Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Cẩm Nang Giết Chết Con Nghiện Mạng Xã Hội

           Và vấn đề lớn là: Nó sẽ không cho bạn cuộc sống bạn khao khát! Mark Zuckerberg là tỉ phú, sự yếu đuối của bạn là con gà đẻ trứng vàng cho các ông lớn. Wow, cuộc sống của bạn dễ chịu thật đấy!

 

Có bao giờ bạn thấy mình vô thức lướt Facebook dù mấy phút trước còn định làm việc này việc kia? Tự dặn long chỉ onl thêm 5 phút nữa thôi nhưng 5 phút kì diệu thay lại biến thành 1 tiếng rồi 2 tiếng, thậm chí cả ngày? Có bao giờ bạn ngoái nhìn lại một ngày của bạn trôi qua sao chả làm được gì cả vì hàng giờ lang thang trên mạng xã hội, rồi lại thở dài tự nhủ hãy còn ngày mai? Làm thế nào để thoát khỏi vòng vây tình ái với mạng xã hội mà điển hình nhất ở Việt Nam là Facebook, Messenger, Instagram?

Bạn có biết rằng cuộc đời bạn ngắn thế nào không?

Theo www.freedominthought.com, nếu lấy tuổi trung bình của Mỹ là 79 tuổi, cuộc đời của bạn sẽ diễn ra chủ yếu như sau:


 

Ngủ

26 năm (8 tiếng/ngày)

Học

3 năm (từ mầm non đến đại học)

Làm việc

12 năm (làm trong 45 năm, 40 tiếng/tuần)

Nghỉ hưu

16 năm (nghỉ hưu khoảng 63 tuổi)

Thực tế, 68% người trên 65 tuổi đối mặt với bệnh tật và các khả năng tàn tật nên đây không phải là thời gian rảnh của cuộc đời bạn.                           

Vệ sinh, dọn dẹp, nấu ăn

8 năm

Chăm sóc con cái

2,5% cuộc đời  2 năm

Thời gian rảnh thật sự

12 năm

Một thực tế đáng buồn là người trẻ ngày nay dành trung bình 5 tiếng/ngày giết thời gian bằng các thiết bị điện tử. Giả sử bạn bắt đầu sử dụng từ năm 14 tuổi, bạn sẽ mất đi 118 625 giờ tương đương với 15 năm, đưa con số thời gian rảnh của bạn về -3 NĂM.

Nếu bạn là người nghiện mạng xã hội như tôi đã từng, thì thật kinh khủng làm sao khi điều này tiếp tục xảy ra. Con số có lẽ sẽ không chỉ dừng lại ở 15 năm.

Tại sao Facebook, Messenger, Instagram,… lại gây nghiện?

“Khi chúng ta dành thời gian trên thế giới ảo chính là chúng ta đã đặt mình vào môi trường khuyến khích việc đọc mà không ngẫm, những suy nghĩ vội vàng, đầy sao lãng và học tập không chiều sâu

(Trích The Shallows-Nicholas Carr)

Nguyên văn:

“When we go online, we enter an environment that promotes cursory reading, hurried and distracted thinking, and superficial learning”


Điểm hấp dẫn ở mạng xã hội chính là sự tương tác giữa người dùng. Khi chúng ta đăng hình hay status, những lượt like, thả tim, những lượt share và comment hay khi chúng ta trò chuyện với ai đó, cơ thể sẽ sản sinh ra dopamine – một loại hormone mang lại niềm vui và cảm giác hài lòng tức thời, khiến con người muốn có được nhiều hơn. Điều này kích thích bạn tiếp tục và tiếp tục sử dụng mạng xã hội, tạo nên một vòng xoay giữa cung-cầu. Cơn nghiện không dứt ra được được hình thành.

Một điều nữa, lướt Facebook, Instagram hay chat chit với bạn bè cho chúng ta cảm giác đang làm gì đó, khiến chúng ta bận rộn giả và là một cách tuyệt vời để né tránh trách nhiệm với cuộc sống thật của bạn (có thể khá gian nan) và thay vào đó là cuộc sống của bạn hoặc của người khác được chăm chút trên mạng xã hội.

