Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] "Đánh Thức Chính Mình Qua Từng Giấc Ngủ"

“ĐÁNH THỨC CHÍNH MÌNH QUA TỪNG GIẤC NGỦ…”

__“Gửi đến chính tôi năm mười tám:

Bạn hẳn đang tất bậc đời sinh viên

Đang toan lo khi tuổi trẻ chưa trưởng thành

Đang lạc mất mình như vệt màu giữa bức tranh…

Tôi ơi, hãy ngủ trưa đi, vì:

Một giấc ngủ trưa đủ để thấy chính mình”__

 

***

“Reng reng reng reng…”

Tiếng chuông đồng hồ báo thức reo lên, ánh sáng  ngọt ngào của buổi đầu ngày cũng đang mọc rồi xuyên qua những nếp gấp của tấm rèm cửa, ngày mới đã đến!


Khung cảnh của buổi sáng đầu ngày đẹp như bức tranh ngây thơ trong trí tưởng tượng của một đứa trẻ mẫu giáo. Ngày mới với con nắng vàng dịu êm chan lên làn da mỗi người, hơi ấm của thiên nhiên làm tâm hồn thư thái và giàu năng lượng…

Mở đầu cho một ngày mới là khung cảnh đẹp lung linh mà bao nhiêu người đều dễ chịu, và chính nó cũng là báo hiệu cho một cuộc chạy đua khốc liệt. Tôi, à không, phải là “chúng ta”, thức dậy chào buổi sáng, thưởng thức tách café ngọt liệm ở đầu ngỏ, tận hưởng bữa điểm tâm ngon lành và chúng ta bắt đầu cuộc hành trình mang tên “cuộc sống”.

Chúng ta hối hã cho vấn đề mưu sinh, vắt kiệt sức mình vì vấn đề tiền bạc chăm lo cho cuộc sống cá nhân hay những người ta yêu quý.

“Cuộc sống là quãng đường dài chinh phục và thử thách”, một câu ngạn ngữ Pháp mà tôi rất thích. Nhưng nếu trên quảng đường ấy, bạn vô tình vấp ngã, bạn thua cuộc, bạn sợ hãi, bạn chao đảo, thì phải làm sao? Đó là “thử thách” dành cho cuộc đời bạn và làm sao để “chinh phục” nó?

Xin chào các bạn, chào mừng các bạn đã đến với những biến cố khủng hoảng của cuộc đời tại ngưỡng cửa trưởng thành, nơi mà bạn, tôi, ai rồi cũng sẽ qua và đừng hỏi ai làm sao để mạnh mẽ, trước tiên, hãy hỏi chính mình!

Thư giãn, hãy ngủ một giấc thật sâu và trả lời câu hỏi của “cuộc sống”, hãy ngủ thật sâu để tìm thấy chính mình giữa đời thực vô danh!

Người khác bảo đi ngủ khi gặp khó khăn là việc làm trốn chạy của kẻ hèn nhát. Đừng lo lắng, bản thân bạn không phải hèn nhát, bạn chỉ tôn trọng chính mình và thưởng cho mình một giấc ngủ sau bao nhiêu biến cố. Hãy xem khoảnh khắc bạn chợp mắt là thời điểm bạn lên đường cho chuyến hành trình tìm kiếm năng lực và ngôn ngữ tâm hồn của bản thân.

 

***

Chuyện: Kẻ cô đơn ngủ để hòa nhập

Món quà tôi tặng C – Kỷ niệm của chúng ta

             

            Tôi có một người bạn từ năm đầu tiên của tiểu học. Cô bạn ấy tên là C. C là một cô gái đẹp, cá tính và khá ít nói với những người xung quanh. Nhưng trong một giai đoạn của tuổi trẻ, C đã vô tình lầm lụy vào hoàn cảnh khó khăn khi bản thân phải đối diện với nỗi cô đơn đáng sợ và “những kẻ nô lệ cho thói bạo lực” (khoảng thời gian ấy là vào lúc C đang lớp 7, một độ tuổi quá trẻ để phải đương đầu với kẻ thù lớn như “nỗi cô đơn”).


