[Tâm Lý] Sự Dịch Chuyển (Displacement) Trong Tâm Lý Học Nghĩa Là Gì?
Sự dịch chuyển là một cơ chế tự vệ của tâm lý (psychological defense mechanism), trong đó một người chuyển hướng cảm xúc tiêu cực từ nguồn ban đầu của mình sang một người nhận có ít sự đe dọa hơn và ít khả năng tác động trở lại (repercussions).
Một ví dụ điển hình về phòng thủ là sự gây hấn thay thế (displaced aggression). Nếu một người tức giận nhưng không thể hướng sự tức giận của họ về nguồn gây ra điều đó (ví dụ như bị sếp phê bình) mà không có hậu quả (hậu quả là bị khiển trách nặng hơn hoặc trừ lương, đuổi việc), thì họ có thể "trút bỏ" sự tức giận lên một người hoặc điều nào đó mang ít rủi ro hơn (như vợ, con cái hoặc thú cưng).
Lịch sử
Anna Freud, con gái của Sigmund Freud là một trong những nhà tâm lý học đầu tiên lập ra danh sách các cơ chế tự vệ. Tuy nhiên, sự dịch chuyển không nằm trong danh sách các cơ chế tự vệ ban đầu có trong cuốn sách của cô, “The Ego and the Mechanisms of Defense” (“Bản ngã và cơ chế phòng thủ”, xuất bản lần đầu ở Đức năm 1936).
Anna Freud sau đó tuyên bố rằng mặc dù danh sách của cô đã vạch ra một số biện pháp phòng thủ nổi bật, cô tin rằng nó còn lâu mới dứt khoát kết thúc. Những người tiên phong sau đó trong Tâm lý học (subsequent pioneers in psychology) đã xác định sự dịch chuyển là một cơ chế bảo vệ bản ngã (ego) quan trọng.
Nghiên cứu
Nghiên cứu về tính hợp lệ của dịch chuyển đã được kết hợp. Ví dụ, một nghiên cứu từ năm 1998 cho thấy sự dịch chuyển bị kém hỗ trợ bởi bằng chứng thực nghiệm (empirical evidence). Tuy nhiên, nghiên cứu sau đó vào năm 2015 đã ủng hộ lý thuyết rằng các trạng thái kích thích vật lý và cảm xúc có xu hướng chuyển từ tình huống này sang tình huống tiếp theo.
Ví dụ, trong khi bạn có thể kiềm chế bản thân trong một môi trường xã hội vì việc phản ứng lại sẽ không phù hợp với hoàn cảnh, việc kiềm cảm xúc của bạn xuống sẽ không khiến chúng biến mất. Trạng thái cảm xúc của bạn vẫn còn nguyên vẹn ở đó. Sau đó, bạn có thể tìm thấy một môi trường mà bạn có thể phản ứng lại với ít hậu quả hơn, tại thời điểm đó bạn sẽ "giải phóng" những cảm xúc mà bạn đã kìm nén.
Các nghiên cứu khác cũng đã cung cấp hỗ trợ rộng rãi cho các cơ chế phòng thủ, bao gồm cả sự dịch chuyển, vì nó quan trọng đối với sức khỏe và các mối quan hệ của con người.
Nhìn vào dữ liệu từ một nghiên cứu dài 70 năm, một nhóm các nhà nghiên cứu thấy rằng các cơ chế bảo vệ tâm lý có thể ảnh hưởng đến cơ thể cũng như tâm trí. Trong bài báo của họ, được xuất bản năm 2013, các nhà nghiên cứu tuyên bố rằng các đối tượng trong nghiên cứu của họ là những người sử dụng các cơ chế phòng vệ thích nghi (bao gồm cả dịch chuyển) ở độ tuổi trung niên có sức khỏe thể chất tốt hơn sau này trong cuộc sống.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự phòng vệ ở tuổi trưởng thành (mature defenses) đóng vai trò chính trong việc tạo ra các mối quan hệ xã hội vững chắc và hỗ trợ, góp phần cải thiện sức khỏe thể chất.
