Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Bao Lâu Để Thôi Sẵn Sàng Và Bắt Đầu Chạy?


Bạn đang và đã rơi vào tình trạng, bản thân có nhiều tham vọng, muốn thử sức, muốn thể hiện, nhưng bản thân lại nghĩ, khả năng chưa đủ và kiến thức hiện có cần phải trau dồi, nâng cao nhiều hơn trước khi sẵn sàng? Bạn đã hứa hẹn bao lần như thế với chính bản thân mình? Kết quả, sau bao lâu bạn mới sẵn sàng? Hãy thử đặt mình vào vị trí của một sinh viên năm nhất, bạn sẽ nhận ra, có thể bạn đã bỏ lỡ, sắp sửa bỏ lỡ và gần bỏ lỡ những cơ hội mới để thử thách bản thân tại bước ngoặc đấy. Năm bạn 19 tuổi và bạn nghĩ mình vẫn chưa sẵn sàng.

Sẵn sàng cho công việc làm thêm

Bạn bắt đầu một công việc làm thêm tử tế khi bạn bao nhiêu tuổi?


19 tuổi, rời xa gia đình lần đầu, bạn như chim non loay hoay tập bay sau ngày tháng được chim mẹ ủ ấp và được mớm thức ăn. Cuộc sống ban đầu của bạn như con lắc đơn bắt đầu dao động: giảng đường, phòng trọ. Điều kiện để con lắc đơn dao động điều hòa là góc lệch cực đại của dây treo phải nhỏ hơn hoặc bằng 10 độ. Cuộc sống không tuân theo một định luật vật lý hoàn toàn, nó biến đổi khi chúng ta thay đổi. Để chấm dứt cuộc sống nhàm chán, vô vị đó, đôi khi bạn muốn thử thách chính mình bằng cách tìm một công việc làm thêm. Đầu tiên, dự định ban đầu của bạn là kiếm tiền, trang trải học phí; thứ hai, bạn muốn có thêm kinh nghiệm nên ưu tiên công việc phù hợp với chuyên ngành theo học. Sau cùng, bạn lùi bước vì bạn chỉ mới năm nhất mà công việc bạn muốn ứng tuyển lại đòi hỏi yêu cầu cao hơn so với khả năng hiện tại của bạn. Bạn không dám thử. Trường hợp thứ hai, bạn rơi vào tình huống, bản thân muốn đi làm thêm nhưng ngại đủ điều. Ba điều ngại cơ bản mà sinh viên năm nhất hay mắc phải, điển hình như ngại giọng nói (tiếng địa phương, vùng miền), ngại giao tiếp (có thể xem là một yếu điểm) và ngại cái mới ( bao gồm cả môi trường mới, bạn mới và quản lý mới). Ngại giao tiếp là lý do chính khiến bạn vẫn chưa sẵn sàng đi làm thêm khi còn là năm nhất. Ngoài ra, một số lý do khác như sợ, sợ lừa lọc, sợ việc nặng hay thiếu, thiếu phương tiện, thiếu trang phục. Cuối cùng, bạn nghĩ, năm nhất vẫn còn sớm, đợi tới năm hai còn chưa muộn khi bạn đã sẵn sàng mọi thứ và tìm được công việc ưng ý. Thế, bao lâu cho hai từ sẵn sàng? Điều này giống như một ví dụ vui, chị già 30 tuổi cưới được anh chồng kém 5 tuổi , cả hai sống hạnh phúc, rồi chị khác nhìn vào lại nghĩ, mình mới có 26 tuổi chồng mình chắc vẫn còn đang đi học, đợi khi nào người đó lớn rồi sẽ đến tìm mình. Trái lại, hãy thử tư duy ngược, bạn ngồi đó để chờ nhà đầu tư phát hiện ra tiềm năng của bạn trong vòng 4 năm hay tự tìm cho mình nhà đầu tư tiềm năng và làm chủ cơ hội, rộng mở cho tương lại của mình chỉ trong vòng một năm hay thậm chí vài tháng.

