Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public2 năm trước

[Tâm Lý] Tâm Lý Học Nghịch Đảo Là Gì Và Nó Được Sử Dụng Như Thế Nào?

Tâm lý học nghịch đảo hay còn gọi là chiến lược chống lại bản thân, đây là một kĩ thuật thao túng tâm lý rất phổ biến khi ép buộc hoặc thuyết phục một người nào đó phải thực hiện một hành vi, niềm tin giống như bạn mong muốn. Chiến lược này dựa trên hiện tượng tâm lý phản ứng. Có nghĩa là nó đề cập đến những cảm xúc tiêu cực hoặc cảm giác khó chịu mà một người trải qua khi bị thuyết phục và họ có xu hướng làm ngược lại nhằm khẳng định sự tự do cũng như quyền tự chủ của mình. 

Vậy nên khi bạn muốn ai đó làm theo những gì bạn mong muốn, hãy yêu cầu họ làm điều ngược lại.

Mục đích của tâm lý học nghịch đảo này là làm cho ai đó có cảm giác muốn phản bác lại những lời người khác nói, để họ phản đối những yêu cầu đã nêu của bạn và giả sử bạn yêu cầu những gì bạn không muốn,họ có thể sẽ làm những gì bạn muốn. 

Tâm lý nghịch đảo còn được gọi là chiến lược tự chống đối bởi vì bạn đang ủng hộ một kết quả đi ngược lại trực tiếp với những gì bạn thực sự mong muốn. 

Một định nghĩa chính thức của tâm lý học nghịch đảo theo Cambridge English Dictionary, là: “đây là một phương pháp cố gắng khiến ai đó làm điều bạn muốn bằng cách yêu cầu họ làm điều ngược lại và mong họ không đồng ý với bạn”.

Người mà bị thao túng bằng chiến thuật tâm lý này thường sẽ không biết điều gì đang xảy ra và động cơ của người đang nói là gì.

Nguồn: Google

Ví Dụ Về Tâm Lý Học Nghịch Đảo

Ngay cả khi bạn không biết về nó và ngay cả khi hầu như tất cả mọi người đều đã sử dụng tâm lý ngược với người nào đó hoặc chính họ cũng có thể đã trải qua loại thao túng tâm lý này. Sau đây chúng ta sẽ thảo luận một số ví dụ phổ biến về tâm lý ngược trong cuộc sống hàng ngày để bạn có thể hiểu nó được sử dụng như thế nào, tại sao nó lại hoạt động và sẽ nhận ra được tâm lý ngược khi nó xảy ra lần nữa.  

Trong các chiến lược Marketing

Các chiến lược marketing thường sử dụng các kỹ thuật của tâm lý ngược này để khuyến khích mọi người mua hàng và sử dụng dịch vụ. Ví dụ, trong một nghiên cứu năm 2007 về tâm lý đảo ngược trong các chiến dịch marketing, Indrajit Sinha và Thomas Foscht đã mô tả một ví dụ về chiến thuật tâm lý nghịch đảo được sử dụng bởi một cửa hàng Prada ở Manhattan, Thành phố New York.

 Cửa hàng không có bảng hiệu hay quảng cáo ngoài trời, và không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cửa hàng đó đang tồn tại. Điều này mang lại cho cửa hàng này một cảm giác bí ẩn và độc quyền bởi vì chỉ những người biết cửa hàng này ở đó thì mới ghé thăm nó. Và những người mua sắm khác lại không muốn bị coi là lỗi thời nên sẽ có rất nhiều khả năng họ ghé thăm cửa hàng này nhằm để cho mọi người thấy họ xứng đáng và có giá trị.

Trong các lĩnh vực bán hàng

Chiến lược bán hàng được sử dụng các kỹ thuật tương tự như mô tả ở trên. Một chiến thuật phổ biến thường được các nhân viên bán hàng sử dụng được gọi là kỹ thuật “sập cửa vào mặt”. Đó là khi một nhân viên bán hàng đưa ra mức doanh số quá cao để gây áp lực buộc khách hàng phải mua bất kỳ hàng hóa hoặc dịch vụ nào đang được bán.

