Nguyễn Thị Thùy Dương (E)@Gia Vị
2 năm trước
[Tâm Lý] Làm Gì Khi Bạn Không Muốn Sống, Nhưng Cũng Không Muốn Chết?
Ý nghĩ tự sát là gì?
Nếu bạn đã từng nghĩ "Tôi không muốn sống như này, nhưng tôi cũng không muốn chết" - bạn không hề đơn độc. Những tác nhân chính gây ra sự căng thẳng trong cuộc sống, tổn thương thời thơ ấu hoặc bệnh trầm cảm không được điều trị là tất cả những lý do khiến một người có thể cảm thấy như vậy.
Đây có thể được xem như là ý nghĩ tự sát, tức là nghĩ đến việc tước đoạt mạng sống của chính mình. Chín phần trăm tổng dân số từng có ý nghĩ tự sát trong đời, nhưng chỉ có 14% trong số đó có ý định thực hiện. Tỷ lệ thành công của các vụ tự tử thậm chí còn thấp hơn — cứ 31 lần thử thì chỉ có một lần thành công.
Nếu bạn đã quyết định mình không muốn sống như thế này nữa nhưng cũng không muốn chết, có khả năng bạn đang có ý nghĩ tự sát thụ động. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã nghĩ đến việc không tiếp tục sự sống của mình nữa, nhưng bạn không thực sự có một kế hoạch nào cho việc kết thúc mạng sống.
Tuy nhiên, ý nghĩ tự sát thụ động có thể rất nhanh sẽ chuyển sang chủ động (tức là khi bạn lên kế hoạch, tìm cách và chuẩn bị tinh thần cho việc đó).
“Quan trọng là cần nhớ rằng cảm giác muốn tự sát là một trạng thái có thể thay đổi nhanh chóng,”theo nhà trị liệu kiêm bác sĩ chuyên nghiên cứu về vấn đề tự tử được cấp phép Janel Cubbage, LCPC.
Điều này có nghĩa là cảm giác cũng có thể nhanh chóng được giảm bớt, bao gồm thông qua các can thiệp mới đầy hứa hẹn như liệu pháp sử dụng chất gây mê ketamine (ketamine infusion therapy) và kích thích từ trường xuyên sọ (transcranial magnetic stimulation)
Cảm giác như bạn không muốn sống nhưng bạn cũng không muốn chết có nghĩa là một điều gì đó khiến bạn đau đớn. Cubbage nói: “Nó có thể truyền tải nỗi đau về mặt tình cảm và khao khát muốn thay đổi.”
Nó có thể cho thấy rằng bạn cảm thấy có nhiều điều nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn và những cảm giác bất lực đó cũng có thể dẫn đến sự tuyệt vọng. khiến bạn cảm thấy thật vô nghĩa khi tiếp tục sống. Hoặc có lẽ bạn đang cảm thấy một chút khủng hoảng hiện sinh (existential crisis) — tự hỏi mục đích của tất cả những điều này là gì. Bạn có thể tự hỏi tại sao những điều vụn vặt trong cuộc sống của bạn lại quan trọng và tại sao bạn lại quan trọng.
Đối mặt với những câu hỏi lớn trong cuộc đời có thể thực sự khó khăn và đem lại cảm giác vô cùng cô độc, khiến bạn dễ dàng rơi vào vòng xoáy và tin rằng không có điều gì quan trọng cả. Tuy nhiên, đặt ra nghi vấn về sự tồn tại cũng có thể mở ra không gian cho nhiều ý nghĩa trong cuộc sống của bạn hơn khi bạn nghĩ về những điều quan trọng đối với bạn.
Có thể bạn đang cảm thấy tuyệt vọng ngay bây giờ, nhưng có một số điều bạn có thể làm, chẳng hạn như tham gia trị liệu, tiếp cận mạng lưới hỗ trợ xã hội của bạn và lập kế hoạch cho sự an toàn.
Nếu bạn vẫn chưa ở trong một vài kiểu điều trị sức khỏe tinh thần, hãy cân nhắc đến việc gặp gỡ bác sĩ trị liệu, người mà có thể giúp bạn vượt qua những cảm giác này và tìm hiểu lý do tại sao bạn cảm thấy mình không thể sống như vậy..
Họ cũng có thể giúp bạn xác định các công cụ đối phó mà bạn có thể sử dụng để giữ an toàn cho bản thân và giảm bớt những cảm giác này.
Cubbage nói: “Lập kế hoạch cho sự an toàn là một cách dựa trên bằng chứng khoa học để giúp ngăn ngừa nhập viện và những nỗ lực muốn tự tử.”
Trong nghiên cứu khảo sát những bệnh nhân có ý định tự tử trong phòng cấp cứu, lập kế hoạch cho sự an toàn có liên quan đến việc số bệnh nhân có nguy cơ thực hiện hành vi tự sát trong tương lai giảm đi một nửa và có khả năng tham gia điều trị sức khỏe tinh thần tăng lên gấp đôi.
