Cà Phê Nâu@Gia Vị
4 năm trước
[Tâm Lý] Chủ Nghĩa Hư Vô - Cách Tìm Ra Ý Nghĩa Cuộc Đời
“Người có lý do để sống sẽ chịu
được hầu như mọi cách sống” – Nietzsche
Nếu bạn giống như tôi, việc tìm kiếm
ý nghĩa đôi khi khá khó nắm bắt và nhiều người trong chúng ta sẽ phải vật lộn với
việc này vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Tại sao chúng ta tồn tại? Rốt
cuộc ta sinh ra vì cái gì? Lý do cho những điều mà ta làm là gì? Mục đích cho mỗi
cá nhân của chúng ta là gì?
Tất cả đều là những câu hỏi hay và
quan trọng hơn, câu trả lời của chúng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của
bạn. Khi ta càng sống với mục đích và định hướng rõ ràng hơn, ta càng có xu hướng
trở nên hạnh phúc hơn.
Đối với tôi, một trong những tình huống
gây suy nhược nhất trong cuộc sống là sự lạc lối đi kèm với chủ nghĩa hư vô hiện
sinh. Đây là một góc nhìn có thể khiến chúng ta thả trôi qua cuộc sống một cách
vô nghĩa, không có mục đích hay phương hướng. Tôi đã từng như vậy, và có thể bạn
cũng thế. Vậy chúng ta có thể làm gì về vấn đề này?
Thứ nhất, triết học khắc kỷ là một
khuôn khổ tuyệt vời để tạo ra sự ổn định, sự bình tĩnh và ý nghĩa trong cuộc sống
của bạn. Triết học khắc kỷ là một trong số rất ít triết học cổ đại vẫn còn được
thực hành cho đến ngày nay. Cách tiếp cận hợp lý, tính thực tế và hiệu quả của
nó vẫn luôn hoạt động như một chiếc áo giáp chống lại dòng cát thời gian đã làm
xói mòn nhiều triết lý khác của thế giới cổ đại.
Chủ nghĩa hư vô & Ý nghĩa
của cuộc sống:
Nói một cách đơn giản thì, tôi không
tin rằng cuộc sống này có bất kỳ ý nghĩa nào cả. Tôi không tin rằng thứ ý nghĩa
đó tồn tại bên ngoài tâm trí con người. Đó không phải là điều mà bạn có thể tìm
thấy trong thế giới rộng lớn ngoài kia.
Ý nghĩa đến từ bên trong ta.
Tôi tin rằng bạn mới là người phóng chiếu ý nghĩa đó ra thế giới xung quanh. Bạn
quyết định điều gì có ý nghĩa và điều gì không.
Vì vậy, từ đó, bạn có một số trách
nhiệm nhất định. Việc định nghĩa “ý nghĩa là gì” là tùy thuộc vào bạn. Không ai
sẽ làm điều đó thay cho bạn. Bạn phải tự đưa ra quyết định.
Đó là cơ sở để bắt đầu. Bắt đầu từ
chính bạn.
“Con người không chỉ đơn giản
là tồn tại. Con người sẽ luôn quyết định sự tồn tại của mình như thế nào, sẽ trở
thành gì trong giây phút tiếp theo. Đồng thời, mỗi con người đều có quyền tự do
thay đổi bất cứ lúc nào”. - Viktor Frankl
Ý nghĩa & Bài học rút ra
từ Thảm sát Holocaust:
Tôi biết… đó là một tiêu đề nặng nề.
Có một người đàn ông bị giam giữ
trong các trại tập trung của Đức Quốc xã cho đến năm 1945. Một người đàn ông, với
nền tảng về tâm lý học, có một khả năng độc đáo để quan sát và miêu tả rõ bản
chất của những người bị giam cùng ông.
