Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public4 năm trước

[Tâm Lý] 6 Kiểu Cảm Xúc Cơ Bản Và Ảnh Hưởng Của Chúng Đến Hành Vi Của Con Người


Có rất nhiều những kiểu cảm xúc khác nhau có tác động đến cách chúng ta sống và tương tác với người khác. Đôi khi, dường như chúng ta bị chính những cảm xúc đó điều khiển. Lựa chọn ta đưa ra, hành động ta làm, nhận thức ta có đều bị chi phối bởi những cảm xúc mà chúng ta trải qua trong từng khoảnh khắc.

Những nhà tâm lý học cũng đã thử tìm xem có bao nhiêu cảm xúc khác nhau mà con người có thể trải qua. Một vài học thuyết khác nhau đã xuất hiện để phân loại và giải thích những cảm xúc mà con người cảm nhận được.

Những cảm xúc cơ bản

Trong khoảng những năm 1970, nhà tâm lý học Paul Eckman đã phát hiện ra sáu loại cảm xúc cơ bản mà ông cho rằng đều có ở tất cả các nền văn minh loài người. Những cảm xúc ấy là: hạnh phúc, buồn đau, chán nản, sợ hãi, ngạc nhiên và tức giận. Sau đó thì ông đã thêm vào danh sách này bao gồm: hãnh diện, xấu hổ, bối rối và hào hứng.

Những cảm xúc hỗn hợp

Bác sĩ tâm lý Robert Plutchik đã đưa ra “bánh xe cảm xúc” có hoạt động giống như bánh xe màu sắc. Cảm xúc có thể kết hợp với nhau để hình thành nên những cảm xúc khác nhau, giống như việc màu sắc hòa trộn với nhau để tạo ra những gam màu mới

Theo học thuyết này, cảm xúc càng cơ bản thì hoạt động như một thể thống nhất. Cảm xúc càng phức tạp, hay đôi khi là cảm xúc lẫn lộn, thì được tạo ra bởi những cảm xúc càng cơ bản. Ví dụ, cảm xúc đơn giản như vui mừng và tin tưởng có thể được kết hợp để tạo thành tình yêu.

Một nghiên cứu năm 2017 đã chỉ ra rằng có nhiều cảm xúc cơ bản hơn chúng ta từng biết. Trong bài nghiên cứu được công bố ở tờ Tiến trình của Viện Khoa học Quốc gia, những nhà nghiên cứu đã cho rằng có đến 27 loại cảm xúc khác nhau.

Tuy nhiên, thay vì hoàn toàn riêng biệt, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mọi người trải qua những cảm xúc này theo một cấp độ. Hãy cùng xem kĩ hơn về một số loại cảm xúc cơ bản và cách mà chúng tác động đến hành vi của chúng ta.

1.Hạnh phúc

Trong tất cả các kiểu cảm xúc thì hạnh phúc là kiểu mà con người khao khát nhất. Hạnh phúc thường được định nghĩa là trạng thái hài lòng về mặt cảm xúc, được đặc trưng bởi cảm giác như mãn nguyện, vui sướng, vừa lòng, thỏa mãn.



Nghiên cứu về sự hạnh phúc đã tăng lên đáng kể từ những năm 1960 trong một số lĩnh vực, bao gồm một ngành tâm lý học được biết đến như là tâm lý học tích cực. Kiểu cảm xúc này đôi khi được biểu hiện qua:

+Biểu cảm khuôn mặt:  mỉm cười

+Ngôn ngữ cơ thể: đứng thoải mái

+Tông giọng: lạc quan, dễ chịu

Trong khi hạnh phúc được xem như là một trong những cảm xúc cơ bản của con người, những điều mà chúng ta nghĩ sẽ tạo ra sự hạnh phúc thường có xu hướng bị ảnh hưởng nặng bởi yếu tố văn hóa. Chẳng hạn, những ảnh hưởng của nền văn hóa đại chúng nhấn mạnh việc có được những thứ như là mua được nhà, có một công việc lương cao sẽ dẫn tới việc hạnh phúc.

