Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public4 năm trước

[Tâm Lý] Hoài Niệm: Ta Đang Chờ Gì Trên Chuyến Hành Trình Trở Về Quá Khứ?

Theo nhiều người, quá khứ - hay ít nhất là một phần của quá khứ - chính là biểu tượng của một thời vàng son, một thời rực rỡ hơn nhiều so với những gì người ta vẫn thường nghĩ tới. Trong những thập kỉ trước, một số người ủng hộ quan điểm con người có thể chọn cách sống chậm lại và đơn giản hơn. Trước khi Internet lên ngôi và các kênh truyền hình nở rộ, để thỏa mãn chính mình, người ta sống nương tựa vào nhau, vào thiên nhiên, đất trời. Gia đình, tín ngưỡng lúc bấy giờ là tất cả những gì con người hướng đến. Giao tiếp mặt đối mặt là chìa khóa. Mạng xã hội từng không không được biết đến. Thời xưa, trẻ con lân la khắp các ngõ xóm của mình, thoải mái chơi mấy trò tự nghĩ ra mà không cần sự giám sát của cha mẹ. Người ta mua hàng ở trong khu phố của mình. Niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước là kỳ vọng của toàn xã hội.

Theo đó, năm 2015, một cuộc nghiên cứu về những thay đổi trong giá trị của người Mỹ đã nhận thấy có 53% người trưởng thành thích những năm 1950s hơn thời hiện đại.

Nhưng cũng có một bộ phận, chủ yếu là thế hệ sinh sau thế chiến thứ 2, phản đối quan điểm này. Họ cho rằng áp lực lên các gia đình hạt nhân cũng chính là gông xích kìm kẹp người phụ nữ trong vai trò nội trợ: vừa phải chăm con, chăm chồng và chăm lo cho tổ ấm của mình. Nữ giới có ít cơ hội được đến trường hơn so với nam giới, và trong xã hội ấy, họ bị cấm có thời gian vui chơi. Phân biệt chủng tộc xảy ra trong bất kì thể chế xã hội nào. Đồng tính là điều mà người ta luôn muốn che lấp đi. Ngay cả tiếng nói kêu gọi sự thích ứng bên trong và sự hoài nghi bên ngoài của cả cộng đồng và tôn giáo cũng có thể bị bóp nghẹt. Và điều mà cựu Tổng thống Eisenhower gọi là “tổ hợp chính trị - quân sự” đã ngày càng tách biệt nước Mỹ ra làm hai, ngay tại trong và ngoài nước.

Những người trung lập thừa nhận rằng thập kỷ trước vừa có mặt lợi vừa có mặt hại của nó. Khoa học và công nghệ tiên tiến giúp tăng tuổi thọ, cải thiện mức sống của người dân các nước công nghiệp. Nhưng cũng chính sự phát triển ấy làm gia tăng mức độ nguy hiểm của các cuộc tấn công hạt nhân hay sự suy thoái môi trường. Dân số và sự xâm chiếm Trái Đất của loài người đã mở rộng một cách chóng mặt; thế giới tự nhiên đang ngày càng bị thu hẹp lại. Máy tính và các phương tiện truyền thông điện tử đang hiện thực hóa giấc mơ không tưởng về sự trao đổi sản phẩm và giao thoa văn hóa. Bên cạnh đó không thể không kể đến tình trạng nghiện ngập, mua sắm vô độ, cờ bạc, khiêu dâm cũng như chính trị cấp tiến, trộm cắp qua mạng và mua chuộc ngày càng phổ biến. Mặt lợi và hại của sự toàn cầu hóa, đặc biệt là sự di chuyển của dòng người, dòng hàng hóa, thông tin xuyên biên giới, là không thể kể hết.

Nhìn nhận được sự phức tạp của vấn đề, ở đây tôi chỉ muốn bàn luận về dáng vẻ quyến rũ của một thời xưa cũ, thỉnh thoảng vẫn còn vương vấn lòng ta. Cái mà người ta vẫn gọi là sự luyến tiếc quá khứ hay hoài niệm.

