[Tâm Lý] Tại Sao Tôi Lại Thấy Những Nỗi Buồn Thật Đẹp?
"Không gì có thể chữa lành linh hồn ngoài giác quan, cũng như không gì có thể chữa lành giác quan ngoài linh hồn." - Oscar Wilde
Hồi còn trẻ, tôi nghĩ bản thân mình thật là kỳ quặc, hoặc có thể chỉ là tôi bị người khác hiểu lầm, bất cứ khi nào tôi nói với mọi người rằng tôi yêu thích những bài hát buồn thì họ sẽ nhìn tôi như thể tôi bị điên.
Các bản nhạc SoCo yêu thích của tôi là Me And The Moon và Konstantine. Tôi mê đắm bài Creep của Radiohead , bản Nocturnes của Chopin, câu thoại cuối cùng của Homer trong tập thơ Iliad và tất cả các vở bi kịch của Shakespeare. Nhưng khi nghe đi nghe lại những bài hát này, và đọc những đoạn kịch này, tôi chợt ngộ ra một câu hỏi: Nó có ý nghĩa gì với tôi, và tại sao nó lại mang nhiều ý nghĩa đến vậy?
Tôi hay tự hỏi, sao một điều gì đó quá u sầu lại có thể khiến tôi cảm thấy rạo rực như vậy? Làm thế nào mà các nghi thức tang lễ của tướng Hector ở thành phố Troy bị thất thủ lại khiến tôi cảm động sâu sắc đến thế? Tại sao tôi lại mong muốn có cả hạnh phúc và u sầu trong cuộc đời?
Khi mọi người nghĩ về việc sống một cuộc sống hạnh phúc, họ thường nghĩ về việc sống một cuộc sống không có nỗi buồn nào.
Chúng ta được khuyến khích rằng hãy sống một cuộc đời hạnh phúc và dành phần lớn thời gian để cố gắng làm bất cứ điều gì khiến mình không còn cảm thấy buồn. Nhưng bằng cách cố gắng tránh né những nỗi buồn bằng trực giác, chúng ta có phải là đang tạo ra hạnh phúc giả tạo không?
Chắc chắn rằng mọi người đều muốn được hạnh phúc. Những người theo chủ nghĩa vị lợi sẽ cho rằng hạnh phúc càng nhiều và càng sẵn có ở mọi nơi thì càng tốt. Thật là tuyệt khi con người được hạnh phúc. Tôi chắc chắn biết mình muốn hạnh phúc, nhưng mâu thuẫn thay là tôi không muốn lúc nào mình cũng thấy hạnh phúc. Điều này không có nghĩa là tôi thích cố tình khơi gợi cảm xúc buồn bã mà nó có nghĩa là tôi cho phép bản thân cảm nhận mọi thứ. Khi tôi buồn thì thường là do một nguyên nhân nào đó, nhưng có lẽ việc cảm nhận ‘bất cứ điều gì’ vẫn tốt hơn chỉ cảm nhận duy nhất một điều.
Tôi thực sự tin rằng nỗi buồn đã truyền cảm hứng cho một số ý tưởng và công trình vĩ đại nhất của cuộc đời tôi. Nó truyền cảm hứng cho tôi theo cách mà chỉ ngồi trên giường và xem Netflix không thể làm được.
Charles Darwin, trong cuốn The Expression of the Emotions in Man and Animals (1872), đã lưu ý rằng sự buồn rầu có biểu hiện giống nhau ở tất cả các nền văn hóa.
Các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực này gần như tập trung hoàn toàn vào chứng trầm cảm, nhưng đó không phải là những gì chúng ta đang nói ở đây. Tuy vậy, nhiều giả thuyết đã được đưa ra để đối chiếu sự khác biệt nổi bật giữa thế nào là "buồn" và thế nào là "trầm cảm".