Mặt tốt của mạng xã hội và sự thật:

       -Xây dựng hình ảnh của bạn trong mắt mọi người?

Người xưa có câu “Thùng rỗng kêu to”. Nếu bạn tốt đẹp giỏi giang thì không nói người ta cũng tự biết. Xây dựng hình ảnh của bạn là bằng hành động, trải nghiệm ngoài cuộc sống và cảm xúc thật sự của bạn trong các khoảnh khắc đó chứ không phải bằng những tấm ảnh vô hồn và những stt bạn cất công viết mà chi bằng giữ nó trong bạn và chia sẻ nó với những người thật sự quan tâm. Sẽ chẳng hay ho gì khi một người không bao giờ nói chuyện với bạn ngoài đời lại biết tất tần tật về bạn: cảm xúc một ngày, đi chơi ở đâu, làm gì, thấy gì,… qua stt, hình ảnh bạn chia sẻ trên trang cá nhân hoặc story. Điều quan trọng hơn, góc tối đằng sau những gì bạn chia sẻ họ có thấy, có cảm không, hay chỉ để lại những lượt like, comment dạo? Tôi từng chứng kiến một chị tôi không quen nhưng có kết bạn trên Facebook. Hôm đó tôi và chị tình cờ cùng tham gia một hoạt động. Chị chẳng có một cuộc trò chuyện ra trò với ai, nở những nụ cười gượng gạo, chẳng thật sự để tâm vào những gì đang diễn ra và lạc lõng trong đám người. Khi tôi về nhà sau hoạt động đó, tôi lại thấy chị mới thay ảnh đại diện kèm theo stt như vừa có một ngày đầy vui vẻ và hạnh phúc. Những gì chị đăng hay chia sẻ trên trang cá nhân khiến người ngoài như tôi đây phục sát đất. Nhưng khi biết những câu chuyện đằng sau vẻ hào nhoáng đó, thật khiến tôi rùng mình và thương cảm cho chị. Hãy là một cuốn sách với bề ngoài cuốn hút và bí ẩn cùng những trích dẫn gây tò mò khiến người khác muốn mua ngay lập tức và dành thời gian đọc nó. Đừng là cuốn sách với hình minh họa và trích dẫn quá nhiều gần như là toàn bộ nội dung khiến người ta đi qua, đọc trích dẫn, để lại lượt like hay vài ba bình luận rồi để đó, lặn mất tăm.

       -Nắm bắt kịp thời tình hình thế giới, không bị tụt hậu?

Hay để rõ hơn là memes, tin lá cải về người nổi tiếng, những video hài hước, thú vị, đôi khi là cập nhật của một vụ việc nóng hổi. Những điều đó quan trọng với cuộc sống của bạn đến thế sao? Hay tác động mạnh mẽ đến con người bạn? Không có nó bạn sẽ không sống được? (dám nhiều người trả lời “đúng” lắm). Thật ra chúng chả liên quan gì đến bạn ngoài việc là nguồn nguyên liệu phong phú cho những cuộc tán dóc của bạn.

      

-Liên lạc dễ dàng, duy trì mối quan hệ?

Và bạn phụ thuộc quá nhiều vào nó. Những cuộc trò chuyện dài lê thê, trống rỗng và vô vị. Nói và chia sẻ với nhau rất nhiều nhưng ở ngoài lại không. Những người chat chit trên mạng thực tế là vì quá dư dả thời gian. Và bạn muốn làm bạn chat của người khác đến thế à? Trong trải nghiệm của tôi, nói chuyện trên mạng thực ra rất tệ hại khi bạn sử dụng đến một mức độ nhất định. Bằng cách nào đó những cuộc trò chuyện trên mạng tác động rất mạnh tới tâm trạng của tôi. Vui thì không nói. Nhưng khi cuộc trò chuyện diễn ra không như ý, tôi trở nên rất cáu bẳn, tức tối đôi khi là buồn rười rượi, gây ảnh hưởng đến cuộc sống thật. Đến cảm xúc của mình còn không giành lấy quyền làm chủ, cuộc đời bạn phó mặc cho ai?

