Anh Nguyễn@Gia Vị
4 năm trước
[Tâm Lý] Cách Để Giúp Một Người Vượt Qua Giai Đoạn Trầm Cảm
Trầm cảm có ảnh hưởng đáng kể tới cuộc sống của con người. Khi một người bị trầm cảm, họ sẽ luôn có cảm giác buồn bã và trống rỗng, khó khăn trong việc đưa quyết định, suy giảm hệ miễn dịch và tăng nguy cơ đau tim. Nếu không được điều trị, trầm cảm có thể trở thành nguyên nhân khiến chất lượng cuộc sống đi xuống.
Trải qua giai đoạn trầm cảm là quãng thời gian vô cùng khó khăn trong cuộc đời mỗi người, đó là lý do vì sao, với tư cách một người bạn hay thành viên trong gia đình, bạn nên cố gắng hỗ trợ cho người được chẩn đoán mắc chứng bệnh tâm lý này. Vai trò của bạn là một người bạn hay người thân trong gia đình chắc chắn sẽ trải qua một chặng đường dài trong việc khuyến khích người trầm cảm sống một cuộc sống bình thường và cuối cùng hồi phục khỏi căn bệnh tâm lý này.
Dưới đây là những cách bạn có thể giúp người thân vượt qua chứng trầm cảm:
1. Tự tìm hiểu về trầm cảm
Giúp một người mắc chứng trầm cảm có thể rất khó, đặc biệt là khi bạn không hề biết mình đang đối mặt với điều gì. Đúng vậy, trầm cảm là căn bệnh tâm lý phổ biến nhất thế giới, tuy nhiên, bên cạnh đó, bạn có biết triệu chứng của bệnh trầm cảm là gì hay căn bệnh có thể tác động tới tổng thể một người như nào không?
Trước khi ngỏ lời giúp một người trầm cảm, hãy dành chút thời gian tự tìm hiểu về căn bệnh này. Bạn có thể tìm đọc bài viết trên các nền tảng online, hỏi những người đã được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm, hoặc tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế. Tất cả những nguồn thông tin đó sẽ giúp bạn định hình được cách giúp người bạn hay người thân đang mắc chứng bệnh tâm lý này.
2. Luôn luôn lắng nghe.
Những người được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm thường sẽ giữ kín vấn đề của họ cho riêng mình, họ nghĩ rằng việc chia sẻ một cách cởi mở sẽ chỉ gây rắc rối cho người khác. Họ nghĩ rằng tất cả những người ở trong vòng tròn xã hội của họ có những vấn đề riêng, đó là lý do tại sao họ chọn cách tự giải quyết vấn đề của mình. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tích cực.
Người đã được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm và tiếp tục làm chai sạn cảm xúc của họ sẽ chỉ khiến tình trạng sức khỏe tâm lý của họ trở nên tồi tệ hơn và thậm chí đây nguyên nhân kích hoạt những thứ khác. Trong trường hợp xấu hơn, những người bị trầm cảm có thể sẽ tự tử khi họ đạt đến đỉnh điểm của cảm xúc tiêu cực và khi họ không có ai để chia sẻ.
Hãy chắc chắn rằng điều này sẽ không xảy ra với người thân và bạn bè của bạn bằng cách luôn bên họ, sẵn sàng lắng nghe họ. Nếu bạn đang nghi người bạn của mình đang trải qua chứng chầm cảm, hãy từ từ khơi gợi những chủ đề và hỏi han xem có điều gì đó khiến họ phiền muộn không. Xin đừng ép họ phải mở lòng nếu họ chưa sẵn sàng, điều đó chỉ khiến tình trạng của họ trở nên tồi tệ hơn thôi.
Để giúp người bạn của bạn dễ dàng cởi mở với bạn, hãy trò chuyện với họ bằng các phương pháp lắng nghe tích cực sau:
Đặt câu hỏi nếu bạn gặp khó khăn trong việc nắm bắt cảm xúc của người trầm cảm. Đây luôn là một lựa chọn tốt hơn so với việc giả vờ bạn thực sự hiểu những gì họ đang nói. Cuối cùng bạn sẽ làm tổn thương bạn bè hoặc gia đình của mình vì bạn chỉ già vờ đồng cảm những gì họ đang trải qua.
