[Tâm Lý] Sự Ảo Tưởng (Delusion) Trong Tâm Lý Học Là Gì?
Sự ảo tưởng là gì?
Ảo tưởng (Delusion) được định nghĩa là những niềm tin cố định và sai lầm, mâu thuẫn với thực tế. Mặc dù có bằng chứng trái ngược, một người trong trạng thái ảo tưởng khó có thể buông bỏ niềm tin của họ.
Những ảo tưởng thường được củng cố bằng cách giải thích sai các sự kiện. Nhiều ảo tưởng cũng liên quan đến một số mức độ hoang tưởng (paranoia). Ví dụ, ai đó có thể cho rằng chính phủ đang kiểm soát mọi di chuyển của chúng ta thông qua sóng radio mặc dù có bằng chứng ngược lại.
Ảo tưởng thường là một phần của rối loạn tâm thần (psychotic disorders). Chúng có thể xuất hiện cùng với ảo giác (hallucinations), bao gồm cả việc cảm nhận thứ gì đó thực sự không ở đó, như nghe thấy giọng nói hoặc cảm thấy bọ đang bò trên da bạn.
Các dấu hiệu
Ảo tưởng được đặc trưng bởi một niềm tin không thể lay chuyển vào những điều không đúng sự thật, và thường, vẫn tiếp tục tin vào những ảo tưởng mặc dù có bằng chứng trái ngược. Không phải tất cả ảo tưởng đều giống nhau. Một số có thể gồm niềm tin không kỳ quái (non-bizarre beliefs) về mặt lý thuyết có lẽ sẽ xảy ra trong cuộc sống thực. Những ảo tưởng khác có khả năng tin vào những sự kỳ quái, dị thường, hoặc không thể.
Bản chất của các triệu chứng ảo tưởng có thể đóng một vai trò trọng tâm trong chẩn đoán. Rối loạn ảo tưởng, ví dụ, được mô tả bằng những ảo tưởng không kỳ quái, liên quan đến việc giải thích sai về một kinh nghiệm hoặc nhận thức. Trong tâm thần phân liệt (schizophrenia), những ảo tưởng có thể kỳ quái và không bắt nguồn từ thực tế.
Phân loại các ảo tưởng
Có một số loại ảo tưởng khác nhau, tiêu biểu cho cách chẩn đoán các rối loạn ảo tưởng. Các loại rối loạn được xác định bởi chủ đề của những ảo tưởng đã từng trải qua.
Erotomanic
Trong kiểu ảo tưởng này, các cá nhân tin rằng một người nào đó có vị trí xã hội cao hơn họ yêu họ. Một ví dụ về kiểu ảo tưởng này sẽ là một người đàn ông tin rằng một nữ diễn viên yêu anh ta và cô ấy giao tiếp với anh ta thông qua cử chỉ tay bí mật trong chương trình truyền hình của cô ấy.
Grandiose
Trong ảo tưởng hoành tráng (grandiose delusions), các cá nhân tin rằng họ có tài năng, danh tiếng, sự giàu có hoặc quyền lực phi thường mặc dù thiếu chứng cứ. Một ví dụ của loại ảo tưởng này sẽ là một người phụ nữ tin rằng Chúa ban cho cô sức mạnh để cứu vũ trụ và mỗi ngày cô hoàn thành một số nhiệm vụ sẽ giúp hành tinh duy trì sự sống.
Persecutory
Những cá nhân bị ảo tưởng khủng bố tin rằng họ đang bị bí mật theo dõi, đánh thuốc mê, theo đuôi, vu khống, lừa dối hoặc bị ngược đãi bằng cách nào đó. Ví dụ, một người phụ nữ tin rằng ông chủ của mình đang chuốc thuốc cho nhân viên bằng cách thêm một chất gì đó vào máy làm mát nước khiến mọi người làm việc chăm chỉ hơn.
Jealous
Với kiểu ảo tưởng này, người mắc phải có thể tin rằng người yêu/bạn đời của họ không chung thủy. Chẳng hạn, một người đàn ông mắc chứng ảo tưởng này có thể tin rằng bạn gái của anh ta gặp người tình mỗi khi cô ta sử dụng nhà vệ sinh ở nơi công cộng. Anh ta cũng nghĩ rằng cô ấy gửi tin nhắn bí mật cho người tình qua người khác (như nhân viên thu ngân trong cửa hàng tạp hóa).
Somatic
Những người bị ảo giác về cơ thể (somatic delusions) tin rằng họ đang trải qua sự xúc động mạnh về mặt vật lý (physical sensations) hoặc rối loạn chức năng cơ thể (bodily dysfunctions) dưới da, hoặc họ đang bị một tình trạng y tế hoặc khiếm khuyết nói chung. Chẳng hạn, một người đàn ông có thể bị mắc chứng hoang tưởng về cơ thể khi tin rằng có những ký sinh trùng sống bên trong người anh ta.
