Đinh Hoàng Nam@Gia Vị
2 năm trước
[Tâm Lý] Nếu Bạn Đang Cảm Thấy Bị Phán Xét, Thì Đây là Điều Bạn Cần Phải Hiểu
“Vũ lực chẳng thể duy trì được sự bình yên ; chỉ có sự thấu hiểu mới làm được điều đó.” - Albert Einstein
Hầu hết chúng ta đều đôi khi cảm thấy bị phán xét. Chúng ta cảm thấy bị phán xét bởi vẻ ngoài của ta, những chuyện mà ta làm (hoặc không làm), những thứ mà ta nói (và cách ta nói) hoặc những điều mà ta hằng tin tưởng. Chúng ta có thể sẽ phản ứng lại với cảm giác bị phán xét này bằng cách tự thu nhỏ bản thân lại, trốn tránh và không dám lên tiếng, hoặc chúng ta sẽ phản ứng để bảo vệ bản thân hoặc trả đũa lại như thể ta đang bị tấn công vậy.
Quả thật, cảm giác bị phán xét chẳng tốt đẹp gì. Nó có thể khiến ta tổn thương, khiến ta thấy như thể ta vẫn chưa đủ tốt, và rút cạn dần năng lượng của ta. Thế nhưng, nếu như ta muốn được thoát khỏi áp lực nặng nề của cảm giác phán xét, thì có một điều rất quan trọng mà ta cần phải hiểu đó là :
Cảm thấy bị phán xét và bị phán xét là hai điều hoàn toàn khác nhau!
Việc phân biệt này là rất quan trọng, và hiểu được điều này có thể tạo nên sự khác biệt giữa việc cảm thấy bất an hoặc bình tĩnh. Và đây cũng chính là thứ tạo nên khác biệt giữa việc tỏa sáng và trốn tránh.
Cảm thấy phán xét và bị phán xét
Khi ta cảm thấy bị phán xét, đó là thứ mà ta cảm nhận được ở bên trong ta. Đó chỉ là một cảm giác, chứ không phải là sự việc có thật. Việc hiểu được rằng những cảm nhận và cách ta phản ứng hoàn toàn tùy thuộc vào chính ta là rất quan trọng. Đó chính là hệ quả của những căn bệnh, chấn thương tâm lý, cảm xúc, nỗi sợ, thái độ cũng như những nỗi bất an và những điều mà ta tin tưởng (dù cho chúng có thật hay không), nhưng cảm giác đó đều chính từ chúng ta mà ra. Nó có thể được châm mồi bởi lời nói của người khác, nhưng chính ta là người đã tạo ra cảm giác ấy.
Bị phán xét lại là một chuyện khác. Đó là thứ mà những người bên ngoài tác động lên chúng ta. Dù cho ai đó có phán xét chúng ta qua lời nói, hành động, một cái nhìn hay âm thanh chế giễu sau tiếng thở, đó đều là những tác nhân bên ngoài…. Và chúng ta có thể lựa chọn phản ứng lại với những biểu hiện đó hay không.
Tôi không nói rằng ngăn bản thân không được phản ứng hay cảm thấy bị xúc phạm là dễ dàng, nhưng quan trọng là ta phải hiểu được điểm khác biệt trên.
Cảm thấy bị xúc phạm
Nguồn ảnh : ideas.ted.com
Nếu như có ai đó nghi ngờ về điều mà ta đã nói hoặc làm, hoặc về lý do vì sao ta lại tin tưởng thứ gì đó, chúng ta sẽ cảm thấy bị xúc phạm và có cảm giác rằng đối phương đang phán xét chúng ta. Liệu bạn có bao giờ cảm thấy bị phán xét khi ai đó hỏi bạn về điều gì chưa?
Hãy thành thật nhé!