Sự thực điều làm nên sự hạnh phúc thì thường phức tạp và mang tính cá nhân hơn. Mọi người từ lâu đều tin rằng hạnh phúc và sức khỏe có gắn liền với nhau, và những nghiên cứu cũng đồng tình với ý kiến cho rằng hạnh phúc đóng vai trò trong cả sức khỏe tâm lý cũng như là thể chất

Hạnh phúc liên quan đến các vấn đề khác, bao gồm việc tăng tuổi thọ và tăng hạnh phúc trong hôn nhân. Ngược lại, không hạnh phúc có liên quan đến hàng loạt những kết quả về sức khỏe yếu kém. Căng thẳng, lo âu, trầm cảm, và cô đơn, ví dụ, có thể dẫn đến những vấn đề như: sức đề kháng yếu, dễ bị viêm nhiễm, tuổi thọ giảm.

2.Buồn bã

Buồn bã là một dạng khác của cảm xúc thường được xem như một trạng thái cảm xúc tạm thời, đặc trưng bởi cảm giác thất vọng, đau khổ, tuyệt vọng, mất hứng thú và nản chí. Giống như những cảm xúc khác, buồn bã là điều mà con người đôi khi cũng phải trải qua. Trong một vài trường hợp, họ còn phải chịu đựng một khoảng thời gian buồn bã kéo dài có thể biến thành trầm cảm. Buồn bã có thể biểu hiện qua rất nhiều kiểu như:

+Khóc lóc

+Tâm trạng chán nản

+Sự thờ ơ

+Sự im lặng

+Tách mình ra khỏi đám đông

Những kiểu và mức độ nghiêm trọng của nỗi buồn có thể thay đổi tùy thuộc vào nguồn gốc của nó và cách mà con người đối mặt cũng rất khác nhau. Nỗi buồn thường dẫn đến việc người ta tạo ra những cơ chế đối phó như tránh tiếp xúc với người khác, tự ý dùng thuốc, suy nghĩ về những điều tiêu cực. Những hành vi như vậy thực sự khiến cảm giảm buồn bã trầm trọng và kéo dài hơn.

3.Sợ hãi

Sợ hãi là một cảm xúc hết sức mạnh mẽ, có thể đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến sinh tồn. Khi bạn phải đối mặt với một nguy hiểm nào đó và cảm nhận được sự sợ hãi, bạn sẽ trải nghiệm được cái gọi là "phản ứng chống trả hay bỏ chạy".

Cơ bắp của bạn trở nên nhạy cảm, nhịp tim và hô hấp tăng lên, và bộ não bạn cảnh giác hơn, cơ thể chuẩn bị cho việc hoặc là bỏ chạy khỏi nguy hiểm hoặc đứng lại để chiến đấu. Phản ứng như vậy chứng tỏ rằng bạn đã trang bị đủ để đối phó với những mối đe dọa trong môi trường ấy. Một số biểu hiện có thể thấy của sự sợ hãi như:

+Biểu cảm khuôn mặt: mở to mắt, đẩy cằm ra sau.

+Ngôn ngữ cơ thể: cố gắng chạy trốn hoặc ẩn dấu khỏi mối nguy hại.

+Phản ứng sinh học: thở mạnh, tim đập nhanh.

Và tất nhiên, không phải tất cả mọi người đều có những phản ứng giống nhau khi đối mặt với nỗi sợ hãi. Một vài người có thể nhạy cảm hơn với nỗi sợ và ở trong những hoàn cảnh, trường hợp nhất định có thể gây nên cảm xúc này.

