Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Tâm Lý] Vì Sao Buông Bỏ Việc Kiểm Soát Mọi Thứ Có Thể Giúp Bạn Tận Hưởng Cuộc Sống

Cảm thấy cần phải kiểm soát mọi thứ vốn dĩ là một bản năng tự nhiên của con người. Đó là thứ mà chúng ta luôn muốn làm, và chúng ta sẽ cảm thấy yên tâm nhất khi biết rõ về những chuyện đang xảy ra trong mọi mặt của cuộc sống. Tuy nhiên, ta phải luôn nhớ rằng, ta không thể kiểm soát hết mọi thứ. Việc cố gắng làm như thế có thể dẫn đến nhiều cảm xúc tiêu cực khác một khi mọi chuyện không hề diễn ra như ý ta muốn. 


Có rất nhiều cách để ta có thể cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống, nhưng một trong những cách dễ dàng và rõ ràng nhất đó là tập buông bỏ dần tính kiểm soát. Vì sao chúng ta phải làm như thế? Và ta phải bắt đầu như thế nào? Bài viết này sẽ giúp bạn có một cái nhìn rõ hơn về lý do vì sao bạn cần phải dừng việc kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống và những bước mà bạn cần phải thực hiện để đạt được điều đó. 


Vì sao chúng ta lại cảm thấy cần phải kiểm soát mọi việc? 

Mong muốn có thể kiểm soát được mọi thứ xung quanh cũng như mọi hoàn cảnh đã ăn sâu vào ý thức của mỗi người chúng ta. Bởi vì khi chúng ta càng biết nhiều về thế giới xung quanh, chúng ta sẽ càng cảm thấy an toàn hơn. Mặt khác, khi chúng ta biết càng ít, chúng ta càng cảm thấy sợ hãi. Nhu cầu kiểm soát bắt nguồn trực tiếp từ nỗi sợ hãi — và cụ thể chính là nỗi sợ hãi về những gì có thể xảy ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.


Những nỗ lực để kiểm soát có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của ta như thế nào 

                    

                                                                                  Nguồn ảnh : medicalnewstoday.com


Việc cảm thấy muốn kiểm soát mọi thứ có thể là một điều hết sức tự nhiên, nhưng đấy không phải là một điều tốt cho chúng ta. Việc cố gắng kiểm soát mọi thử có thể có tác dụng ngược lại với ta theo nhiều cách khác nhau. Hãy cùng nhìn qua một số cái điển hình nhất nhé. 


Cảm thấy căng thẳng và lo lắng nhiều hơn

Những người luôn cố gắng kiểm soát mọi thứ thường phải chịu đựng nhiều căng thẳng và lo âu hơn bình thường. Một hành động nhỏ bất kì nào đó khiến họ cảm thấy mất kiểm soát khi việc đó lẽ ra không được như thế cũng có thể khiến cho huyết áp của họ tăng lên. 

Có một nghiên cứu cho thấy rằng,những người luôn thấy cần phải kiểm soát mọi chuyện sẽ dễ bị rơi vào khủng hoảng khi mọi thứ không diễn ra theo dự định của họ,hơn những người ít kiểm soát. 


Bất mãn nhiều hơn 

Việc cảm thấy cần phải kiểm soát mọi việc nhưng lại không thể khiến ta cảm thấy bất mãn. 

Một nghiên cứu cho thấy rằng "Các đối tượng đạt điểm cao trên thang đo mong muốn kiểm soát nói chung, có mức độ khó chịu cao hơn và nhận thấy rằng một căn phòng có vẻ đông đúc hơn so với các đối tượng đạt điểm thấp về mong muốn kiểm soát ở cả hai mức trên."

Chính hành động cảm thấy cần phải kiểm soát đã khiến cho những người đặt nó lên hàng đầu cảm thấy khó chịu hơn là những người không làm như vậy. 


Chỉ trích nhiều hơn 

Bởi vì bạn vốn dĩ không thể nào kiểm soát được hết mọi thứ trong cuộc sống, việc để tâm đến quá nhiều thứ ngoài tầm kiểm soát của mình có thể dẫn đến việc bạn sẽ chỉ trích và phê phán nhiều hơn về những việc đã xảy ra. Dù sao thì, khi bạn không thể kiểm soát được những kết quả mà bạn muốn có, thì điều đó cũng hợp lý thôi khi bạn không hề thích chúng. 

