Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Tâm Lý] Năm Điều Mà Người Ái Kỷ Thường Nói Trong Khi Tranh Cãi

Liệu bạn có đang bị cuốn vào những cuộc tranh cãi với những người ái kỷ hay không? Bài viết này sẽ giúp bạn biết được họ sẽ nói những gì và làm thế nào để đối đáp lại với họ.


Tranh cãi với người có xu hướng ái kỷ thường sẽ khiến chúng ta tổn thương hoặc trở nên lúng túng.

Những người ái kỷ ở các mức độ khác nhau- từ tự luyến cho đến rối loạn nhân cách ái kỷ (narcissistic personality disorder-NPD)-  thường cực kỳ hiếu thắng trong các cuộc tranh luận, bởi họ luôn muốn bảo vệ cái tôi to lớn của mình.

Họ thường sẽ làm việc này bằng mọi giá có thể. Chính vì vậy, có những lời mà người ái kỷ thường hay sử dụng để giành được lợi thế trong khi cãi vã.

Trò chuyện với những người ái kỷ thường rất khó khăn. Bài viết này sẽ chỉ ra những “chiêu” mà họ thường dùng, vì sao và làm thế nào để bạn có thể bảo vệ bản thân trong trường hợp đó.


1. Họ đánh giá thấp nỗi buồn của bạn.

Nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người bị rối loạn nhân cách ái kỷ thường không tự nhận biết bản thân và thiếu đồng cảm với người khác. Đây chính là lý do mà họ thường không xem xét hành vi của bản thân ở cùng góc độ với chúng ta.

Nếu bạn đối mặt với sự đau khổ cùng một người ái kỷ, họ sẽ đánh giá thấp tính chất và mức độ của sự việc diễn ra.

Họ có thể sẽ nói rằng:

  • “Bình tĩnh, nó chẳng nghiêm trọng đâu.”
  • “Tôi cũng từng làm vậy và bạn chẳng quan tâm đến điều đó.”
  • “Tôi không nghĩ rằng bạn sẽ thất vọng vì chuyện nhỏ nhoi như vậy đấy.”

Hoặc họ có thể dùng những từ ngữ nhẹ nhàng hơn để nói giảm đi mức độ tổn hại của sự việc. Ví dụ, “trộm tiền” sẽ trở thành “mượn tiền mà chưa hỏi ý.”

    2. Đổ lỗi cho bạn


    Một nghiên cứu chỉ ra rằng những người tự luyến theo bản năng luôn cho rằng mình là nạn nhân. Chính vì vậy mà họ sẽ đổ lỗi cho bạn, cho bất kỳ ai hoặc cho yếu tố ngoại cảnh mà họ không kiểm soát được.

    Khi đổ lỗi hoặc tự vệ, họ thường sẽ nói rằng:

    • “Đó không phải là lỗi của tôi, là tại bạn/ tại tiền bạc/ tại áp lực/ tại công việc”
    • “Nếu bạn không làm chuyện đó thì tôi cũng đã không làm như vậy.”
    • “Bạn đã biết trước rồi mà; tôi chỉ đang là chính mình thôi.”

    Nếu bạn không thể nhận ra rằng đối phương đang sắm vai nạn nhân, bạn sẽ cảm thấy khó chịu và có lỗi.


    3. Gaslighting


    Nghiên cứu cho thấy người ái kỷ sẽ không bị ảnh hưởng bởi cảm giác tội lỗi như những người bình thường. Điều này sẽ khiến cho họ không nhận ra và chịu trách nhiệm cho lỗi lầm của mình.

    Kết quả là, họ sẽ chối bỏ triệt để rằng mình đã nói những điều hoặc làm những việc đem lại tổn thương cho người khác. Chiến thuật gaslighting sẽ khiến cho bạn hoài nghi bản thân, dù cho bạn có chứng cứ.

