Đinh Hoàng Nam@Gia Vị
2 năm trước
[Tâm Lý] Trầm Cảm Theo Mùa Là Gì?
Trầm cảm theo mùa (tên tiếng Anh là Seasonal Affective Disorder - viết tắt là SAD) là một chứng rối loạn cảm xúc với những triệu chứng lặp đi lặp lại vào cùng một thời điểm trong năm, thường vào những ngày có ít ánh nắng và ban ngày dài hơn ban đêm vào mùa thu hoặc mùa đông. Tuy chứng bệnh này có thể tự biến mất trong vòng một vài tháng, hệ quả mà nó để lại lên cảm xúc và sức khỏe của một người là vô cùng nghiêm trọng.
Hiện tượng tâm trạng của một người thay đổi theo mùa không phải là không phổ biến. Bạn có thể sẽ để ý rằng mình cảm thấy u uất buồn phiền vào những ngày trời mưa xám xịt, hay cảm thấy vui vẻ và tràn đầy năng lượng hơn vào một ngày nắng đẹp trời.
Những ngày dài nhiều nắng vào mùa hè thường gắn liền với tâm trạng tốt và trái lại, những ngày khi ngày dài hơn đêm và u tối bắt đầu vào cuối thu thường khiến cho những triệu chứng của bệnh SAD gia tăng.
Triệu chứng
Nguồn ảnh : horizonviewhealth.com
Các triệu chứng của bệnh SAD thường sẽ xuất hiện lại mỗi năm trong những tháng mùa thu. Những triệu chứng ấy bao gồm :
Trầm cảm
Mệt mỏi
Cô lập xã hội
Ngủ nhiều
Gia tăng cảm giác thèm ăn và thèm ngọt
Tăng cân
Dễ nổi nóng
Khó khăn trong giao tiếp giữa người với người (đặc biệt là nhạy cảm từ chối)
Tay chân cảm thấy nặng nề
Nguyên nhân
Người ta cho rằng chứng trầm cảm theo mùa là hậu quả của sự rối loạn trong cơ chế hoạt động của đồng hồ sinh học trong cơ thể. Lượng ánh sáng mặt trời chiếu vào mắt ta có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học này. Khi trời tối, tuyến tùng quả sẽ tiết ra một chất tên là melatonin khiến ta cảm thấy buồn ngủ sau khi mặt trời lặn mỗi ngày. Ánh sáng chiếu vào mắt ta lúc mặt trời mọc sẽ làm cho hoạt động sản xuất ra melatonin dừng lại.
“Việc ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thường dẫn đến nồng độ melatonin và serotonin trong cơ thể thấp, thèm ngọt, tăng cân và ngủ không thẳng giấc.”
Vào những ngày đông khi ngày dài hơn đêm, khi người ta thức dậy trước khi mặt trời mọc hay vẫn chưa rời khỏi nơi làm việc khi mặt trời đã lặn, những nhịp sinh học này có thể bị rối loạn, tạo nên những triệu chứng của SAD.
Có một bằng chứng khá rõ ràng về mối quan hệ giữa bệnh SAD và mức độ suy giảm chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Serotonin là một loại chất tạo cảm giác thoải mái được tăng cường bởi những loại thuốc chống trầm cảm tên là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI).
Chẩn đoán
Thật ra, không có một thí nghiệm khoa học nào dành cho bệnh SAD. Căn bệnh này chỉ có thể được chẩn đoán bởi lịch sử của các triệu chứng của một người bằng cách sử dụng thang đo của Cẩm Nang Thống Kê và Chẩn Đoán Rối Loạn Tâm Thần (tên tiếng Anh là Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders) (DSM - 5)
Thang đo DSM-5 không xem SAD như là một loại rối loạn riêng biệt. Thay vào đó, nó là một “trường hợp cụ thể” của chẩn đoán giai đoạn trầm cảm chính. Để được chẩn đoán là mắc phải SAD, trước hết, người đó phải đáp ứng các tiêu chí của giai đoạn trầm cảm chính(*).
Ít nhất năm trong số các triệu chứng bên dưới phải gần như xuất hiện thường xuyên trong khoảng thời gian hai tuần. Hơn nữa, ít nhất một trong những triệu chứng của người đó phải là một trong hai triệu chứng đầu tiên trong danh sách bên dưới.
Tâm trạng trầm cảm gây ra bởi một căn bệnh khác hoặc do tình trạng hoang tưởng hay ảo giác mà người đó đang mắc phải cũng không được tính.
Cảm giác u uất trầm tư
Mất hứng thú vào những thứ từng rất thích
Thay đổi cân nặng và khẩu vị không phải do thay đổi có chủ đích trong cách ăn uống để tăng hay giảm cân
Ngủ quá nhiều hoặc quá ít
Kích động tâm lý hoặc tiếp thu chậm
Mệt mỏi hay cảm thấy mất năng lượng
Cảm thấy mình vô dụng hoặc tự dằn vặt quá mức
Gặp vấn đề trong việc tập trung, suy nghĩ hay quyết định
Có suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử
Bất kỳ triệu chứng nào có thể được lý giải là liên quan đến một loại bệnh, việc dùng chất kích thích hay do đau buồn cũng đều không được tính là chẩn đoán bị trầm cảm. Ngoài ra, rối loạn tâm thần, như rối loạn tâm thần phân liệt, không được xem là nguyên nhân của những triệu chứng trên.
