Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Chứng Tỏ Bản Thân, Tôi Thực Sự Rất Mệt Mỏi

If you're not doing what you love, you're wasting your time

Một ngày 24 tiếng, bạn dành bao nhiêu thời gian làm điều mình thích. Liệu bạn có đang cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với những việc mình đang làm hàng ngày. Hay chỉ đang làm những thứ mọi người vẫn làm, đi những nơi mọi người vẫn đến và sống cuộc đời mà mọi người vẫn sống. Cuộc sống đó có phải là cuộc sống chỉ biết hưởng thụ, sống vội vã, sống lo âu, sống chỉ biết cho riêng mình?

Giới trẻ ngày nay lạ thật, cứ thích sống cuộc đời của người khác, cứ bận tâm đến việc họ ăn gì, mặc gì, chơi với ai. Có người lại cứ thích đem mình ra so sánh với người mình không thích. Cứ muốn khoe khoang về thanh xuân của mình, những chuyến du lịch, những thành tích, những bức hình public chỉ vì mục đích để ai đó thấy. Chúng ta đang sống ở một thế giới có quá nhiều người muốn chứng tỏ bản thân, muốn được người khác công nhận và muốn làm người khác nhiều hơn là chính bản thân mình.

Hồi còn học cấp 2, tôi được học cách chứng tỏ hai tam giác ABC và A’B’C’ bằng nhau, chứng minh 3 điểm thẳng hàng, chứng tỏ Chí Phèo không xấu, … Tôi được dạy cách chứng minh nhiều thứ, không chỉ trong toán học, văn học mà còn là chứng minh bản thân học giỏi bằng những bảng thành tích, khen thưởng, những cuộc thi, giải đấu. Tôi cứ không ngừng chứng tỏ bản thân cho gia đình, thầy cô, bạn bè, muốn cả xã hội thấy rằng tôi giỏi đến mức nào. Rõ ràng chứng tỏ bản thân đã ăn sâu vào nếp nghĩ, là khuôn mẫu mà tôi phải đạt được nhưng nó không phải là mục đích sống của tôi. Tôi đã suy nghĩ hàng trăm lần về điều này, tôi sống vì mục đích gì?

1. Chứng tỏ bản thân, đừng để ám ảnh dẫn đến mông muội

Đừng cố gắng chứng tỏ bản thân mình, chẳng ai để ý đến bạn đâu. Họ chỉ đang tỏ ra chúc mừng bạn khi bạn đạt được thành công, nhưng trong lòng họ đang rất đố kỵ. Thậm chí họ đang cười nhạo bạn bởi họ cho rằng thành công của bạn chẳng đáng gì. Người thật lòng với bạn khó kiếm lắm hoặc họ đã tuyệt chủng kể từ lúc bạn chưa sinh ra rồi. Nếu bạn đang có những dấu hiệu này, thì cẩn thận bạn đang rơi vào hố đen đấy.

Một là, luôn sống với vỏ bọc. Chuẩn mực của một người thành công luôn là giỏi giao tiếp, nói năng lưu loát, biết lấy lòng mọi người, kiếm nhiều tiền, đi du lịch nhiều nơi, ăn món ngon, mặc quần áo đẹp,.. kể ra thì thấy dài dòng nhưng chung lại, có phải thành công của bạn là do người khác đánh giá? Bạn sẽ không tự nhận là người giỏi giao tiếp nếu như có ai đó khen bạn nói chuyện hay. Bạn sẽ không nghĩ mình kiếm được nhiều tiền nếu bạn so sánh số tiền bạn kiếm được với đứa bạn cùng lớp. Có vẻ như những thứ này nghe có vẻ hợp lý đấy, nhưng tất cả đều sai. Bạn chỉ đang khoác trên mình cái vỏ bọc thành công, bởi những thành công đó là do người khác tạo ra.