             Tưởng rằng nỗi đau và sự tuyệt vọng đủ để tha hóa nhân tâm một con người. Nhưng bằng một quá trình nào đó, những tháng về sau, C đã thức dậy phần bấy lâu nay bị che mờ bởi nỗi cô đơn một cách kỳ diệu. Cô ấy dường như trở thành “vựa muối” của lớp. Cô ấy cố gắng tiếp cận những cuộc trò chuyện của chúng tôi, cô ấy cười và xin lỗi vì mọi thứ. Tôi nhận thấy một ngọn lửa ấm tỏa ra khi cô ấy đem cả những giọt nước mắt hối hận cho quá khứ sai lầm. Cô bạn tên C của những nỗi u ám đáng sợ đã biến mất rồi chăng? Không! Đó là một phần của cô ấy. Cho đến bây giờ, cô ấy vẫn còn chất chứa nó đâu đó trong thâm tâm, nhưng C đã thật bản lĩnh khi lấp lại quá khứ sai lầm của mình để lột vỏ từ con sâu bướm gai góc thành con bướm điểm sắc cho đời. Một quá trình “tiến hóa tâm hồn”, tôi nghĩ cụm từ này hay khi gọi sự thay đổi của C là vậy

Tôi tâm sự với cô ấy rất nhiều. Tính cách mạnh mẽ của cô ấy vẫn ở đó, một người con gái cá tính nhưng cương trực; điều khác biệt tôi nhận ở C là những nụ cười rạng rỡ và từ ngữ thân quen lạ thường. Khi tôi hỏi cô ấy, làm sao chính cậu là có thể thay đổi nhanh đến thế? Áp lực gia đình, nhà trường, v.v là những yếu tố tôi đoán sẽ có trong câu trả lời của C. Nhưng C chỉ nói đơn giản rằng cô ấy đã “ngủ” để thay đổi như bây giờ. Trong giấc ngủ, cô ấy thấy rằng hình ảnh của những việc mình đang làm thật đáng hổ thẹn và rồi cô ấy có được “động lực” để thay đổi – thứ mà trước đây cô ấy cho là quá đỗi xa lạ. 
            Và giờ, C lại là người bạn thân của tôi – cô gái mạnh mẽ, cá tính, cởi mở và rất xinh đẹp!

            Câu chuyện về cô bạn C của tôi có vẻ hơi dài dòng và lan man. Nhưng sau tất cả những gì tôi kể với các bạn, điều tôi muốn gửi đến ở đây là khả năng phi thường của giấc ngủ hàng ngày. Một người con gái lũng đoại vào sai lầm như C, ai ngờ lại thực hiện được quá trình “tiến hóa tâm hồn” kỳ diệu đến thế chỉ sau một giấc ngủ vài tiếng đồng hồ. Há phải chăng, chính giấc ngủ có khả năng làm thay đổi và gột rửa một con người hay sao?

            Giấc ngủ có những quyền năng diệu kỳ mà con người chúng ta chưa thấu hiểu về nó. Câu chuyện về cô bạn C của tôi chỉ là một trong số ít quyền năng diệu kỳ của giấc ngủ. Dưới góc nhìn của tôi, giấc ngủ có thể thực hiện quá trình “Tiến hóa tâm hồn” của một con người bằng nhiều góc độ khác nhau và cả khả năng cho chính mỗi chúng ta soi lại mình trong quá khứ.

 

Giấc ngủ - con đường tìm đến “thâm tâm” của chính bạn

 

            Ngày hôm qua, anh T – một người anh họ của tôi vừa về nhà. Anh tâm sự rất nhiều với ba tôi. Anh T từng là học sinh xuất sắc và giờ chỉ mới ở tuôi 23 nhưng lại là Giám đốc điều hành của một công ty lớn, nắm giữ khối tài sản khổng lồ trong tay. Một cuộc sống mà bao nhiêu chàng trai, cô gái cùng tuổi đáng mơ ước. Nhưng anh T lại tâm sự với ba tôi rằng hiện anh ấy đang buồn chán hơn bao giờ hết, anh ấy chỉ muốn từ bỏ và về với bố mẹ. Anh ấy bảo giờ đây sự cô đơn quấn chặt lấy mình; anh ấy luôn phải thức trắng đêm tìm một người bạn trên mạng xã hội để tâm sự, vì trong cuộc sống hàng ngày, không một ai có thể lại gần và làm bạn với ảnh một cách chân tình, không vì hợp đồng hay lợi nhuận. Người giàu có, thành đạt, cuộc sống đáng ngưỡng mộ như anh T lại muốn từ bỏ chỉ vì sự cô đơn thôi sao? Thật kỳ lạ!

