[Tâm Lý] Tính Cởi Mở Ảnh Hưởng Đến Hành Vi Của Một Người Như Thế Nào?
Tính cởi mở (openness), thường được nhắc tới với tên gọi là sự phóng khoáng /sự hiểu biết sâu sắc hoặc sẵn sàng để trải nghiệm, là một trong năm yếu tố của của mô hình Big Five về tính cách con người. Thuyết Big Five cho rằng tính cách bao gồm 5 chiều hướng chính. Mỗi chiều tượng trưng và đi theo một thể liên tục (continuum), vì thế tính cách của bạn có thể cao, thấp, hoặc nằm ở đâu đó giữa mỗi đặc điểm có liên quan đến nhau.
The Big Five Factors:
Bên cạnh sự cởi mở, mô hình The Big Five còn bao gồm:
- Sự tận tâm (conscientiousness)
- Sự hướng ngoại (extraversion)
- Sự dễ chịu (agreeableness)
- Tâm lý bất ổn ( neuroticism)
Việc phân loại các đặc điểm này là một công cụ hữu ích để hiểu biết về tích cách. Và các nghiên cứu đã cho thấy rằng 5 chiều hướng trên có thể góp một phần trong việc dự đoán kết quả cuộc sống trên các lĩnh vực như: sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, học tập, làm việc và các mối quan hệ xã hội.
Người có xu hướng cao với sự cởi mở thường sẵn sàng đi theo những thứ mới mẻ, ý tưởng và trải nghiệm tươi mới. Họ là người phóng khoáng và tiếp cận với những cái mới với sự tò mò và có khuynh hướng đi tìm những sự sáng tạo mới lạ. Những người như thế có chiều hướng theo đuổi những cuộc phiêu lưu, trải nghiệm mới và nỗ lực sáng tạo. Họ cũng rất giỏi trong việc suy nghĩ, kết nối và tạo mối liên hệ giữa các khái niệm và ý tưởng khác nhau.
Mặt khác, người ít cởi mở có khuynh hướng yêu thích những công việc hằng ngày, sự truyền thống và quen thuộc. Họ tiếp cận với những cái mới một cách vô cùng cẩn trọng và thích sự nhất quán. Những cá nhân mà có rất ít đặc điểm của sự cởi mở thường được xem như những người cứng nhắc và khó gần. Họ có thể cảm thấy khó khăn khi đối mặt với những sự thay đổi.
Những cá nhân có đặc điểm này thấp có thể bỏ qua nhiều cơ hội để thử nghiệm những điều mới mẻ, bao gồm cả những thay đổi có thể dẫn đến sự thăng tiến trong nghề nghiệp và học tập. Thay vì chuyển đến một ngôi trường khác hoặc thay đổi công việc để tìm kiếm nhiều sự bổ ích hơn thì họ lại gắn bó với những điều diễn ra hằng ngày và quen thuộc.

Theo một định nghĩa: “Sự cởi mở/sự hiểu biết sâu sắc phản ánh trí tưởng tượng, sự sáng tạo, sự tò mò của trí tuệ và sự thưởng thức, đánh giá cao các trải nghiệm thẩm mỹ. Nhìn chung, sự cởi mở/sự hiểu biết sâu sắc có liên quan đến khả năng và sở thích tham gia và xử lý các kích thích phức tạp.”
Những người có đặc điểm này cao thường muốn tìm kiếm những trải nghiệm mới. Họ thích những điều mới mẻ, khác biệt và đáng ngạc nhiên. Họ cũng có nhiều khả năng chú ý đến cảm xúc và trải nghiệm nội tâm của mình hơn.
Người có tính cởi mở cao thường bao gồm các đặc điểm sau:
- Sáng tạo
- Thông minh và hiểu biết
- Tập trung vào giá trị tinh thần
- Quan tâm đến những điều mới mẻ
- Thích lắng nghe những ý tưởng mới
- Thích suy nghĩ về các khái niệm trừu tượng
- Thường tự do và cởi mở với sự đa dạng
- Nhạy cảm và có lòng yêu thích đối với thẩm mỹ
- Mạo hiểm, thích phiêu lưu và trải nghiệm
Sự sẵn sàng để trải nghiệm (openness to experience) cũng có xu hướng tương quan với một đặc điểm tâm lý học khác, được gọi là khả năng hấp thụ, điều mà có sự liên quan đến khả năng đắm chìm trong trí tưởng tượng hoặc hình ảnh tưởng tượng. Cấu trúc này có thể có mối liên hệ với tính dễ bị thôi miên hoặc xu hướng có thể thôi miên.