    Họ có thể nói những lời như sau: 

    • “Tôi chưa bao giờ nói vậy.”
    • “Không bao giờ có chuyện đó.”
    • “Những chứng cứ đó chẳng chứng minh được gì cả.”

    Gaslighting không phải lúc nào cũng rõ ràng hay trực tiếp. Nó cũng có thể là một dạng đánh lạc hướng để làm người khác bị rối hoặc không thể xác định được vấn đề.

    4. Chế nhạo bạn

    Người ái kỷ thường gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa cảm xúc tích cực và tiêu cực cùng một lúc. Chính vì vậy, họ thường sẽ đi quá trớn trong những cuộc tranh cãi. Bạn có thể bị xúc phạm, đàn áp, và có thể sẽ gặp những hành vi nhạo báng như cười vào nỗi đau của bạn.

    Những câu nói này thường là:

    • “Thật ngu ngốc.”
    • “Bạn thật điên khùng.”
    • “Có gì đó không bình thường ở bạn.”

    5. Lái đi cuộc tranh luận

    Khi đối mặt với những bằng chứng không thể chối cãi (như hóa đơn, hình ảnh hoặc tin nhắn), họ thường sẽ chuyển trọng tâm về phía bạn như một cách đánh lạc hướng. 

    Họ sẽ thay đổi chủ đề bằng cách:

    • Không trả lời hoặc đáp lại bằng những lời không liên quan: để thêm những chi tiết thừa vào cuộc trò chuyện.
    •  Nhắc lại chuyện cũ: nói về những vấn đề trước đây, đặc biệt là những “lỗi lầm” trước đây của bạn.
    • Tạo cảm giác tội lỗi: họ sẽ nói những lời như “đây là cách bạn hồi đáp sau những gì tôi đã làm cho bạn sao?”
    • Suy bụng ta ra bụng người: buộc tội bạn bằng những gì họ đã làm


    Cách để đối đáp trong cuộc tranh luận với người ái kỷ.


    Nếu bạn bị cuốn vào một cuộc tranh cãi, có vẫn có cách để bạn có thể kiểm soát tình huống.

    Việc bạn tiếp cận người đó từ góc nhìn bên ngoài cuộc tranh cãi, hoặc khi bạn đang bình tĩnh sẽ rất hữu ích, bởi vì bạn có thể suy nghĩ rõ ràng và sử dụng các cách sau dễ dàng hơn.


    Cố gắng nhấn mạnh vào sự thật

    Người ái kỷ thường không có sự đồng cảm với người khác, vì vậy sẽ rất khó để họ thật sự hiểu được cảm giác của bạn. Thay vào đó, bạn hãy tập trung vào các dẫn chứng có cơ sở- thường là yếu tố khách quan hơn là chủ quan.

    Ví dụ:

    • “Tôi đã viết trong e-mail rằng hạn chót là 5 giờ.”
    • “Chúng ta đã đồng ý với nhau rằng 1 nụ hôn đồng nghĩa với ngoại tình.”
    • “Trong hợp đồng thuê nhà, hút thuốc bị cấm.”

    Dùng nhiều câu khẳng định với “tôi”

    Biểu đạt quan điểm của mình bằng những câu khẳng định với “tôi” sẽ giúp bạn thuyết phục họ. Ví dụ, hãy nói rằng “Tôi cảm thấy là bạn đang không quan tâm đến mong muốn của tôi” thay vì “Bạn thật ích kỉ.”

    Hãy giữ bình tĩnh

    Phương pháp “grey rock” có thể sẽ hữu dụng với bạn.

    Phương pháp này chỉ ra rằng chúng ta nên khiến cho họ cảm thấy mình nhàm chán và sẽ không phản ứng lại với họ. Nếu có thể, hãy giữ một gương mặt lạnh, thái độ ôn hòa và hạn chế bộc lộ cảm xúc, đặc biệt là giận dữ, nhất có thể.