Nếu những tiêu chí trên là đúng, thì người bệnh cũng cần phải có những đặc điểm sau để được chẩn đoán là mắc phải chứng trầm cảm theo mùa :
Những giai đoạn trầm cảm chính bắt đầu và kết thúc theo mùa
Có hai giai đoạn trầm cảm chính có đủ những tiêu chí phía trên trong suốt hai năm mà không có giai đoạn trầm cảm chính nào xảy ra trong những khoảng thời gian khác trong năm.
Những giai đoạn trầm cảm chính theo mùa này xảy ra xuyên suốt nhiều năm
Biện pháp chữa trị
Căn bệnh trầm cảm theo mùa có thể được chữa trị bởi liệu pháp. Những biện pháp đặc trị thông dụng nhất cho bệnh SAD bao gồm liệu pháp ánh sáng, dùng thuốc đặc trị và trị liệu tâm lý.
Liệu pháp ánh sáng
Liệu pháp ánh sáng sử dụng một loại thiết bị chiếu ra ánh sáng trắng với cường độ mạnh, và đây được cho là biện pháp chữa trị bệnh SA hiệu quả nhất vào hiện tại. Vào mùa thu năm 1998, một nhóm gồm 13 chuyên gia người Canada đã đưa ra những hướng dẫn cho phương pháp trị bệnh SAD, và kết luận của họ là :
"Liều thuốc đầu tiên" của liệu pháp ánh sáng sử dụng đèn huỳnh quang là 10.000 lux trong 30 phút mỗi ngày. (Ngoài ra, các hộp đèn phát ra 2.500 lux thì cần bệnh nhân phải tiếp xúc hai giờ mỗi ngày.)
Liệu pháp ánh sáng nên được bắt đầu vào sáng sớm, khi thức dậy, để kết quả điều trị có kết quả tốt nhất.
Hiệu quả của liệu pháp ánh sáng thường xuất hiện trong vòng một tuần, nhưng một số bệnh nhân có thể cần đến bốn tuần để có thể thấy được hiệu quả của liệu pháp.
Các tác dụng phụ thường gặp của liệu pháp ánh sáng bao gồm đau đầu, mỏi mắt, buồn nôn và kích động, nhưng những tác dụng này thường nhẹ, nhất thời và có thể biến mất khi giảm liều ánh sáng.
Theo tiến sĩ Michael Terman, người đứng đầu chương trình Trầm Cảm Mùa Đông tại Đại học Columbia-Presbyterian, liệu pháp được thông qua ở Mỹ là ưu tiên sử dụng ánh sáng mạnh sau khi ngủ dậy với nguồn ánh sáng trắng phổ rộng ở mức 10.000 lux. Thuốc đặc trị chỉ nên được sử dụng như chất hỗ trợ nếu như liệu pháp ánh sáng vẫn chưa đủ để cải thiện tình hình.
Lượng ánh sáng ở mức tối ưu là vô cùng quan trọng cho quá trình điều trị, nếu bị sử dụng sai cách, liệu pháp này sẽ chỉ mang lại những tiến triển nhỏ, hay thậm chí là không có sự cải thiện hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Trong một nghiên cứu công bố trên tờ Archives of General Psychiatry, các nhà nghiên cứu đã cho những người tham gia tiếp xúc với những nguồn ánh sáng với cường độ mạnh gấp 10 đến 20 lần ánh sáng của đèn điện thông thường. Một nhóm được tiếp xúc với những nguồn sáng này trong khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ vào buổi sáng, trong khi nhóm thứ hai thì được điều trị vào buổi tối. Ngược lại, nhóm thứ ba thì được điều trị bằng giả dược. Kết quả là những người tham gia được tiếp xúc với liệu pháp ánh sáng cường động mạnh vào ban ngày đã được chữa khỏi hoàn toàn hoặc gần như là hoàn toàn khỏi bệnh trầm cảm.
Những nghiên cứu mới hơn công bố trên tờ Journal of Nervous and Mental Disease đã phát hiện rằng chỉ một tiếng đồng hồ tiếp xúc với ánh sáng cũng có thể giúp cải thiện các triệu chứng của người mắc bệnh SAD. Cụ thể hơn, liệu pháp buổi sáng có thể giúp điều chỉnh bất kỳ vấn đề nào liên quan đến chu kỳ giấc ngủ mang lại những triệu chứng trên.
Thuốc đặc trị
Vào ngày 12 tháng 6 năm 2006, Wellbutrin XL (bupropion hydrochloride) đã trở thành loại thuốc đầu tiên được chấp thuận để chữa bệnh SAD ở Mỹ.