       -Xả stress?                  

Dopamine thật sự có hiệu quả rất tốt trong cải thiện tâm trạng. Nhưng nó cũng có tác dụng phụ. Như khi bạn mong chờ được nhiều like chẳng hạn nhưng chả ai quan tâm; mọi người khoe cuộc sống thành đạt thế nào, vui vẻ ra sao trong khi bạn không có gì; hoặc như ví dụ ở trên về việc nhắn tin làm ảnh hưởng cảm xúc của bạn. Thật ra đâu phải chỉ có mạng xã hội mới giúp bạn xả stress. Đi dạo, chơi thể thao, đọc sách, truyện, nghe nhạc cũng có tác dụng xả stress tương tự nhưng lại có tác động tích cực cho sự phát triển của cơ thể và não bộ. Hoặc ngủ khi căng thẳng nằm ngoài kiểm soát cũng là một cách. Bạn tôi ơi, thế giới ngoài kia chưa đủ phiền muộn sao còn đi chuốc thêm vào qua mạng xã hội?


Mặt xấu của mạng xã hội:


Thứ nhất là đối với cửa sổ tâm hồn của bạn. Nhìn chằm chằm vào màn hình điện tử hủy hoại đôi mắt của bạn. Tất nhiên không hẳn là tại mạng xã hội mà bạn bị cận. Bạn có thể chơi game quá nhiều, đọc sách thiếu ánh sáng, chế độ dinh dưỡng kém hoặc do gene nhưng nói chung là: KHÔNG CÓ TỐT CHO MẮT!

Thứ hai là lăng kính nhìn cuộc sống của bạn bị thu hẹp lại. Bạn tìm kiếm niềm vui trong thế giới ảo thay vì thế giới thật ngoài kia. Ví như khi bạn gặp một điều gì thú vị, thay vì thật sự tận hưởng khoảnh khắc đó, một phần trong bạn đã tính tới chuyện viết status như thế nào.

Thứ ba chính là thời gian của bạn. Mạng Xã Hội chính là kẻ trộm Thời Gian tinh vi. Thay vì 24 tiếng một ngày bạn có thể dùng nó để hoàn thành mục tiêu, chinh phục ước mơ thì Mạng Xã Hội díu vào tay bạn chiếc điện thoại, dỗ ngon dỗ ngọt với những tin tức hấp dẫn và làm bạn quên béng những gì cần làm rồi cùng Thời Gian cao chạy xa bay, để bạn lại ngớ người ra hỏi “Một ngày sao trôi qua nhanh quá?” Cuối cùng thì bạn cũng sẽ trở thành cái xác không hồn cùng khuôn mặt không biểu cảm với đôi tay liên tục lướt màn hình, làm mới bản tin, đôi mắt đờ đẫn dán chặt trong thế giới ảo sống động.

NÓI DÀI NÓI DÔNG NÓI DÔNG NÓI DÀI RỐT CUỘC PHẢI LÀM SAO ĐỂ THOÁT KHỎI CƠN NGHIỆN NÀY??????????


TỪ TỪ KHOAI MỚI NHỪ CHỨ…

Cách để từ bỏ mạng xã hội:

       1. BẮT ĐẦU TỪ BƯỚC NHỎ NHẤT: LÀM QUEN VỚI VIỆC KHÔNG CÓ MẠNG XÃ HỘI:


·         Ngày cách ngày, nhờ một người bạn thường xuyên online, làm một bản cam kết với họ “Nếu bạn thấy tôi online trong 24 giờ tới, tôi sẽ cho bạn …”. Điều kiện đưa ra càng khó càng tốt, ví dụ như một thứ gì đó đắt tiền khiến bạn phải tặc lưỡi chịu đựng việc sống không có mạng xã hội. Ngày hôm sau bạn được phép online. Ngày hôm sau nữa lại thực hiện một bản cam kết tương tự. Sau đó giảm dần thời gian online đi như cách 2 ngày onl một lần, rồi 1 tuần.

