Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Tâm Lý] Vì Sao Tôi Cần Phải Ngừng Phán Xét Bản Thân Để Bắt Đầu Chữa Lành Khỏi Chấn Thương Tâm Lý Thời Ấu Thơ

“Giờ đây, tôi đã thấy được rằng làm chủ được câu chuyện cuộc đời mình và học được cách trân trọng bản thân trong suốt quá trình đó chính là điều dũng cảm nhất mà ta có thể làm.” - Brené Brown


Vài năm về trước, khi tôi bắt đầu hồi phục từ chấn thương tâm lý lúc nhỏ, điều đầu tiên mà tôi đã học được đó là tôi cần phải nhận thức được mình là ai và từ đó biết trân trọng bản thân mình nhiều hơn. Tuy nhiên, hành động nhận thức ấy cũng kèm theo những sự thật đắng cay về việc tôi là ai, những việc tôi đã làm và tôi đã hành xử như thế nào bởi vì những gì đã xảy ra với tôi. 

Dù rằng cuối cùng tôi cũng tìm được can đảm với những trải nghiệm đau thương trong quá khứ, tôi vẫn chưa thật sự sẵn sàng tha thứ và chấp nhận con người thật của chính mình. 


Khi tôi thừa nhận tác động của những chấn động và ngược đãi trong quá khứ đối với cuộc sống hiện tại, tôi liền lập tức đổ lỗi cho chính mình. Thật khó để chấp nhận rằng tôi đã từng chiều lòng người khác để bản thân được công nhận và chịu ở trong những môi trường độc hại chỉ vì tôi không cảm thấy mình xứng đáng hay đáng được yêu thương. Tôi đã làm một điều mà tôi đã biết quá rõ và đã hằng quen thuộc - tự chỉ trích chính mình, cảm thấy tủi hổ, mặc cảm và tội lỗi. 


Như nhà văn Bessel van der Kolk đã giải thích trong cuốn “Sang Chấn Tâm Lý - Hiểu Để Chữa Lành” : 

“Tuy tất cả chúng ta đều muốn vượt qua chấn thương tâm lý, nhưng một phần não bộ dành cho việc đảm bảo sự sống còn của cơ thể (sâu bên dưới phần mang tính lý trí) không giỏi lắm trong việc chối bỏ. Rất lâu sau khi trải nghiệm đau thương đã qua, chỉ với những dấu hiệu nguy hiểm nhỏ, phần não này có thể được kích hoạt lại, huy động các mạch não bị xáo trộn lại và tiết ra một lượng lớn những hormone gây căng thẳng. Hiện tượng này có thể mang đến những cảm xúc khó chịu, những chấn động cơ thể cũng như những hành động bốc đồng và hung hãn. Những phản ứng hậu sang chấn này thường rất khó đoán và có thể gây áp đảo. Một khi đã mất kiểm soát, những kẻ sống sót sau sang chấn sẽ bắt đầu sợ rằng họ đã bị tổn thương đến tận sâu bên trong và chẳng gì có thể cứu vãn được nữa.” 


Tuy tự nhận thức được bản thân là bước đầu tiên để có thể bắt đầu thay đổi cuộc sống, nhiều người chúng ta lại có khuynh hướng tự chỉ trích bản thân khi phải đối mặt với những sự thật mất lòng về chính mình cũng như những những trải nghiệm của ta trong quá khứ. Trớ trêu thay, chính hành động không chấp nhận bản thân này đã ngăn cản ta khỏi việc chữa lành và vượt qua những chuyện đã xảy ra. 


Vậy có khả năng nào chúng ta đang ngầm phá hoại quá trình chữa lành của bản thân khi trở nên quá khắt khe với chính mình? 

Chẳng hạn như những nạn nhân cưỡng hiếp cũng là nạn nhân của chính nỗi hổ thẹn đè nặng lên họ. Bởi họ sợ khi phải lên tiếng về những vụ cưỡng hiếp ấy, họ chọn cách im lặng trong khi ngầm gánh lấy trách nhiệm về vụ việc đã xảy ra. 

Nếu như chính những mặc cảm và tủi hổ là những thứ đang lấn át cảm xúc của ta, thì làm thế nào ta có thể chữa lành thành công và chấp nhận đứa trẻ đang bị tổn thương bên trong của ta? Chúng ta có thể làm được điều đó bằng cách chấp nhận buông bỏ mọi chỉ trích phán xét về những gì đã xảy ra với chúng ta, và thay vì phải chịu trách nhiệm cho những nỗi đau mà ta đã phải trải qua, chúng ta phải có trách nhiệm với quá trình hồi phục của chính mình. 

             

  Nguồn ảnh : mentalhealthtoday.co.uk


Tôi vẫn còn nhớ rất rõ khi tôi khoảng bảy tuổi, cha tôi đã nổi giận vì tôi và anh trai lúc đó đang quậy phá ầm ĩ trong nhà. Ông đã đóng sầm cánh cửa phòng ngủ chúng tôi mạnh đến mức kính trên cửa vỡ thành từng mảnh nhỏ. Và khi thấy ông tiến về phía mình với gương mặt đỏ ngầu đầy giận dữ, tôi đã sợ đến mức tè dầm. 