    Bạn cũng có thể:

    • Hít thở sâu
    • Ngắt nghỉ giữa câu khi trò chuyện
    • Rời đi một lúc

    Cố gắng tập trung

    Nếu có thể, đừng để bản thân bị chi phối bởi những chiêu thao túng tâm lý của họ. Hãy chỉ tập trung vào một chủ đề ở một thời điểm. Bạn có thể ghi chú lại luận điểm của mình nếu cảm thấy cần thiết.

    Cương quyết giữ vững giới hạn của mình

     Để giữ vững, hãy đặt ra những giới hạn cho mình và nhìn vào mắt của đối phương khi trò chuyện.

    Bạn có thể nói rằng:

    • “Bạn vừa nói tôi điên khùng. Tôi không muốn bạn lặp lại điều đó.”
    • “Nếu bạn cứ hét vào mặt tôi như vậy, tôi sẽ rời đi.”
    • “Tôi cần nghỉ một lúc. Chúng ta sẽ tiếp tục cuộc nói chuyện này sau.”

    Đưa ra yêu cầu của bạn

    Để đạt đến sự thống nhất sẽ khá khó khăn. Thay vào đó, hãy cố thể hiện bản thân. Bạn hãy tập trung vào chính mình và đừng quan tâm tới họ- hãy để họ tự giải quyết.

    Và tuy bạn sẽ cảm thấy đồng cảm với họ trong lúc nào đó, nhưng bạn sẽ thấy nhẹ nhõm khi ngừng việc cố hiểu cho những hành vi của một người ái kỷ. Hãy tập trung tự chữa lành và chăm sóc bản thân sau một cuộc cãi vã.

    Hãy cân nhắc lập nên giới hạn về thời gian

    Nếu cuộc tranh cãi không đi đến đâu và khiến bạn không vui, hãy kết thúc một cách êm đẹp. Ví dụ, bạn có thể nói rằng: “Tôi có cuộc hẹn vào lúc 2 giờ và tôi sẽ phải đi trong 10 phút nữa.”

    Nếu gặp nguy hiểm, rời đi càng sớm càng tốt

    Trong một số trường hợp, một mối quan hệ với người bị rối loạn nhân cách ái kỷ sẽ trở nên nguy hiểm. Nếu như họ đe dọa bạn bằng cách nào đó, hãy rời đi ngay lập tức.

    Những thứ có thể gây hại cho bạn bao gồm:

    • Họ sẽ gọi cảnh sát đến bắt bạn
    • Làm ra những hành vi phạm pháp
    • Tố cáo bạn đến cấp cao hơn
    • Tác động vật lý đến bạn, những người bạn quan tâm hoặc thú nuôi của bạn.

    Lời cuối

    Ái kỷ là một hành vi phức tạp.

    Nó gây ảnh hưởng đến việc giao tiếp của bạn, vì trong khi bạn đang cố gắng để hiểu được họ, thì họ lại đang tìm cách bảo vệ bản thân hoặc “chiến thắng” bạn.

    Đối mặt với một người ái kỷ cũng sẽ giúp bạn giữ tập trung, đặt ra những giới hạn lành mạnh và biết khi nào phải rời khỏi.

    Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về chủ đề này qua những tựa sách sau:

    • “Trở thành ác mộng của người ái kỷ” của Shahida Arabi
    • “Nên ở lại hay rời đi?: Cách để sống sót trong mối quan hệ với một người ái kỷ” của Dr. Ramani Durvasula
    • “Hãy ngừng quan tâm đến giới hạn hay một người ái kỷ” của Margalis Fjelstad

    -------------

    Dịch giả: Quỳnh Trang

    Nguồn ảnh:  https://www.google.com/

    Link bài gốc: https://psychcentral.com/relationships/narcissist-arguing#deflection

    (*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: YBOX.VN”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

    (***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.

    (***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.

    ----------------------------

    Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

    263 lượt xem

    lh-fulllh-x