Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Tâm lý] Làm Sao Khi Người Thua Cuộc Không Thể Chịu Đựng Được Thất Bại?

Những nghiên cứu về động lực đề xuất một vài giải pháp giúp người thất bại tránh bị mất kiểm soát.

Trong rất nhiều cuộc tranh đua, luôn luôn có kẻ thua người thắng. Khi đặt chân mình vào một đấu trường, đưa bản thân lên chặng đường của sự nỗ lực chiến thắng, bạn chắc chắn đã xác định rằng kết quả cuối cùng có thể sẽ không như mong đợi. Mỗi cuộc đua đều đặt ra cho bạn cái giá: đó là mang sức mạnh thể chất và sức bền tinh thần của bạn ra “thử lửa”. Nếu bạn là một vận động viên xuất sắc đứng trong một trận chiến về sức mạnh, bạn sẽ cảm thấy bản thân chơi kém và bị người khác đè bẹp. Nếu bạn là kẻ thất bại thật sự, bạn sẽ bắt đầu đổ lỗi lên những yếu tố ngoại cảnh khác nhau, như trọng tài thiên vị chẳng hạn. Khi bạn làm kiểm tra, mà lại bị điểm kém, hoặc là bạn học hành chăm chỉ hơn để cải thiện, hoặc là tiếp tục làm kẻ thất bại đau đớn phàn nàn về những câu hỏi hóc búa.   

Trong chính trị, thắng và thua phụ thuộc vào bao nhiêu phiếu bầu mà bạn có khả năng giành lấy. Đã bao giờ bạn chạy hết tốc lực vì một vị trí mà bạn muốn có, muốn đến mức mà nếu bạn đến đó thứ hai, tinh thần của bạn sẽ bị hủy hoại chưa? Rõ ràng, những ai muốn bầu cho bạn lại thấy được những điều cuốn hút ở người khác mà bạn sở hữu ít hơn. Có lẽ cuộc bầu cử chỉ có sự tham gia của một số người khác trong hội đồng hoặc ủy ban địa phương. Bạn nghĩ họ là đồng minh của mình. Song, kết quả lại cho thấy điều ngược lại. Bực bội trong lòng, bạn từ bỏ cả hội đồng ấy vì không muốn nhìn thấy mặt họ nữa.

Một kẻ thất bại thảm hại trong ngữ cảnh mà tôi đang nói đây cũng giống như Van Jones từ CNN miêu tả: “Kẻ kết thúc dở òm”. Jones dùng từ này hàm ý nói đến tổng thống Donald Trump khi ông ấy có những phản ứng trước kết quả bầu cử vào ngày 6 tháng 11 vừa qua, khi ông thất bại trước Joe Biden. Ý Jones muốn nói đến một viễn cảnh có thể xảy ra: Có thể là Trump sẽ không chịu rời Nhà Trắng khi hết nhiệm kỳ, hoặc là sẽ tạo ra nhiều chướng ngại để kết quả khó được thành hiện thực mà hậu quả có thể kéo dài hàng tuần liền. Sau khi Biden được tuyên bố là người thắng cuộc, Trump đã tiếp tục đặt ra nhiều thử thách hợp pháp để ngăn cản kết quả cuối cùng, đúng như những gì David Abel nói trên trang Boston Globe.


Kẻ kết thúc dở có thể khác với kẻ thất bại thảm hại một chút. Hãy xem qua ví dụ của vận động viên tennis Novak Djokovic khi anh ấy đánh quả bóng trúng ngay nữ trọng tài trong giải quần vợt mở rộng Hoa Kỳ vào tháng 10 năm nay dẫn đến việc anh bị truất quyền thi đấu. Cuối cùng, Djokovic phải xin lỗi vì hành động thiếu tinh thần thể thao của anh. Một người kết thúc dở là người chẳng bao giờ tự giác rời bỏ đấu trường mà phải chờ bị ép buộc ra khỏi đó.