Điều này cũng giống như phân tích tư duy chiến lược cho công việc làm thêm. Khi bạn mới năm nhất, bạn hoàn toàn vẫn chưa có đủ chuyên môn để đảm nhiệm vị trí công việc có liên quan đến môn chuyên ngành mà bạn đang theo học, nên chiến lược đầu tư chuỗi kinh nghiệm trong CV tương lai của bạn ở giai đoạn này, khả năng thành công rất thấp. Chính vì thế, điều bạn cần làm bây giờ là rèn luyện kĩ năng ứng xử, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng mềm, những thứ mà hầu hết giới trẻ bây giờ đang thiếu hụt. Một điểm cộng then chốt trên CV và cả thực tế. Chọn lựa một công việc bán thời gian phù hợp, bất kỳ vị trí nào. Bạn phải học cách leo từ bậc thấp nhất để lên đến đỉnh cao nhất khi chân bạn không đủ dài và xung quanh bạn không có bất kỳ bệ đỡ nào để có thể bám víu. Mỗi vị trí, công việc lại cho bạn một trải nghiệm mới. Khi bạn là một nhân viên phục vụ, bạn học được cách phục vụ khách hàng sao cho hài lòng nhất, bạn có thể nắm bắt tâm lý khách hàng và cách để làm họ vui lòng. Khi làm một nhân viên cắm hoa, bạn học cách nói chuyện với đồng nghiệp và một sô kĩ năng khéo léo từ những người xung quanh. Khi bạn cộng tác viết bài online có trả lương, bạn học được kĩ năng nắm bắt thị hiếu của độc giả, biết cách giật tít đối với những trang thông tin nhanh hay phát triển cách viết sao cho phù hợp với độ tuổi mà tờ báo hướng tới. Bạn ngẫm ra, văn học thời phổ thông do giáo viên chấm điểm hoàn toàn khác biệt với bài viết mà nhiều người muốn đọc. Mỗi công việc lại cho ta thêm một kĩ năng và kĩ năng chắc chắn sẽ cải thiện đó là kĩ năng viết CV, điều mà nhiều bạn vẫn nghĩ sinh viên năm cuối mới bắt đầu tìm hiểu. Trên hết, bạn sẽ chấm dứt cuộc sống dao động con lắc đơn và kiếm được khoảng tiền nho nhỏ để trang trải nhu cầu cuộc sống hằng ngày. Giữa hai tô mì, mì gói suông và mì gói thêm xúc xích, trứng, đại đa số đều có cùng lựa chọn và sếp tương lai của bạn cũng nằm trong đa số đó. Vậy, khi nào bạn mới thôi sẵn sàng?

Sẵn sàng tình nguyện, tham gia công tác viên

Năm nhất , bạn đã tham gia bao nhiêu hoạt động lớn bên ngoài trường học?

Khi mới bước vào trường, bạn bắt đầu tiếp xúc với môi trường học tập mới, bạn bè mới. Bạn bắt đầu lười biếng. Thay vì đi xa đâu đó, hay nặng nhọc công việc giúp đỡ người khác, bạn dành thời gian để đi chơi, xem phim, tụ tập bạn bè. Bạn cũng ỷ y năm hai rồi mới bắt đầu đi tình nguyện. Trường hợp khác, bạn bị hấp dẫn bởi những công việc tình nguyện trong trường. Ban đầu, bạn chỉ tham gia vì điểm rèn luyện nhưng kết quả thu được, bạn thích tình nguyện bởi bạn tìm thấy niềm vui khi giúp đỡ người khác. Đó là điều thú vị mà công việc tình nguyện đem lại. Tình nguyện không giúp đỡ nhiều cho ngành học được dạy tại trường nhưng có thể giúp bạn tiệm cận ngày tốt nghiệp khóa học làm người bên ngoài xã hội. Lý do lười biếng chỉ khiến CV của bạn dễ bị đè bẹp bởi những ứng viên tiềm năng và năng động hơn bạn. Đừng để đến khi nộp đơn xin việc, bạn mới phát khóc bởi không phải thua người khác về chuyên môn mà chỉ thua kinh nghiệm tình nguyện, công tác cho nhiều tổ chức lớn nhỏ khác nhau. Khả năng thành công tùy thuộc vào độ lười của bạn khi ở những năm đáng ra phải thử.

