Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Chân Tay Hay Trí Óc? - Đâu Là Sự Lựa Chọn Hoàn Hảo?


Có thể nói cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang khiến thế giới thay đổi những nét rõ rệt về nhiều mặt. Sự thống trị của công nghệ và các loại máy móc đang dần khiến con người bớt “bận rộn “hơn, và khiến mọi thứ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Song, bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh giữa con người và trí tuệ nhân tạo đang trở nên rất khốc liệt, bởi vì AI (Atificial Inteligence) đang dần thay thế con người trong nhiều bộ phận trong các công xưởng, doanh nghiệp. Mối đe dọa này gây ảnh hưởng trực tiếp tới một bộ phận người lao động, đặc biệt là giới trẻ - những người đang khao khát tìm việc làm ổn định và mang lại nguồn thu nhập cho cuộc sống. Tại Việt Nam, làn sóng này cũng đã ập đến và gây tác động tới thị trường lao động trong nước. Câu hỏi đặt ra là: các bạn trẻ đang ở đâu trong tương lai của chính mình?


Gần đây, tôi có đọc được một bài viết trên mạng xã hội. Điều đáng nói, bài viết này nhận được những bình luận và lượt chia sẻ rất lớn từ cộng đồng mạng. Tiêu đề bài viết: Tại sao sinh viên chọn làm thêm lương 15K/h còn hơn gia nhập start up? Xuyên suốt bài viết của mình, tác giả phân tích tình trạng, lí do dẫn đến việc sinh viên trong một quốc gia khởi nghiệp lại ưu tiên công việc chân tay hơn lao động trí óc. Tôi đọc và ngẫm nghĩ nhiều nhiều giờ. Câu chuyện của ông tác giả đó cứ quẩn quanh trong tâm trí tôi không dứt, bởi vì bản thân tôi cũng là một người trẻ. Tôi nhận ra rằng đó không phải là vấn đề của anh A, chị B ngoài kia, mà là câu chuyện của chính mình. Tôi nhìn thấy mình trong đó, và nhận ra rằng tôi cũng sắp bước đi trên con đường tương tự. Tâm sự của một sinh viên năm nhất với câu chuyện nghề nghiệp….


silver MacBook Pro


Nắng tháng 11 đã tắt, đông 12 đã gõ cửa thành phố hoa sữa mộng mơ Hà Nội. Tôi vẫn lang thang trên những khung đường tìm kiếm cho mình những cơ hội. Cái nhịp sống của đô thị thôi thúc tôi phải chủ động tìm lấy ước mơ của chính mình. Tôi có một thói quen, tối nào cũng vậy, tôi đều đặn ghé thăm Ybox, vào mục tuyển dụng, và lướt những bàn phím chỉ để tìm kiếm những công việc partime phù hợp với mình. Nhưng, đó chỉ là những công việc yêu cầu kinh nghiệm, bằng cấp, việc fulltime, hay có kĩ năng công việc. Tự hỏi bản thân rằng, sinh viên năm nhất tìm đâu ra những tiêu chí đó của nhà tuyển dụng? Tìm đâu ra một nơi có thể chấp nhận sinh viên năm nhất vào làm những vị trí hấp dẫn? Câu trả lời là không. Không riêng gì những công ty, doanh nghiệp hay kể cả start-up, họ đều có những khung tiêu chuẩn cho cấp dưới của mình, dù chỉ là cơ bản, nhưng cái cơ bản đó lại là cái cao cấp đối với sinh viên mới bước chân vào cuộc sống Đại học. Tự hỏi, họ cũng cần có việc làm để trang trải cuộc sống, để giúp đỡ bố mẹ đang vất vả lao động ở quê, để bớt đi những gánh nặng tài chính, thì những công việc đòi hỏi trình độ như trên, có khi là thực tập không lương hay hưởng theo năng lực thì có thu hút được họ? Câu trả lời vẫn là không. Chân tay hay trí óc thì nó còn tùy thuộc vào từng giai đoạn, từng độ tuổi khác nhau. Như sinh viên năm nhất, tôi sẽ ưu tiên những công việc ổn định, kiếm tiền theo lương cứng hàng tháng để chi tiêu vào những thứ thiết yếu trong cuộc sống. Vừa làm, vừa học, đôi khi lại quan sát được cách thức kinh doanh, làm việc, và biết đâu học hỏi được điều gì đó. Đó là xu hướng của sinh viên mới xa nhà và làm quen với cuộc sống Đại học. Còn từ năm hai trở đi, khi mà họ đã bắt đầu được tiếp cận kiến thức chuyên ngành, ít nhiều có những chuyên môn, kĩ năng cơ bản, họ có thể tự tin nộp CV vào một số công việc ở những vị trí hấp dẫn hơn. Lúc này, kinh nghiệm và sự va chạm được ưu tiên hơn là vấn đề tiền lương. Chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá đúng sự việc, không nên “vơ đũa cả nắm”.