Quan trọng hơn, ông ấy đã quan sát
cách một số người bạn tù dường như phóng đại sự đau khổ của họ trong điều kiện
khó khăn, trong khi nhóm người khác tìm ra cách để giảm bớt những đau khổ ấy.
Trong cùng một hoàn cảnh, nhưng tư duy của họ lại khác nhau, bởi tư duy là một sự lựa chọn.
Tù binh chiến tranh mà chúng ta sẽ
khám phá là một người đàn ông tên là Viktor Frankl.
Frankl là một nhà trị liệu tâm lý
người Áo gốc Do Thái, sống ở Vienna trong Thế chiến 2, và sự kiện tháng 9 năm
1942 đã đẩy ông vào cuộc đàn áp của những người Do Thái Ghettos.
Vào tháng 10 năm 1944 Frankl và vợ
được đưa đến trại Auschwitz để bị xử lý. Đó là lần cuối cùng họ được gặp nhau.
Con người và cuộc hành trình
đi tìm ý nghĩa:
Bất chấp sự đau khổ của mình, Frankl
đã sử dụng kiến thức nền tảng của mình về trị liệu tâm lý và áp dụng nó vào
hành vi con người mà ông quan sát được trong các trại tập trung.
Ông kết luận rằng có một đặc điểm
luôn giúp những người bị bắt đương đầu với đau khổ và làm tăng đáng kể những
thay đổi về khả năng sống sót của họ; Ý nghĩa.
Frankl đưa tác phẩm của mình vào một
cuốn sách ngắn nhưng đầy sức mạnh; Cuốn sách “Đi tìm lẽ sống” (Man's Search for
Meaning).
Cá nhân tôi cho rằng, đây là một trong những cuốn sách sâu sắc nhất mà tôi từng đọc. Tôi khuyên bạn nên đọc nó, không chỉ như một lời nhắc nhở rõ ràng về khả năng của những mặt tối trong bản chất của chúng ta, mà còn như một hướng dẫn về ý nghĩa sâu sắc hơn, sự kiên trì và niềm hy vọng.
Một trong những điểm quan sát chính
của ông ấy là việc những người tù xung quanh ông cần ý nghĩa trong cuộc sống của
chính họ. Ông bị choáng ngợp bởi tác dụng của ý nghĩa trong việc giúp đỡ những
người bị giam giữ của mình chống lại sự đau khổ và khó khăn của họ, và thậm chí
khiến họ có thể cười và đùa về hoàn cảnh của họ.
Ông đã viết rằng:
“Như vậy, có thể thấy rằng sức
khỏe tâm thần dựa trên một mức độ căng thẳng nhất định, căng thẳng giữa những
gì một người đã đạt được và những gì một người vẫn phải hoàn thành, hoặc khoảng
cách giữa con người hiện tại và con người ta muốn trở thành. Sự căng thẳng như
vậy vốn có trong con người và do vậy đó là điều không thể thiếu đối với sức khỏe
tinh thần. Vì vậy, chúng ta không nên do dự về việc thử thách một con người với
một ý nghĩa tiềm năng để người đó theo đuổi. Chỉ có như vậy chúng ta mới đánh
thức được ý chí của người đó về ý nghĩa từ trạng thái tiềm ẩn của nó. Tôi cho rằng
đó là một quan niệm sai lầm nguy hiểm về mặt tinh thần khi cho rằng những gì
con người cần ngay từ đầu là trạng thái cân bằng, hay, như nó được gọi trong
sinh học là "cân bằng nội môi", tức trạng thái không căng thẳng. Điều
con người thực sự cần không phải là trạng thái không căng thẳng mà là sự phấn đấu
và đấu tranh cho một mục tiêu đáng giá, một nhiệm vụ được tự do lựa chọn. Điều
anh ấy cần không phải là giải tỏa căng thẳng bằng bất cứ giá nào mà là tiếng gọi
của một ý nghĩa tiềm tàng đang chờ anh ấy thực hiện”.
