Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public2 năm trước

[Tâm Lý] Thao Túng Vi Mô: Cách Một Người Tự Luyến Dùng Để Kiểm Soát Bạn

Người tự luyến sử dụng kết hợp các chiến thuật trực tiếp và không trực tiếp để thao túng người khác.

Thao túng người khác là một trong những hành vi được thấy rõ nhất của người tự luyến. Nếu có ai đó được chẩn đoán là một người tự luyến 100% hay chỉ thể hiện một số đặc điểm của người tự luyến, thao túng luôn là một chiến thuật quan trọng để người tự luyến đạt được mục đích hay mục tiêu nào đó. Trong một số trường hợp, sự thao túng dễ dàng nhận ra được và do đó người bị thao túng có thể tránh được chúng; ví dụ như sự thao túng một cách trực tiếp, rõ ràng đến từ một nhân viên sales đang ra sức thuyết phục khách hàng mua sản phẩm, hay các chính trị gia và giám đốc điều hành cũng đang thao túng công chúng, nhân viên của họ. Tuy nhiên, việc thao túng sẽ trở nên kín đáo và khó nhận biết hơn nhiều khi đến từ một cá nhân mà ta yêu mến và tin cậy.

Với những trường hợp như vậy, tình yêu và sự tin tưởng có thể mang lại tổn thương cho người bị thao túng. Với chúng ta, những bất an và nghi ngờ bản thân luôn hiện hữu nhưng chúng được an toàn và được tôn trọng. Nhưng dưới bàn tay của một kẻ thao túng, lòng tốt và tình yêu của chúng ta bị coi là điều hiển nhiên và bị lợi dụng. Thao túng có thể dưới dạng thức trực tiếp hoặc gián tiếp; bất kể mục đích là hòng kiểm soát hay làm tổn thương người khác. Hiệp hội Thông tin Quấy rối Tâm lý (The Psychological Harassment Information Association) mô tả việc thao túng giống như khi kẻ bạo hành sử dụng thông tin cá nhân, những điều riêng tư và nhạy cảm để gây bất ổn cho nạn nhân (2010). Mục đích đằng sau điều này là vì lý tưởng, hoặc nạn nhân đang bị dẫn dắt để tin vào điều gì đó sai sự thật để kẻ thao túng có thể dễ dàng giành hoặc giành lại quyền kiểm soát.


Cả thao túng trực tiếp và gián tiếp đều được sử dụng để giữ cho một cá nhân gần lại và trong tầm kiểm soát của người thao túng. Kẻ thao túng sẽ sử dụng thường xuyên những câu chuyện phóng đại và kịch tính nhằm mục đích duy trì sự chú ý của người khác, thứ mà lúc này có thể đang bị giảm sút. Cần phải hiểu rằng những chiến thuật này không phải do kẻ thao túng yêu bạn và muốn bạn ở lại; đúng hơn, đó là bởi vì tình yêu, sự quan tâm và sự gắn bó của bạn với họ đang bắt đầu rạn nứt. Hãy coi mối quan hệ giữa một người phụ nữ tự luyến và đối tác của cô ấy như một sợi dây. Sợi dây đã từng được phủ một thứ gì đó hấp dẫn, dễ chịu và êm dịu; nó đủ cưỡng chế để lôi kéo cá nhân nghĩ rằng sự chiếm hữu là tình yêu. Khi mối quan hệ kéo dài được một thời gian, sợi dây trở nên chặt chẽ hơn và người thao túng kiểm soát nhiều hơn. Nhưng khi độ căng của sợi dây tăng lên, lớp bao bọc ấm áp và lừa dối bắt đầu mất đi và bản thân sợi dây bắt đầu mục ruỗng. Lúc này, sự thao túng được sử dụng như một nỗ lực để khôi phục sợi dây về lại vỏ bọc của nó và giữ nó không bị đứt.