Chúng ta sẽ phản ứng lại một cách giận dữ hoặc bảo thủ khi ai đó nghi ngờ một điều mà ta tin tưởng, nhưng thật ra có thể người đó chỉ muốn hiểu rõ chúng ta hơn mà thôi. Nếu như chúng ta nghi ngờ chính mình, hoặc nếu như ý niệm của ta về bản thân gắn chặt với những niềm tin của ta, thì bất kỳ sự nghi ngờ nào cũng khiến ta cảm thấy như mình bị đả kích hay phán xét.
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng đó chính là sự phán xét.
Bản thân tôi là một người hay tò mò. Tôi luôn muốn hiểu rõ bản thân mình cũng như tâm trí và những cảm xúc của chính mình. Tôi biết rằng điều này xuất phát từ việc tự vấn bản thân - nghĩa là tự nghi ngờ bản thân cũng như những niềm tin của mình - và đôi khi điều đó thật khiến tôi khó chịu.
Thế nhưng, nó không chỉ đơn giản là để hiểu rõ bản thân, mà còn là nỗi tò mò muốn hiểu rõ những trải nghiệm của con người, đồng nghĩa với việc muốn hiểu rõ những người khác. Nỗi tò mò muốn thấu hiểu này cũng chính là mong muốn được kết nối ở mức sâu sắc và chân thật.
Như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói : “Sự thấu hiểu là cách gọi khác của tình yêu. Nếu các bạn chẳng thể thấu hiểu, thì bạn cũng chẳng thể biết yêu thương.”
Cũng vì chính con người và hành động của tôi, tôi thường đặt cho người khác những câu hỏi về bản thân họ cũng như lý do vì sao họ lại có niềm tin vào những điều mà họ tin tưởng.
Tôi thấy rằng hầu hết mọi người đều rất cởi mở với mình; tuy nhiên, đôi khi cũng có người cảm thấy bị xúc phạm. Giờ đây, tuy tôi đã biết rằng mình không hề có ý phán xét gì trong những câu hỏi mà mình đặt ra, mà chỉ với mong muốn thấu hiểu và kết nối với họ, vẫn có những lúc những người mà tôi trò chuyện tự phản ứng lại với những câu hỏi ấy.
Dù tôi đã hiểu rõ vấn đề này, nhưng khi sự việc ấy diễn ra, đôi khi tôi vẫn cảm thấy trong mình cảm giác bị phán xét. Bị phán xét vì một chuyện mà tôi không hề làm. Nhưng đó chính là phản ứng của tôi. Tôi đã tự cho rằng những phản ứng của họ là sự phán xét cho thứ mà họ cho là sự phán xét của tôi dành cho họ.
Tôi biết rằng điều này nghe thật khó hiểu, nhưng nó đôi khi vẫn diễn ra. Nếu tôi bắt gặp bản thân mình đang cảm thấy những gì đang xảy ra bên trong, tôi sẽ có thể vượt qua và buông bỏ được chuyện ấy.
Nhưng nó buộc phải bắt đầu với việc nhận ra và hiểu rõ phản ứng của mình.
Chúng ta đều có sự lựa chọn
Vào những lúc khi ta cảm thấy bị phán xét, ta có thể phản ứng, tự vệ và biện hộ cho những cảm xúc của mình bằng cách đổ lỗi cho ai đó, hoặc ta có thể xem nó như một cơ hội để thấy tò mò về bản thân - để hiểu rõ chính mình để học hỏi và phát triển.
Lựa chọn trưởng thành không có nghĩa rằng chúng ta chối bỏ cảm xúc. Chúng ta có cảm nhận được chúng, và điều này đôi khi có thể chẳng mấy dễ chịu. Nhưng lựa chọn để trưởng thành nghĩa rằng chúng ta có hiểu rõ về cảm xúc của mình và nhận ra được phản ứng của bản thân để ta có thể chịu trách nhiệm cho chúng. Bởi vì chính khi ấy, ta biết rằng những cảm xúc và phản ứng ấy đều từ chính ta mà ra.
