Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

publicnăm ngoái

[Tâm Lý] Cảm Giác Trống Rỗng Là Gì Và Nên Làm Gì Với Điều Đó?

Nếu bạn đang cảm thấy trống rỗng, bạn không một mình đâu. Rất nhiều người cảm thấy vậy theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, như Kaitlyn Slight, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở Raleigh, N.C đã nói: “Bạn cảm thấy trống rỗng vì cuộc sống của bạn dường như đang thiếu một thứ gì đó”. Đây có thể là sự trống rỗng từ một người thân yêu rời đi hoặc qua đời.

Hoặc sự trống rỗng có thể xuất phát từ việc “bỏ bê bản thân, không lắng nghe những hy vọng và mong muốn của chính mình”.  Bạn có thể bỏ rơi bản thân một cách vô tình bởi vì bạn đang phấn đấu cho sự hoàn hảo hoặc sự chấp thuận của người khác. Có lẽ bạn ngừng chăm sóc bản thân trong khi tập trung vào sự nghiệp của mình. Chẳng hạn, bạn hạn chế vận động, ngủ thiếu giấc. Bỏ rơi bản thân có thể là nguyên nhân gây ra sự mệt mỏi, trầm cảm, cảm giác tội lỗi và xấu hổ.

Khách hàng của Slight cũng đã đề cập đến cảm giác tê liệt (numb) hoặc đơn độc. Họ kể rằng công việc không được hài lòng, họ cảm thấy không thành công, các mối quan hệ của họ không được thỏa mãn hoặc không có gì thú vị.

Nhiều khách hàng của Ashley Eder (một nhà trị liệu tâm lý), những người mắc chứng trầm cảm nói họ cảm thấy trống rỗng (thay vì buồn). “Loại cảm giác trống rỗng này đi kèm với việc không quan tâm nhiều đến, không hứng thú với mọi thứ, không cảm thấy bị thúc đẩy bởi bất cứ điều gì.”

Nếu bạn đang cảm thấy trống rỗng, hãy đi gặp một nhà trị liệu. Đặc biệt, việc sàng lọc bệnh trầm cảm là rất quan trọng. Làm thế nào để xử lý sự trống rỗng của bạn phụ thuộc vào những gì gây ra nó. Dưới đây là một số gợi ý từ Eder và Slight.

1. Chấp nhận sự trống rỗng một cách nhẹ nhàng

Eder, LPC (Licensed Professional Clinical Counselor), một nhà trị liệu tâm lý ở Boulder, Colo cho biết, nếu bạn cảm thấy trống rỗng mà giống như có một lỗ hổng, hãy thừa nhận nó và nhẹ nhàng với chính mình. Đừng cố gắng gạt bỏ hoặc thay đổi cảm xúc của bạn.

Nếu sự trống rỗng này là do một người thân yêu qua đời, thì đừng tức giận với bản thân vì đau buồn nhiều năm sau đó. “Bởi vì mất đi một người thân yêu là một điều đau đớn và mặc dù sự mất mát thay đổi theo thời gian, nó không bao giờ trở thành “OK” với việc một người đã không còn trên đời. Trong trường hợp đó, bạn phải học được cách sống với sự thiếu đi người đó. 

Đôi khi, “lỗ hổng” hình thành vì bạn đã bỏ lỡ tình yêu khi bạn lớn lên, Eder nói. Điều này không có nghĩa là bạn không có một gia đình hạnh phúc. “Đây chỉ là một số kiểu tình yêu hoặc sự quan tâm có thể bị bỏ lỡ, và sau đó chúng ta cảm thấy hơi khó để bắt kịp những điều đó.”

Eder đề nghị an ủi bản thân với lòng từ bi. Chẳng hạn, bạn có thể nói: “Thật khó khăn khi mình cảm thấy cô đơn” hoặc “Đúng vậy, mình cần thêm tình yêu”.

2. Dành thời gian cho bản thân mỗi ngày

“Hãy chiến đấu với sự thôi thúc muốn hướng ra thế giới bên ngoài để cảm thấy đủ đầy”, Slight nói. Thay vì cố gắng lấp đầy khoảng trống bằng ma túy, rượu, TV, trò chơi điện tử hoặc bất cứ thứ gì khác, hãy nhìn vào bên trong và dành thời gian cho bản thân, cô nói.

Slight đề nghị dành thời gian để khám phá những ham muốn, nỗi sợ hãi, hy vọng và ước mơ của riêng bạn. Điều này giúp tạo ra nhiều ý nghĩa hơn trong cuộc sống hàng ngày và tương lai của bạn. 

Các hoạt động khác nhau có hiệu quả với những người khác nhau, bạn có thể thấy rằng việc thiền, viết lách hoặc tập thể dục giúp bạn tập trung vào chính mình. 