Sợ hãi là một lời đáp cho sự nguy hiểm trước mắt. Chúng ta cũng có thể phát triển những phản ứng tương tự đối với các mối nguy có thể đoán trước, hay thậm chí là những cảm nghĩ của chúng ta về những mối nguy hiểm có thể xảy ra. Đây cũng chính là điều mà chúng ta thường cho rằng đó là sự lo âu. Ví dụ, sợ lo âu xã hội liên quan đến những nỗi sợ có thể biết trước được trong những hoàn cảnh xã hội nhất định.

Một vài người, mặt khác, lại tìm kiếm những tình thế khơi dậy nỗi sợ. Môn thể thao mạo hiểm và cảm giác mạnh có thể tiết ra nỗi sợ, nhưng một số vẫn yêu thích và tận hưởng nó. Việc tiếp xúc nhiều lần với những vật thể hoặc tình huống gây nên nỗi sợ có thể làm ta dần thích nghi và quen thuộc, điều này sẽ khiến giảm bớt được cảm giác sợ hãi, lo âu. Đây là một ý tưởng đằng sau liệu pháp tiếp xúc. Ở đó, con người sẽ dần dần tiếp xúc với những thứ làm họ sợ một cách có kiểm soát và an toàn. Cuối cùng, cảm giác sợ hãi sẽ được giảm bớt.

4.Ghê tởm

Ghê tởm là một trong sáu cảm xúc cơ bản được miêu tả bởi Eckman. Ghê tởm có thể thể hiện thông qua:

+Ngôn ngữ cơ thể: từ chối khỏi những đối tượng mang lại sự chán ghét

+Phản ứng cơ thể: nôn mửa

+Biểu hiện gương mặt: nhăn mũi, cong môi trên

Cảm giác này có thể do rất nhiều nguyên nhân, bao gồm khẩu vị, tầm nhìn hay mùi hương mang lại cảm giác khó chịu. Các nhà nghiên cứu tin rằng cảm giác này xuất hiện như một phản ứng trước những loại đồ ăn có hại hoặc có thể dẫn đến tử vong. Khi con người ngửi, ăn đồ ăn đã bị hỏng thì ghê tởm là một phản ứng điển hình. Vệ sinh kém, nhiễm trùng, máu, thối rữa, và cả cái chết có thể gây ra sự ghê tởm. Đây có thể là cách mà cơ thể tránh những thứ có thể gây ra bệnh truyền nhiễm. Mọi người cũng có thể gặp phải những sự kinh tởm về mặt đạo đức khi họ thấy người khác có những hành vi xấu xa, đồi bại và độc ác.

5.Tức giận

Tức giận là một cảm xúc đặc biệt mạnh mẽ được đặc trưng bởi cảm giác thù địch, kích động, bực dọc và sự đối lập với người khác. Cũng như sợ hãi, tức giận có thể đóng một vai trò trong "phản ứng chống trả hay bỏ chạy" của cơ thể bạn.

Khi mối đe dọa sản sinh ra cảm giác tức giận, bạn sẽ có xu hướng chống trả nguy hiểm và bảo vệ bản thân. Biểu hiện của tức giận có thể như:

+Biểu hiện gương mặt: nhăn mày, lườm nguýt

+Ngôn ngữ cơ thể: ví dụ như thế đứng vững chắc hoặc quay ra chỗ khác

+Tông giọng: nói thô lỗ, cộc cằn hoặc la hét

+Phản ứng sinh học: đổ mồ hôi hoặc đỏ mặt

+Hành động hung hăng: đánh, đấm, vứt đồ đạc 



Trong khi mà tức giận được xem như một cảm xúc tiêu cực thì đôi khi nó cũng là một điều tốt. Nó có thể giúp bạn làm rõ được những đòi hỏi của mình trong một mối quan hệ. Nó cũng có thể thúc đẩy bạn hành động và tìm giải pháp về thứ đang gây ra sự phiền toái cho bạn.