Bất cứ khi nào tôi nghĩ về lần ấy, tôi luôn cảm thấy một cảm giác xấu hổ chạy khắp người mình và tự hứa với bản thân rằng mình sẽ không bao giờ trở nên mềm yếu hay sợ hãi bất cứ ai nữa. 


Khi tôi dần lớn lên, tôi đã tự ép mình phải trở nên cứng rắn. Tôi luôn phải đeo chiếc mặt nạ của một người phụ nữ mạnh mẽ cứng cỏi trong khi bên trong thì cảm thấy như bị bóp nghẹt từng phút giây vì tôi luôn cảm thấy mình thật mong manh, yếu ớt, luôn lo lắng và dễ bị tổn thương. 

Thế nhưng, tôi không thể chịu được việc phải đối diện với những điểm yếu của bản thân như vậy. Bất kể khi nào tôi cảm thấy buồn, bị tổn thương hay bị cảm xúc lấn át, tôi luôn tự chỉ trích bản thân mình thậm tệ. Nói cách khác, tôi trở thành kẻ ngược đãi lớn nhất của con người bên trong mình. 


Sau khi ly hôn, tôi luôn bị ám ảnh bởi thói tự phán xét bản thân và luôn cảm thấy vô dụng vì những gì tôi đã cho phép bản thân mình phải hứng chịu khi chưa ly hôn : bị xem nhẹ, coi thường, những lời dối trá và những nỗi đau không lời nào tả được. Liệu có một người nào có thể cho phép bản thân phải chịu đựng những thứ như vậy? Và thế là, tôi chẳng thể ngừng được việc tự chỉ trích trừng phạt chính mình. 

Cuối cùng, tôi tìm cách giải quyết cảm giác tội lỗi của mình thông qua việc viết lách và thiền định mỗi ngày. Tuy tôi đã bắt đầu hiểu được tầm quan trọng của sự tha thứ và chấp nhận trong quá trình chữa lành và hồi phục, tôi chỉ nắm được ba phần nổi chứ không phải bảy phần chìm của chúng. 


Thử thách thật sự xuất hiện khi tôi phải đối diện với con người hình thành từ những gì đã xảy ra với mình, và tôi chuyển từ việc đổi lỗi sang có trách nhiệm với bản thân. Đúng rằng đó là một bước tiến đúng đắn, nhưng đó cũng là một quá trình lâu dài và gian nan. Bởi vì tôi đã quá chìm sâu trong tâm lý nạn nhân và tâm trí luôn đầy tủi hổ và phán xét, việc chấp nhận con người thật của chính mình tưởng chừng như một ảo mộng xa vời. 

Thật khó để thừa nhận rằng tôi đã lựa chọn ở trong một mối quan hệ độc hại, kiểm soát người khác bằng những giọt nước mắt của mình, và gây nên đủ chuyện ầm ĩ và hỗn loạn trong các mối quan hệ thân thiết chỉ để được chú ý và yêu thương. Thế nhưng, cảm giác khó chịu khi nhận ra điều đó chính là một dấu hiệu cho thấy rằng tôi đã theo được một hướng đi đúng đắn. Nếu tôi chịu vứt bỏ cái tôi của mình đi, tôi thật sự có thể có tiến triển trong quá trình hồi phục này. 


Sau đây là cách tôi đã vượt qua thói phán xét bản thân và chữa lành những vết thương thời thơ ấu :


1.Tôi bắt đầu mở lòng và nói lên sự thật 

Nguồn ảnh : minimalismmadesimple.com


Thoạt đầu, tôi phải đối mặt với thực tế rằng tôi đã căm ghét bản thân đến nhường nào. Khi tôi bắt đầu kể về những gì đã xảy ra trong lúc tìm được sự hỗ trợ từ bác sĩ trị liệu, huấn luyện viên và những người bạn thân, tính phán xét trong tôi dần biến mất và sự chấp nhận đã thế chỗ của nó. 

Lời khuyên từ Brené Brown mà tôi tâm đắc nhất đó là hãy chia sẻ câu chuyện của ta với những ai xứng đáng được nghe. Dù cho bạn nói chuyện với một bác sĩ trị liệu, huấn luyện viên, một nhóm hỗ trợ hay một người bạn thân hay thành viên trong gia đình, hãy đảm bảo rằng người này xứng đáng được lắng nghe những cảm xúc và ký ức sâu lắng nhất của bạn. 

Việc chấp nhận nói lên sự thật về bản thân là một trong những cách tốt đẹp nhất để chữa lành và vượt qua những ký ức và trải nghiệm đau thương. Trong quá trình chữa lành bản thân, một không gian an toàn và những mối liên kết sâu sắc là vô cùng cần thiết, đặc biệt khi nỗi đau của ta bắt nguồn từ những mối quan hệ xung quanh. 