Luôn đồng cảm với họ bất cứ khi nào bạn trò chuyện với họ. Nếu họ nói với bạn rằng có vấn đề làm họ phiền lòng và nghĩ rằng họ đang trải qua giai đoạn trầm cảm, hãy bày tỏ sự đồng cảm bằng cách nói “Điều đó nghe có vẻ rất khó khăn. Tôi rất tiếc khi nghe điều này."
Bất cứ khi nào bạn trò chuyện với người bạn hoặc người thân đang mắc chứng trầm cảm, hãy thể hiện sự quan tâm và thấu hiểu bằng ngôn ngữ cơ thể. Những người trầm cảm thường rất nhạy cảm và sẽ ngừng chia sẻ cảm xúc của họ nếu nhận thấy rằng những người thân yêu của mình đang dần trở nên xa cách.
3. Giúp người đó tìm sự giúp đỡ
Bạn có thể đã giúp cho người thân bị trầm cảm của mình hết sức. Bất kể bạn quan tâm đến sức khỏe tinh thần của họ như thế nào, hãy nhớ rằng sức khỏe của họ sẽ cần đến sự can thiệp của chuyên gia. Bạn bè hoặc gia đình của bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia và đồng hành cùng họ trong quá trình điều trị để giúp họ vượt qua giai đoạn trầm cảm, quay lại với cuộc sống bình thường.
Quá trình tìm kiếm chuyên gia và phương pháp điều trị phù hợp có thể vất vả và mất nhiều thời gian với người trầm cảm, đó là lý do tại sao bạn nên giúp họ tìm kiếm sự hỗ trợ mà họ cần. Những người trầm cảm sẽ có rất nhiều suy nghĩ trong đầu và việc tìm kiếm một bác sĩ có thể đưa ra phác đồ phù hợp có thể là một thử thách lớn đối với họ. Một loạt các liệu pháp hiện hành, đặc biệt là trong thời gian gần đây, từ các buổi tập CBT cổ điển đến liệu pháp truyền ketamine, bạn cần phải tham khảo ý kiến từ các chuyên gia để tìm ra lựa chọn tốt nhất.
Để có thể thực hiện quá trình tìm kiếm này dễ dàng hơn, hãy mở lời đề nghị giúp họ trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ. Nếu họ không biết nên bắt đầu tìm kiếm từ đâu, bác sĩ nào tốt nhất cho họ, hãy tình nguyện giúp họ. Xem xét các nhà trị liệu tiềm năng, hỏi thăm những người đã từng làm việc với các nhà trị liệu này trong quá khứ và xác định xem ai trong số những người này sẽ phù hợp tình trạng của gia đình hoặc bạn bè của bạn. Bạn thậm chí có thể đi cùng họ đến buổi hẹn đầu tiên và động viên họ tham gia đầy đủ các buổi trị liệu.
Các phác đồ điều trị trầm cảm nói riêng và các bệnh tâm lý nói chung có thể tốn nhiều thời gian và sự hiện diện của bạn trong suốt quá trình điều trị chắc chắn sẽ là nguồn động viên lớn cho người thân hay bạn bè đang trải qua căn bệnh trầm cảm của bạn.
4. Tránh việc phán xét và trách mắng
Trầm cảm có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của một người. Căn bệnh tâm lý náy có thể khiến ta không còn hứng thú để chơi các môn thể thao yêu thích hoặc theo đuổi sở thích của riêng mình. Trầm cảm cũng có thể khiến một người trở nên lười biếng và mất dần động lực để đi loanh quanh và làm việc nhà.
Nếu bạn nhận thấy bạn bè hoặc người thân đang có những biểu hiện này, xin đừng trách mắng họ. Hãy nhớ rằng bạn bè, người thân của bạn không muốn rơi vào hoàn cảnh này và họ cũng đang cố gắng vật lộn để tìm kiếm các phương pháp điều trị có thể giúp mọi thứ quay trở về đúng quỹ đạo.
Thay vì xét nét và phàn nàn với người bị trầm cảm, hãy mở lời hỏi họ xem bạn có thể giúp gì trong hoàn cảnh đó. Nếu bạn thấy một người bạn hoặc thành viên trong gia đình gặp khó khăn khi làm việc nhà, hãy đề nghị giúp đỡ để họ có thể thực hiện chúng dễ dàng hơn. Nếu họ không còn năng lượng để ra ngoài thanh toán các hóa đơn vì quá chán nản, hãy đề nghị giúp họ làm mấy việc vặt hoặc lái xe cho họ.