Ví dụ thứ ba, đó là khi bạn là một sinh viên quá rảnh rỗi nên quá nhiệt tình, bạn ứng tuyển cộng tác, tham gia tình nguyện cho nhiều tổ chức, đoàn thể khác nhau, nhưng sau cùng, bạn không hề đọc kĩ điều kiện hay thời gian cộng tác mà bạn có thể đáp ứng. Điều này là không hợp lý và đôi khi khiến việc học cũng như quá trình cộng tác của bạn bị đảo lộn. Bạn phải hiểu khả năng của mình ở đâu để có thể thành công ở một vị trí, môi trường lí tưởng và phù hợp để bạn khai thác thế mạnh hiện có của mình. Thực tế, tôi đã từng nộp đơn cộng tác cho một hoạt động triển lãm du học. Ban đầu, tôi bị lôi cuốn bởi tiêu đề của hoạt động và muốn cải thiện tiếng Anh nên không ngần ngại nộp đơn vào vị trí Content. Cuối cùng, khi ban tổ chức thông báo đã thông qua vòng 1, tôi bắt đầu đọc kĩ yêu cầu và điều kiện quan trọng là ứng viên phải thành thạo tiếng Anh. Tôi từ bỏ sau khi dòng chữ đập vào mắt mình. Đồng ý, tôi là dân ngôn ngữ nhưng khả năng của tôi chưa đủ để đáp ứng yêu cầu đó, tôi vẫn chưa sẵn sàng và nghi ngờ chính khả năng của mình. Tôi đã từ chối tham gia vòng hai với áp lực từ điều kiện đó. Thật đáng thất vọng! Tuy nhiên, giả sử tôi dám thử thách chính mình hơn thì có thể may mắn sẽ mỉm cười. Điều cốt lõi, không hoàn toàn là tôi không có khả năng mà vì tôi vẫn chưa chiến thắng hoàn toàn áp lực do suy nghĩ của mình tạo ra: chưa sẵn sàng.


Tương tự như vậy, khi đứng trước những thách thức bạn chưa từng trải qua, bạn cảm thấy do dự, rụt rè, đồng nghĩa, bạn vừa đá bay cơ hội thách thức bản thân ở những vai trò mới. An toàn không hẳn là tốt, an toàn không giúp bạn vượt qua những cơn bão lớn khi cuộc sống, công việc đòi hỏi bạn phải mạnh mẽ và bản lĩnh hơn. Quy luật đào thải và loại trừ trong công việc buộc bạn phải học từng thứ một vào năm 19 tuổi, bạn nghĩ mình chưa sẵn sàng. Usain Bolt, người chạy nhanh nhất thế giới ở cự li 100m chỉ với 9 giây 58. Ngoài yếu tố về thể trạng, tập luyện, tâm lý giả vờ đã giúp “tia chớp” ấn định kỉ lục của mình trên đường đua ô van. Bolt tự đánh lừa tâm lý bản thân bằng cách giả vờ bị một ai đó hay con vật nào đó rượt đuổi nên cố gắng chạy thật nhanh. “Tôi luôn hình dung những đối thủ của mình là những con nhện khổng lồ mà tôi phải chạy thật nhanh để thoát nó”. Cuộc sống của bạn cũng giống như Usain Bolt trên đường chạy. Bạn hãy hình dung trong hàng nghìn con người cùng theo đuổi nghề nghiệp mà bạn đang tâm huyết, tưởng tượng rằng, họ chính là những con quái vật, sẵn sàng chiếm mất vị trí của bạn khi bạn sơ hở, dù chỉ 1 giây, bạn sẽ nhận ra bản thân cần phải nhanh hơn trước khi bị đá ra khỏi đường chạy của mình.