Ngày nhỏ, thấy cô hàng xóm khoe con cô biết đan áo len, mẹ tôi thấy vậy liền mua cho tôi len về tập đan, mẹ nói: “con gái phải biết đan len!” Thế là tôi tập đan ngày đan đêm, cuối cùng cũng được một cái khăn quàng cổ không hoàn hảo nhưng tạm gọi là ổn. Và thế là tôi đã chứng tỏ bản thân mình cho người khác thấy việc đan len tôi cũng làm được. Những thực chất tôi đâu thích đan len, nhưng mỗi khi ai hỏi thì tôi lại nói mình rất thích đan len. Vậy là tôi đã vô tình tạo nên cái vỏ bọc thích đan len cho chính mình.

Không phải một vỏ bọc, mà là rất nhiều vỏ bọc tôi đã vô tình tạo ra trong vô thức. Để rồi ngày hôm nay tôi đã mang trên mình quá nhiều gắng nặng không tên, sống cuộc đời mà mình không muốn. Tôi đoán chắc bạn đang có những vỏ bọc đó, không ít thì nhiều, thậm chí bạn đang mơ hồ là mình có vỏ bọc nào không, tin tôi đi tôi đoán chắc là bạn đang có đấy.

Hai là, coi người khác để sống, từ đó tạo vỏ bọc cho chính mình. Cái này nói ngắn gọn lại chính là trào lưu. Cứ mỗi lần có trào lưu gì mà nhiều người làm, họ cũng bắt chước theo. Trào lưu nổi lên một thời gian rồi lại chìm trong quên lãng, rồi một trào lưu mới lại tiếp tục. Buồn thay những trào lưu càng ngày càng xa giá trị xã hội, đạo đức con người mà lại thường là những trào lưu sống hưởng thụ, sống vội vã, chỉ sợ không được hưởng hết mọi lạc thú trên đời.

Dễ thấy nhất là trào lưu đi phượt, những người đi phượt vì niềm đam mê, để trải nghiệm là tốt nhưng không phải ai cũng được vậy. Thấy người khác sao sướng thế, được đi nhiều nơi, suốt ngày đi chơi khiến bạn khó chịu, bạn cũng muốn được đi chỉ vì thấy nhiều người đi, thì bạn đã để người khác điều khiển mình rồi đó. Mỗi người có cuộc sống riêng, ta sinh ra là một cá thể riêng biệt, đừng bắt chước sống như người khác.



2. Muốn chứng tỏ bản thân, hãy đơn giản là chính mình

Một người dù đã rất thành công, nhưng chỉ vì một lỗi lầm nhỏ lại khiến người đó mất hết tất cả, vậy ta có coi đó là người thành công hay không?

Thành công không phải là làm hài lòng người khác, nó chỉ đơn giản là bạn của ngày hôm nay đã tốt hơn  ngày hôm qua. Bạn của năm nay đã tốt hơn năm trước bởi mỗi ngày bạn đều học cho mình những kiến thức mới. Những lần bạn thành công, những người đến chúc mừng, tung hô bạn không quan trọng bằng chính bản thân các bạn ăn mừng thành công của chính mình. Nghệ thuật ăn mừng chiến thắng cũng cần phải học giống như kỹ năng vượt qua thất bại.

Nếu mãi coi sự thành công đến từ đánh giá của người khác, thì chắc chắn không ai trên đời này thành công hoàn toàn và hạnh phúc cả. Thành công phải bắt đầu từ chính bạn, từ chính sự thừa nhận của chính mình. Cởi bỏ mọi lớp vỏ, chấp nhận con người thật của bản thân và mỉm cười mỗi ngày. Không khó để làm điều đó, hãy tin tưởng, yêu thương chính bản thân mình mỗi ngày.

Hầu như giới trẻ ngày nay đang thiếu đi những hệ giá trị, những lý tưởng sống cao đẹp. Họ sống vội vã, bắt chước, hưởng thụ mà chẳng có lấy được một ước mơ lớn lao. Khác với thời cụ Hồ, giải phóng dân tộc chính là lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ. Rồi thời những năm 80 của thế kỉ 20 đất nước bắt đầu đổi mới, lý tưởng tuổi trẻ chính là xây dựng đất nước phát triển, thoát khỏi lạc hậu.