Đổi lại, việc ta trở nên chỉ trích nhiều hơn có thể khiến ta cảm thấy ám ảnh bởi mọi chuyện xung quanh, và từ đó ta sẽ bị cuốn vào một vòng xoáy vô tận mà trong đó ta sẽ dần cảm thấy dần buồn bực hơn với cuộc sống của chính mình. Việc chỉ trích người khác cũng có thể có hại đối với những ai đang bị trầm cảm hay lo âu, vì việc này khiến cho họ tự chỉ trích bản thân mình nhiều hơn. 


Việc buông bỏ tính kiểm soát mọi thứ có thể mang lại những gì 

                   

                                                                                          

                                                                               Nguồn ảnh : thechelseapsychologyclinic.com


Giờ đây bạn đã biết cảm giác cần phải kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống của bạn như thế nào và do đó, bạn cũng sẽ chẳng ngạc nhiên khi biết rằng việc buông bỏ cảm giác ấy có thể mang lại những gì. Việc buông bỏ tính kiểm soát cũng có thể hiểu như sự từ bỏ. 

Một ví dụ điển hình cho việc này chính là cuốn sách “Thí nghiệm về sự từ bỏ” của Michael Singer. Trong sách, tác giả đã miêu tả cuộc sống của ông đã tốt hơn nhiều như thế nào sau khi ông buông bỏ tính kiểm soát mọi thứ của bản thân. Sau đây là một trong những lợi ích của việc buông bỏ cảm giác cần phải kiểm soát mọi thứ. 


Cảm thấy thoải mái và bình yên hơn 

Những ai ủng hộ và đã tập được việc buông bỏ tính kiểm soát như Singer đều nói rằng họ cảm thấy thoải mái và bình yên hơn. Điều này là hợp lý bởi vì việc cố gắng kiểm soát mọi chuyện sẽ dẫn đến căng thẳng và lo âu, trong khi sự thoải mái và bình yên lại là hai thứ trái ngược hoàn toàn như vậy. 


Cảm thấy sẵn sàng hơn trước những việc không ngờ tới

Một khi bạn ít trông đợi hơn vào một kết quả cụ thể của một tình huống nào đó, bạn sẽ dễ dàng đón nhận bất kì một kết quả nào. Những người đã buông bỏ được tính kiểm soát có thể dễ dàng đón nhận được bất kì bất ngờ nào từ cuộc sống. 

Bởi vì khi họ đã ít gò bó bản thân hơn, họ sẽ dễ dàng thuận theo dòng chảy của cuộc sống. Điều này có nghĩa rằng dù cho cuộc sống có trở thành như thế nào, bạn vẫn sẽ cảm thấy ổn, hơn là phụ thuộc vào những kết quả nhất định nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân để cảm thấy như vậy. 


Tăng cường kết nối với bản thân cũng như với những người xung quanh 

Cũng tương tự như việc cố gắng kiểm soát mọi thứ khiến cho bạn chỉ trích bản thân và những người xung quanh nhiều hơn, việc từ bỏ tính kiểm soát ấy sẽ giúp bạn kết nối với họ sâu sắc hơn. Đó là bởi vì khi ấy, bạn không tự ràng buộc tình cảm dành cho bản thân và mọi người vào những kết quả cụ thể mà bạn mong chờ. 

Chỉ đơn giản bằng việc chấp nhận con người thật của những người xung quanh, và để cho bản thân không bị ràng buộc bởi kết quả của mọi tình huống, bạn có thể yêu thương mọi người một cách thoải mái hơn, bao gồm cả bản thân bạn và những người xung quanh. 


Làm thế nào để buông bỏ việc kiểm soát mọi thứ

Giả sử  bạn đã quyết định rằng bạn muốn cảm thấy bình yên và được kết nối với những người xung quanh thay vì luôn cảm thấy căng thẳng và hay chỉ trích thì trong trường hợp đó, bạn có thể muốn tìm hiểu cách để từ bỏ cảm giác muốn kiểm soát. Những lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn bắt đầu hành trình trên con đường thư thái này nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều cách khác có thể giúp bạn đạt được điều này. 

Bất cứ điều gì bạn có thể làm để giúp bản thân cảm thấy ổn với việc không kiểm soát mọi thứ đều tuyệt vời cả, dù cho điều đó có lớn hay nhỏ, thường xuyên được luyện tập hay chỉ được sử dụng khi cần thiết. Chúng tôi khuyến khích bạn hãy thử làm theo một trong những lời khuyên sau đây nhằm hướng dẫn bạn trên hành trình này. 