Nhưng tất nhiên, đây thật sự không phải mục tiêu của những người bán hàng. Ngay từ đầu là họ đang cố gắng kích động những khách hàng này từ chối mua món đồ với giá cao ngất ngưỡng và những người bán sẽ đưa ra những lời đề nghị khác với mức giá nhỏ hơn so với ban đầu, và cuối cùng khách hàng sẽ mua sản phẩm với giá thấp hơn. Ví dụ: nếu một đại lý nọ đang cố bán một chiếc ô tô, đại lý đó sẽ rao bán chiếc xe khác đời mới có công nghệ cao, đắt nhất mà họ biết rằng khách hàng sẽ không đủ khả năng mua nó. Và khi khách hàng từ chối lời đề nghị này, thì đại lý sẽ giới thiệu chiếc xe mà họ thực sự muốn bán - một chiếc xe có giá cả phải chăng hơn nhiều. Chiếc xe có giá thấp hơn lúc nãy có vẻ như là một lựa chọn hợp lý rất nhiều hơn cho người tiêu dùng.

Learn From These Reverse Psychology Ad Campaigns Examples

Nguồn: Google

Trong việc nuôi dạy con cái

Cha mẹ thường sử dụng tâm lý ngược này để tác động lên hành vi của con mình và khiến chúng làm theo những gì họ muốn. Cha mẹ sẽ nhắc nhở con cái của họ hãy lựa chọn những gì tốt nhất cho mình để bọn trẻ cảm thấy như chúng đang tự đưa ra quyết định. Trong khi thực tế, chúng đang bị mê hoặc bởi tâm lý ngược.

Ví dụ, nếu cha mẹ muốn con mình ăn rau, cha mẹ có thể hỏi, “Con có thể cho mẹ súp lơ xanh này không? Con đâu có thích ăn nó phải không nào”. Và sau đó đó đứa trẻ sẽ có khả năng làm ngược lại và tự ăn bông cải xanh.

Trong các mối quan hệ 

Mọi người sử dụng tâm lý đảo ngược trong các mối quan hệ để khiến nửa kia của họ hành động theo một cách nhất định. Ví dụ: bạn có thể nói bóng gió về việc bạn không nghĩ rằng người ấy có thể dọn giường mỗi sáng vì họ không có nhiều thời gian. 

Và người ấy có thể đáp trả lại lời nói bằng cách dọn giường để chứng minh rằng bạn sai. Tuy nhiên, sử dụng tâm lý ngược trong các mối quan hệ có thể khiến nó bị rạn nứt vì nửa kia của bạn có thể mất niềm tin vào lời nói của bạn và sẽ bị tổn thương nếu họ nhận ra bạn đang cố gắng thao túng họ. 

Tâm Lý Ngược Có Thật Sự Hoạt Động Không?

Tâm lý đảo có khả năng hoạt động khi mọi người cảm thấy bị áp lực khi phải hành động theo một cách nhất định mà người khác đề ra, và họ sẽ có xu hướng thích làm điều ngược lại. Điều này dựa trên lý thuyết phản ứng của Brehm (1966) cho biết khi một cá nhân cảm thấy sự tự do của mình bị đe dọa và ngay tức khắc họ sẽ cảm thấy khó chịu, phản ứng của họ sẽ trở nên gay gắt hơn.

Hai nghiên cứu từ năm 2010 của các nhà tâm lý học Geoff MacDonald, Paul Nail và Jessie Harper đã xem xét các báo cáo về việc sử dụng tâm lý ngược trong thực tế và điều tra mức độ phổ biến cũng như hiệu quả của việc sử dụng nó trong cuộc sống hàng ngày.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng tâm lý nghịch đảo là một chiến thuật gây ảnh hưởng trong thế giới ngày nay, nó đáng được các nhà nghiên cứu về ảnh hưởng xã hội (social influence) nghiên cứu kỹ hơn. Những người tham gia trong cả hai nghiên cứu đều báo cáo việc sử dụng thành công tâm lý ngược trong cuộc sống của chính họ. 