Như hầu hết chúng ta đều nhận thức được, trầm cảm là một cái gì đó hoàn toàn khác với việc chỉ cảm thấy 'buồn'. Trầm cảm là một căn bệnh liên quan đến cơ thể, tâm trạng, suy nghĩ và nó ảnh hưởng đến cách một người ăn, ngủ, cảm nhận về bản thân và tư duy về mọi thứ. Trầm cảm không giống việc để nỗi buồn trôi đi trong thoáng chốc. Nó không phải là một dấu hiệu của sự yếu đuối cá nhân hoặc một tình trạng có thể mong ước được biến mất. Những người bị trầm cảm không thể chỉ đơn thuần 'chỉnh đốn lại bản thân' và trở nên tốt hơn. Nếu không điều trị, các triệu chứng có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng năm (Mạng lưới Y học 1). Trầm cảm giống như một bệnh ung thư của tâm trí; nó không hề đẹp đẽ đối với những người đã trải qua hoặc đang trải qua nó, nhưng nỗi buồn thì có thể đẹp.
Theo nhà văn khoa học viễn tưởng Adam Roberts, nếu trầm cảm là một chướng khí hôi thối len lỏi trong não, thì nỗi buồn lại mang vẻ thanh lịch giống như một chiếc đuôi công có màu xanh dương và xanh đậm của biển.
Đó cũng là cái nhìn sâu sắc của Virgil trong tập thơ Aeneas khi anh nhìn lại cuộc đời đầy khó khăn của mình và trông đợi những rắc rối chưa xuất hiện: sunt lacrimae rerum (cụm từ tiếng Latinh nghĩa là "nước mắt của sự vật”). (Aeneid 1: 462).
Nỗi buồn góp phần làm cho toàn bộ con người tôi cảm thấy đủ đầy. Nếu như tôi luôn cảm thấy buồn hoặc lúc nào cũng chỉ thấy hạnh phúc, thì cuộc sống hàng ngày sẽ thật là nhàm chán và đơn điệu.
Sự viên mãn nằm ở sâu bên trong tâm hồn. Nó bao gồm mọi thứ và mang đến cả những sự ngang trái mà chúng ta cần. Làm sao chúng ta có thể biết được niềm vui đích thực nếu chúng ta chưa bao giờ biết đến sự buồn đau? Làm thế nào chúng ta có thể cảm nhận và tin tưởng vào tình yêu đích thực nếu trái tim chưa từng tan vỡ?
Có một dạng nghệ thuật giống hoàn cảnh này, được gọi là chiaroscuro. Đó là việc sử dụng các tương phản mạnh giữa sáng và tối, thường là các nét tương phản đậm để ảnh hưởng đến toàn bộ bố cục tác phẩm.
Tôi tin rằng hai cảm xúc dường như trái ngược nhau có thể hòa hợp và cùng tồn tại. Bằng cách cố gắng bỏ đi những cảm giác tiêu cực, chúng ta đang che mờ bản sắc của chính mình.
Tôi cho rằng vấn đề mấu chốt là ta nên cảm nhận mọi thứ hơn là chỉ cảm nhận một thứ.
Ai cũng có thể hạnh phúc, nhưng để sống và để buồn phải có sức mạnh lớn hơn nhiều. Có những nỗi buồn thật khủng khiếp khi phải chứng kiến, một số thì hoàn toàn là bi kịch, nhưng tôi không còn xem nó như một điều gì đó như một cái giá mà ta phải trả, mà thay vào đó, là một thứ thật đẹp. Hạnh phúc luôn là một điều tuyệt đẹp, nhưng một vài nỗi buồn có thể đem đến những vẻ đẹp mà nếu chỉ hạnh phúc thôi ta sẽ không bao giờ biết đến.
Tác giả: Connie Lai
-------------
Dịch giả: Hồng Vân
Biên tập: Huyền Nguyễn
Nguồn ảnh: Google photo
Link bài gốc: Why I find sad things beautiful?
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.
(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.
--------------
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
517 lượt xem