Xu hướng cởi mở hoặc khép kín đối với trải nghiệm của một người có thể bị ảnh hưởng bởi cả sự di truyền và những trải nghiệm trong đời sống. Trong tâm lý học, điều này thường được biết đến với sự tranh luận giữa hai quan điểm“ tự nhiên hay dưỡng dục” (the nature or nurture debate). Ở khía cạnh “tự nhiên” (nature) cho rằng một số khuynh hướng tâm lý phần lớn là do các yếu tố di truyền. Trong khi đó, quan điểm về sự “dưỡng dục’ (nurture) lại cho rằng những kinh nghiệm và các yếu tố ảnh hưởng từ môi trường sống đóng vai trò quan trọng nhất.
Theo một vài nghiên cứu song song về các đặc điểm tích cách trong mô hình Big Five cho thấy hệ số di truyền chiếm từ 40% đến 60% sự khác nhau trong đặc điểm của mỗi cá nhân. Mặc dù không có nhiều nghiên cứu về nguyên nhân của mỗi đặc điểm một cách cụ thể, tuy nhiên có một nghiên cứu cho thấy 21% sự khác biệt về mức độ cởi mở giữa các cá nhân là do tính di truyền. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng sự di truyền chiếm khoảng 10% về sự khác nhau trong đặc điểm tính cách yêu thích tìm kiếm sự mới lạ.

Sự cởi mở cũng giống với 4 yếu tố khác của tính cách, thường được đo lường bằng cách sử dụng “bảng liệt kê tự báo cáo” (self-report inventories). Những câu hỏi trong bảng này bao gồm các câu phát biểu điển hình, sau đó chúng ta sẽ phải chọn câu trả lời phản ánh đúng nhất mức độ đồng tình của chúng ta với phát biểu ấy.
Ví dụ, một bản liệt kê tiêu biểu có thể chứa một loạt các câu phát biểu tương tự như phía bên dưới, chúng ta sau đó phải chọn câu trả lời trong phạm vi từ mức 1 (hoàn toàn không đồng ý) đến mức 5 (hoàn toàn đồng ý).
Bạn có phải là người sẵn sàng trải nghiệm ?
Nếu bạn tò mò làm sao để đánh giá bản thân phù hợp với đặc điểm tích cách này ở mức độ nào, những câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn hình dung một cách chung nhất về chúng. Ví dụ về các phát biểu mà bạn có thể tìm thấy liên quan đến sự cởi mở, bao gồm:
- Tôi giỏi trong việc đưa ra những ý tưởng mới mẻ.
- Tôi thường suy nghĩ về ý nghĩa sâu xa của mọi thứ.
- Tôi tò mò về cách mà mọi thứ hoạt động.
- Tôi thích suy nghĩ về những ý tưởng phi thực tế.
- Tôi có nhiều sở thích về nghệ thuật.
- Tôi đề cao giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật.
- Tôi có trí tưởng tượng chủ động.
- Tôi đề cao tính đa dạng của con người.
- Tôi thích thảo luận về Triết học.
- Tôi có khuynh hướng mơ mộng và bị phân tâm bởi những ý nghĩ viển vông.
- Tôi thích đến những sự kiện văn hóa, bảo tàng nghệ thuật, và đọc thơ ca.
- Tôi thích có những sự tranh luận về học thuyết, lý thuyết hơn là tán gẫu.
Nếu bạn đồng ý với hầu hết hoặc tất cả những phát biểu trên, thì bạn có khả năng rất cởi mở với những trải nghiệm. Nếu bạn đồng tình ở mức độ vừa phải với tất cả hoặc một số phát biểu này, bạn hầu như chắc chắn giống với phần đông mọi người và rơi vào đâu đó khoảng giữa trong phạm vi của sự cởi mở. Nếu bạn hoàn toàn không đồng ý với tất cả hoặc phần lớn các phát biểu, bạn có khả năng là người ít cởi mở.
Ưu điểm của phương thức đánh giá này là có thể tiến hành rất nhanh và dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên, một nhược điểm tiềm ẩn là đôi lúc người trả lời phải đưa ra những đáp án theo cách mà xã hội kỳ vọng nhiều hơn. Trong trường hợp khác, mọi người khi chọn câu trả lời thường sẽ chọn những mong muốn của họ với chính bản thân mình hơn việc phải lựa chọn phản ánh thật sự hành vi, suy nghĩ của họ.

