu…

Trong khi hạnh phúc được xem là một dạng cảm xúc cơ bản của con người, chúng ta lại thường nghĩ rằng để đạt được hạnh phúc lại là điều vô cùng khó khăn và chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa. Ví dụ, nền văn hóa đại chúng cho rằng phải đạt được vài thành công nhất định trong cuộc sống như mua nhà hay có công việc lương cao mới là chìa khóa dẫn đến cánh cửa hạnh phúc. Trên thực tế, việc đánh giá xem một người có hạnh phúc hay không lại phức tạp hơn và mang tính cá nhân cao. Con người luôn cho rằng hạnh phúc đi đôi với sức khỏe tốt, thực vậy, các nghiên cứu đã góp phần khẳng định niềm tin đó bằng cách chỉ ra rằng việc cảm thấy hạnh phúc đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tinh thần cũng như sức khỏe vật lí. Đạt được cảm giác hạnh phúc sẽ giúp ta tăng tuổi thọ cũng như có một đời sống hôn nhân ấm êm, ngược lại, cảm giác không hạnh phúc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Căng thẳng, lo âu, giận dữ, thất vọng và cô đơn có thể dẫn tới hệ miễn dịch kém, dễ bị kích động và giảm sự kỳ vọng vào cuộc sống.

 2. Đau buồn

Buồn chán được xác định là trạng thái cảm xúc tạm thời, xảy ra trong thời gian ngắn. Khi buồn, ta cảm thấy thất vọng, đau lòng, vô vọng, mất hứng và không còn hứng thú với việc gì nữa. Ai cũng từng trải qua cảm giác không mong đợi này, tuy nhiên, nếu không được quan tâm và giải tỏa kịp thời, nỗi buồn dai dẳng có thể khiến ai đó trở nên trầm cảm. Một người đang phải chịu đựng nỗi buồn thường có những biểu hiện sau:

  • Khóc lóc.
  • Tâm trạng đi xuống, cụt hứng.
  • Thờ ơ với mọi thứ.
  • Trở nên im lặng
  • Xa lánh mọi người xung quanh.

Nỗi buồn của mỗi người là khác nhau, không ai giống ai và cách mỗi người đương đầu với nó cũng khác hẳn nhau. Nhưng chúng ta lại thường chọn cách né tránh người khác, tự chữa lành bản thân và chìm vào những suy nghĩ tiêu cực. Cách xử lí này không những không làm vơi bớt đi nỗi buồn của bạn mà trái lại càng làm trầm trọng và kéo dài tình trạng này hơn.

 3. Sợ hãi

Sợ hãi là một màu cảm xúc rất mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc sinh tồn của chúng ta từ thuở xa xưa tới nay. Khi bạn gặp nguy hiểm và cảm thấy sợ hãi, bạn sẽ trải qua một dạng phản ứng vô cùng đặc biệt: “chống trả hay bỏ chạy”. Các khối cơ bắp dần căng lên, nhịp tim và huyết áp tăng cao, tâm trí vô cùng tỉnh táo, cơ thể hối thúc bạn hoặc cao chạy xa bay khỏi mối đe dọa đó hoặc đứng vững ở đó và chiến đấu. Phản ứng này giúp bạn trở nên sẵn sàng để ứng phó với nguy hiểm đang rình rập bạn một cách có hiệu quả. Chúng ta đang sợ hãi khi:

  • Mắt dần mở to ra và rụt dần cằm lại.
  • Cố gắng cự tuyệt hoặc chạy trốn khỏi mối đe dọa.
  • Nhịp thở dồn dập hơn và tim đập nhanh.

