Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Tâm lý] 9 Điều Cần Làm Khi Bạn Bắt Đầu Suy Nghĩ Quá Nhiều

Nếu bạn đã dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ một vấn đề và ít thời gian hơn để cố gắng giải quyết nó, hãy yên tâm rằng bạn không phải là người duy nhất. Nhiều người nghĩ quá nhiều, nhưng nó không thực sự trở thành vấn đề cho đến khi nó bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ.

Tôi cũng đấu tranh với điều này và tôi đã trải qua những khoảng thời gian mà nó khiến tôi không rơi vào vòng lặp không chỉ gồm những suy nghĩ tiêu cực mà còn cả những cảm xúc tiêu cực, thứ không cho phép tôi làm bất kỳ điều gì khác. Thoát ra và rũ bỏ những cảm xúc đó luôn luôn là điều khó khăn nhưng không phải là không thể.

Lấy cảm hứng từ kênh YouTube Positive Seed (Hạt giống tích cực) và kinh nghiệm của riêng tôi với tư cách là một người suy nghĩ quá nhiều, sau đây sẽ là một số điều bạn có thể làm để tạm dừng việc suy nghĩ quá mức.

Xin nhắc lại rằng bài viết này không dùng để chẩn đoán hoặc điều trị bất cứ điều gì. Bài viết này chỉ dành cho mục đích giáo dục. Nếu bạn cần giúp đỡ hoặc tư vấn, xin vui lòng liên hệ với chuyên gia sức khỏe tinh thần.

Bây giờ, đây là 9 điều cần làm khi bạn bắt đầu suy nghĩ quá mức.

1. Đặt câu hỏi, điều này có hợp lý không?    

Khi suy nghĩ quá mức, chúng ta dễ dàng đi từ suy nghĩ này sang suy nghĩ khác hoặc ý tưởng này sang ý tưởng khác, thay đổi và tô vẽ chúng dựa trên cảm xúc của chúng ta hoặc ảnh hưởng từ bên ngoài. Bởi vì điều này, thường xảy ra tình trạng một kịch bản nào đó trong đầu chúng ta được thêu dệt đến mức nó đi vào địa hạt phi lý trí mặc dù chúng ta cảm thấy nó có thể là sự thật.

Đặc biệt nó sẽ như vậy khi người đó tin rằng mọi thứ đều có thể xảy ra. Niềm tin ấy sẽ tạo thêm sức nặng cho viễn cảnh tưởng tượng đó. Trong trường hợp này, chúng ta phải tự nhắc nhở bản thân rằng mặc dù bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra nhưng không phải mọi thứ đều xảy ra.

Như đã nói ở trên, khi bạn thấy mình đang đi xuống hố đen mà suy nghĩ quá mức đưa bạn vào, hãy tự hỏi bản thân xem tình huống đó có thực sự xảy ra với những gì bạn biết về những con người và địa điểm liên quan hay không.

Xác suất của một điều gì đó xảy ra được xác định bởi việc có hay không các hoàn cảnh thích hợp để nó xảy ra. Nếu không, rất có thể đó là một suy nghĩ phi lý trí đang khiến sự lo lắng và hồi hộp của bạn gia tăng.

2. Viết nhật ký

Bạn có ghi chép những suy nghĩ của mình vào một cuốn sổ không? Nếu bạn làm vậy, có lẽ bạn đã nhận thấy bạn cảm thấy tốt hơn như thế nào sau khi viết ra các vấn đề của mình. Viết nhật ký giúp chúng ta có quan điểm về các tình huống mà chúng ta chỉ đơn thuần hành động theo cảm xúc.

Hành động viết buộc chúng ta phải suy nghĩ và phân tích những gì chúng ta viết, do đó nó buộc chúng ta phải xem xét lại những sự kiện làm chúng ta bận tâm hoặc soi sáng cho chúng ta. Làm điều này mang lại cho chúng ta một cách nhìn mới mẻ về mọi thứ và những hiểu biết mà trước đây chúng ta chưa có khi chìm đắm trong một sự việc.

Các chuyên gia sức khỏe tinh thần cũng đã nhận thấy, mặc dù không thể lý giải, việc viết ra giấy giúp giải tỏa và thậm chí giải phóng chúng ta khỏi những gánh nặng tình cảm mà chúng ta có thể đã mang cả ngày. Người ta tin rằng điều này là do tâm trí bây giờ cảm thấy thoải mái để loại bỏ suy nghĩ hoặc ý tưởng đó vì nó được viết ra và sẽ không bị lãng quên.