Cơ chế phòng vệ (Defense Mechanism)
Khi mọi người có cảm xúc tiêu cực hoặc xúc động, họ thường tìm cách đối phó với những cảm giác không mong muốn này. Không giống như các chiến lược đối phó có ý thức (conscious coping strategies) mà chúng ta sử dụng để quản lý sự căng thẳng hàng ngày, các cơ chế phòng thủ hoạt động ở mức độ hoàn toàn vô thức (unconscious).
Sự dịch chuyển, giống như nhiều cơ chế bảo vệ tâm lý khác, thường xảy ra trong tiềm thức (subconscious), nghĩa là người đó không biết rằng họ đang làm điều đó.
Cơ chế phòng vệ là một cách mà tâm trí cố gắng để giảm bớt sự lo lắng của chúng ta và khôi phục sự cân bằng cảm xúc trong vô thức. Phòng thủ tâm lý (psychological defenses) hoạt động mà không có nhận thức ý thức của chúng ta (conscious awareness) để giúp ta đối phó với đe dọa từ mọi người, mọi thứ hoặc môi trường. Chúng ta có thể không nhận thức được những cảm giác và sự thúc giục này, nhưng chúng vẫn ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta và có thể gây ra lo lắng.
Khi chúng ta sử dụng sự dịch chuyển, tâm trí của ta cảm nhận được rằng việc phản ứng lại với nguồn gốc của sự thất vọng có thể là không thể chấp nhận được, thậm chí còn nguy hiểm. Thay vào đó, nó tìm thấy cho chúng ta một hoàn cảnh ít đe dọa hơn có thể đóng vai trò là lối thoát an toàn hơn cho những cảm giác tiêu cực.
Nói đơn giản, khi chúng ta sử dụng sự dịch chuyển, các xúc động không mong muốn của chúng ta được chuyển từ nguồn gốc ban đầu sang một thứ ít gây ra mối đe dọa.
Cơ chế này hoạt động thế nào?
Hãy tưởng tượng rằng bạn đã bị người quản lý của bạn khiển trách trong công việc. Việc trút cơn giận dữ hoặc sự thất vọng của bạn trực tiếp đến sếp của bạn là một việc không khôn ngoan, mà thậm chí có thể khiến bạn mất việc. Thay vào đó, bạn giữ lại (hoặc kìm nén) cảm xúc của mình cho đến cuối ngày.
Ngay khi bạn về nhà, bạn có thể giải phóng sự tức giận của mình đối với bạn cùng phòng vô tội, hoặc bạn thấy mình phản ứng thái quá với một sự kiện kích hoạt (triggering event) như con của bạn làm sai.
Thường thì sự kiện kích hoạt không đáng kể đến, mà là cảm xúc của bạn vượt qua giới hạn, thậm chí lên đỉnh điểm.
Sự tức giận mà bạn cảm thấy do sếp cuối cùng cũng được giải phóng nhưng theo một cách gián tiếp. Hậu quả của việc la mắng bạn cùng phòng hoặc con của bạn có vẻ sẽ ít nghiêm trọng hơn so với việc bạn trút sự thất vọng của mình lên sếp hoặc đồng nghiệp. Đối tượng (object) hoặc người trở thành đối tượng của cảm xúc thay thế (displaced feelings) có thể khác nhau nhưng thường được chọn vì nó ít đe dọa hơn (hoặc thậm chí bất lực).
Nếu bạn đã từng trút cảm giác tiêu cực lên bạn bè, thành viên gia đình hoặc thậm chí là một người hoàn toàn xa lạ khi bạn buồn bã về điều gì khác, thì bạn đã sử dụng sự dịch chuyển như một cơ chế phòng thủ (ngay cả khi bạn không biết về nó).
Những ví dụ về sự dịch chuyển
Dưới đây là một vài tình huống tưởng tượng (nhiều trong số đó có thể nghe hoặc cảm thấy quen thuộc với bạn) minh họa cho sự dịch chuyển:
- Một nhân viên bị sếp mắng mỏ vì thành tích kém cỏi trong buổi thuyết trình. Nhân viên nghỉ làm để ăn trưa tại một nhà hàng địa phương, nơi mà họ la mắng nhân viên phục vụ vì một lỗi nhỏ với đơn đặt hàng của họ.