2.Tôi thừa nhận những chuyện đã xảy ra với mình 

Một bước ngoặt quan trọng trong quá trình chữa lành của tôi xảy ra sau khi tôi đọc cuốn sách tên “What Happened to You?” của tác giả Oprah Winfrey và bác sĩ Bruce Perry. Vào lúc ấy, tôi bỗng nhiên hiểu được những hành động của mình. Tôi không phải là con người bệnh hoạn, vô tâm đáng kinh tởm mà tôi vẫn luôn tự cho mình là như vậy. Tôi chỉ đơn giản là một người bị tổn thương hành động theo một cách sinh tồn và sợ hãi vì không tài nào vượt qua được những trải nghiệm đau thương lúc nhỏ. 

Khi ta bắt đầu hành trình chữa lành bản thân và tìm ra được nguyên căn của những hành vi tự hủy hoại bản thân mà ta không nhận thức được trước đó, ta sẽ dần hiểu hơn về chính con người mình và dần không phán xét bản thân nữa. Việc tự hỏi bản thân : “Đã có chuyện gì xảy ra với mình vậy?” thay vì “Mình bị làm sao vậy?” sẽ mang đến nhiều thay đổi to lớn. 

Một khi bạn đã thấu hiểu được bản thân với sự đồng cảm và vòng tay rộng mở, bạn sẽ sớm có được tình yêu thương và sự chấp nhận mà đứa trẻ trong bạn hằng mong muốn. Tôi thật sự không tin rằng chúng ta là những cá thể có vấn đề và cần phải được sửa chữa. Chúng ta là những tâm hồn toàn vẹn, đáng quý, và mục đích của chúng ta là tìm được con đường trở về với chính mình và kết nối lại với những người ta trân quý. 


3.Tôi học được cách xua tan thói tự chỉ trích bên trong mình 

Học được cách nhận diện giọng nói xấu xa trong đầu quả thực là một thử thách to lớn. Những suy nghĩ phán xét bên trong tôi thật sự tinh tế đến mức tôi không hề nhận ra chúng. Thời điểm mà tôi có thể dễ dàng nhận ra những suy nghĩ phán xét này đó là khi thiền định. Thậm chí ngay cả lúc đang thiền, tôi cũng chỉ trích mình : “Ngồi thẳng người lên, tập trung hít thở sâu nào. Ôi, coi nào Silvia, hãy làm tốt hơn như vậy đi chứ. Mày thật chẳng giỏi việc thiền định chút nào. Tâm trí mày lại bị xáo trộn lung tung nữa rồi!” 

Bởi vì chúng ta có đến những 60000 suy nghĩ trong một ngày, thế nên tôi quyết định tập trung vào cảm xúc của mình. Thông qua việc cảm nhận trạng thái cảm xúc của mình, tôi đã khá hơn trong việc xác định được những gì tôi đang nghĩ và và làm thế nào để thay đổi chúng. 

Tôi vẫn nhớ một đêm khi tôi khi tôi cảm thấy vô cùng buồn phiền và vô vọng. Tôi tự hỏi chính mình : “Mình đang nghĩ về thứ gì mà lại bị như thế này?” Và câu trả lời mà tôi nhận được là : “Sẽ chẳng có ai thật sự yêu thương mày cả.” Và đó là lần đầu tiên tôi quyết định không tin vào những suy nghĩ như thế nữa. Thế là tôi ngồi xuống và viết ra một danh sách những người đã từng yêu thương, quan tâm và đồng cảm với tôi. 

Nếu như bạn thường tự phán xét bản thân, bạn có thể sẽ cần một chút luyện tập và kiên nhẫn đấy. Tuy nhiên, nếu như bạn đang trong quá trình chữa lành bản thân, việc thấu hiểu và chấp nhận con người thật của chính mình thật sự là một cách tốt để nói với đứa trẻ bên trong bạn rằng : “Tôi yêu bạn, bạn chẳng có gì không tốt cả, và tôi sẽ luôn ở đây vì bạn.” 

Khi tôi phát hiện ra những tác động tích cực của việc chấp nhận bản thân trong quá trình chữa lành, tôi nhận ra rằng việc quá mức khắt khe với chính mình chỉ khiến tôi nhớ mãi về những trải nghiệm đau thương của mình chứ chẳng thể giúp cho quá trình chữa lành của bản thân. 


Ngày hôm nay, tôi đã hiểu được rằng giọng nói bé nhỏ trong đầu luôn cho tôi mọi lý do để bị mắc kẹt trong trạng thái sinh tồn chính là từ đứa trẻ bên trong của tôi, và nó luôn gào thét : “Ai đó làm ơn hãy yêu thương tôi đi.” Và giờ đây, tôi đã sẵn sàng làm điều đó. 

                                                                                                          Tác giả : Silvia Turonova

---------------------

Dịch giả: Đinh Hoàng Nam

Biên tập: Minh Hương 

Nguồn ảnh: psychologytoday.com, mentalhealthtoday.co.uk, minimalismmadesimple.com

Link bài gốc: Why I Had to Stop Judging Myself to Start Healing from Childhood Trauma

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: YBOX.VN”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.

(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

178 lượt xem

lh-fulllh-x