Hiện giờ nước ta đang trong quá trình phát triển, đáng lẽ lý tưởng tuổi trẻ phải là xây dựng đất nước phát triển hơn nữa, nhưng sao chỉ thấy càng nhiều người rời xa quê hương để hưởng thụ cuộc sống của riêng mình. Có thể nhiều người cho rằng tại sao phải đặt lý tưởng là yêu Tổ quốc lên cao, vậy tôi tự hỏi bạn có yêu gia đình mình không? Nếu chỉ đặt mục tiêu kiếm được thật nhiều tiền, đi du lịch khắp thế giới, vậy bạn đã làm gì để người khác nhớ về bạn. Bạn có thể trở thành công dân toàn cầu nhưng mỗi lần nhắc về đất nước Việt Nam bạn lại coi thường vì sự lạc hậu, kém phát triển của chính quê hương mình, thì có phải bạn đang coi thường chính gia đình mình hay không.

Bạn và tôi, những người trẻ cần xây dựng cho mình những hệ giá trị, những lý tưởng để theo đuổi. Có thể lý tưởng xây dựng đất nước với tôi là quá xa vời, hãy đơn giản nó lại. Hệ giá trị không phải là những thứ gì quá lớn lao, tôi muốn xây dựng cho mình những giá trị sống, kim chỉ nam cho cuộc đời mình, đó là luôn luôn “sống thật với chính mình”. Đừng cố chứng tỏ bản thân cho người khác thấy, hãy chứng tỏ bản thân với chính mình, rằng bạn hôm nay đã tốt hơn ngày hôm qua. Rằng bạn đang làm những việc mà bạn cảm thấy hạnh phúc.

Hành động của mỗi người đều xuất phát từ hai lý do, một là vì yêu thương, hai là sợ hãi. Nghĩa là nếu bạn đang cố gắng chứng tỏ bản thân chỉ vì sợ người khác đánh giá, sợ ba mẹ buồn lòng, sợ bạn bè cười chê thì bạn đã hành động sai rồi đấy, đừng để cuộc đời bạn chìm trong mớ đau khổ. Nếu bạn muốnn vì bạn yêu thương chính mình, yêu thương gia đình, quê hương mình thì bạn đã tìm thấy điều tốt đẹp trong cuộc đời mình. Hành động xuất phát từ tình yêu sẽ nhận lại được sự yêu thương.

Vì quá mệt mỏi mang trên mình những vỏ bọc, tôi chọn cách cởi bỏ mọi lớp vỏ, sống thật với chính mình. Bạn cần xây dựng cho mình những hệ giá trị sống và hành động xuất phát từ lòng yêu thương. Mọi lời nói chỉ là vô nghĩa nếu như bạn không thật sự chiêm nghiệm lại. Hãy thử hỏi bản thân mình ngày hôm nay đã làm điều gì mình tốt hơn ngày hôm qua chưa, hãy hỏi thật sự rồi bạn sẽ tìm thấy câu trả lời. Tôi cũng đang trong quá trình tự vấn lại bản thân, nhiều lúc nhận ra bản thân quá ngu ngốc vì đã hành động như vậy. Nhưng ít nhất tôi biết mình sai ở đâu và bắt đầu lại, để nhận ra rằng mình có nhiều thứ phải học hơn là chỉ biết nhìn người khác thành công. Hãy ngừng than vãn và bắt tay vào làm ngay những điều bạn cho là cần thiết, đơn giản là hãy “sống thật với chính mình”.

Tác Giả:  Chu Thị Ngọc Phương

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả https://www.facebook.com/tuongvi.chu.5

 --------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (+22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

 (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,905 lượt xem, 1,789 người xem - 1800 điểm