Trầm cảm là một vấn đề sức khỏe tâm lý nghiêm trọng, đó là lý do tại sao bạn cần mở rộng sự kiên nhẫn và sự hiểu biết của mình cho bất kỳ ai mắc chứng bệnh này. Bị trầm cảm đã là một thử thách rất lớn đối với bản thân người bệnh, và việc trách móc họ sẽ chỉ khiến tình trạng của họ trở nên tồi tệ hơn thôi.
5. Đừng quên chăm sóc bản thân bạn
Nhìn thấy người mình thương yêu không thể chống chọi được với căn bệnh trầm cảm có thể rất đau lòng. Điều này đặc biệt đúng nếu tính cách và lối ứng xử của người đó đã hoàn toàn thay đổi vì trầm cảm. Tuy nhiên, nếu bạn có muốn từ bỏ mọi thứ để có thể tập trung hoàn toàn vào việc giúp đỡ người bạn hoặc người thân của mình vượt qua giai đoạn trầm cảm thì xin đừng làm điều đó. Đó sẽ là một thách thức lớn đối với bạn khi giúp đỡ và hỗ trợ người trầm cảm nếu bạn không dành thời gian tự chăm sóc bản thân mình trước. Bạn sẽ thể giúp một người trầm cảm thế nào nếu bạn cũng đang mắc phải vấn đề tâm lý tương tự?
Để có thể giúp một người đang bị trầm cảm một cách hiệu quả nhất, hãy chắc chắn rằng bạn cũng có thể chăm sóc tốt cho chính mình. Đây là một số cách để bạn có thể làm điều đó:
- Đặt ranh giới: Mặc dù thử thách ban đầu khá lớn, nhưng bạn nên biết cách thiết lập ranh giới khi đề nghị giúp đỡ người đang bị trầm cảm. Thay vì mang thức ăn đến cho người bạn trầm cảm đang chán nản của bạn mỗi ngày, hãy xin ghé qua nhà họ hai lần một tuần. Lịch trình này sẽ cho phép bạn giúp đỡ bạn bè hoặc người thân của mình, đồng thời đảm bảo rằng bạn vẫn có thời gian và năng lượng cho công việc và những việc cá nhân khác.
Nếu bạn thường quá bận rộn với công việc hằng ngày và người bạn bị trầm cảm không thể liên lạc với bạn, hãy tìm một đường dây nóng hỗ trợ những người trầm cảm 24/7 và khuyến khích họ sử dụng dịch vụ này. Bạn cũng có thể nhờ sự giúp đỡ từ những người bạn khác để tạo ra một mạng lưới lớn hơn và tích cực hơn cho người bạn hoặc người thân bị trầm cảm của mình.
- Tự chăm sóc bản thân: Một trong những cách dễ nhất và hiệu quả nhất để thể hiện sự giúp đỡ đối với người trầm cảm là lắng nghe mọi tâm sự của họ. Tuy nhiên, theo thời gian, điều này cũng có thể tác động đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc của chính bạn. Đối với những người có khả năng đồng cảm bẩm sinh, năng lượng tiêu cực của một người có thể ảnh hưởng đến họ, cuối cùng khiến họ trở nên căng thẳng và nặng nề theo.
Đảm bảo rằng những điều này không xảy ra với bạn bằng cách thường xuyên tự chăm sóc bản thân. Nếu bạn thấy mình bắt đầu căng thẳng sau khi nói chuyện với người trầm cảm, hãy tìm cách để thư giãn. Bạn có thể đến tiệm spa yêu thích của mình hoặc ra đường ăn uống trong quán cà phê mới nhất trong thành phố.
Tính kiên định
Có nhiều phương pháp để giúp đỡ và hỗ trợ người trầm cảm. Hầu hết các chiến lược này đều miễn phí, có nghĩa là bạn không phải chi một đồng nào nào để giúp đỡ một ai đó.
Tuy nhiên, bất kể phương pháp nào, bạn có ý định sử dụng, hãy luôn nhớ luôn kiên định và kiên nhẫn với nỗ lực của bạn. Phục hồi sau trầm cảm là một quãng đường dài, và với tư cách là một người bạn hoặc thành viên trong gia đình, bạn nên sẵn sàng trải qua tất cả những điều này.
-------------
Dịch giả: Phương Anh
Biên tập: ...
Minh họa: Matthew Lui
Link bài gốc: How To Help Someone Dealing With Depression
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: YBOX.VN”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/
(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
49 lượt xem