Lưu ý: Bước này chỉ để bạn làm quen với việc sống không có mạng xã hội, không có nghĩa bạn buộc phải làm đến khi 1 năm mới được online 1 lần. Làm như vậy sớm muộn cũng phản tác dụng. Hãy để bản thân thoải mái hết sức có thể. Khi cảm thấy bản thân không còn phụ thuộc vào mạng xã hội, bạn có thể lập MỘT khung giờ cố định mỗi ngày để check tin tức và tin nhắn (như tôi là khoảng 8h tối).

       2. LOẠI BỎ TẤT CẢ NGUỒN SAO LÃNG:

·         Xóa ứng dụng Facebook, Messenger, Instagram,… khỏi điện thoại của bạn.


·         Tắt thông báo của các ứng dụng trên bất kì thiết bị nào bạn dùng truy cập.

·         Sử dụng Stayfocusd để giới hạn thời gian truy cập nếu bạn dùng máy tính.

       3. TÌM HIỂU BẢN THÂN ĐỂ SỐNG CÓ MỤC TIÊU:

·         Lắng nghe bản thân để biết bạn thích gì, muốn gì, cần gì, PHẢI CÓ được gì và muốn trở nên thông thạo ở lĩnh vực gì trong tương lai. Danh sách đưa ra càng chi tiết càng tốt, bao gồm deadline cho các mục tiêu, những bước nhỏ để chinh phục.

·         Cống hiến quỹ thời gian của bạn vào mục tiêu đó bất cứ khi nào bạn muốn quay lại lướt Facebook. Có thể là học ngoại ngữ, học một kĩ năng mà công việc bạn đòi hỏi, học nhạc cụ hay đơn giản hơn là tập thể dục để có cơ thể đẹp, nấu một món ngon để hạn chế ăn ngoài hoặc dành thời gian khám phá những gì đang xảy ra xung quanh bạn, đặc biệt là gia đình và bạn bè.


4. PHÒNG KHI BẠN THẮC MẮC:

a) Nếu tôi không thể kiểm soát bản thân thì sao? Hơn nữa không có ứng dụng Facebook hay Instagram, tôi vẫn có thể truy cập bằng web trên điện thoại?

Tôi biết nó không dễ. Ngày đầu cai Facebook (tôi không dùng Instagram), dù đã vạch ra những kế hoạch phát triển bản thân chi tiết, tôi vẫn không tài nào tập trung được. Trong sự quyết tâm cùng nỗi lo sẽ thua cược với cô bạn (tôi cược một chầu ăn), tôi gửi luôn điện thoại và máy tính cho mẹ. Với bản năng sinh tồn, tôi tìm mọi cách để thỏa lòng lấp kín thời gian của mình, làm cái này rồi cái kia dù chả cái nào nên hồn. Tôi lái xe vòng vòng, dừng lại một chỗ thoải mái ngắm nhìn mọi thứ xung quanh và tìm kiếm niềm vui từ nó. Tôi dành thời gian nói chuyện tầm phào với mẹ, phụ mẹ làm việc nhà… Rốt cuộc một ngày cũng qua rồi cứ thế tôi quen dần.