Tuy vậy, cơn giận trở thành một vấn đề khi nó xuất hiện quá nhiều và có biểu hiện thiếu lành mạnh, nguy hiểm và độc hại cho người khác. Giận dữ không kiểm soát có thể nhanh chóng biến thành sự hung hăng, sự lạm dụng và bạo lực. Loại cảm xúc này có cả những hậu quả về mặt tâm thần cũng như là thể xác. Cơn giận dữ không bị kìm chế rất khó để đưa ra những quyết định lý trí và có thể dẫn đến những ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Tức giận còn có liên quan đến bệnh tim mạch vàch và tiểu đường. Nó cũng liên quan đến các hành vi gây nên sự nguy hiểm cho sức khỏe như lái xe hung hãn, uống đồ chứa cồn, hút thuốc.

 6.Ngạc nhiên

Ngạc nhiên là cảm xúc còn lại trong sáu cảm xúc cơ bản của Eckman. Ngạc nhiên được miêu tả là xảy ra khá ngắn và đặc trưng bởi phản xạ giật mình sau khi bắt gặp một điều không thể ngờ tới.

Loại cảm xúc này có thể là tích cực, tiêu cực hoặc trung lập. Ví dụ như một sự bất ngờ không mấy thoải mái như có một ai đó nhảy ra từ sau bụi cây và dọa bạn khi bạn đang tiến về xe của mình trong màn đêm. Một trường hợp khác về sự bất ngờ mang lại niềm vui như thấy bạn bè tụ tập lại trong nhà để tổ chức sinh nhật cho bạn. Ngạc nhiên thường có những đặc điểm sau:

+Biểu cảm gương mặt: nhướng mày, mắt chữ A, miệng chữ O

+Phản ứng cơ thể: nhảy lùi về phía sau

+Phản ứng qua lời nói: kêu, la hét hoặc há hốc miệng

Ngạc nhiên là một loại cảm xúc nữa có thể dẫn đến "phản ứng bỏ chạy hoặc chiến đấu". Khi giật mình, con người sản sinh ra adrenaline giúp cơ thể hoặc là trốn chạy hoặc là chiến đấu. Ngạc nhiên có tác động quan trọng lên hành vi của con người. Chẳng hạn như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng con người thường chú ý vào những sự kiện bất ngờ một cách bất cân xứng. Đây cũng là lý do tại sao những sự kiện bất ngờ và bất thường trên bản tin thường làm chúng ta dễ nhớ hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng con người cũng bị ảnh hưởng bởi những cuộc tranh luận gây ngạc nhiên và học hỏi được nhiều hơn từ những thông tin bất ngờ.

Những loại cảm xúc khác

Sáu loại cảm xúc cơ bản của Eckman chỉ là một phần của rất nhiều loại cảm xúc khác nhau mà con người đã từng trải qua. Học thuyết của Eckman chỉ ra rằng có những cảm xúc cốt lõi xuyên suốt tất cả mọi nền văn hóa trên toàn thế giới.

Tuy vậy, những học thuyết và nghiên cứu mới vẫn tiếp tục tìm ra những loại cảm xúc khác và phân loại chúng ra. Sau này, Eckman đã bổ sung thêm một số cảm xúc nhưng cho rằng chúng khác với 6 kiểu cảm xúc cơ bản của ông, và không phải tất cả chúng có thể thấy được qua biểu cảm gương mặt. Một vài kiểu cảm xúc mà sau này ông phân ra như: sự thích thú, sự khinh miệt, sự bằng lòng, sự bối rối, sự kích thích, sự tội lỗi, sự hãnh diện, sự nhẹ nhõm, sự xấu hổ.

Những thuyết khác về cảm xúc

Với rất nhiều những quan niệm trong tâm lý học, không phải tất cả các nhà lý luận nào đều đồng ý với cách phân chia các loại cảm xúc hay là những cảm xúc cơ bản thực sự là gì. Trong khi học thuyết của Eckman là một trong số những học thuyết được biết đến nhiều nhất, thì những nhà lý luận khác lại đưa ra ý tưởng của họ về việc cảm xúc tạo lên điều cốt lõi cho những trải nghiệm của con người.