Cụ thể, trong nghiên cứu đầu tiên, đa số người tham gia (105/159, hay 66%) đã báo cáo một ví dụ về tâm lý ngược được đánh giá là hợp lệ bởi hai người đánh giá độc lập và trung bình một lần một tháng đều đặn cũng được sử dụng chiến thuật này. Kết quả của Nghiên cứu 2 đã xác nhận sự liên quan trong thế giới thực của tâm lý học nghịch đảo.

Tuy nhiên có một điều quan trọng cần lưu ý là tâm lý học nghịch đảo không hoạt động trong mọi trường hợp và việc sử dụng tâm lý học ngược có thể có những rủi ro nhất định. Cần phải có nhiều yếu tố để chiến thuật này hoạt động thành công và một số người dễ bị tâm lý nghịch đảo hơn những người khác. 

Trong một bài báo khác gần đây về việc sử dụng tâm lý học nghịch đảo để lồng ghép Tư duy Vòng đời và kiến ​​thức về các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) vào chương trình giảng dạy thiết kế và kỹ thuật, các nhà tâm lý học Deborah Andrews, Ben Lishman và Elizabeth Newton đã mô tả một trường hợp nghiên cứu trong đó các sinh viên thiết kế và kỹ thuật năm nhất được yêu cầu phát triển khái niệm không bền vững nhất và phủ nhận càng nhiều SDGs càng tốt để thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới. 

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tâm lý học ngược “có thể được sử dụng để tạo ra những trải nghiệm thú vị và đáng nhớ về mặt giáo dục, làm nổi bật nhu cầu thực hành tốt”. Họ thậm chí còn phát hiện ra rằng các nhiệm vụ tiếp theo yêu cầu các đề xuất thiết kế bền vững có tiêu chuẩn cao hơn so với các nhiệm vụ của những năm trước. 

Nguồn: Google

Khi Nào Thì Tâm Lý Ngược Không Có Hiệu Quả

Những người có tính cách dễ dãi, linh hoạt có xu hướng ít bị rơi vào tâm lý ngược bởi vì họ không có nhiều khả năng cảm thấy bị phản ứng với nó. Mặt khác, những người cáu kỉnh, bướng bỉnh và dễ xúc động có xu hướng dễ bị phản ứng hơn. 

Ngoài ra, trẻ em từ 2 đến 4 tuổi dễ bị tâm lý đảo ngược hơn vì trẻ em trong độ tuổi này có thể dễ xúc động và nổi loạn hơn.

Những đứa trẻ cũng chưa phát triển nhiều về mặt nhận thức và có thể không nhận ra rằng cha mẹ đang sử dụng tâm lý ngược này đối với mình. Tuy nhiên, khoảng 4 tuổi, trẻ em có xu hướng nhận thức và trưởng thành hơn và do đó ít nhạy cảm hơn với những kỹ thuật này. 

Thanh thiếu niên đang ở tuổi nổi loạn cũng có nhiều khả năng rơi vào tâm lý ngược vì họ có xu hướng muốn khẳng định sự độc lập của mình bằng cách làm ngược lại những gì cha mẹ nói với họ. 

Mặc dù họ có khả năng nhận thức để nhận ra manh mối của tâm lý nghịch đảo, nhưng phản ứng của họ có thể mạnh đến mức họ vẫn làm ngược lại những gì được yêu cầu. 

Tâm lý đảo ngược có một số hậu quả tiềm ẩn mà bạn nên cân nhắc trước khi quyết định sử dụng kỹ thuật này. Đầu tiên, nếu mọi người cảm thấy như bạn đang cố tình thao túng họ, họ sẽ mất lòng tin vào bạn và sẽ nghi ngờ về đạo đức của bạn. 