Cần nhận thức rõ rằng luyến tiếc quá khứ không phải là khát khao được trở về từng ngày từng giờ của quá khứ, để đương đầu với tất cả các khó khăn trên kia. Nó cũng chẳng phải ham muốn chạy theo những giá trị hay chuẩn mực của thời kỳ trước. Theo cách hiểu này, luyến tiếc quá khứ cần được tách biệt với chủ nghĩa truyền thống. Nó khác với sự sùng kính quá khứ có trong hầu hết mọi quan điểm truyền thống quan trọng. Theo đó, rất lâu trước đây, đã có những người phụ nữ và đàn ông vĩ đại sống giữa chúng ta, dưới sự chỉ bảo tận tình của Chúa cho loài người. Quá khứ, hiện tại và tương lai không tách rời nhau. Thế nhưng, tôn giáo đã nhấn mạnh việc chúng ta cần vâng theo lời tuyên thệ đạo đức và noi gương các bậc cha ông trong cuộc sống ngày nay. Tôn giáo không phải sự ghé thăm của quá khứ, nó là minh chứng rằng hiện tại chúng ta vẫn đang chung sống với quá khứ. Nhận thức bé nhỏ của con người về thời gian và sự vô tận là không đồng nhất, điều quan trọng là vĩnh cửu.

Hoài niệm là mong muốn được trở về quá khứ trong hình hài ngọt ngào và lý tưởng nhất của nó. Hoài niệm có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp còn bao hàm nghĩa chờ mong trở về quê hương. Đây là một từ phổ biến vào cuối thế kỉ mười bảy, dùng để miêu tả sự bất mãn của quân lính Thụy Sĩ khi thấy mình trở nên lạc lõng, bơ vơ giữa thế giới Alphie. Họ nhớ về thứ tình cảm gắn bó trong gia đình, cuộc sống của vùng thôn quê với cả sự trao đi và nhận lại. Nỗi u sầu ẩn chứa cả đắng cay và ngọt ngào - hay nói cách khác, đó là khát vọng về một thời đã qua đầy tươi đẹp, vỡ lẽ rằng khoảnh khắc ấy đã vụt mất và có lẽ sẽ chẳng thể quay lại nữa.


Có lẽ ít ai trong chúng ta cảm thấy quen thuộc với hình tượng người lính xa nhà, xa quê, ngày ngày phải đấu tranh giữa sự sống và cái chết. Nhưng chắc chắn mỗi người đều hiểu được cảm giác của sự chia ly, nếu không phải về mặt khoảng cách thì cũng là thời gian. Có người lớn nào mà lại chưa từng trải qua nỗi đau mất đi người thân hay bạn bè của mình? Hẳn ai cũng đã từng có những trải nghiệm quý báu khi lần đầu gặp mặt người mà sau này trở nên quan trọng nhất với ta, niềm vui chiến thắng bất ngờ sau bao gian nan, được sum họp sau bao xa cách. Ta tận hưởng niềm vui khi nhớ về những gì đã qua, những gì đã làm. Quan trọng nhất có lẽ là khi ấy chúng ta như được một lần nữa sống lại một khoảnh khắc trong quá khứ.

Vì lẽ đó mà ta vẫn còn giữ lại cuốn album ảnh cũ hay những đoạn video của gia đình. Chúng ta giữ lại các kỷ vật: bức tranh từ hồi bé xíu, bức thư từ thời đại học, đôi giày tập nhảy, đồ dùng trong gian bếp của người thương. Chúng là bến đỗ để những dòng kí ức xa xôi neo đậu.

Đôi khi, ta cũng chẳng cần một cái gì đó cụ thể. Kỉ niệm vẫn có thể sống dậy, chỉ cần một cảm xúc bất chợt, một phút giây thoáng qua. Hương thơm thoang thoảng đâu đây cũng đủ làm ta nhớ về gian phòng của nội, một mảnh vải vụn cũng đủ để gợi về chiếc ghế sờn chỉ trước đây; một món ăn, một thức uống làm ùa về bao kỉ niệm về một thời dĩ vãng. Nó mang cho ta niềm hạnh phúc được kết nối, để ta biết rằng chúng vẫn ở đó, trong sâu thẳm tâm hồn mình vẫn luôn có một góc để dành cho chúng.

Trên chuyến hành trình ngược dòng quá khứ, bạn có thể đi một mình. Thế nhưng, nếu thêm một người nữa cũng rất tuyệt. Anh (chị) em có thể cùng ngồi lại tỉ tê về chuyến dã ngoại của gia đình vào 40 năm trước. Đám bạn hồi cấp ba có dịp hội ngộ về mảnh kí ức của những buổi trốn học cùng nhau. Đồng đội cũ hàn thuyên về một đời thăng trầm không quên.