Tất nhiên, cách mỗi người trải nghiệm nỗi sợ là khác nhau. Một vài người nhạy cảm hơn với nỗi sợ và trong những tình huống hay hoàn cảnh nhất định, nỗi sợ của họ dễ dàng xuất hiện và bùng phát. Các mối đe dọa lường trước được hoặc thậm chí là những suy nghĩ của bản thân chúng ta về những nguy hiểm tiềm tàng cũng có thể gây ra cảm giác sợ hãi, mà chúng ta thường nhầm lẫn với trạng thái lo âu, có thể thấy qua hội chứng sợ xã hội - sự sợ hãi quá mức trong các tình huống xã hội thông thường. Mặt khác, một số người lại kiếm tìm nỗi sợ. Các môn thể thao mạo hiểm và những trải nghiệm mang lại cảm giác mạnh có thể gây sợ hãi nhưng họ lại thích thú và thậm chí tận hưởng niềm vui mà nó mang lại. Nếu tiếp xúc nhiều lần với tình huống hay đối tượng khiến ta sợ hãi, ta có thể dần trở nên thích nghi và quen thuộc, từ đó giảm bớt cảm giác sợ và lo lắng. Đây cũng là cơ sở cho liệu pháp “tự phơi nhiễm”, khi mà người bệnh tiếp xúc với nguyên nhân gây ra nỗi sợ của họ với cách thức an toàn và có kiểm soát, lâu dần sẽ giảm bớt cảm giác sợ hãi.

 4. Ghê tởm

Sự ghê tởm được thể hiện qua:

  • Ngôn ngữ cơ thể: quay mặt đi khỏi chủ thể gây khó chịu…
  • Phản ứng vật lí: nôn mửa, nôn khan…
  • Vẻ mặt: nhăn mũi, cong môi trên…

Sự khiếp sợ này có thể bắt nguồn từ nhiều thứ, chẳng hạn như mùi, vị, cảnh tượng gây khó chịu. Các nhà nghiên cứu tin rằng đây là phản ứng của cơ thể con người với các thực phẩm có hại hoặc gây tử vong. Ví dụ, khi ta ngửi mùi hay nếm phải thức ăn đã hỏng, ôi thiu… sự ghê tởm là một phản ứng hiển nhiên và điển hình. Mất vệ sinh, nhiễm trùng, máu, hiện tượng thối rữa và cái chết cũng là những yếu tố khơi dậy sự ghê tởm. Đây có thể là phản ứng tự nhiên của cơ thể để tránh khỏi các nguy cơ, mầm mống gây bệnh truyền nhiễm. Con người cũng có thể trải nghiệm cảm giác này về mặt đạo đức khi họ bắt gặp người khác thực hiện những hành vi ghê tởm, vô nhân tính, và vô đạo đức.

 5. Giận dữ

Giận dữ là một cảm xúc đặc biệt mạnh mẽ, được bộc lộ qua cảm giác thù địch, kích động, khó chịu và chống đối người khác. Khi giận dữ, bạn thường có xu hướng chống lại và bảo vệ mình, thể hiện rõ nhất qua:

  • Nét mặt: cau có, trừng mắt…
  • Ngôn ngữ cơ thể: hành động mạnh bạo hoặc quay mặt đi…
  • Tông giọng: thô lỗ, cộc cằn, hét lên…
  • Phản ứng cơ thể: đổ mồ hôi, mặt đỏ, tai đỏ…
  • Hành vi: hung hăng, đánh nhau, ném đồ đạc…

Tức giận thường được xem là thái độ tiêu cực, tuy nhiên, nó lại đem lại lợi ích trong vài trường hợp. Nó giúp con người xác định được nhu cầu trong những mối quan hệ, là động lực để hành động và tìm cách giải quyết những thứ gây phiền nhiễu. Tức giận có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng nếu chúng ta bộc lộ quá mức, không lành mạnh, thiếu kiểm soát hoặc gây hại cho người khác. Khi đó bạo lực sẽ lên ngôi. Tức giận ảnh hưởng đến cả tinh thần và thể chất mỗi người, khiến ta khó ra quyết định một cách sáng suốt và tác động xấu đến sức khỏe. Nó cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch và tiểu đường cũng như dẫn đến các hành vi xấu như lái xe quá khích, uống rượu và hút thuốc lá.