3. Sau này liệu nó có vấn đề gì không?

Liệu điều bạn đang lo lắng có ý nghĩa gì trong một giờ kể từ lúc này, một ngày kể từ bây giờ, vài tháng kể từ hiện tại không? Đôi khi chúng ta suy nghĩ quá nhiều, chúng ta cảm thấy như thể vấn đề hoặc suy nghĩ ấy sẽ bao trùm tất cả thời gian và năng lượng của chúng ta. Tuy vậy, nói chung, khi chúng ta lùi lại một bước để nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, chúng ta nhận ra rằng không phải như vậy.

Điều bạn đã nói vào cuối cuộc họp mà bạn cho là kỳ lạ và bạn lo lắng rằng mọi người sẽ chú ý hoặc cảm thấy tồi tệ về điều đó, họ có thể thậm chí không nghĩ gì về nó và quên nó đi. Điều bạn đã làm hoặc đã nói cách đây 5 năm, bạn có thực sự nghĩ rằng người khác vẫn đang nghĩ về điều đó hay đang sống cuộc đời của họ?

Trong hầu hết các trường hợp, những gì chúng ta suy nghĩ quá kỹ ngày hôm nay sẽ không thành vấn đề của sau này hoặc không bao giờ thực sự nằm trong tầm ngắm của người khác mà chỉ của riêng chúng ta. Biết được điều này, tại sao phải tốn quá nhiều sức lực và thời gian để suy nghĩ về nó? Bạn có nhiều điều tốt đẹp hơn, quan trọng hơn phải làm thay vì cảm thấy lo lắng về bất cứ điều gì mà bạn suy nghĩ quá mức.

4. Nỗ lực cải thiện

Bạn có thấy mình suy nghĩ quá nhiều về từng chi tiết nhỏ trong một dự án mà bạn đang thực hiện không? Những người suy nghĩ quá nhiều cũng là những người cầu toàn, dẫn đến nhiều nỗi nghi ngờ và chạy theo các ý tưởng khác nhau để làm cho dự án ban đầu trở nên tốt hơn.

Điều này đôi khi dẫn đến việc bị mắc kẹt ở một cấp độ hoặc khía cạnh của dự án hoặc rời bỏ dự án hoàn toàn bởi vì không đến được chính xác nơi bạn muốn. Suy nghĩ quá nhiều kết hợp với chủ nghĩa hoàn hảo có thể khiến các dự án bị bỏ dở và lãng phí các cơ hội.

Nó có thể trở thành một khuôn mẫu lặp đi lặp lại khiến bạn cảm thấy vô vọng và vô dụng khi nhìn thấy tất cả các dự án chưa hoàn thành của mình. Phấn đấu cho sự hoàn hảo sẽ chỉ dẫn đến cảm giác thất bại.

Vì lý do này, tốt hơn hết bạn nên tập trung vào sự tiến bộ thay vì cầu toàn. Với tiến độ, bạn làm cho dự án tốt hơn từng chút một. Bạn không bị ám ảnh bởi từng chi tiết nhỏ vì nó không cần thiết vào lúc này. Bạn chỉ làm mọi thứ một cách chậm rãi, với sự chú ý và lo lắng về hiện tại mà không phải là tương lai hoặc những gì mọi người nghĩ.

5. Sắp xếp

Phần lớn suy nghĩ quá mức xuất phát từ việc không biết bước tiếp theo là gì. Bạn bắt đầu suy nghĩ và đặt câu hỏi liệu bạn đã làm xong tất cả những thứ cần thiết chưa. Bạn bắt đầu đặt câu hỏi nếu bạn quên điều gì đó, và lo lắng rằng bạn đã quên. Sau đó, lo lắng về những gì sẽ xảy ra nếu bạn thực sự quên một cái gì đó.

Sắp xếp sẽ giúp mọi thứ trở nên hợp lý và giữ những điều quan trọng trước tầm mắt của bạn. Tạo lập những danh sách có thể giúp bạn tập trung vào những gì bạn đã viết ra thay vì để tâm trí của bạn tự do lang bạt khắp nơi.

Bởi vì sự tập trung của bạn bây giờ chỉ dành cho một số việc mà bạn có thể làm vào lúc này, bạn sẽ hoàn thành phần lớn chúng nhanh hơn nhiều so với việc bạn dành ra cả tiếng đồng hồ để suy nghĩ về điều gì đó.

6. Hiện tại là một món quà       

Khi bạn tập trung vào quá khứ hoặc tương lai, bạn sẽ khiến bản thân lo lắng và thêm căng thẳng. Bạn cũng lãng phí thời gian có thể sử dụng để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, thiết lập những kịch bản trong đầu mà rất có thể sẽ không bao giờ xảy ra.

Điều quan trọng nhất là, khi bạn dành thời gian suy nghĩ quá mức, bạn sẽ bỏ lỡ những điều ở ngay trước mắt. Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng bạn đang đến thăm một người thân yêu. Khi đến thăm những người thân yêu, tất cả những gì chúng ta muốn làm là dành thời gian cho họ và tận hưởng sự đồng hành của họ.