Điều gì khiến cho một số người quá khó khăn trong việc tiếp nhận thất bại đến vậy? Theo một nghiên cứu về tâm lý học tổ chức thực hiện bởi Barbara Wisse và đồng nghiệp ở đại học Groningen, một khi con người có được quyền lực, họ thường không muốn từ bỏ nó. Họ thích những lợi ích và thù lao mà nó mang lại, đó là chưa kể đến khả năng điều khiển người khác mà nó ban cho. Nhưng với vị thế đó, viễn cảnh sẽ luôn sát cánh cùng họ là sự thất bại. Nỗi sợ mất đi quyền lực trở thành thế lực thao túng hành vi của họ. 

Dẫn ra câu nói của Napoleon Bonaparte, Wisse và cộng sự muốn chuyển thể mục đích nghiên cứu của mình thành mệnh đề sử thi: “Quyền lực là quý bà của tôi. Tôi đã lao động quá nhọc nhằn để chiếm được sự thống trị của cô ấy, quá nhọc nhằn để cho phép ai đó cướp mất cô ấy khỏi tay tôi.”

Khi những nhà lãnh đạo, cả trong chính trị và trong môi trường công sở có nỗi sợ này, một vài yếu tố tiêu cực tạo nên động lực sẽ “nhảy vào cuộc chơi”.

Quan trọng hơn cả, khi một ai đó sợ hãi mất đi quyền lực, họ sẽ phấn đấu kiên cường hơn nữa để bảo vệ mục đích của họ, bỏ qua những điều tốt nhất cho tập thể. Hay nói cách khác, nhiều người hơn nữa sẽ cùng thất bại một lúc. Những người lãnh đạo sợ mất mát cho bản thân sẽ thường đưa ra quyết định có lợi cho họ, đôi khi chấp nhận cả việc đánh đổi cuộc sống của nhân viên.

Một yếu tố quan trọng thứ ba mà Wisse và các cộng sự đưa vào đó là môi trường tổ chức luôn khuyến khích sự ganh đua của con người. Những lãnh đạo mang một nỗi sợ mất đi quyền lực mạnh mẽ thường cố gắng lấy đi tất cả họ có thể khi tổ chức mà họ làm việc vận hành theo kiểu “kẻ chiến thắng có tất cả”. 

Nhóm của đại học Groningen thực hiện một chuỗi nghiên cứu gồm ba nghiên cứu chính với hai trong số đó thực hiện ở hai công ty Hà Lan, và một nghiên cứu thì lấy mẫu online từ một công ty Hoa Kỳ. Trong nghiên cứu, nhóm thực hiện đã lấy 159 cặp (nhân viên và lãnh đạo) và 56 nhóm (nhóm nhân viên và lãnh đạo của họ). Những người Hà Lan đến từ môi trường tổ chức có dịch vụ vì lợi nhuận. Trong khi đó, mẫu lấy ở Hoa Kỳ được khai thác từ 387 người giám sát từ nhiều doanh nghiệp. 

Trong thước đo của họ, nỗi sợ mất quyền lực được xác định bởi mức độ đồng ý của các giám sát viên với ba mệnh đề: (1) “Thỉnh thoảng tôi sợ rằng vai trò lãnh đạo của tôi sẽ bị cấp dưới làm suy yếu”, (2) “Đôi khi tôi cảm thấy rằng một số cấp dưới đang phấn đấu cho vị trí của tôi” và (3) “Có lúc tôi e ngại về việc cấp dưới chống lại chỉ thị của tôi.”

Các giám sát viên trong nghiên cứu thực địa cũng đưa ra các ước tính về mức độ cạnh tranh trong môi trường làm việc thực tiễn của mình với các mục như: “Trong tổ chức của tôi, cạnh tranh nội bộ được khuyến khích để đạt được kết quả tốt nhất có thể”.