 6. Ngạc nhiên

Ngạc nhiên thường được hiểu ngắn gọn là phản ứng giật mình trước những thứ đến bất ngờ, không đoán trước được, được coi là phản ứng tích cực (được tổ chức sinh nhật bí mật), tiêu cực (bị dọa ma) hoặc trung tính, thường được biểu hiện:

  • Vẻ mặt: Nhướn mày, mở to mắt và miệng…
  • Phản ứng vật lí: nhảy về phía sau, nhảy cẫng lên…
  • Ngôn ngữ: hét lên, thở dốc…

Ngạc nhiên cũng có thể dẫn đến phản ứng “chống trả hay bỏ chạy”. Khi bị giật mình, nồng độ adrenaline tăng cao giúp cơ thể sẵn sàng ứng phó với tình huống đang xảy ra. Đây cũng là vì sao những tin “sốc” và gây ngạc nhiên trên bản tin, báo đài lại khiến người xem dễ dàng ghi nhớ hơn các thông tin khác. Các nghiên cứu chỉ ra rằng con người có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các lập luận gây bất ngờ và học được nhiều hơn cũng như nhớ lâu hơn những thông tin gây ngạc nhiên, mới lạ.

 

III. NHỮNG DẠNG CẢM XÚC KHÁC

Sáu cảm xúc được miêu tả bởi Eckman chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng cảm xúc mà con người đã, đang và sẽ trải nghiệm. Lý thuyết của Eckman cho rằng sáu loại cảm xúc này phổ biến với mọi nền văn hóa trên toàn vũ trụ. Nhưng những lý thuyết khác và các cuộc nghiên cứu mới khám phá ra rất nhiều loại cảm xúc khác, về sau Eckman cũng bổ sung thêm vào lý thuyết của mình nhiều dạng cảm giác khác như: lúng túng, xấu hổ, thỏa mãn, vui thích, khinh thường, tội lỗi…

IV. NHỮNG LÝ THUYẾT VỀ CẢM XÚC KHÁC

Với quan điểm của mình về tâm lý học, nhiều nhà lý thuyết không đồng thuận với ý kiến của Eckman về cách phân loại cảm xúc cũng như nêu ra các cảm xúc cơ bản.Vài người cho rằng chỉ có hai hoặc ba dạng cảm xúc cơ bản. Một số người lại cho rằng cảm xúc diễn ra theo cách phân bậc - những cảm xúc sơ cấp như tình yêu, niềm vui, ngạc nhiên, giận dữ, buồn bã được chia nhỏ ra thành những cảm xúc thứ cấp, ví dụ, tình yêu bao gồm những cảm xúc thứ cấp như tình cảm và lòng khao khát. Những cảm xúc thứ cấp đó lại có thể chia nhỏ thành những cảm xúc bậc ba, như tùnh cảm có thể chia thành những cảm xúc bậc ba như thích, quan tâm, lòng trắc ẩn, sự khoan dung. Một nghiên cứu gần đây cho rằng có ít nhất 27 dạng cảm xúc khác nhau và giữa chúng có mối liên kết chặt chẽ. Nói cách khác, không một cảm xúc nào xảy ra biệt lập mà diễn ra theo cung bậc và liên quan sâu sắc đến những cảm xúc khác. Việc nghiên cứu và phân loại cảm xúc là nền tảng quan trọng cho việc nghiên cứu cảm xúc ảnh hưởng như thế nào đến bộ não, hoạt động và cảm hứng của con người, từ đó phục vụ tốt hơn cho việc điều trị các tình trạng bất ổn về tâm lý.

Cảm xúc đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của chúng ta, chúng tác động cách chúng ta tương tác với người khác trong cuộc sống hằng ngày đến cách chúng ta ra quyết định trong cuộc sống. Biết được những dạng cơ bản của cảm xúc giúp ta hiểu được chúng xảy ra như thế nào và ảnh hưởng gì chúng ta. Bạn phải nhớ rằng, không một cảm xúc nào là đơn lẻ, mọi cảm xúc mà bạn trải qua đều mang nhiều màu sắc và vô cùng phức tạp, chúng phối hợp với nhau để làm đa dạng, tô sắc cho đời sống tình cảm của bạn.

 -------------

Dịch giả: Ý Thảo    

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.

(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

11,145 lượt xem