Điều này có khả năng làm các mối quan hệ xung quanh của bạn có khả năng bị lung lay vì những người khác sẽ không thể tin vào những gì bạn đang nói hoặc động cơ thực sự của bạn là gì. Ngoài ra, tâm lý ngược cũng có khả năng phản tác dụng. 

Nếu bạn đang sử dụng tâm lý ngược đối với một người có tính tình thoải mái hoặc dễ chịu hơn, họ có thể đồng ý với những gì bạn đang nói, và do đó, bạn sẽ nhận được điều ngược lại với những gì bạn thực sự muốn. 

Tâm lý ngược cũng có thể cướp đi cơ hội của người khác để có tiếng nói trong một vấn đề nào đó có thể quan trọng với họ, vì vậy, mặc dù đây là một kỹ thuật giúp bạn đạt được điều mình muốn, nhưng nó có thể phải trả giá bằng việc có những mối quan hệ xấu hơn trong cuộc đời bạn.

Nguồn: Google

Tâm Lý Nghịch Đảo Có Phải Là Một Loại Thao Túng?

Chính xác là vậy, tâm lý đảo ngược là một loại thao túng. Tương tự như hành vi gây hấn thụ động , tâm lý ngược là một cách tiếp cận gián tiếp để đạt được điều bạn muốn. 

Mặc dù tâm lý ngược có thể hữu ích trong nhiều tình huống, nhưng nó cũng có thể có hại và có xu hướng lệch lạc, đặc biệt khi nó được sử dụng cho bạn bè thân hoặc người trong gia đình. Nếu một người cảm thấy như bạn luôn sử dụng kỹ thuật này để khiến họ làm theo ý bạn, điều đó có thể khiến họ cảm thấy bị lợi dụng và mất niềm tin trong mối quan hệ này.

Nếu đây được xem như một công cụ bạn thường xuyên sử dụng trong các mối quan hệ của mình, thì mối quan hệ của bạn chỉ có thể tồn tại sự sự không trung thực và dối trá. Tốt hơn là hãy trung thực và thẳng thắn với những người thân yêu của bạn thay vì thao túng và giấu giếm. 

Tâm lý ngược có thể khá bất lợi khi được sử dụng cho người có lòng tự trọng thấp. Những cá nhân này thường không tin tưởng vào chính bản thân họ, vì vậy họ có nhiều khả năng coi trọng ý kiến ​​​​của bạn hơn. 

Nếu bạn cố gắng sử dụng chiến thuật tâm lý ngược đối với một người có ít sự tự tin, chiến lược của bạn có thể sẽ phản tác dụng. Và, nếu như  cá nhân đó bắt kịp được sự thao túng của bạn, bạn sẽ khiến họ cảm thấy vô cùng  khó chịu và tổn thương. 

Ngoài ra, nếu bạn phụ thuộc quá nhiều vào các kỹ thuật tâm lý nghịch đảo, bạn có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội chia sẻ cuộc sống của mình một cách chân thực, đánh mất đi khả năng giao tiếp và làm mất đi uy tín của bản thân.

Trẻ em và thanh thiếu niên cũng có thể tiếp thu các chiến thuật thao túng của cha mẹ và sử dụng chúng để làm lợi cho mình. 

Bạn cũng nên cảnh giác khi sử dụng tâm lý ngược với con mình vì chắc chắn bạn sẽ không muốn tạo cho con mình thói quen làm ngược lại những gì bạn nói thì mới được khen đâu nhỉ. 

Mặc dù tâm lý nghịch đảo là một kỹ thuật thao túng, nhưng vẫn có nhiều tình huống mà chiến thuật này có thể giúp dẫn dắt người khác theo hướng tích cực! Nó chỉ trở thành vấn đề khi người có quyền thế đang sử dụng tâm lý ngược này chỉ vì lợi ích của chính họ. 