Một số điểm chính cần được đưa vào kế hoạch cho sự an toàn bao gồm danh sách các chiến lược đối phó đã hiệu quả đối với bạn và các nguồn cung cấp sự hỗ trợ. Các nguồn cung cấp sự hỗ trợ có thể là bạn bè và gia đình cũng như những chuyên gia sức khỏe tinh thần — bác sĩ trị liệu của bạn hoặc cơ quan sức khỏe tinh thần địa phương mà bạn có thể liên hệ.
Các chuyên gia sức khỏe tinh thần đôi khi sử dụng một công cụ gọi là "Bản tóm tắt những lý do để sống" để đánh giá khả năng tự tử, nhưng bạn cũng có thể muốn tự mình xem xét nó để bắt đầu nhớ lại lý do bạn muốn sống. Hoặc bạn có thể tự mình lập danh sách — và không có gì quá nhỏ bé để đưa vào. Nếu bạn muốn sống vì bạn yêu ly cà phê buổi sáng của mình, điều đó cũng được tính đến!
Cũng giống như sự tuyệt vọng có thể dẫn đến cảm giác không muốn sống ở bạn - nhưng bạn không nhất thiết muốn chết - cảm giác hy vọng có nghĩa là có một tia sáng nào đó ngoài kia. Trong một nghiên cứu, những người xác định được nhiều lý do để sống hơn có khả năng tiếp cận những lý do đó tốt hơn, ngay cả trong giai đoạn trầm cảm.
Trầm cảm hoặc ý nghĩ tự sát có thể lừa dối bạn và nói với bạn rằng bạn là một gánh nặng — nhưng chúng đang nói sai sự thật. Những người thân yêu của bạn quan tâm đến bạn và muốn giúp đỡ bạn — và sự hỗ trợ xã hội là một trong những yếu tố bảo vệ hàng đầu chống lại hành vi tự sát.
Một số lợi ích mà hỗ trợ xã hội mang lại:
Các lợi ích thiết thực như cung cấp số điện thoại cho đường dây nóng hoặc trung tâm tư vấn
Làm gián đoạn nỗ lực tự tử về mặt thể chất
Gia tăng cảm giác thân thuộc
Tăng các nhân tố mang tính bảo vệ như lòng tự trọng
Phản hồi từ những người khác
Những tài nguyên phục vụ cho việc giải quyết vấn đề
Sự tiếp xúc với các sự kiện mang tính tích cực
Cảm giác như bạn đang ở đúng nơi bạn thuộc về — nhờ vào hỗ trợ xã hội — nâng cao sự tự trọng và làm giảm cảm giác gánh nặng. Cảm giác thân thuộc có thể góp phần làm giảm khả năng tự sát.
Nghiên cứu cho thấy rằng thực hành tôn giáo làm giảm nguy cơ trầm cảm và tự tử, nhờ vào cảm nhận về ý nghĩa, mục đích và lòng biết ơn thường xuất hiện trong mối liên hệ với việc tham gia vào một tôn giáo nào đó.
Nếu bạn không theo bất kỳ tôn giáo nào cả, nhưng bạn là người tâm linh, điều tương tự cũng áp dụng cho tâm linh cùng với khả năng giúp bạn tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.
Nếu bạn lo lắng về ai đó, người mà đã nói rằng họ không muốn tiếp tục sự sống nhưng họ cũng không muốn chết, chúng tôi biết điều này có thể khiến bạn sợ hãi.
“Bản năng tự nhiên của bạn có thể là nhắc nhở họ về lý do họ phải sống hoặc nói với họ hãy nghĩ về bạn bè cùng với gia đình và cái chết của họ sẽ ảnh hưởng đến những người đó như thế nào. Gạt những bản năng đó sang một bên và lắng nghe chúng. Hãy lắng nghe chúng. Hãy để họ cho bạn biết điều gì đã góp phần gây nên nỗi đau về mặt tinh thần của họ.”- JANEL CUBBAGE
Tất nhiên, nếu ai đó sắp gặp nguy hiểm, hãy liên hệ với các dịch vụ khẩn cấp hoặc đưa họ đến phòng cấp cứu gần nhất.
Bạn thật dũng cảm khi nhận ra rằng bạn không muốn sống tiếp như này nữa, song bạn không muốn chết. Mong bạn hãy nhớ rằng: một kế hoạch cho sự an toàn và một mạng lưới hỗ trợ có thể giúp bạn vượt qua khoảng thời gian khó khăn này.
Theodora Blanchfield
Dịch giả: Thùy Dương
Biên tập: Mỹ Trần
Nguồn ảnh: google
Link bài gốc: When You Don't Want to Live—But You Don't Want to Die
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
6,175 lượt xem