Tuy nhiên nếu thay vào đó, chúng ta dành khoảng thời gian này để lo lắng và suy nghĩ về những điều khác, chúng ta sẽ không lắng nghe người khác nói, không yêu thích sự hiện diện của họ, không có cơ sở và chia sẻ với cảm xúc của họ. Sự thân mật trở nên khó khăn khiến cho việc liên hệ với họ cũng trở nên khó khăn.

Hiện tại là hiện tại, nó thoáng qua và khó có thể nắm bắt nếu chúng ta không chú ý. Mặc dù cần phải luyện tập, đặc biệt là đối với những người có xu hướng suy nghĩ quá mức, bạn sẽ học được cách hiện diện trong tâm trí, cơ thể và trái tim khi bạn tạo ra các kết nối tốt hơn theo cách đó.

7. Thực hành lòng biết ơn và tạo lập danh sách những thành tích của bạn

Một cách hiệu quả để bắt đầu thực hành sự hiện diện là tạo lập danh sách biết ơn hay danh sách thành tích, hoặc cả hai. Việc thực hành lòng biết ơn khiến bạn tập trung vào mọi thứ bạn cảm thấy hàm ơn, đồng thời mang lại cho bạn một số năng lượng tích cực, những năng lượng ấy dần dần hình thành nên niềm vui.

Khi bạn thực hành lòng biết ơn, bạn sẽ rèn luyện tâm trí của mình để tìm ra điều cần biết ơn mỗi ngày và trân trọng những gì bạn có. Việc làm này cũng giúp bạn tập trung hơn và hiện diện nhiều hơn để tìm ra những điều nhỏ nhặt mà bạn biết ơn.

Viết ra những thành tích của bạn sẽ giúp bạn thấy mình đã đi được bao xa, đồng thời mang lại cho bạn cảm giác tự hào và thành tựu. Điều này giúp thúc đẩy mong muốn tiếp tục làm việc và hoàn thiện bản thân của bạn.

8. Chuyển động

Chuyển động như khiêu vũ buộc bạn rời khỏi tâm trí của mình và đi đến cơ thể cũng như trái tim. Bạn phải tập trung vào những gì cơ thể của bạn đang làm để thực hiện chính xác các động tác. Cũng như cảm nhận âm nhạc và nhịp điệu.

Chuyển động cơ thể sẽ đưa bạn từ không gian tinh thần đến thế giới hữu hình, nơi bạn không có lựa chọn nào khác ngoài hiện diện để không bỏ lỡ bất cứ điều gì. Nó cũng giúp bạn giải phóng căng thẳng và bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào khác mà cơ thể bạn đang duy trì. Sau một màn tập luyện tốt, bạn cảm thấy tinh thần dâng cao và có thể tập trung tốt hơn.

9. Thiền định

Bạn có thiền không? Có nhiều loại thiền khác nhau tập trung vào những thứ cụ thể. Nhưng hai lý do cơ bản khiến mọi người thiền là để tập trung và học cách loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực và xâm nhập ra khỏi tâm trí của họ.

Tùy vào từng giáo viên, bạn sẽ thấy một số người nói rằng điều quan trọng là phải bắt đầu lại cho đến khi bạn có thể đạt được tâm trí hoàn toàn trống rỗng trong suốt một buổi học. Trong khi những người khác sẽ nói với bạn rằng sẽ vẫn ổn nếu bạn bị phân tâm miễn là bạn tiếp tục luyện tập việc tập trung trở lại vào những gì bạn đang tập trung.

Bạn làm theo cách nào không quan trọng, bởi vì tất cả các cách đều giúp bạn rèn luyện tâm trí để tập trung vào hiện tại và cuối cùng, giảm bớt hoặc thậm chí ngừng suy nghĩ quá mức.


Suy nghĩ quá nhiều không giúp ích được gì cho bất kỳ ai, thay vào đó, nó có thể kìm hãm bạn. Hãy thử làm việc dựa trên nền tảng và trình bày từng bước một, và bạn sẽ dần dần thấy được sự cải thiện.

Bạn có thực hành bất kỳ cách nào trong danh sách này không? Chúng tôi có bỏ lỡ điều gì không? Hãy cho chúng tôi biết trong phần bình luận. Đừng quên xem kênh YouTube của chúng tôi để biết thêm các chủ đề thú vị như chủ đề này. Cảm ơn bạn vì đã đọc.

Daila Ayala

Dịch giả: Thùy Dương

Biên tập: Mỹ Trần

Nguồn ảnh: unsplash

Link bài gốc: https://psych2go.net/9-things-to-do-when-you-start-overthinking/

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.

(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

247 lượt xem

lh-fulllh-x