- Bạn thất vọng với vợ/chồng của bạn vì họ đã không giúp bạn làm việc nhà. Khi bạn sai vặt cho con bạn, nhưng chúng lại rên rỉ, cơn giận của bạn bùng nổ. Bạn la mắng và buộc tội chúng không bao giờ giúp đỡ việc nhà.
- Một người bị thu hút bởi người bạn thân nhất của vợ hoặc chồng của người đó, nhưng họ biết rằng hành động theo nó sẽ gây ra hậu quả thảm khốc. Thay vào đó, ham muốn mà họ cảm thấy bị thay thế một cách vô thức, và họ phát triển một sự tôn sùng tình dục (sexual fetish) đối với những chiếc kính tương tự như của người bạn thân đó của vợ hoặc chồng họ đeo.
- Bạn mất việc và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một công việc mới. Bạn sợ rằng bạn sẽ không thể chi trả cho cuộc sống của mình, bạn bắt đầu trút sự thất vọng và cảm giác thất bại lên các nhóm thiểu số trong cộng đồng của bạn (the minorities in your community), đổ lỗi cho họ vì khiến bạn không thể tìm được việc làm.
Hậu quả khôn lường
Thật không may, sự dịch chuyển có thể gây ra một phản ứng dây chuyền ngoài ý muốn. Ví dụ, sự gây hấn thay thế (displaced aggression) có thể trở thành một chu kỳ. Hãy tưởng tượng một nhân viên tức giận với sếp của họ nhưng không thể bày tỏ cảm xúc trong công việc. Thay vào đó, họ trút giận lên người bạn đời khi về nhà. Với sự giận dữ bản thân, người vợ/chồng đó có thể cáu kỉnh với con cái của họ. Sau đó, những đứa trẻ trút giận lên nhau hoặc thú cưng.
Sự gây hấn giữa các cá nhân cũng có thể dẫn đến thành kiến đối với các nhóm xã hội cụ thể. Ví dụ, một số học giả đã lập luận rằng sự thù địch của người Đức đối với người Do Thái sau Thế chiến I có thể là một ví dụ về cảm giác tức giận thay thế (displaced feelings of anger) đối với sự phân nhánh kinh tế (economic ramifications) của cuộc chiến.
Thay vì hướng sự giận dữ tích tụ của mọi người về hành động của chính họ hoặc lãnh đạo của họ, mọi người chuyển hướng cơn thịnh nộ của họ về một nhóm người mà họ cho là mục tiêu ít đe dọa hơn. Hiện tượng này còn được gọi là “đổ lỗi cho người vô tội” (scapegoating) (hoặc chúng ta có thể hiểu là “giận cá chém thớt).
Những đặc điểm của cơ chế phòng thủ (Characteristics)
Cơ chế phòng thủ rất phổ biến và thường là một khía cạnh bình thường của hoạt động hàng ngày (daily functioning). Dịch chuyển như một sự bảo vệ giúp chúng ta truyền những cảm xúc (emotions) và thúc giục (urges) có thể được coi là không phù hợp hoặc có hại cho những nơi lành mạnh, an toàn hoặc hiệu quả hơn.
Khi được sử dụng một cách thích hợp, các biện pháp phòng vệ như dịch chuyển sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những cảm giác tiêu cực, giúp giảm thiểu sự thất vọng, bảo vệ lòng tự trọng của chúng ta và quản lý mức độ căng thẳng. Sự dịch chuyển có thể bảo vệ chúng ta khỏi sự lo lắng bằng cách che giấu những điều gây căng thẳng hoặc không thể chấp nhận được đối với chúng ta và giúp giữ gìn ý thức về bản thân.
Nhưng các cơ chế phòng thủ như dịch chuyển cũng có thể không có ích nếu mọi người dựa vào chúng quá nhiều hoặc khi chúng dẫn đến các hành vi và tương tác có vấn đề với người khác. Việc sử dụng quá mức các cơ chế này có liên quan đến tâm lý đau khổ và hoạt động kém (psychological distress and poor functioning).
Dịch chuyển phục vụ như một cách để chuyển hướng cảm xúc, nhưng nó cũng có khả năng gây hại. Có một số yếu tố ảnh hưởng đến cách thức và thời điểm xảy ra dịch chuyển.