“Ban đầu, bạn có thể cảm thấy không thoải mái, nhưng bạn càng dành nhiều thời gian và sức lực cho bản thân và chăm sóc bản thân, thì những cảm giác trống rỗng đó sẽ càng ít đi.”

3. Tìm hiểu cảm xúc hiện tại của bạn

Eder gợi ý đặt hẹn giờ trong năm phút và chú ý đến những gì bạn đang cảm thấy ở hiện tại. “Nó không cần phải là một điều gì to lớn”. Bạn có thể viết những từ đơn giản như “chán nản”, “mất trí” hay “kì lạ”, cô ấy nói. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc đặt tên cho cảm xúc của mình, hãy tham khảo danh sách cảm xúc của Google.

Bạn có thể chọn một bộ phận trên cơ thể như cánh tay hoặc đầu và “kiểm tra các loại cảm giác (sensation) bằng cách quét (scan) qua nhiệt độ (temperature), độ căng (tension) và sự chuyển động (movement)”.

“Khi bạn thực hành những khoảng thời gian ngắn cho phép bạn cảm cảm nhận, bạn sẽ dần dần mở rộng sức chịu đựng của mình bao gồm những cảm xúc lớn hơn trong thời gian dài hơn.”

4. Tìm hiểu cảm giác trống rỗng của bạn

Slight đề nghị nghiên cứu các câu hỏi dưới đây. Chúng tôi có thể làm điều này trong khi viết nhật ký, đi dạo hoặc uống một tách trà.

  • Tôi đã bao giờ đánh giá bản thân hay so sánh bản thân với người khác chưa?
  • Tôi có nói với bản thân những điều tích cực không?
  • Hay tôi có xu hướng nhận thấy những thất bại hoặc tự gọi mình là xấu xí hay ngu ngốc?
  • Cảm xúc của tôi trong các mối quan hệ có được quan tâm không? Hay tôi đang làm giảm đi những cảm xúc thật của mình?
  • Tôi có tích cực chăm sóc các nhu cầu về thể chất và sức khỏe của mình không?
  • Tôi đã bao giờ lảng tránh những cảm xúc của mình bằng cách thể hiện những hành động khác và sử dụng chất kích thích chưa?
  • Có phải tôi chỉ tập trung vào nhu cầu của người khác hoặc mọi người hay không?
  • Tôi đang cố gắng để chứng minh hay giành chiến thắng điều gì?
  • Tôi có đang tự trách mình hay cảm thấy tội lỗi về những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình không?
  • Tôi có thể hiện sự yêu thương với bản thân mình như với một người bạn thân hay với thành viên trong gia đình không
  • Tôi có tự khẳng định mình trong các quyết định và tôn trọng ý kiến ​​cá nhân không?

5. Khen ngợi bản thân

Khi còn nhỏ, một số người trong chúng ta đã sử dụng sự thiếu cảm xúc của mình (lack of feelings) để bảo vệ bản thân khỏi bị lấn át, Eder nói. “Trong trường hợp đó, hãy tự tin vào việc đưa ra một giải pháp hiệu quả khi bạn còn nhỏ và bất lực.”

Hôm nay, hãy dành thời gian cho cảm xúc của bạn, cô ấy nói. “Bạn có một số việc cần làm. Và bạn không cần phải vội vàng gạt đi cách sống cũ của bạn.”

Cảm giác về sự trống rỗng có thể dẫn đến những suy nghĩ đau khổ, chẳng hạn như “cuộc sống không có gì đáng sống”, hoặc “không có hy vọng”, Slight nói. Nhắc lại một lần nữa, trị liệu có thể giúp bạn khá hơn. Nó có thể giúp bạn tìm ra những nguyên nhân cơ bản của cảm xúc của bạn và cho phép bạn tự đưa ra quyết định về cách thực hiện những thay đổi tích cực.

Việc thừa nhận và chấp nhận cảm giác trống rỗng của bạn là rất cần thiết. Yêu bản thân mình cũng là một việc rất quan trọng. Slight nói rằng: “Cho dù bạn đang trải qua những mối quan hệ khó khăn, sự mất mát hoặc cảm thấy thiếu mục đích hay ý nghĩa, bạn vẫn xứng đáng được sống một cuộc đời trọn vẹn và có ý nghĩa”.

------------------

Dịch giả: Du

Biên tập: Xanh Lam

Minh họa: Du

Nguồn ảnh: unsplash.com

Link bài gốc: psychcentral

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Với mục tiêu chia sẻ và góp phần nâng cao kiến thức tâm lý cho những người trẻ, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Trở thành Cộng tác viên hoặc thực tập sinh để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức chuyên sâu về tâm lý cho cộng đồng tại đây  https://bom.to/AxK6nj 

(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.

(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

11,386 lượt xem