Chúng ta phát triển dưới một mức độ
căng thẳng phù hợp. Một điểm cân bằng giữa việc tận hưởng những thành tựu trong
quá khứ, và động lực thúc đẩy để đạt đến tiềm năng tối đa của chúng ta. Với sự
căng thẳng này, sức khỏe tinh thần của chúng ta bắt đầu phát triển khi chúng ta
được thúc đẩy để thực hiện một mục đích, một ý nghĩa gì đó.
Như với rất nhiều thứ khác, đây là một
sự cân bằng. Quá ít và bạn trở nên lười biếng và thờ ơ. Quá nhiều và bạn bắt đầu
hy sinh hạnh phúc của mình với căng thẳng và đẩy bản thân đi quá giới hạn chịu
đựng. Tất cả chúng ta đều khác biệt và vị trí cân bằng này sẽ là duy nhất đối với
bạn. Bạn sẽ phải tự đi tìm nó.
Trong thời gian Frankl ở Auschwitz
và nhiều trại khác, ông nhận ra rằng số phận của những người đàn ông xung quanh
ông được quyết định rất nhiều bởi sự hiện diện của ý nghĩa trong cuộc sống của
họ.
Ông nhận thấy rằng những người được
thúc đẩy bởi một mục đích hoặc ý nghĩa nhất định sâu xa hơn có khả năng sống
sót cao hơn những người không có.
Trong các trại, đây thực sự là một vấn
đề sinh tử. Ý nghĩa của một cá nhân đóng vai trò là kim chỉ nam, là ánh sáng
cho những khoảnh khắc đen tối nhất của cuộc đời họ.
“Người có lý do để sống sẽ chịu
được hầu như mọi cách sống” – Nietzsche
Cách tìm Ý nghĩa:
Giờ đây, thật may mắn là chúng ta
đang sống một cuộc sống thoải mái hơn nhiều so với các tù nhân chiến tranh Do
Thái vào những năm 1940. Vì vậy, mặc dù “ý nghĩa” có thể không phải là vấn đề
sinh tử, nhưng “mục đích” ngày nay là vấn đề về sự đau khổ và hạnh phúc. Nó vẫn
là một điều cực kỳ quan trọng.
Khi chúng ta đã quyết định mục đích
của mình, chúng ta cũng sẽ thấy rằng chúng ta có thể đối phó với khó khăn và bất
hạnh hơn. Mục đích làm cho khó khăn trở nên dễ chịu hơn bởi vì chúng ta có lý
do để chịu đựng nó. Khi con tàu của chúng ta vướng vào những cơn bão của cuộc đời
và bị rung chuyển dữ dội trong gió và mưa to, mục đích của chúng ta đóng vai
trò là ngọn hải đăng cho chúng ta hy vọng và giữ chúng ta đi tiếp.
Khi chúng ta sống không có mục đích,
khó khăn có thể nhấn chìm chúng ta, đánh bại chúng ta. Khi đó sẽ không có ngọn
hải đăng nào, không có động lực nào thì thầm với tinh thần chúng ta để giúp ta
vững bước và vượt qua giông bão.
Trong trường hợp của Frankl, ông nhận
thấy rằng sự thiếu ý nghĩa này đã khiến nhiều người đàn ông xung quanh ông bỏ
cuộc, đầu hàng trước hoàn cảnh của họ và qua đời một cách buồn bã.
Trong trường hợp của chúng ta, sự
thiếu ý nghĩa này sẽ khiến nhiều người đàn ông và phụ nữ xung quanh chúng ta
rơi vào trạng thái lo lắng, trầm cảm hoặc rơi vào hư vô.
Chủ nghĩa hư vô là niềm tin rằng thế
giới này không có ý nghĩa khách quan, và trong khi điều này có thể đúng, chúng
ta phải chịu trách nhiệm phát triển ý nghĩa của chính mình. Nếu chúng ta tìm kiếm
nó bên ngoài bản thân mình, chúng ta có thể không bao giờ tìm thấy nó. Nó bắt đầu
từ chính chúng ta.
