Ngô Phương Trang@Gia Vị
5 năm trước
[Tâm Lý] Lạm Phát Bằng Đại Học: Vì Sao Chỉ Có Bằng Cấp Là Chưa Đủ
Thế nào là lạm phát bằng cấp?
Lạm phát là khi một thứ bị giảm giá trị so với trước đây. Tiền là ví dụ nổi tiếng khi nhắc đến chủ đề này. Nhưng là sinh viên, chúng ta cũng nên để ý một tài sản khác của mình cũng bị mất giá trị. Đó là bằng Đại học.
Chúng ta đang sống ở một đất nước rất chú trọng đến tỷ lệ tốt nghiệp. Tốt nghiệp THPT phải cao hoặc rất cao, tốt nghiệp Đại học cũng không được thua kém. Nhà nước muốn thế hệ lao động tương lai có trình độ Cử nhân càng nhiều càng tốt.
Mặt tích cực là trình độ lao động và dân trí của chúng ta càng được nâng cao so với vài thập kỷ trước. Thời đó, không nhiều người có điều kiện về tài chính và năng lực để học Đại học, điều đó làm cho những sinh viên vượt qua chông gai và thành công có được tấm bằng rất “gì và này nọ” trong mắt mọi người và tất nhiên là cả nhà tuyển dụng.
Ông bà chúng ta hay cảm thán thế hệ tụi nhỏ bây giờ thật may mắn khi được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng khi một thế hệ ai cũng được tạo điều kiện như vậy, thì việc có tấm bằng Đại học nhìn đâu có “gì và này nọ” nữa.
Khi tất cả chúng ta đều đặc biệt, thì sự đặc biệt đã không còn. Việc có tấm bằng Đại học đã không còn đặc biệt giá trị như lúc trước nữa.

Ở Việt Nam, đặc biệt là các gia đình trung lưu cho đến khá giả thì việc đi học là một bắt buộc chứ không còn là lựa chọn tự do của mỗi người. Mười hai năm đi học đến hết cấp 3, đa số các bạn học sinh sẽ cùng nhau thẳng tiến vào Đại học, Cao Đẳng hoặc Trung cấp.
Nhoáng một cái đã hết 4 năm đại học (không tính các trường đặc thù như y, dược), các tân sinh viên năm nào đã thành các tân cử nhân. Sau giờ phút vui mừng khi cầm tấm bằng trên tay, họ lao vào cuộc chiến tìm việc.
“Yêu cầu kinh nghiệm từ 6 tháng đến 1 năm”
Đây hẳn là dòng chữ làm nhiều tân cử nhân lo sợ nhất. Và nhiều người tự hỏi tại sao học 4 năm Đại học rồi mà vẫn không đủ, mà vẫn phải cần thêm cái này cái kia. Tại sao không thể chỉ chìa bằng Đại học là được nhận ngay?
Dưới đây là những lý do làm cho bằng cấp Đại học mất giá trị hơn so với trước đây:
Bằng Đại học không còn đảm bảo sinh viên ra trường sẽ có việc làm (đúng chuyên ngành)
Bằng ĐH cũng không thể đảm bảo sinh viên sẽ được trả mức lương cao
Kiến thức từ chương trình Đại học không thực sự có ích so với yêu cầu công việc
Không giúp ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng: 10 ứng viên thì cũng 9 hoặc 10 người có bằng
Thay vì bỏ thời gian và tiền để lấy tấm bằng, sinh viên có thể lấy kiến thức và kinh nghiệm nếu đi làm luôn (nếu tìm được công ty phù hợp) hoặc tự mở việc kinh doanh riêng
Ngoài các ngành đặc thù như y dược và kỹ sư, v.v, các công ty ngày càng đánh giá cao ứng viên có kỹ năng và kinh nghiệm hơn là chú ý đến bằng cấp và chứng chỉ.
Bằng Đại học đã không còn giá trị nữa thì tôi không học Đại học được không?
Sự lựa chọn là ở các bạn (đôi khi, là gia đình bạn nữa). Tuy trên thế giới có rất nhiều trường hợp không học, hoặc bỏ ngang việc học ĐH và thành công vang dội. Tuy nhiên trước khi quyết định, hãy chú ý rằng:
Những trường hợp bỏ học và thành công là rất ít
Họ đều biết mình muốn gì, họ bỏ học để tập trung cho việc đó sau khi cảm thấy trường ĐH không giúp thêm gì cho họ
Nếu chưa biết vì sao mình không muốn học ĐH (ngoài lý do cảm thấy nó không có ích), thì việc đi học ĐH vẫn là một lựa chọn tốt. Điều này vẫn còn rất đúng ở Việt Nam, vì nếu không học ĐH sẽ đóng lại kha khá cơ hội mà đáng lẽ bạn có thể dễ dàng đạt được.
Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại CV xem. Hình trên là một mẫu CV phổ biến, bạn sẽ để ý là 4 năm đại học chỉ được gói gọn bằng 1 hoặc vài dòng gồm tên trường, ngành học và điểm tốt nghiệp (GPA). Chỗ chiếm diện tích lớn nhất trên CV là kinh nghiệm, thành tích và kỹ năng.
Không khó để thấy là bằng Đại học ngày nay không phải là tất cả. Tấm bằng chỉ có vai trò là một tấm vé thông hành, là thứ khiến nhà tuyển dụng quyết định đọc tiếp hay bỏ qua CV của bạn (dù vậy, vẫn có ngoại lệ nếu công ty không chú trọng bằng cấp).
Cũng khá cay đắng khi 4 năm học vất vả chỉ để đổi lấy vài dòng ít ỏi như vậy. Nhà tuyển dụng cần sinh viên chứng minh năng lực nhiều hơn nữa. Lúc này những tân sinh viên chỉ chăm chăm học Đại học như hồi cấp 3, gần như sẽ rơi vào tâm lý khủng hoảng do cảm thấy mình không thể cạnh tranh được.
Bằng ĐH đã không thể giúp mình đặc biệt hơn trong mắt nhà tuyển dụng, vậy thì chúng ta làm cách khác vậy.
Phần này sẽ cho bạn vài gợi ý khiến mình đặc biệt hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Tùy vào việc bạn đang là sinh viên năm mấy hoặc vừa ra trường mà gợi ý sẽ khác nhau. Ở đây bài viết chia ra 3 nhóm: sinh viên năm 1-2, sinh viên năm 3-4 và sinh viên mới tốt nghiệp.
Ở trong phần này sẽ nhắc đến những công việc làm thêm nên tránh hoặc hạn chế làm và lý do vì sao (dựa trên quan điểm cá nhân của người viết).
Các bạn sinh viên mới và năm 2 (cũng còn khá mới) có đặc điểm chung là chịu khó lăn xả, đang rất nhiệt huyết tìm hiểu thế giới, v.v.
Tài sản quý nhất của nhóm này là thời gian, rất nhiều thời gian là đằng khác. Tuy các bạn sẽ khá bỡ ngỡ với môi trường và cách học mới, nhưng khối lượng kiến thức cũng chưa quá nhiều và nặng đâu.
Loại kiến thức và kinh nghiệm mà các bạn có thể tích lũy đến từ:
Tham gia hoạt động xã hội của trường ĐH các bạn, hoặc của các tổ chức uy tín khác
Trở thành cộng tác viên ngắn hoặc dài hạn cho các công ty /tổ chức (như YBOX, v.v)
Công việc làm thêm bán thời gian (vào lúc không có tiết và không ảnh hưởng việc học) như: nhân viên cửa hàng, gia sư, sale, v.v
Đi học hoặc tự học một vài kỹ năng bạn thấy thú vị như dịch thuật, viết, chụp ảnh, thiết kế, đồ họa, lập trình, v.v
Nhân viên bán thời gian (part-time) cho công ty (hiếm nhưng không phải không có)
Học ngoại ngữ mà bạn thích
Thời gian năm 1-2 cũng nên dùng để khám phá bản thân. Ở cấp 3 có thể bạn không có thời gian hoặc điều kiện để tìm hiểu sở thích, thế mạnh của mình dẫn tới việc học sai ngành. Nếu muốn đổi ngành thì 2 năm này cũng là thời điểm thích hợp nhất.
Một điểm lưu ý là sinh viên năm nhất, năm 2 dù tích lũy kinh nghiệm vẫn nên ưu tiên việc học vì như vậy mới không lãng phí tiền học và thời gian của các bạn. Thêm nữa hãy tìm hiểu kỹ trước khi bắt đầu một công việc để tránh gặp phải lừa đảo nhé.
Bước vào năm 3 và năm cuối các bạn sinh viên sẽ bận rộn hơn 2 năm đầu khá nhiều. Khối lượng kiến thức và bài tập nhiều và khó hơn. Các bạn cũng sẽ bắt đầu tìm hiểu hoặc suy nghĩ về định hướng nghề nghiệp tương lai.