Trong khi đó, nhân viên ở Hà Lan thì được yêu cầu cho điểm số về mức độ “chỉ phục vụ mục đích bản thân” của những người giám sát viên của họ bằng cách trả lời những câu hỏi như: “Thay vì tuyên dương tôi hay đồng nghiệp vì đã thực hiện những công việc đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực, giám sát viên của tôi nhận hết công sức là của anh ấy/cô ấy.” 

Có thể bạn cũng có thể liên hệ câu này đến bản thân mình nếu bạn có một người sếp “hám quyền” như vậy.


Biến đổi bảng hỏi thành những tình huống thực tế, khảo sát online thứ ba lại yêu cầu những người giám sát ứng phó trước các tình huống với các mức độ tổn hại quyền lực và sự cạnh tranh của tổ chức. Kịch bản với các đặc điểm khắc nghiệt nhất dựa trên các hướng tiếp cận này như sau:

“Bạn có cảm giác khó chịu rằng một số lượng đáng kể nhân viên của bạn đang cố làm bạn suy sụp ngay trên vị trí lãnh đạo của mình. Họ dường như không muốn hỗ trợ cho bạn, họ làm việc được bạn giao rất chậm chạp. Thay vào đó, họ lại tập trung làm những công việc mà họ cho là quan trọng về mặt chiến lược với cá nhân. Hơn thế nữa, bạn cảm thấy một số người trong họ còn muốn chống lại bạn bởi vì họ luôn đấu tranh cho vị trí của bạn trong tổ chức. Hậu quả là bạn nghĩ rằng bạn đang bị đe dọa sẽ mất đi vị trí và quyền lực của mình trong tổ chức.”

Sau khi đặt những người giám sát vào các tình huống tưởng tượng, các nhà nghiên cứu yêu cầu họ tự đánh giá bản thân về xu hướng làm việc vì lợi ích cá nhân của mình thông qua thang đo quản lý cho người lao động (nhưng đây là dành cho những vị sếp) trong nghiên cứu thực tiễn.

Qua cả 3 nghiên cứu, những nhà lãnh đạo càng nghĩ rằng môi trường làm việc của họ cạnh tranh hơn thì hành vi trục lợi cho bản thân ở những người sợ mất đi quyền lực lại càng rõ rệt hơn. Đúng như tác giả nghiên cứu đã dự đoán, không khí làm việc ganh đua càng làm cho mối quan hệ đó mạnh mẽ hơn. Trích lại lời tác giả: “Môi trường làm việc cạnh tranh làm gia tăng rủi ro mất đi quyền lực khi con người dựa trên cơ sở kẻ thắng sẽ có tất cả còn người thua sẽ trắng tay.” Trong môi trường làm việc như thế, họ tiếp lời: “Những người lãnh đạo sẽ chơi theo chiến lược ‘ăn miếng trả miếng’ khi thấy người khác đang phấn đấu để tước đi lợi nhuận trên đồng lương của họ.” 

Một lưu ý cần nhớ từ nghiên cứu ở Hà Lan chính là vì đây là một nghiên cứu về tâm lý học tổ chức nên tác giả sẽ không xét trên tất cả từng cá nhân cụ thể. Điều này là hợp lý khi chúng ta có thể hiểu rằng những người sếp thực sự tận tâm sẽ không gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với sự mất mát quyền lực. Ngược lại, những người quá tự cao mang một nỗi sợ quá lớn và cần phải lấp đầy cho nỗi sợ đó sẽ thường đi đến những kết cục xấu hơn.