Mixed or Unspecified
Khi ảo tưởng không thuộc một thể loại duy nhất và không có một dấu hiệu vượt trội hơn tất cả các dấu hiệu khác, thì loại ảo tưởng này thuộc dạng “hỗn hợp” (mixed). Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần gọi chứng rối loạn là dạng “không xác định được” (unspecified) khi sự ảo tưởng không thuộc một loại cụ thể hoặc loại ảo tưởng đó không thể được xác định rõ ràng.
Nguyên nhân
Các nhà nghiên cứu không chắc chắn về những nguyên nhân gây ra trạng thái ảo tưởng. Một loạt các yếu tố di truyền, sinh học, tâm lý và môi trường đang được cân nhắc.
Rối loạn tâm thần dường như có mặt trong các thế hệ gia đình, vì vậy các nhà nghiên cứu nghi ngờ có một phần di truyền cho sự ảo tưởng ở đây. Ví dụ, trẻ em sinh ra từ cha mẹ bị tâm thần phân liệt có thể có nguy cơ mắc chứng hoang tưởng cao hơn.
Những sự bất thường trong não cũng có thể là nguyên nhân. Sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitters) có thể làm tăng khả năng phát triển của ảo tưởng.
Chấn thương (trauma) và căng thẳng (stress) cũng có thể kích thích (trigger) ảo tưởng. Trong khi đó, những người có xu hướng bị cô lập dường như cũng dễ bị rối loạn ảo tưởng hơn.
Đôi khi, mọi người “san sẻ ảo tưởng” với nhau. Điều này phổ biến nhất ở những cá nhân sống chung và ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Những bệnh liên quan
Ảo tưởng có thể là triệu chứng của các vấn đề sức khỏe tâm thần (mental health problems) hoặc các hội chứng liên quan đến não (brain disorders).
Sau đây là một số bệnh có thể liên quan đến ảo tưởng:
Rối loạn tâm thần ngắn (Brief psychotic disorder): Người gặp ảo giác, ảo tưởng hoặc lời nói vô tổ chức có thể bị gây ra bởi một sự kiện căng thẳng nào đó. Các triệu chứng của chứng rối loạn này tồn tại trong một tháng hoặc ít hơn.
Rối loạn ảo tưởng (Delusional disorder): Người trải qua các loại ảo tưởng không kỳ quái (non-bizarre delusions) và thường có thể hoạt động bình thường và không bị suy giảm chức năng rõ rệt. Chỉ với ước tính 0,2% dân số đáp ứng các tiêu chí, rối loạn này được coi là một bệnh tâm thần tương đối hiếm.
Chứng mất trí nhớ (Dementia): Mặc dù ước tính khác nhau, khoảng một phần ba số người mắc chứng mất trí nhớ có thể bị ảo tưởng. Thông thường, ảo tưởng (delusion) liên quan đến hoang tưởng (paranoia), chẳng hạn như người bệnh nghĩ rằng các thành viên gia đình hoặc người chăm sóc đang ăn cắp thứ gì đó từ họ.
Rối loạn tâm trạng (Mood disorders): Đôi khi, những người bị rối loạn tâm trạng như trầm cảm (depression) hoặc rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder) có thể gặp ảo tưởng.
Bệnh Parkinson (Parkinson’s disease): Tỷ lệ phổ biến rất khác nhau nhưng nhiều bệnh nhân mắc bệnh Parkinson có gặp ảo giác (hallucinations) và ảo tưởng (delusions).
Rối loạn tâm thần sau sinh (Postpartum psychosis): Sự thay đổi nội tiết tố sau khi sinh có thể kích hoạt rối loạn tâm thần sau sinh ở một số phụ nữ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nó cũng liên quan đến rối loạn lưỡng cực.
Rối loạn phân liệt cảm xúc (Schizoaffective disorder): Rối loạn này liên quan đến các triệu chứng tâm thần phân liệt (schizophrenia) cũng như vấn đề tâm trạng, như trầm cảm (depression) hoặc hưng cảm (mania).
Tâm thần phân liệt (Schizophrenia): Rối loạn này gồm những “triệu chứng tích cực” (positive symptoms) như ảo giác hoặc ảo tưởng. Nó cũng liên quan đến các “triệu chứng tiêu cực” (negative symptoms) như cảm xúc phẳng (flat affect), giảm cảm giác hưng phấn trong cuộc sống hàng ngày, khó bắt đầu và duy trì các hoạt động và giảm khả năng nói.
Rối loạn dạng phân liệt (Schizophreniform disorder): Rối loạn này gồm các triệu chứng tương tự như tâm thần phân liệt nhưng trong thời gian ít hơn sáu tháng.
Rối loạn tâm thần do chất hoặc thuốc (Substance/medication-induced psychotic disorder): Sự say xỉn hoặc việc cai rượu/ma túy có thể khiến một số người bị ảo tưởng. Các triệu chứng thường ngắn và có xu hướng được giải quyết một khi thuốc được loại bỏ, mặc dù rối loạn tâm thần do amphetamines, cocaine hoặc PCP có thể tồn tại trong nhiều tuần.