Sự cởi mở thường được xem là một đặc điểm tích cực. Người cởi mở thường có động lực nội tại (intrinsic motivation) cao hơn để theo đuổi kiến thức vì lợi ích của chính bản thân. Họ tò mò về thế giới và mong muốn học thêm về cách thức hoạt động của nó. Họ cũng háo hức thử những điều mới mẻ, vì vậy những cá nhân như thế có khả năng thích nghi và phát triển tốt hơn khi đối mặt với những thay đổi của môi trường sống, hoàn cảnh hoặc các mối quan hệ xoay quanh họ.
Điều này không có nghĩa rằng sự cởi mở không có bất kỳ điểm hạn chế nào. Bởi vì với những người có đặc tính yêu thích tìm kiếm sự mới lạ, họ có khả năng cao sẵn sàng tham gia vào những hành vi nguy hiểm. Tuy nhiên, có một số nghiên cứu thú vị cho thấy sự liên hệ giữa việc giảm đi sự cởi mở sẽ làm tăng nguy cơ sử dụng ma túy.

Trong số 5 đặc điểm tính cách được miêu tả bởi thuyết Big Five, sự cởi mở là yếu tố tính cách duy nhất mà nghiên cứu cho thấy có sự kết nối trước sau như một với tính sáng tạo. Nhìn chung, những người có sự cởi mở cao thường có xu hướng sáng tạo nhiều hơn, có khả năng theo đuổi những thành tựu mang tính sáng tạo, có suy nghĩ khác biệt và tham gia vào sở thích sáng tạo.

Sự cởi mở để trải nghiệm còn có mối liên hệ với nhu cầu được gọi là nhu cầu nhận thức (cognition). Nhu cầu nhận thức là xu hướng theo đuổi những hoạt động cần sự suy nghĩ, bao gồm suy nghĩ về các ý tưởng, tham gia vào các nhiệm vụ phức tạp về mặt tinh thần. Những người có nhu cầu cao về nhận thức thích làm những việc như: giải câu đố, vận dụng trí tuệ để giải quyết vấn đề và phân tích các ý tưởng.
Khi lắng nghe một cuộc tranh luận, người có nhận thức cao có khuynh hướng tập trung vào các khía cạnh của bản thân các ý tưởng. Trong khi đó những người kém hơn về khả năng này lại đặt sự chú ý vào những điều khác chẳng hạn như là sự đáng yêu của người đang tranh luận.

Theo các nghiên cứu, sự cởi mở có tương quan đến thái độ chính trị và xã hội. Những người có tính cởi mở cao có xu hướng tự do hơn về mặt chính trị. Họ phóng khoáng và sẵn sàng tiếp nhận mọi người đến từ nhiều nền văn hóa, xã hội và tôn giáo khác nhau. Sự cởi mở đồng thời cũng liên quan một cách tiêu cực với chủ nghĩa độc tài cánh hữu (right-wing authoritarianism) và các quan điểm chính trị tiêu cực (conservative political views).
Tuy nhiên, trong khi sự cởi mở có liên quan đến một số thái độ xã hội và chính trị nhất định, điều quan trọng cần nhớ là sự phát triển của những niềm tin như vậy phức tạp hơn nhiều so với một đặc điểm tính cách đơn lẻ. Trong khi quan điểm truyền thống từ lâu cho rằng đặc điểm tính cách đóng một vai trò trong việc hình thành thái độ chính trị sau này, một số nghiên cứu cho thấy mối tương quan giữa hai đặc điểm này có thể là kết quả của các yếu tố di truyền tiềm ẩn.
Nghiên cứu như thế cũng chỉ ra những đặc điểm khác bao gồm: sự tận tâm (conscientiousness), nhu cầu trật tự (the need for order), không dung hòa được sự mơ hồ (intolerance of ambiguity), nhu cầu khép kín (the need for closure) và sợ hãi các mối đe dọa (fear of threats) cũng đóng một phần quan trọng trong việc định hình các quan điểm chính trị tổng thể.