Tuy nhiên, bạn luôn phải chọn việc giao tiếp trung thực trước khi dùng chiến thuật tâm lý ngược khi cố gắng khiến ai đó đưa ra lựa chọn nhất định.

Nguồn: Google

Các Câu Hỏi Thường Gặp  

Những kiểu người nào dễ bị thao túng bởi tâm lý ngược hơn? 

Những người dễ bị tâm lý đảo ngược nhất là thanh thiếu niên, trẻ em, những người tự ái , những kẻ sát nhân và những người có tính cách loại A. Những người bướng bỉnh và hay tranh cãi có xu hướng dễ bị phản ứng hơn. Ngược lại những người nói chuyện có căn cứ, luôn tuân thủ quy tắc và dễ tính thường ít bị ảnh hưởng bởi tâm lý ngược hơn. ‌

Bạn có thể sử dụng tâm lý đảo ngược trên chính mình không?

Có thể. Bạn có thể nói với bản thân rằng bạn không thể làm điều gì đó, và sau đó bạn sẽ có động lực hơn để thử thách bản thân và chứng minh rằng bạn có thể. Ví dụ, tôi sẽ nói với bản thân mình rằng tôi không thể chạy cự ly 5 km. Sau đó, tôi sẽ sử dụng lời chỉ trích này làm động lực bên trong để chứng minh mình sai và hoàn thành mục tiêu chạy 5km.

Tâm lý đảo ngược có tác dụng với người dễ tự ái không?   

 Tất nhiên là có, tâm lý ngược có khả năng hoạt động với những người có tính cách tự ái vì những cá nhân này thích kiểm soát và đưa ra quyết định cho chính họ.  

Làm thế nào bạn có thể đối phó với một người đang sử dụng tâm lý ngược với bạn?

Nếu bạn nghĩ rằng ai đó đang cố sử dụng tâm lý đảo ngược với bạn, bạn có thể làm một số điều sau đây. Khi bạn nhận ra ai đó đang cố gắng sử dụng loại thao túng tâm lý này với bạn, hãy yêu cầu họ giải thích lý do tại sao họ lại chọn làm vậy.
Điều này có thể tạo cơ hội cho người khác gây rối và có thể tiết lộ rằng họ đang cố gắng thao túng bạn.
Bạn có thể quyết định thực hiện kế hoạch đã chọn ban đầu và giả vờ rằng bạn không nhận ra họ đang nỗ lực thao túng bạn hoặc cũng có thể chọn điều mà họ không muốn bạn muốn làm.
Dù bằng cách nào, thì bạn nên tập trung vào lựa chọn nào là tốt nhất cho bản thân mình hơn là vào điều mà người khác đang cố bắt bạn làm.  
Cuối cùng, bạn không nên ngại chỉ trích người khác về việc họ sử dụng tâm lý ngược để họ sẽ ít có khả năng sử dụng chiến thuật này với bạn thêm lần nữa trong tương lai.
Tâm lý 'nghịch đảo' là gì?  
Tâm lý học 'nghịch đảo' là một kỹ thuật thao túng liên quan đến việc bắt mọi người phải làm những gì bạn muốn bằng cách nói ngược lại với những điều mình đang muốn. 
Về cơ bản, khi sử dụng tâm lý học ngược, bạn muốn người đó nghĩ rằng bạn đang sử dụng tâm lý học ngược với họ để khiến họ thách thức những nỗ lực của bạn và làm những gì ban đầu bạn đã thúc giục họ làm, đó là điều bạn muốn họ làm.

Tác giả: Julia Simkus

 ----------------------------

Dịch giả: Liên Hương

Biên tập: Thuỳ Linh

Link bài gốc:Reverse Psychology: What Is It, And Does It Work?

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ. 

(**) Tâm lý học tuổi trẻ mong nhận được sự ủng hộ và góp sức của các bạn. Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức chuyên sâu về tâm lý cho cộng đồng tại đây: https://ybox.vn/idy8l214r1c6yo

(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.

(****) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,974 lượt xem

lh-fulllh-x