Chừng nào chúng ta vẫn còn đổ lỗi cho những người khác vì cảm giác của mình, ta sẽ luôn luôn là nạn nhân, bởi vì cảm giác ấy khiến ta thấy rằng ta chẳng có lựa chọn nào cả. Thông qua việc học cách kiểm soát cảm xúc vì đã hiểu rõ chúng, chúng ta sẽ có khả năng thay đổi những mối quan hệ của mình. Và từ đó, ta sẽ hiểu rõ được mọi ngóc ngách trong tâm trí mình.
Học cách buông bỏ thông qua sự tò mò
Nguồn ảnh : depositphotos.com
Nếu bạn cảm thấy bị phán xét - cho rằng ai đó đó nghĩ xấu về bạn và đổi lại bạn có cái nhìn xấu về bản thân - hãy nghĩ đến sự tò mò về chính mình.
Hãy tập trung theo dõi những xúc cảm của mình. Bạn chỉ việc cảm nhận chúng. Hãy tập trung vào chúng (ở mức độ mà bạn có thể). Hãy để chúng giúp bạn có cái nhìn sâu hơn về bản thân.
Hãy tự hỏi chính mình :
Vì sao mình lại cảm thấy bị phán xét như vậy?
Mình đang bám víu vào những niềm tin nào?
Mình không muốn nhìn thấy khía cạnh nào của bản thân?
Mình không muốn thừa nhận điều gì?
Liệu mình có đang phán xét chính bản thân không? Nếu có, thì là vì cái gì?
Vì sao những gì người khác nghĩ lại quan trọng đến thế cơ chứ?
Đừng đánh giá thấp sức mạnh của sự tò mò từ bản thân. Đó là một siêu năng lực đấy!
Nó thật sự có thể giúp tâm trí ta chuyển từ trạng thái khép kín và đầy phản ứng sang trạng thái cởi mở và thoải mái. Trạng thái cởi mở và thoải mái chính là nơi ta có thể phá vỡ được những rào cản cho chính mình tự đặt ra, kết nối với trái tim và trưởng thành.
Đây cũng là nơi sự thấu hiểu chuyển hóa thành tình yêu bên trong chính chúng ta cũng như trong chính những mối quan hệ và những tương tác hằng ngày của ta. Đây chính là nơi ta có thể hàn gắn lại những mảnh vỡ trong tâm hồn và mang lại cảm giác toàn vẹn. Và sự tò mò chính là phép màu có thể mang lại điều kỳ diệu ấy.
Viết nhật ký cũng là một trợ tác đắc lực cho sự tò mò. Nó có thể giúp ta kết nối với những gì đang diễn ra bên trong theo cách sâu sắc hơn. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy bị phán xét, hãy dành một chút thời gian để ngồi xuống và nhìn nhận lại cảm xúc và suy nghĩ của mình. Và việc viết chúng ra sẽ giúp bạn nhìn thấy chúng rõ ràng hơn. Hãy thử thực hiện những điều này và bạn sẽ thấy được những thứ quen thuộc dần hiện ra trước mắt đấy.
Tìm kiếm sức mạnh của bản thân
Rất có khả năng là đến một lúc đó bạn sẽ bị người khác phán xét. Nhưng hãy nhớ rằng, điều đó không có nghĩa rằng bạn phải cảm thấy bị xúc phạm hay tự thấy xấu hổ về mình. Bất kể khi nào bạn cảm thấy bị phán xét, dù cho có ai đang phán xét bạn hay không, hãy nhớ rằng, đó chỉ là một cảm giác thôi. Hãy sử dụng những lúc này như những cơ hội để phá vỡ những giới hạn và bất an của bản thân. Và khi làm được như vậy, bạn sẽ kết nối được với con người thật của mình và cho phép sức mạnh của con tim trỗi dậy.
Và thế giới cần con tim bạn hãy tỏa sáng!
Tác giả : Ben Fizell
------------------
Dịch giả: Đinh Hoàng Nam
Biên tập: Hạnh Châu
Nguồn ảnh: tinybuddha.com, ideas.ted.com, depositphotos.com
Link bài gốc: If You’re Feeling Judged: One Thing You Need to Understand
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: YBOX.VN”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.
(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
188 lượt xem