Từ đó đến nay tôi không cài lại Facebook trên điện thoại của mình. Vâng và lại với khả năng sinh tồn, tôi vẫn tìm ra cách dùng web để truy cập. Để ngăn chặn việc đó khi dùng điện thoại, tôi xóa Chrome, Cốc Cốc ra khỏi màn hình chính (tôi không xóa vĩnh viễn được Chrome, Cốc Cốc thì xóa được nên không có vấn đề), đăng xuất tài khoản Facebook khỏi nó để tránh bản thân được thỏa mãn ngay và việc đăng nhập vào Facebook đóng vai trò như hồi chuông cảnh tỉnh tôi (thường thì khi nhìn thấy phần đăng nhập là tôi sẽ tự động thoát ra vì ý thức được hành động của mình). Tôi dùng ứng dụng Google để thay thế. Điểm hay của ứng dụng là chức năng chủ yếu là tìm kiếm nhanh và khi bạn thoát ra nó sẽ xóa luôn trang bạn đang truy cập chứ không ở chế độ lưu trữ như Chrome và Cốc Cốc. Sẽ không có chuyện bạn lang thang hết ứng dụng này đến ứng dụng khác rồi mở lại Chrome, a quên mất nãy mình đang lướt Facebook rồi lại vô thức tốn một mớ thời gian vào nó. Việc không lưu trữ dữ liệu của Google có vai trò cắt đứt niềm hứng thú trong bạn. Và mọi chuyện thật đơn giản làm sao khi bạn có thể thoát ra khỏi bàn tay níu kéo mời gọi của anh Facebook chỉ bằng nút nguồn hay màn hình chính. Hơn nữa, sử dụng trên web điện thoại không có chức năng nhắn tin, sẽ hạn chế việc bạn bị cuốn vào một cuộc trò chuyện với ai đó.

b) Tôi phải làm việc nhiều trên máy tính nên dễ dàng mở sang Facebook. Stayfocusd thật hữu dụng vì nó ngăn chặn mọi biện pháp truy cập khi hết thời gian cho phép nhưng thật sự xóa nó khỏi trình duyệt để thỏa mãn cơn nghiện còn dễ hơn. Tôi phải làm sao?

Đó là lúc bạn cần giải pháp kiểm soát tính kỷ luật của bạn. Giải pháp tôi đang sử dụng chính là app Pomodoro Timer.

Dưới đây là cách sử dụng:


Điều tôi thích ở ứng dụng này chính là tiếng đồng hồ tích tắc nhắc nhở tôi đang làm việc và thúc đẩy tôi hoàn tất việc đặt ra. Chia nhỏ công việc tránh đi việc làm quá sức dẫn đến nhu cầu giải tỏa căng thẳng cao và ham muốn tìm đến Facebook. Hơn nữa bạn hoàn toàn có thể sử dụng 5 phút giải lao để lướt Facebook, Instagram,... Nhưng nói thật là sau 25 phút cật lực làm việc thì thứ bạn cần hơn có lẽ là một cốc nước, một loại quả nạp lại năng lượng hay vận động nhẹ nhàng để cơ thể thoải mái hơn là đắm mình vào thế giới năng lượng tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Và vấn đề lớn là: Nó sẽ không cho bạn cuộc sống bạn khao khát! Mark Zuckerberg là tỉ phú, sự yếu đuối của bạn là con gà đẻ trứng vàng cho các ông lớn. Wow, cuộc sống của bạn dễ chịu thật đấy!

Một điều nữa, khi bạn đã thực hiện được bước 1, thì dù bạn có lỡ dại vào mạng xã hội, bạn cũng sẽ sớm nhận ra nó chẳng có gì hay ho cả và tắt đi ngay thôi.

c) Sẽ ra sao nếu tôi bỏ mất một thông báo quan trọng ở trường, lớp, chỗ làm vì không onl Facebook?

Hãy cho số điện thoại của bạn cho vài người tin cậy và nói rõ với họ là bạn không onl Facebook thường xuyên nên nếu có thông báo quan trọng thì nhắn qua điện thoại giúp.

Hơn nữa nếu việc đó thật sự quan trọng, hãy tự nhiên cho phép mình một lần phá lệ. Những lúc như khi tôi cần liên lạc ai đó mà không có số chẳng hạn, tôi sẽ cài đặt Messenger Lite. Ứng dụng nhẹ, tải nhanh, cấu hình đơn giản giảm tối thiểu sao lãng. Giải quyết xong công việc thì xóa đi luôn. Lưu ý là đừng nuông chiều bản thân nhiều quá nếu không muốn hành động tải app – dùng – xóa thành một thói quen. Hãy sử dụng đến nó khi thật sự cần thiết NGAY LÚC ĐÓ! Còn có thể giải quyết sau hay không quan trọng lắm thì để đến “giờ vàng online” trả lời cũng được.

d) Messenger và Zalo là cách tôi và bạn bè giao tiếp với nhau hàng ngày. Lỡ chúng tôi không thân thiết nữa thì sao?