Người tự luyến không thể chấp nhận sự thật rằng một người khác không muốn ở bên họ hay thậm chí từ chối họ. Hãy nhớ rằng đặc điểm chính của những người tự luyến là cái tôi quá mức và niềm tin nội tâm rằng mọi người ghen tị với họ. Đối với họ, không bao giờ có chuyện rằng người đối tác của họ không yêu họ và có thể sống hạnh phúc mà không có họ. Nếu người tự luyến đánh mất sự chú ý của chỉ một cá nhân đã được kiểm soát tốt trước đó, họ sẽ phải cố gắng rất nhiều để giành lại quyền kiểm soát đó thông qua các biện pháp thao túng.

Một số hình thức của thao túng người khác là: trực tiếp, thô lỗ và các hình thức thao túng này được sử dụng để kích động sự đồng cảm từ nạn nhân. Những cá nhân này sẽ không phải suy nghĩ hai lần về việc đe dọa tự tử hoặc thậm chí tuyên bố có kế hoạch tự sát. Mục đích của việc này là để đánh thức tính cách chăm sóc của người đối tác bị lạm dụng và giữ họ lại gần trong tầm kiểm soát. “Người yêu cũ của tôi đã nhiều lần dọa tự tử trong suốt mối quan hệ ba năm của chúng tôi. Bất cứ khi nào tôi cố gắng rời bỏ mối quan hệ hoặc anh ta cảm thấy tôi không phục vụ anh ta đủ hoặc quan tâm đủ, anh ta sẽ độc thoại về việc anh ta sẽ chết như thế nào vì không ai quan tâm," một cựu nạn nhân ở tàu điện ngầm New York cho biết. “Anh ta thậm chí tuyên bố anh ta có một kế hoạch tự sát và anh ta đã thử nó một lần, nhưng thất bại. Lúc đầu, những lời đe dọa có hiệu quả và tôi đã nhượng bộ và ở lại. Nhưng cuối cùng tôi nhận ra đó chỉ là một mưu đồ để giữ tôi lại. Anh ta không bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ, không bao giờ đi đến bác sĩ hoặc cố vấn. Chúng tôi đã chia tay một năm và anh ấy vẫn còn sống."


Tự sát là một công cụ trực tiếp và đáng sợ được sử dụng bởi những kẻ thao túng, nhưng nó có thể tránh được khi nạn nhân nhận ra đây là một công cụ đơn thuần, không phải là thực tế, và sau đó tạo ra ranh giới với kẻ lạm dụng. Chẳng hạn như nói rõ, “Tôi hiểu bạn đang khó chịu và tôi sẽ hỗ trợ bạn trong việc tìm sự giúp đỡ, nhưng bạn không thể hướng các mối đe dọa vào tôi / bắt tôi ở bên bạn để giữ bạn không làm hại chính mình” sẽ khiến kẻ thao túng duy trì khoảng cách của họ với nạn nhân.

Nếu các chiến thuật thao túng trực tiếp không hiệu quả, những người tự luyến có thể chuyển sang sử dụng thao túng vi mô. Các thao túng vi mô này tương tự như các thao túng gián tiếp và bí mật, nhưng các thao túng vi mô hướng đến sự cảm thông và đồng cảm của đối tác và tình trạng tự nhận thức của nạn nhân. Thao túng vi mô là những cách có chủ đích để chuyển hướng câu chuyện và giành lại quyền kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc của người khác. Thao tác này, ví dụ như những lời nói bâng quơ/lời bình luận ngắn gọn đầy ẩn ý trong các cuộc trò chuyện thường ngày, được đưa ra nhằm mục tiêu gây ấn tượng mạnh, bất ngờ và yêu cầu nạn nhân quay lại để làm rõ ý đồ kẻ thao túng. Hình thức lạm dụng tâm lý này nguy hiểm hơn nhiều vì nó tạo ra nhiều chiếc bẫy ngọt ngào nhất mà nạn nhân gần như sẵn sàng quay lại ngay.