Frankl cũng viết:
“Chắc chắn, việc tìm kiếm ý
nghĩa của con người có thể khơi dậy sự căng thẳng bên trong hơn là trạng thái
cân bằng bên trong. Tuy nhiên, chính sự căng thẳng như vậy là điều kiện tiên
quyết không thể thiếu của sức khỏe tâm thần. Tôi mạn phép nói rằng không có gì
trên thế giới này có thể giúp một người sống sót ngay cả trong những điều kiện
tồi tệ nhất một cách hiệu quả như việc biết rằng có một ý nghĩa trong cuộc sống
của mỗi chúng ta. Có rất nhiều triết lý trong những lời của Nietzsche:
"Người có lý do để sống sẽ chịu được hầu như mọi cách sống"”
Cuộc sống thường khiến chúng ta phải
trả giá bằng sự đau khổ, và cái giá này sẽ có vẻ sẽ dễ chịu hơn rất nhiều nếu
ta đau khổ vì một điều gì đó, vì một mục đích cụ thể.
Ví dụ, ý nghĩa của chúng ta có thể
là chu cấp cho người khác, nuôi gia đình, viết sách, sáng tác nhạc, diễn xuất,
chơi thể thao hoặc nấu ăn. Nhìn vào những bậc cha mẹ phải làm những công việc tồi
tệ (đôi khi nhiều công việc một lúc) để đảm bảo có đủ thức ăn trên bàn cho bọn
trẻ. Họ có ý nghĩa cho cuộc đời và điều này giúp họ chịu đựng được sự đau khổ của
họ.
Dù chúng ta chọn làm gì, dù ta quyết
định đi bất cứ con đường nào, chúng ta phải làm điều đó với một mục đích. Làm
điều đó khi có ngọn hải đăng soi sáng đường.
Điều quan trọng là tìm ra ý nghĩa để bạn không bị cuốn vào đau khổ mà không có hy vọng.
Frankl đã viết:
“Mỗi người đều có sứ mệnh
riêng của riêng mình trong cuộc sống; ai cũng có một nhiệm vụ cụ thể đòi hỏi sự
hoàn thành. Tại nhiệm vụ đó ta không thể bị thay thế, cũng như cuộc sống của ta
không thể lặp lại. Vì vậy, nhiệm vụ của mỗi người là duy nhất, và cơ hội cụ thể
của ta để thực hiện nó cũng vậy.”
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc
tìm kiếm ý nghĩa hoặc không biết bắt đầu từ đâu, đừng tạo áp lực quá lớn cho bản
thân, hãy tiếp tục tìm kiếm. Chúng ta luôn có thể quyết định một con đường mới
bất cứ lúc nào.
“Con người không chỉ đơn giản
là tồn tại, mà con người luôn phải quyết định sự tồn tại của mình sẽ như thế
nào, sẽ trở thành gì trong giây phút tiếp theo. Đồng thời, mỗi con người đều có
quyền tự do thay đổi bất cứ lúc nào”. - Viktor Frankl
-------------
Dịch giả: Cà Phê Nâu
Biên tập: Khánh Linh
Nguồn ảnh: Unsplash
Link bài gốc: Nihilism - How To Find
Meaning
(*) Bản quyền bài dịch thuộc
về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn
là “Tên dịch giả - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không
đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Với mục tiêu chia sẻ và
góp phần nâng cao kiến thức tâm lý cho những người trẻ, chúng tôi mong nhận được
sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Trở thành Cộng tác viên hoặc thực tập sinh để
rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức chuyên sâu về tâm lý cho cộng đồng tại
đây https://bom.to/AxK6nj
(***) Follow Facebook Tâm Lý
Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập
nhật các bài viết mới hằng ngày.
(***) Follow Instagram
tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc
thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
386 lượt xem