1. Tuổi tác (Age)
Trẻ nhỏ thường bộc lộ cảm xúc của chúng một cách trực tiếp hơn. Do đó, chúng có nhiều khả năng thể hiện cảm xúc tiêu cực của họ đối với mục tiêu ban đầu - điều khiến chúng có cảm xúc tiêu cực (bất kể sự phù hợp của phản ứng).
2. Cường độ (Intensity)
Những thôi thúc hay cảm xúc khó chịu có thể dẫn đến những biểu hiện cảm xúc lớn hơn đối với mục tiêu thay thế (substitute target). Ví dụ, một sự thôi thúc không phù hợp (chẳng hạn như mong muốn đánh ai đó) có thể được thể hiện như một sự bộc phát cảm xúc mang tính công kích cao (a highly charged emotional outburst) (chẳng hạn như la hét với người bạn đời).
3. Tần số (Frequency)
Hầu hết mọi người đã trải qua việc trút bỏ cảm xúc tiêu cực của họ trên một mục tiêu thứ cấp. Trong khi sự dịch chuyển có thể là một phản ứng bình thường, nhưng nó có thể vượt qua ranh giới thành hành vi không lành mạnh hoặc thậm chí lạm dụng. Nếu một người dựa vào sự dịch chuyển như một cơ chế phòng thủ để đối phó với tất cả những khó chịu về cảm xúc của họ, thì điều đó ít có khả năng là vô ích và có thể gây hại.
4. Sự thăng hoa (Sublimation)
Sigmund Freud tin rằng một kiểu phụ (subtype) của sự dịch chuyển được gọi là sự thăng hoa, phục vụ như một nguồn sáng tạo và cảm hứng quan trọng.
Theo Freud, sự thăng hoa liên quan đến việc thay thế những thôi thúc tình dục không thể chấp nhận được của chúng ta đối với các hoạt động phi tình dục (non-sexual activities) có năng suất và được xã hội chấp nhận.
Việc thúc đẩy sự thôi thúc "không thể chấp nhận" (“unacceptable” urge) của chúng ta đối với những mưu cầu "chấp nhận được" hơn (more "acceptable") như công việc hoặc sự sáng tạo đưa ra một sự giảm thiểu hiệu quả cho năng lượng này.
Điều bạn có thể làm
Sự phụ thuộc quá mức vào sự dịch chuyển hoặc bất kỳ cơ chế phòng thủ nào khác có thể là vấn đề, hoặc ít nhất, không có ích. Nếu bạn lo lắng về việc bạn sử dụng dịch chuyển như một cơ chế phòng vệ, bạn có thể giải quyết điều đó với một nhà trị liệu hoặc tư vấn viên như một phần của liệu pháp tâm lý.
Dưới đây là một số cách bạn có thể xem xét hành vi của chính mình để hiểu rõ hơn về việc bạn có sử dụng sự dịch chuyển theo cách hữu ích hay không.
1. Đánh giá (Assess)
Một trong những bước đầu tiên cũng là một trong những khó khăn hơn: quan sát cách cư xử (behaviour) và hành động (action) của bạn, xác định xem liệu sự dịch chuyển có thể gây ra chúng hay không. Dịch chuyển không phải là một cái gì đó có thể dễ dàng nhận thấy. Thông thường, chỉ có thể đưa ra suy luận dựa trên những gì bạn có thể kiểm tra hành vi của chính mình.
Ở giai đoạn này, nó có thể hữu ích khi làm việc với một nhà trị liệu. Họ có thể nhìn vào hành vi của bạn từ quan điểm "bên ngoài" (an "outside" point of view) và giúp bạn nhìn mọi thứ từ góc độ khách quan hơn.
Một nhà trị liệu có thể chứng kiến (và chỉ ra) mâu thuẫn giữa hành vi và lời nói, ngôn ngữ cơ thể hoặc các tín hiệu khác của bạn.
Ví dụ, bạn có thể nói với bác sĩ trị liệu rằng bạn không bận tâm rằng người bạn đời của mình làm việc vào đêm muộn và cuối tuần, nhưng ngôn ngữ cơ thể và lời nói của bạn có thể gợi ý khác.