Chẩn đoán
Nếu một người đang có các triệu chứng ảo tưởng, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc kiểm tra tiền sử bệnh và thực hiện kiểm tra thể chất. Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng có thể được yêu cầu loại trừ bất kỳ bệnh lý về thể chất nào (physical illnesses) có thể gây ra các triệu chứng.
Nếu không có tình trạng sức khỏe nào (medical conditions) gây ra các triệu chứng, bác sĩ có thể giới thiệu bệnh nhân đến bác sĩ tâm thần để đánh giá thêm. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần sau đó có thể sử dụng nhiều đánh giá tâm lý để tìm hiểu thêm về các triệu chứng của người đó. Chẩn đoán sau đó có thể được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn chẩn đoán trong Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders) (DSM-5).
Điều trị
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia là rất quan trọng đối với bất kỳ ai gặp phải ảo tưởng. Điều này có thể đặc biệt khó khăn, tuy nhiên, vì những người đang mắc chứng ảo tưởng thường không nghĩ rằng niềm tin của họ là một vấn đề bởi vì theo định nghĩa, người bệnh tin rằng những trải nghiệm của họ là sự thật. Do đó, thường là những người thân của họ phải đưa vấn đề đến một chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Trong một số trường hợp, việc nhập viện tâm thần là cần thiết để giúp những người mắc chứng ảo tưởng trở nên ổn định, đặc biệt nếu họ trở thành mối nguy hiểm cho chính họ hoặc người khác.
Điều trị ảo tưởng thường bao gồm sự kết hợp giữa thuốc và liệu pháp.
Điều trị bằng thuốc (Medications)
Thuốc chống loạn thần điển hình hoặc thế hệ đầu tiên (Typical, or first-generation antipsychotics): Những loại thuốc này được sử dụng để ngăn chặn các thụ thể dopamine trong não. Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh được cho là có liên quan đến sự phát triển của ảo tưởng.
Thuốc chống loạn thần không điển hình (Atypical antipsychotics): Những loại thuốc này được sử dụng để ngăn chặn thụ thể dopamine và serotonin trong não. Điều này dẫn đến các tác dụng phụ khác với thuốc chống loạn thần thế hệ đầu tiên.
Thuốc an thần (Tranquilizers): Đôi khi những loại thuốc này được sử dụng để giải quyết các vấn đề lo lắng, kích động hoặc vấn đề về giấc ngủ (anxiety, agitation, or sleep issues) phổ biến ở những người bị rối loạn ảo giác.
Thuốc chống trầm cảm (Antidepressants): Những loại thuốc này có thể được sử dụng để điều trị trầm cảm nếu ai đó bị ảo tưởng đang gặp vấn đề về tâm trạng.
Điều trị bằng liệu pháp (Therapy)
Liệu pháp có thể bao gồm trị liệu hành vi nhận thức (cognitive behavioral therapy - CBT), giúp bệnh nhân học cách nhận biết và thay đổi những suy nghĩ và hành vi không có ích. Liệu pháp gia đình (family therapy) thường cũng là một phần của việc điều trị. Thông qua liệu pháp, các thành viên trong gia đình có thể học cách hỗ trợ một người đang mắc chứng ảo tưởng.
Giải pháp (Coping)
Việc quản lý môi trường cũng có thể giúp bệnh nhân. Ví dụ, nếu ai đó tin rằng chính phủ đang theo dõi họ thông qua TV, tốt nhất là người đó nên tránh xem tivi. Hoặc, nếu một người tin rằng họ đang bị theo dõi khi họ đi đến chỗ đông người một mình, tốt nhất nên có ai đó đi cùng họ khi họ đi ra ngoài.
Thông điệp
Hầu hết các chứng rối loạn liên quan đến ảo tưởng không thể chữa khỏi, nhưng chúng có thể điều trị được. Trên thực tế, một số người có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh, năng suất với một vài triệu chứng. Nhưng một số người phải đấu tranh để làm việc, duy trì các mối quan hệ lành mạnh và tham gia vào các hoạt động gắn liền với cuộc sống hàng ngày. Hãy tìm một chuyên gia chăm sóc sức khỏe để họ trợ giúp và hỗ trợ cho bạn hoặc người thân của bạn nếu cần.
-------------
Dịch giả: Du
Biên tập: Xanh Lam
Minh họa: Du
Link bài gốc: verywellmind
Nguồn ảnh: unsplash
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Với mục tiêu chia sẻ và góp phần nâng cao kiến thức tâm lý cho những người trẻ, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Trở thành Cộng tác viên hoặc thực tập sinh để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức chuyên sâu về tâm lý cho cộng đồng tại đây https://bom.to/AxK6nj
(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.
(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
942 lượt xem