Thế nhưng, tôi vẫn nhìn thấy một tình trạng đáng buồn, một bộ phận giới trẻ vì chạy theo mê lực của đồng tiền mà tìm đến những công việc không cần sử dụng đến chất xám, những công việc không cần nghĩ ngợi mà vẫn có tiền. Đó là sự thực dụng và thiếu sự hiểu biết. Cái tư tưởng đó dễ thấy đang dần ăn mòn suy nghĩ của một số bạn còn đang ngồi trên giảng đường Đại học. Họ đang quên mất những giá trị thực của công việc và cuộc sống đem lại. Không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân, nó còn phải tạo ra sự lan tỏa, chạm đến mặt tốt đẹp của tâm hồn, gián tiếp khiến những người trẻ khác có động lực để theo đuổi đam mê và công việc có giá trị cho xã hội Điều này không hề mới mẻ đâu các bạn ạ, khi mà trong thời đại con người đang phải trực tiếp so đo thực lực với những loại máy tự động, nhiều người trẻ lại tìm cách chối bỏ hay dừng lại ước mơ của mình chỉ vì nhìn thấy bức tranh tối màu của sự khốc liệt trong nghề nghiệp trước mắt. Khi ta còn trẻ, ta sẽ tự chọn nghề. Khi đã chững chạc, nghề sẽ chọn ta. Đó là cái vô hình ít người có thể để ý tới.


man staring at white sky taken at daytime


Cái mà những người đi trước, những người từng trải muốn nhìn thấy ở các bạn không phải là một tuổi trẻ nhàn hạ, với sự ổn định trong mức lương, dễ dãi trong công việc, mà là những sóng gió, thử thách từ cái đam mê mà các bạn theo đuổi. Máy móc phát triển thì bộ não con người cũng cần phải nhạy bén theo. Nếu nhìn vào các bộ phim khoa học viễn tưởng, khi mà máy móc trỗi dậy chống lại sự thống trị của con người trong khoảng vài trăm năm nữa, liệu các bạn còn nghĩ đó là một câu chuyện vớ vẩn, viển vông khi mà các bạn đang lãng phí tuổi trẻ. Không có một lựa chọn hoàn hảo, cũng không có một con đường toàn vẹn, quyết định nào rồi cũng sẽ mang tới những gai góc, gập ghềnh. Cách chúng ta đi đến và vượt qua mới thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ. Tôi xin làm một phép tính nhỏ như thế này. Gỉa sử bạn là sinh viên một trường đại học với mức phí 20 triệu/kì, thêm cả tiền sinh hoạt 3 triệu/ tháng, nghĩa là sau 4 năm, bạn đã tiêu hết khoảng gần 300 triệu của gia đình, một con số khủng khiếp với một sinh viên ở Việt Nam (con số này là có thật, tôi đã tối giản đi 1 phần). Vậy mà bạn lại chọn sự ổn định với mức lương chỉ vài chục nghìn một giờ, một tháng khoảng 2 triệu???


Liệu điều này có xứng đáng với kì vọng của gia đình, của bản thân bạn không? Đôi khi, trong cuộc sống chúng ta phải đặt ra những câu hỏi như vậy, điều này giống như phép thử cho lựa chọn của bạn, rằng bạn đã thực sự đi đúng con đường mình đã vẽ ra hay chưa. Tôi biết có rất nhiều người trẻ tài giỏi, hoạt bát, nhưng vì mưu sinh, họ lại không đủ kiên nhẫn để tiếp tục theo đuổi những khó khăn, áp lực công việc trí óc đem lại. Họ chọn công việc kiếm tiền nhanh hơn, dễ hơn là đi làm thuê, làm mướn, lãng phí cái chất xám của bản thân, phí mất một bộ óc biết đâu có thể thay đổi cả thế giới. Bên cạnh đó, họ còn vô tình lấy đi việc làm của những con người kém may mắn khác, nhưng người không có đủ khả năng để làm việc trí óc, những con người còng lưng nuôi cha, nuôi mẹ, nuôi gia đình. Thử hỏi, như vậy, bạn đã cướp đi niềm vui của rất nhiều người: gia đình, người lao động ngoài xã hội, và chính bạn!


Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên thay đổi nhiều chính sách để tạo điều kiện nhiều hơn cho các bạn trẻ khởi nghiệp và nắm bắt xu thế công nghệ 4.0. Bây giờ, chính là thời điểm tốt nhất để các bạn bươn trải, lăn xả, tìm kiếm những “cần câu cơm “giá trị, xứng đáng với công sức bạn bỏ ra. Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? Tại sao không để bản thân thử thách và trải nghiệm nhiều hơn? Thực ra, dù là lao động chân tay hay lao động trí óc thì nếu đem lại lợi ích cho xã hội, cho đất nước thì đều đáng quý, nhưng nó phải tương thích với giá trị bản thân, chứ không thể để sự chây lì, ỉ lại dập tắt mọi thứ.

man holding book on road during daytime


Đất nước cần những con người năng động, thích ứng kịp với thời kì mới, với nhiều những thay đổi chóng mặt của thế giới, giá trị mà giới trẻ mang lại còn nhiều hơn cả những con số dự báo tăng trường kinh tế trên bàn giấy, nó mang tới một làn gió mới cho một nền kinh tế còn non trẻ như Việt Nam. Bạn nên nhớ rằng, các nhà tỉ phú, những ông chủ tập đoàn lớn hàng đầu trên thế giới đều xuất phát từ những công việc tay chân nhỏ bé, thấp hèn, bị người khác khinh thường nhưng đó chỉ là bước đệm để họ chạm tới những cột mốc lớn hơn cho xã hội. Muốn làm điều lớn thì phải làm được những thứ nhỏ, nhưng đừng ngủ mê trong những thứ nhỏ bé mà mãi chìm sâu trong giấc mơ của mình.

Đừng để đồng tiền thay đổi bạn, mà bạn phải thay đổi những giá trị mà đồng tiền đem lại!


Tác Giả: Phan Thị Minh Ngọc, Sinh viên @Đại học Kinh tế Quốc dân
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100013240141954

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info



(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,866 lượt xem, 2,643 người xem - 2645 điểm