***

Vốn công việc của chúng ta hiện nay có mức độ cạnh tranh rất cao, việc đưa những kết quả trên để áp dụng vào thực tiễn có thể rất phi thực tế. Bởi sẽ rất khó khăn để con người ta ngừng việc nhấn mạnh sự quan trọng của chiến thắng khi mà công ty nào cũng cần phải nhắm đến mục tiêu cuối cùng của mình: Lợi nhuận. Tuy nhiên, hãy nghĩ đến cái giá phải trả bởi những người “làm công ăn lương”, cụ thể là những người bị chèn ép dưới bàn tay của các lãnh đạo chỉ luôn trục lợi cho bản thân mình, một sự đánh đổi trước thực tế đó là cần thiết và hoàn toàn đáng để thực hiện. Những hoạt động gây dựng tình đoàn kết có thể là một cách vận dụng khéo léo giúp duy trì những đặc trưng quyền lực nơi công sở luôn hướng đến chất lượng cuộc sống mọi cá nhân (và thậm chí giúp củng cố mục tiêu cuối cùng của cả công ty, doanh nghiệp) thay vì trở nên có hại. 

Dù vậy, trong chính trị, đây lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Những người có màn kết thúc tệ có thể đã phải bỏ ra hàng tháng, thậm chí hàng năm trời tìm cách để chiến thắng lòng dân. Trong các chiến dịch họ tạo ra, nỗi sợ thua cuộc có thể khiến họ tấn công đối thủ bằng cách tiêu cực hóa chúng, nói xấu các đồng minh của đối thủ, hoặc buông những phát biểu sai sự thật dù chỉ là những điều đơn giản nhất, nhưng vẫn luôn cố tỏ ra như thể họ rất quan tâm đến người dân. Nếu kết quả thua cuộc đáng sợ đó thành hiện thực, họ sẽ tìm cách giành lại vị trí của mình thông qua các cuộc tái kiểm phiếu và gây sức ép lên việc bỏ phiếu. Sau thất bại chung cuộc, họ vẫn tiếp tục chê bai người chiến thắng thay vì tập trung vào những gì thực sự tốt nhất cho việc tái bầu cử của họ.

Có thể bạn không thay đổi được văn hóa ở nơi làm việc của mình và tất cả những gì bạn có khả năng làm được trong lĩnh vực chính trị là bỏ phiếu cho những người mà bạn cảm thấy không quan tâm đến phúc lợi của việc đắc cử. Tuy nhiên, bạn có thể can thiệp khi đối tác, bạn bè, người thân hoặc đồng nghiệp bắt đầu để cho nỗi sợ mất đi quyền lực kiểm soát hành vi của họ. Giúp họ nhìn nhận sự thất bại là một trong những kết quả tất yếu của cạnh tranh cũng là giúp họ chấp nhận kết quả tiêu cực thay vì xem như đó là một sự đe dọa với bản thân. Một khi nhận thấy nỗi sợ hãi quyền lực đang trở thành động lực của họ, bạn cần giúp họ củng cố ý thức tự tôn và mục đích sống theo những cách khác.

Tóm lại, hiểu được nỗi sợ hãi mất đi quyền lực là một yếu tố gây hủy hoại hành vi của các nhà lãnh đạo có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong cuộc sống của chính bạn. Thật vậy, bạn có thể sử dụng kết quả nghiên cứu ở Hà Lan để theo dõi phản ứng của chính bạn trước những vấp ngã trong cuộc sống. Khi bạn sẵn sàng đặt lợi ích của người khác lên trước lợi ích của mình, sự tận tụy của bạn rồi cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bạn mà thôi.

Tác giả: Susan Krauss Whitbourne

Nguồn tham khảo (của tác giả):

Wisse, B., Rus, D., Keller, A. C., & Sleebos, E. (2019). “Fear of losing power corrupts those who wield it”: The combined effects of leader fear of losing power and competitive climate on leader self-serving behavior. European Journal of Work and Organizational Psychology, 28(6), 742–755. doi:10.1080/1359432X.2019.1635584

-----------------------------

Dịch giả: Thịnh Lê

Biên tập: Xanh Lam

Nguồn ảnh: Pinterest

Link bài gốc: psychologytoday.com

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.

(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

628 lượt xem

lh-fulllh-x