Sự cởi mở cũng có thể đóng một vai trò trong các mối quan hệ. Mặc dù dường như ít quan trọng hơn so với một số yếu tố khác của tính cách, nhưng nó đã được chứng minh là giữ một vị trí quan trọng đối với tình dục. Những người cởi mở cao có xu hướng hiểu rõ hơn về các mối quan hệ tình dục, có thái độ cởi mở đối với tình dục và có nhiều trải nghiệm tình dục hơn.
Nghiên cứu cũng đã tìm thấy mối liên hệ giữa mức độ cao trong sự cởi mở của phụ nữ và sự thỏa mãn tình dục của họ trong hôn nhân. Một nghiên cứu khác cho rằng sự cởi mở đóng vai trò quyết định tần suất quan hệ tình dục ở các cặp vợ chồng đã kết hôn.

Cũng như các đặc điểm khác, sự sẵn sàng trải nghiệm và kiến thức thể hiện một sự liên tục với nhau. Một số người có xu hướng rất cao về đặc điểm này và một số người rất thấp, nhưng phần lớn chúng ta nằm đâu đó ở giữa các đặc điểm. Có rất ít thông tin về tỷ lệ phần trăm mọi người có xu hướng cao, thấp hoặc trung bình về đặc điểm này.
Tuy nhiên, nhà tâm lý học Robert McCrae, một trong những nhà nghiên cứu chính có công trình đóng góp vào sự hiểu biết về năm yếu tố của tính cách, gợi ý rằng sự cởi mở có xu hướng tuân theo một đường cong phân bổ chuẩn, với hầu hết mọi người sẽ cho điểm vừa phải về đặc điểm này và một số ít hơn cho điểm rất cao hoặc rất thấp.
McCrae và các đồng nghiệp của ông cũng đã phát hiện ra rằng năm yếu tố có xu hướng thay đổi theo độ tuổi. Mặc dù mỗi cá nhân tuy khác nhau, nhưng nghiên cứu của ông cho thấy rằng sự cởi mở để trải nghiệm đỉnh cao ở độ tuổi 19. Những phát hiện như vậy cũng chỉ ra trong khi những người trẻ tuổi có thể sẵn sàng đón nhận sự thay đổi hơn, thì điều này lại càng giảm đi khi về già.
Một nghiên cứu xem xét sự khác biệt giữa các nền văn hóa trong các đặc điểm tính cách cho thấy quốc gia nơi mà một cá nhân sinh sống có tác động đáng kể đối với sự cởi mở của cá nhân đó. Kết quả từ các bản tự báo cáo (self-report) của mô hình Big Five cho thấy những người từ Chile và Bỉ đánh có sự cởi mở cao nhất, trong khi tại Nhật Bản và Hồng Kông cho kết quả thấp nhất. Phân tích khu vực chỉ ra rằng Đông Á đạt điểm thấp hơn về độ cởi mở so với tất cả các khu vực thế giới khác, trong khi Nam Mỹ đạt điểm cao hơn tất cả các khu vực khác trên thế giới.
Sự cởi mở có thể đóng một vai trò trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, bao gồm: việc theo đuổi sáng tạo, tư tưởng về chính trị và thái độ của bạn đối với tình dục, cùng nhiều thứ khác. Tuy nhiên, điều quan trọng cần ghi nhớ là những đặc điểm tính cách như cởi mở chỉ là một trong nhiều yếu tố hình thành nên cuộc sống của bạn. Tính cách gắn liền với một số kết quả cuộc sống như: sự hạnh phúc, chất lượng các mối quan hệ và sự hài lòng trong công việc. Nhưng các yếu tố khác bao gồm cả hoàn cảnh, tình huống và xã hội cũng đóng một vai trò quan trọng.
Tác giả: Kendra Cherry
-------------
Dịch giả: Ngô Võ Duy Diệu
Biên tập: Ngô Võ Duy Diệu
Nguồn ảnh: verywellmind.com và google.com
Link bài gốc: How Openness Affects Your Behavior
(*) Bản quyền bài viết thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên tác giả - Nguồn: Tâm lý học tuổi trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/
(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
993 lượt xem