Khi bạn chia sẻ nhiều hơn về hành vi của mình, có thể thấy rõ rằng khi bạn nóng tính với con cái vào buổi tối, đó thực sự là một dấu hiệu của sự thất vọng (frustration) mà bạn cảm thấy với người bạn đời mà bạn đang giữ trong lòng.
2. Phản chiếu (Reflect)
Phản xạ (reflection) là một chiến lược khác mà nhà trị liệu có thể sử dụng để giúp bạn nhận ra khi bạn đang sử dụng các cơ chế phòng thủ như dịch chuyển. Với cách này, nhà trị liệu của bạn phản ánh cảm xúc của bạn trở lại với bạn theo cách khuyến khích bạn xem xét những gì bạn đã làm hoặc nói.
Mục tiêu của việc sử dụng kỹ thuật phản chiếu là để tiết lộ (reveal) những lo lắng hoặc mối quan tâm bị che giấu có vai trò trong hành vi của bạn.
Ví dụ, khi bạn đang nói với bác sĩ trị liệu của bạn về việc thể hiện sự tức giận với đồng nghiệp, bạn có thể tiết lộ một trong những lo lắng tiềm ẩn của mình rằng người quản lý mới của bạn không nhận ra tài năng và nỗ lực của bạn.
Thay vì bày tỏ cảm xúc của bạn với sếp (một mục tiêu đe dọa), bạn đã trút sự thất vọng của mình lên đồng nghiệp (một mục tiêu ít đe dọa hơn).
3. Điều chỉnh lại (Reframe)
Một khi bạn bắt đầu nhận ra các giai đoạn dịch chuyển không lành mạnh trong cuộc sống của chính mình, bước tiếp theo là tìm kiếm những cách có mục đích để thay đổi suy nghĩ và hành vi của bạn.
Khi bạn thấy mình có các hành vi không lành mạnh gây ra bởi sự dịch chuyển, hãy cố gắng điều chỉnh lại tình huống và tìm cách giải tỏa lành mạnh hơn cho cảm xúc của bạn.
Ví dụ, nếu bạn đang la hét với vợ/chồng của bạn bởi vì bạn đang chuyển sự thất vọng của bạn từ công việc sang người đó, hãy dừng lại, lùi lại và dành một chút thời gian để lấy lại quyền kiểm soát.
Thực hiện một nỗ lực có ý thức (conscious effort) để chuyển hướng cảm xúc tiêu cực của bạn đến một mục tiêu thích hợp. Bạn có thể viết về một tình huống và cảm giác của bạn, chơi một môn thể thao, tập thể dục hoặc thực hiện một sở thích hữu ích nào đó.
Thông điệp nhỏ
Giống như các cơ chế tâm lý phòng thủ khác, dịch chuyển có thể là một cách bình thường và lành mạnh để đối phó với những cảm xúc tiêu cực vô thức của chúng ta.
Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào sự dịch chuyển như một cách để xử lý cảm xúc tiêu cực của bạn có thể là vô ích và thậm chí là phá hoại, đặc biệt nếu bạn trút sự thất vọng của mình lên những người không phòng vệ (defenseless people) xung quanh bạn.
Mặc dù có thể khó nhận ra sự dịch chuyển của chúng ta, nhưng nếu bạn lo lắng về cách bạn sử dụng cơ chế phòng thủ, thì các liệu pháp phù hợp có thể giúp ích cho bạn. Các nhà trị liệu có thể giúp mọi người thấy được khi nào thì hành động, lời nói hoặc hành vi của họ thực sự là một cơ chế bảo vệ.
Khi bạn học được cách nhận ra khi nào hành vi của bạn là kết quả của việc sử dụng dịch chuyển quá mức, bạn có thể thực hiện các bước để chống lại cơ chế phòng thủ và tìm ra những cách hiệu quả hơn để xử lý nó.
-------------
Dịch giả: Du
Biên tập: Xanh Lam
Minh họa: Du
Nguồn ảnh: Google
Link bài gốc: verywellmind.com
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Với mục tiêu chia sẻ và góp phần nâng cao kiến thức tâm lý cho những người trẻ, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Trở thành Cộng tác viên hoặc thực tập sinh để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức chuyên sâu về tâm lý cho cộng đồng tại đây https://bom.to/AxK6nj
(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.
(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
1,638 lượt xem