Dani đến từ New England cho biết, “Người yêu cũ của tôi thường xuyên gửi những tin nhắn được cho là không dành cho tôi, và sau đó cô ấy sẽ nói "rất tiếc, xin lỗi, đã gửi nhầm người." Hoặc cô ấy sẽ gửi và sau đó unsend một tin nhắn và tất cả những gì tôi thấy là "Jane đã gửi cho bạn một tin nhắn". Một vài lần đầu tiên tôi đã rơi vào chiếc bẫy đó và sẽ hỏi cô ấy muốn gì hoặc có vấn đề gì, và nó sẽ trở thành một cuộc trò chuyện hẳn hoi từ hai bên. Một người bạn cuối cùng đã thức tỉnh tôi rằng tôi đang cho người yêu cũ thứ mà cô ấy muốn: sự quan tâm.”

Một người đàn ông đến từ miền Nam Hoa Kỳ hiện đang vướng vào một cuộc ly hôn khó khăn do người bạn đời cũ tự luyến. Cuối cùng anh ấy cũng hẹn hò với người khác nhưng điều đó không ngăn được người vợ cũ cố gắng thao túng vi mô lên anh ấy. Cô đưa những chủ đề nặng nề vào những cuộc trò chuyện thường ngày về con cái hoặc ngày lễ của họ. Ví dụ: gần đây cô ấy đã cho anh biết về một cuộc hẹn với bác sĩ sắp tới và rằng cô ấy có thể đến đúng giờ để đón bọn trẻ nếu chuyến thăm không trở thành các xét nghiệm bổ sung do ung thư hoặc biến chứng. Một người bình thường chỉ cần nói, "Tôi có một cuộc hẹn do đó có thể đến đón bọn trẻ muộn" thay vì nói chi tiết về các mối đe dọa ung thư. Việc đưa vào thông tin bất ngờ có mục đích - dù là thật hay bịa đặt - nhằm mục đích gây sốc cho đối tác, khơi gợi sự đồng cảm và ủng hộ, và cuối cùng thắt lại sợi dây vốn đã trở nên lỏng lẻo. Người đóng vai nạn nhân có thể rất hữu ích đối với một kẻ thao túng mắc chứng tự luyến đang cố gắng giành lại sự đồng cảm từ đối tác cũ.
 

Một số nạn nhân đã bị cuốn sâu vào ma trận của kẻ lạm dụng họ đến mức họ chấp nhận các thao túng như một phần thực tế và chấp nhận ở trong tình huống thao túng đó. Một số khác thì lại bắt đầu lắng nghe giọng nói trong đầu mình đặt câu hỏi về những câu chuyện và mối đe dọa này. Tất cả các thao túng đều tập trung vào các nghi ngờ và cảm giác tội lỗi của nạn nhân (Shortsleeve, 2018). Một người tự luyến không bao giờ muốn có một người bạn đời vì tình yêu, sự hỗ trợ và tình bạn; mục đích của mọi mối quan hệ chỉ là nhằm hiện thực hóa những mong muốn và nhu cầu của riêng họ.


Khi một cá nhân từ chối chấp nhận những lời nói dối mà họ đang nghe thấy mỗi ngày, sẽ có một sức mạnh và sự tự tôn nhất định xuất hiện trong họ và họ bắt đầu tìm kiếm sự thật. Thoát khỏi những sợi dây thao túng mà những người tự luyến sử dụng không phải là điều dễ dàng, nhưng để có tự do khỏi bàn tay những kẻ thao túng, đôi khi phải nỗ lực rất nhiều và phải chịu đựng cả những nỗi đau.

Tác giả: Kristy Lee Hochenberger

-------------

Dịch giả: Ngọc Vũ

Minh họa: Ngọc Vũ

Link bài gốc: psychologytoday.com

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về Tâm lý học tuổi trẻ. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên dịch giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: Tâm lý học tuổi trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.

(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

188 lượt xem

lh-fulllh-x