             Nói chính xác hơn, nó giúp bạn lọc đi những mối quan hệ nhảm nhí. Thật hài hước làm sao khi giữ những mối quan hệ mà các bạn nói thật nhiều, thật vui vẻ, thật sảng khoái với nhau trên mạng nhưng khi gặp nhau thì câm như hến và cắm đầu vào điện thoại. Thay vào đó, tại sao không dùng những ứng dụng nhắn tin này chỉ để sắp xếp những cái hẹn ra trò và tận hưởng thời gian bên nhau. Những câu chuyện các bạn chia sẻ với nhau hàng ngày trên mạng sao không để dành cho một cuộc nói chuyện thật sự.


Dành thời gian thực bên nhau cũng chính là cách tôn trọng cuộc sống riêng của nhau, thời gian của nhau và tình bạn cũng sẽ bền chặt hơn rất nhiều.

 

e) Tôi phải bỏ mạng xã hội hoàn toàn?

                      Không hề. Nhưng là bạn nắm quyền điều khiển mạng xã hội theo ý bạn muốn. Tôi chọn sử dụng Facebook để giải trí sau khi đã hoàn tất những mục tiêu trong ngày. Thường thì lúc đó cũng đã tối muộn và mệt lử, chỉ check qua loa những cuộc hẹn, những tin tức phòng khi có cơ hội hay sự kiện nào hay ho rồi nhanh chóng đi ngủ và tận hưởng cảm giác hài lòng với bản thân thay vì trước đây là nỗi lo nơm nớp vì mình chưa làm gì nên hồn và bị thế giới bỏ lại.

Mạng xã hội giờ không còn mang vẻ bề ngoài lấp lánh cuốn hút như trước kia nữa. Khoảng thời gian phí hoài tôi dành cho mạng xã hội giờ đây thay bằng những công việc được hoàn tất, học những điều mới, giấc ngủ đầy đủ, thể thao cho cơ thể khỏe mạnh và thời gian bên những người mình yêu thương. Nó tuyệt hơn loại dopamine Facebook đem lại cho bạn chứ? Với tôi câu trả lời là “CHẮC CHẮN RỒI!”

Tôi hy vọng bạn đủ dũng cảm để thoát khỏi con quỷ mạng xã hội và hy vọng trải nghiệm của tôi sẽ đủ là công cụ cho bạn đánh bại con quỷ đó. Mảnh ghép quan trọng nhất trong “cẩm nang” này không ai khác chính là BẠN VÀ LÒNG QUYẾT TÂM CỦA BẠN. Cũng như tôi là vì tôi rất ghét bản thân sống trong cuộc sống bình thường. Chúc bạn thành công!

Xin tặng bạn câu nói mà tôi rất thích:

Một trong những trải nghiệm đáng buồn nhất có thể đến với một con người là khi họ nhận thức được rằng tóc mình đã bạc và da mình đã nhăn nheo, mình sắp kết thúc một cuộc đời không mấy hữu ích, nhưng thật sự là suốt cả cuộc đời, người đó chỉ sử dụng một phần nhỏ của cuộc đời mình.

_V.W.Burrows.

Người khôn ngoan luôn làm ngay những gì kẻ ngốc làm sau cùng.

_Baltasar Gracian

*Bài viết mang tính chất tham khảo, không đề cập tới tất cả các trang mạng xã hội vì vấn đề lớn tôi gặp phải là Facebook và Messenger. Nhưng bạn đọc có thể linh động và tìm giải pháp phù hợp cho bản thân mình. Một lần nữa chúc bạn sẽ thành công!


Tác Giả: Nguyễn Thu Hồng

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100004626079166

        -------------------------------------------------------------------------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN?

Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info




 

 

 

 

      

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

721 lượt xem, 686 người xem - 691 điểm