Hiệu quả của thuốc Wellbutrin XL trong việc ngăn ngừa các giai đoạn của SAD đã được chứng minh qua ba cuộc thử nghiệm mù đôi(**) và đối chứng giả dược ở người lớn có lịch sử bệnh trầm cảm rơi vào các mùa thu và đông. Đợt điều trị kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11, trước khi những triệu chứng này xuất hiện và kết thúc vào tuần đầu tiên của mùa xuân.
Trong những thử nghiệm này, số người được chữa khỏi bệnh trầm cảm bằng Wellbutrin XL cao hơn số người được chữa bằng giả dược. Kết hợp ba nghiên cứu trên, tỷ lệ bệnh nhân được chữa khỏi trầm cảm sau khi quá trình điều trị là 84% đối với những người dùng Wellbutrin XL so với con số 72% của số người được điều trị bằng giả dược.
Wellbutrin XL về mặt hóa học không liên quan đến các loại thuốc chống trầm cảm phổ biến khác như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI). Trên thực tế, không có bất kỳ bằng chứng thuyết phục từ các thử nghiệm ngẫu nhiên ủng hộ việc sử dụng thuốc SSRI trong việc điều trị bệnh SAD.
Tự ứng phó
Những thói quen lành mạnh và lựa chọn lối sống cũng giúp giảm nhẹ những triệu chứng SAD. Những thứ bạn có thể làm bao gồm :
Tập thể dục thường xuyên
Ngủ đủ giấc
Có chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều protein, rau và trái cây
Vitamin D
Nghiên cứu đã cho thấy rằng những người mắc bệnh SAD thường có hàm lượng vitamin D trong cơ thể thấp. Thế nên, những người mắc bệnh này thường được khuyến khích phải tăng cường lượng vitamin này qua chế độ ăn uống, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc uống viên vitamin bổ sung. Tuy nhiên, những nghiên cứu về mức độ hiệu quả của nó lại có những kết quả khác nhau. Vài nghiên cứu đề xuất rằng mức độ hiệu quả của nó cũng ngang ngửa với liệu pháp ánh sáng, trong khi những nghiên cứu khác thì không thấy được bất kỳ tác động tích cực nào của vitamin D lên những triệu chứng SAD.
“Bạn phải luôn tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc, thực phẩm chức năng hay phương thuốc tự nhiên nào để trị bệnh trầm cảm theo mùa.”
Kiểm soát các triệu chứng
Việc nhận ra được khuynh hướng mắc bệnh trầm cảm theo mùa có thể giúp ích cho bạn trong quá trình ứng phó và chữa trị. Bằng cách nhận diện những dấu hiệu ấy, bạn sẽ có thể đi khám bác sĩ hoặc tạo ra những thay đổi trong lối sống để ứng phó hiệu quả hơn với căn bệnh này.
Trung tâm Trị liệu Môi trường (CET), một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp các tài liệu giáo dục về bệnh SAD, có cung cấp các bảng hỏi tự đánh giá miễn phí, cũng như hướng dẫn nhằm giúp bạn xác định xem bạn có nên tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia hay không.
Trong số các bài kiểm tra ấy có AutoPIDS và AutoMEQ. Hai bài kiểm tra này thường được sử dụng chung với nhau. AutoPIDS giúp bạn xác định xem bạn có các triệu chứng của SAD hay không và khung giờ đi ngủ tự nhiên của bạn là gì, và AutoSIGH theo dõi tình trạng trầm cảm hiện tại của bạn.
Tuy rằng đây là những nguồn tham khảo hữu ích, những bài kiểm tra này không phải là chẩn đoán chính xác. Do đó, bạn nên trao đổi những kết quả này với bác sĩ hay chuyên gia tâm lý của mình trước khi bắt đầu bất kỳ quá trình trị liệu nào.
Lời nhắn nhủ cuối cùng
Hiện tượng thay đổi tâm trạng theo mùa là rất phổ biến, nhưng đôi khi chứng trầm cảm theo mùa lại là một căn bệnh nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng hoạt động bình thường của cơ thể. Nếu bạn nghi ngờ rằng tình trạng hiện tại của mình có thể là chứng trầm cảm theo mùa (SAD), hãy tham vấn bác sĩ để tìm những phương pháp trị liệu phù hợp với bạn.
Tác giả : Nancy Schimelpfening
Chú thích :
(*) Giai đoạn trầm cảm chính (nguyên gốc tiếng Anh là Major Depressive Episode - MDE) là một khoảng thời gian riêng rẽ trong đó cá nhân phải trải qua những thay đổi rõ rệt về các chức năng tình cảm, nhận thức.
(**) Thử nghiệm mù đôi (nguyên gốc tiếng Anh là Double-blind Trial) là những thử nghiệm mà cả bạn và các nhà nghiên cứu đều không biết bạn thuộc nhóm nào cho đến khi kết thúc thử nghiệm.
------------------
Dịch giả: Đinh Hoàng Nam
Biên tập: Thảo Nhiên
Nguồn ảnh: adaa.org, hackensackmeridianhealth.org, horizonviewhealth.com
Link bài gốc: What Is Seasonal Affective Disorder?
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: YBOX.VN”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.
(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
72 lượt xem