Phân biệt được những gì bạn có thể và không thể kiểm soát. 

“Bạn khó có thể từ bỏ được tính kiểm soát trừ khi đến một lúc nào đó mà bạn cảm thấy việc này là cần thiết. Hãy xem xét mọi việc đang xảy ra xung quanh bạn. Hãy suy xét những khía cạnh trong cuộc sống nằm trong tầm kiểm soát của bạn và những thứ bạn không thể kiểm soát được.”

Một khi bạn đã xác định được thứ nào thuộc loại nào, hãy xử lý những tình huống bạn không thể hoặc sẽ không thể kiểm soát khác trước đây. Điều này bao gồm việc ngừng nghĩ đến những hậu quả và không đối xử với mọi người khác đi nếu khi họ không hành xử theo cách bạn muốn. 

Nghĩ về những tình huống  bạn không thể kiểm soát để cảm thấy bớt lo lắng hơn về các kết quả khác nhau có thể xảy ra cũng có thể giúp ích. Hãy cố gắng cảm thấy bằng lòng với mỗi kết quả mà bạn nghĩ đến, biết rằng nó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, bạn đã an toàn, và bạn sẽ ổn dù cho mọi chuyện có ra sao đi chăng nữa. 


Hãy tập có chánh niệm(*)

Chánh niệm là tập trung tất cả vào hiện tại. Tập trung vào giây phút hiện tại và trân trọng mọi thứ xảy ra có thể giúp bạn đạt được cảm giác buông bỏ. Chánh niệm có thể giúp bạn điều khiển được cảm xúc của bản thân, và điều này là vô cùng hữu ích nếu bạn đang phải đấu tranh với cảm giác muốn được kiểm soát. Nó cũng có thể giúp giảm căng thẳng, một yếu tố có thể làm tăng nhu cầu muốn kiểm soát. 


Tập viết nhật ký 

Việc viết ra những cảm xúc trong lòng có thể giúp bạn giảm căng thẳng một cách đáng kể. Khi viết, bạn có thể suy xét mọi thứ một cách sâu sắc hơn là khi bạn chỉ nghĩ về chúng. Đối với những người cảm thấy cần phải kiểm soát, việc viết nhật ký có thể giúp bạn vượt qua những kết quả có khả năng xảy ra và cho bạn một lối thoát khỏi những cảm xúc ấy mà không khiến chúng trầm trọng hơn. 


Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người thân yêu 

Cuối cùng, bạn không cần phải tự mình vượt qua quá trình này. Rất có khả năng rằng bạn cũng có một người thân yêu đang cố gắng kiểm soát mọi chuyện trong cuộc sống họ. Bạn có thể liên lạc với họ và cho họ biết rằng bạn đang trong một hành trình buông bỏ tính kiểm soát. Hãy mời họ gia nhập hành trình này với bạn, sau đó thường xuyên hẹn gặp và trò chuyện với nhau về diễn biến của quá trình này. 

“Nếu một ai đó trong cuộc sống bạn đã có thể buông bỏ được tính kiểm soát và cảm thấy bình yên, hãy tìm kiếm họ để xin giúp đỡ. Hãy xin lời khuyên từ họ, chia sẻ cho họ những trải nghiệm của bạn và học hỏi từ những gì mà họ đã đạt được.” 

Mong muốn được kiểm soát mọi thứ là một bản năng tự nhiên, nhưng nó cũng có thể khiến cho cuộc sống của ta trở nên phức tạp hơn. Với những mẹo nhỏ này, bạn có thể có một cuộc sống hạnh phúc hơn. 

                                                                                                                        Tác giả : Ariane Resnick, CNC

*Chú thích : 

(*) Chánh niệm ( nguyên gốc tiếng Anh là Mindfulness) là khi một người tập trung toàn bộ cảm xúc, cảm giác và suy nghĩ của mình vào một sự vật, sự việc mà không có bất kỳ phán xét gì.


------------------------------

Dịch giả: Đinh Hoàng Nam

Biên tập: Nguyễn Tú Anh

Nguồn ảnh: huffpost.com, medicalnewstoday.com, thechelseapsychologyclinic.com

Link bài gốc: Why Letting Go of Control Can Help You Enjoy Life

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: YBOX.VN”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.

(***)Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.



----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

80 lượt xem

lh-fulllh-x