Sẵn sàng cho những cuộc thi

Tham gia cuộc thi lớn nào khiến bạn tự hào nhất?

Thực lực của bạn sẽ phơi bày thông qua những cuộc thi. Hai bài học lớn mà bạn có thể tự hào sau mỗi cuộc thi mà bạn trải nghiệm. Đừng nói mình chưa sẵn sàng, hãy thử cho dù bạn không nắm chắc phần thắng. Kẻ bại trận không được tung hô như người chiến thắng nhưng ít nhất họ từng là đối thủ của nhau. Bạn có cơ hội tranh đấu công khai với đối phương và cuộc thi trở thành sàn đấu của những khối kiến thức mà bạn tích lũy trong ngần ấy năm. Một phép thử nhỏ để biết bạn là gỗ mục hay trầm hương. Đánh giá khách quan từ người thứ ba sẽ cho bạn biết thực lực của mình nằm ở mức độ nào. Ảo tưởng, khuynh hướng khuếch đại thực lực của bạn sẽ bị hạ gục từ những cuộc thi được đánh giá chuyên môn và có nhận xét, góp ý từ ban giám khảo. Chưa đủ khả năng, yêu cầu hơi cao so với thực lực hiện có, chỉ là hai trong số những lý do ngụy biện cho sự rụt rè, ngại ngùng mà phần đông những người trẻ đang mắc phải. Hóa ra, bạn đang lên danh sách đầy đủ cho những lý do mà nhà tuyển dụng không nên lựa chọn bạn. Ngại ngùng, tự ti không làm đau đớn cũng không thể giết chết bạn trong 3 hoặc 4 năm tới nhưng nó sẽ giết chết cơ hội thành công của bạn sau 4 năm đó.


Kết lại, hãy quan sát thế giới tự nhiên, bạn sẽ rút ra nhiều bài học cho cuộc sống của mình. Câu chuyện tập bay phi thường của loài đại bàng. Trên bầu trời, đại bàng được mệnh danh là vua, chúng làm tổ ở những vách núi cheo leo hay trên những đỉnh thân cây lớn. Khi dạy đại bàng con tập bay, đại bàng mẹ sẽ hất con non ra khỏi tổ và để chúng rơi từ độ cao chóng mặt ngay trong lần tập bay đầu tiên. Quay lại tổ chúng sẽ lập tức bị giết, bởi đại bàng mẹ sẽ bỏ đi lớp lót mềm ấm để lộ ra phần gai nhọn phía dưới khiến đại bàng con bị đâm chảy máu nếu chúng quay đầu. Như vậy, chúng chỉ có một lựa chọn, đập cánh bay để sống sót. Suy cho cùng, không phải tự nhiên đại bàng trở thành chúa tể bầu trời, tất cả đều trải qua quá trình luyện tập để đạt được. Cuộc sống đôi khi cần một “cú hích” như Richard H. Thaler và Cass R. Sunstein từng nói. Tuy nhiên, khi bố mẹ bạn không đủ lạnh lùng để luyện tập cho bạn những đức tính đó, thì bạn tự mình phải tạo một cú đẩy bên trong để thoát ra khỏi cái tổ đó. Nằm chờ chết hay sải cánh bay, luyện tập là điều cần thiết mà bất kì ai cũng phải học. Luôn có những cơ hội đến với bạn vào lúc bạn nghĩ vẫn chưa sẵn sàng, nên bạn đành bỏ qua. Đến khi bạn đã bắt đầu muốn chạy thì cơ hội cũng bỏ xa bạn rồi. Chẳng ai trao cho bạn cơ hội lần hai khi bạn nghĩ mình đã thật sự sẵn sàng. Do đó, hãy thử khi cơ hội đến.



Tác Giả: Tiểu Thiên, SV Đại học Sư phạm

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: www.facebook.com/tacgiadinh

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

271 lượt xem, 265 người xem - 265 điểm