Dăm ba câu chuyện này, đúng hay sai, đâu ai hay biết. Đó cũng chẳng phải điều gì quá quan trọng ở đây mà chính là cách ta dựng lên chúng như thế nào. Khi cùng nhau hồi tưởng, ta bồi hồi nhớ lại những chuyện đã xảy ra, chúng đã tác động đến ta như thế nào trong quá trình trưởng thành. Chúng ta nhận ra có những người tưởng chừng đã xa cách cả một đời người hóa ra lại quan trọng đến thế. Trong vai là những người kể chuyện, là người lắng nghe ở hiện tại, ta biết rằng các mối quan hệ như vậy vẫn có giá trị nhất định. Ta bớt đi đôi lời để quá khứ len lỏi giữa đôi mình. Nếu có cơ hội gặp nhau ở 10 năm sau, ta sẽ được nhớ lại một thời đã qua, soi chiếu vào mọi ngóc ngách của câu chuyện. Sử sách, ít nhất là theo kiểu sử sách truyền miệng được tạo nên bởi mọi sự đổi thay ở hiện tại.

Bạn đọc sẽ khăng khăng mà cho rằng ấy là hồi tưởng chứ không phải hoài niệm. Bởi rằng hồi tưởng có thể tập trung vào cả trải nghiệm tích cực lẫn tiêu cực. Nó có thể khuấy động lên ngay cả những gì nhỏ bé nhất, những gì mơ hồ nhất, và những điều nhỏ bé ấy cũng làm ta bàng hoàng không thôi. Thông thường, một câu chuyện bao gồm anh hùng, nhân vật phản diện, những kẻ ngốc nghếch và cả một dàn nhân vật phụ theo sau.


Hoài niệm thì khác. Chúng là chiếc hũ đựng vô vàn kỷ niệm ngọt ngào. Ta xót xa nhớ lại và nhận ra rằng cái thời tươi đẹp ấy đã đi qua. Nội đã yên nghỉ cả chục năm rồi. Người ta cũng dỡ bỏ ngôi nhà rồi. Ta vừa khát khao trở về thời ấy, vừa tiếc nuối những gì đã qua. Ta muốn được khờ dại, được tràn đầy hy vọng và sống lại lần nữa.

Vậy hoài niệm tốt hay xấu? Mỗi nhà tâm lý học lại đưa ra những quan điểm khác nhau. Ở mặt tích cực, hoài niệm giúp chúng ta kết nối với quá khứ, giúp ta nhận ra quá khứ cũng quan trọng như hiện tại. Đó là chìa khóa mở cánh cửa của các câu chuyện, các mối quan hệ. Nó giúp ta biết rằng dù hoàn cảnh lúc này có khó khăn, gian khổ ra sao thì vẫn còn có những người quan tâm tới mình. Hoài niệm là một cách để xoa dịu tâm hồn trong thời kỳ vạn vật đều đổi thay, bấp bênh và căng thẳng.

Sự phản chiếu vừa ngọt ngào lại vừa chua chát này cũng phải có mức độ. Tần suất quá nhiều có thể kìm hãm khả năng thích ứng của con người trước một xã hội không ngừng biến đổi. Đặc biệt, khi ta luôn coi đây là thời kỳ huy hoàng ở mọi thời điểm, trong mọi mối quan hệ, mà không suy xét tới những lỗ hổng của nó. Có thể hình ảnh của bà chúng ta lúc nào cũng sắc nét và hằn sâu trong tâm trí. Lý tưởng hóa quá khứ là một vấn đề khi ta rũ bỏ hiện tại và tương lai - những điều thực sự mà ta cần xây dựng.

Cứ vui vẻ đi theo con đường ký ức. Tham gia vào ngày hội Pioneer Days ở thị trấn của bạn. Ghé thăm phố Disney. Ngắm nhìn những nhân vật cổ tích trong một cửa hiệu lòe loẹt màu sắc hay thưởng thức một ly nước chanh pha tạp. Mở ra chiếc hộp kỉ niệm cấp ba hay cuốn album cũ. Nhưng hãy luôn nhớ rằng thế giới không ngừng quay và cho dù quá khứ hay hiện tại thì luôn có những chông gai cần ta đối mặt.


 ----------

Dịch giả: Nguyễn Hồng

Biên tập: Gia Huy

Nguồn ảnh: google.com

Link bài gốc: Nostalgia: What Is it We Are Looking For?

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

483 lượt xem

lh-fulllh-x