Ví dụ, một số nhà nghiên cứu đã cho rằng chỉ có hai hoặc ba cảm xúc cơ bản. Một số người khác lại cho rằng cảm xúc tồn tại dưới một trật tự nhất định. Những cảm xúc chính như tình yêu, niềm vui, sự bất ngờ, sự giận dữ và sự bực bội có thể trở thành những cảm xúc bậc hai. Ví dụ, tình yêu bao gồm các cảm xúc bậc hai như tình cảm và ham muốn. Những cảm xúc bậc hai này thậm chí còn có thể trở thành cảm xúc bậc ba. Chẳng hạn như cảm xúc bậc hai- tình cảm thì lại bao gồm cảm xúc bậc ba như thích, quan tâm, lòng thương và sự dịu dàng.

Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng có ít nhất 27 cảm xúc độc lập, và tất cả chúng có mối liên hệ với nhau. Sau khi nghiên cứu những phản ứng của hơn 800 người đàn ông đối với hơn 2000 video clips, những nhà nghiên cứu đã tạo ra được một bản đồ tương tác để chứng minh cách mà cảm xúc này liên quan đến cảm xúc kia.

“Chúng tôi đã tìm ra 27 kiểu riêng biệt, không phải 6, thực sự cần thiết để giải thích cho cách mà hàng trăm người báo cáo về cảm giác của họ đối với mỗi video”, nhà nghiên cứu cấp cao Dacher Keltner- giám đốc trung tâm Greater Good Science Center giải thích. Nói cách khác, cảm xúc không ở trạng thái độc lập. Thay vào đó, nghiên cứu này cho rằng cảm xúc có một cung bậc riêng và mỗi cảm giác khác nhau ấy có liên quan mật thiết với nhau.

Alan Cowen, tác giả chính của nghiên cứu và là nghiên cứu sinh của khoa thần kinh tại UC Berkeley đề nghị việc làm rõ bản chất của cảm xúc có thể giúp ích cho những nhà khoa học, nhà tâm lý học và bác sĩ học biết thêm về cách cảm xúc làm nền tảng cho hoạt động não bộ, hành vi và tâm trạng. Bằng việc xây dựng những hiểu biết tốt hơn về những trạng thái này, ông hi vọng những nhà nghiên cứu có thể phát triển những liệu pháp cải thiện giúp cho những tình trạng tâm thần.

Đôi lời từ Verywell

Cảm xúc đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, từ việc ảnh hưởng các mối quan hệ giữa ta và mọi người, cho đến những quyết định ta đưa ra. Bằng cách hiểu về một vài kiểu cảm xúc, bạn có thể có hiểu biết sâu sắc hơn về cách cảm xúc được thể hiện và tác động đến hành vi của chúng ta.

Tuy vậy, hãy nhớ rằng không một cảm xúc nào là một hòn đảo cô độc cả. Thay vào đó, những cảm xúc mà bạn đã trải qua đều có một sắc thái riêng, phức tạp và cùng hoạt động với nhau để tạo nên một cuộc sống đa sắc cảm.


----------

 Dịch giả: Nguyễn Hồng

Biên tập: Nguyễn Hồng

Minh họa: Nguyễn Hồng

Link bài gốc: https://www.verywellmind.com/an-overview-of-the-types-of-emotions-4163976

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: YBOX.VN”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Với mục tiêu chia sẻ và góp phần nâng cao kiến thức tâm lý cho những người trẻ, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Trở thành Cộng tác viên hoặc thực tập sinh để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức chuyên sâu về tâm lý cho cộng đồng tại đây   https://bom.to/AxK6nj 

(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.  

(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.


 ----------


 

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

302 lượt xem

lh-fulllh-x