Giai đoạn này, theo quan điểm của người viết, bạn không nên tập trung vào những hoạt động xã hội hoặc các việc làm thêm không liên quan trực tiếp đến chuyên môn như nhân viên cửa hàng, gia sư, v.v ở phần trên.
Thay vào đó, đây là những gợi ý để bạn tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm:
Cộng tác viên hoặc nhân viên bán thời gian cho công ty/ tổ chức (hãy chọn công ty phù hợp với định hướng nghề của bạn nhất)
Học thêm chứng chỉ nghề (như ngành tài chính, kế toán và kiểm toán có CFA, ACCA, v.v): bạn có thể tự học nếu không có điều kiện tài chính để đến trung tâm (tự học vẫn tốt hơn là không học)
Tiếp tục trau dồi khả năng ngoại ngữ
Một lưu ý là năm 3 các bạn sinh viên sẽ đi thực tập và năm 4 sẽ làm luận văn tốt nghiệp. Hai thời gian này rất quan trọng và đòi hỏi bạn toàn tâm toàn ý cho nó, vậy nên nếu có thể bạn nên tạm dừng các hoạt động bên ngoài việc học để tập trung hoàn thành tốt 2 việc này nhé.
Chúc mừng các bạn tân cử nhân sau khi trầy trật với luận văn thì cũng đã cầm được tấm bằng tốt nghiệp. Sau vài tuần (hoặc vài tháng) bung xõa, giờ là lúc xem lại các kinh nghiệm của mình để ghi vào CV.
Những gợi ý về kinh nghiệm để điền vào CV như sau:
Công việc làm thêm
Cộng tác viên
Thực tập
Hoạt động xã hội
Dự án cá nhân, dự án nhóm
Còn nếu bạn rơi vào nhóm chỉ lên trường rồi về nhà, chỉ học và không tham gia gì hết thì sao?
Lúc này phần kinh nghiệm hoặc bạn có thể thay bằng thành tích học tập (điểm số của các môn liên quan, hoặc môn học được điểm cao) và kỹ năng mềm như làm việc nhóm, kỹ năng văn phòng, v.v.
Nhưng bạn cảm thấy CV của mình không quá nổi bật và muốn có thêm kinh nghiệm? Hãy tham khảo những gợi ý sau:
Tham gia các chương trình thực tập (ưu tiên có liên quan đến nghề nghiệp mong muốn, nhưng có tham gia 1 chương trình còn hơn không)
Học thêm chứng chỉ nghề (như ngành tài chính, kế toán và kiểm toán có CFA, ACCA, v.v): nếu có thể thi lấy chứng chỉ luôn thì càng tốt, còn không thì bạn vẫn có kiến thức chuyên môn để ghi vào CV rồi
Đi làm luôn: yên tâm là vẫn có những công ty cần bạn. Nếu mức lương chưa được như bạn muốn, hãy nhớ lúc này bạn cần ưu tiên kinh nghiệm
Thiết kế CV nổi bật hơn: nhiệm vụ của CV là giúp bạn được hẹn đi phỏng vấn. Vì vậy 1 CV nổi bật cũng là điểm cộng cho bạn
Chuẩn bị phỏng vấn kỹ hơn: tập trung vào điểm mạnh của bạn, và học cách tự tin khi giới thiệu bản thân khi phỏng vấn.
Đúng là đã qua rồi cái thời có bằng Đại học là có cả thế giới. Những công việc ngày xưa chỉ cần có bằng Đại học là đủ thì ngày nay cần phải có bằng Thạc sỹ hoặc vài năm kinh nghiệm mới đủ điều kiện.
Sinh viên chúng ta bị kẹt giữa việc phải học ĐH và cần thêm kinh nghiệm do sự mất dần giá trị của tấm bằng. Nhiều bạn cảm thấy bối rối vì là sinh viên thì đào đâu ra kinh nghiệm. Nhưng không còn cách nào khác, không có thì chúng ta phải tìm cách để có, vì nếu không sẽ chẳng đặc biệt nổi trong mắt nhà tuyển dụng.
Hy vọng bài viết sẽ cho bạn sự yên tâm, hoặc là một vài gợi ý hữu ích nhé.
-------------
Tác giả: Ngô Phương Trang
Biên tập: Phạm Như Quỳnh
Minh họa: canva.com
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Tâm lý học tuổi trẻ. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên tác giả - Nguồn: Tâm lý học tuổi trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.
(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
525 lượt xem