“Cô đơn” là thứ đáng sợ vô cùng, nó đáng sợ như thể một sát thủ tổn tại trong mỗi con người chúng ta, sẵn sàng giết chết chúng ta mà vẫn tại ngoại, vô tội. “Cô đơn” tồn tại sẵn có trong chúng ta như thể xác với tâm hồn. Trong công việc, học tập, thưởng thức món ăn, đi du lịch,… “cô đơn” luôn có thể tìm đến chúng ta, thậm chí, có những chuyện làm chúng ta "thất thủ tâm lý" như việc cuộc gọi từ bệnh viện báo rằng người thân của bạn vừa mới bị tai nạn giao thông, chuyện nhỏ nhoi như một cuộc điện thoại đủ có thể làm đóa hoa tâm hồn của chúng ta héo úa, “cô đơn” vui mừng vì nó có được bữa ăn no nê từ chính nỗi thất vọng tột cùng của ta.

Giữa cuộc sống tấp nập như ngày nay, “cô đơn” thậm chí còn gia tăng về số lượng đáng kể. Cách nó cướp đi tinh thần của một người còn nguy hiểm hơn, tinh vi hơn. Ví dụ như việc một cô gái luôn ra đường tươi cười, làm trò vui cho mọi người nhưng đêm đến lại che chăn và khóc nức nở, thương xót cho bản thân của mình.

“Cô đơn” quả đúng là đáng sợ, nhưng đáng sợ không đồng nghĩa với việc đương đầu. Một cách tốt nhất là chống lại nỗi “cô đơn” của chính mình. Những người bạn, hay thậm chí là gia đình không tài nào trực tiếp giúp đỡ chúng ta chống lại thứ tồn tại trong chính chúng ta, chúng ta phải tự mình giết đi nỗi cô đơn của chính mình. Bạn bè, gia đình chỉ có thể là nguồn động viên, nguồn nước tươi mới tưới lên đóa hoa tâm hồn của chúng ta. Nhưng thiếu đi nguồn động viên, tỉ lệ thất bại khi đương đầu với nỗi cô đơn sẽ tăng cao. Tuy nhiên, một người sống xa gia đình, thiếu đi bạn bè như anh T thì biết phải như thế nào, nguồn động lực ở đâu?

Theo tôi, nguồn động viên cho bản thân những lúc một mình là “thâm tâm” của mỗi chúng ta. Nếu “cô  đơn” là thứ tồn tại trong chính mỗi người nhằm cấu xé tâm hồn thì “thâm tâm” lại tồn tại trong chính mỗi người với vai trò là người bạn chân thành nhất. Tuy nhiên, ta phải tự mình đi tìm người bạn ấy; dùng công sức và nổ lực để tìm cho mình một người bạn chân thành tuyệt đối.

Làm cách nào để đi đến nơi có người bạn “thâm tâm” đang đợi chờ? Câu trả lời thật ra lại vô cùng đơn giản. Một thứ ta luôn cần làm nó mỗi ngày. Đó cũng chính là những gì anh T thiếu sót khi đi tìm người bạn tâm sự cùng mình – “Giấc ngủ”. Đôi khi người ta vì quá cô đơn mà quên đi việc giải thoát bản thân qua một giấc ngủ trưa đầy đủ. Người ta than phiền không tìm được một người bạn chí cốt. Anh T đã làm lụng rất vất vả, và cũng có ước mơ thật đáng khâm phục khi ước áo có cho mình một người bạn tâm giao. Tuy nhiên, anh đã quên mất rằng bản thân mình cũng chất chứa bên trong những điều diệu kỳ, bao gồm câu trả lời mà anh T đang cần nhất. Thay vì thức giấc suốt đêm, tại sao anh T không bỏ ra vài tiếng ngủ thật ngon cho một ngày mới thêm tươi đẹp?

Xét cho cùng, liệu người bạn “thâm tâm” ấy có thật sự tồn tại? Nếu nói “có” thì tôi đã thành một người khá mê tín rồi. Về mặt khoa học, thật sự “thâm tâm” là chính chúng ta. Khi chúng ta chìm vào giấc ngủ, màu đen xuất hiện nhưng không u ám, đáng sợ; màu đen ấy là minh chứng cho việc ta đang tôn trọng bản thân mình. Sao phải quá đỗi mệt mỏi để vắt kiệt sức mình vì tiền bạc, vì danh vọng? Trong khi chỉ cần bản thân đang tồn tại khỏe mạnh đã là thứ quan trọng nhất. Trong giấc ngủ, ta có thể thấy những gì mình đã trải qua, hay mường tượng xem điều gì sẽ đến. Trong giấc ngủ, ta được khóc nhưng không bị gọi là kẻ yếu hèn. Trong giấc ngủ, ta được tự do giải bày tâm sự cho tiếng lòng đang đau đớn trong hiện thực. Tất cả mọi điều nói trên là khái niệm khái quát nhất cho người bạn “thâm tâm” – người bạn mà bạn sẽ không bao giờ mất, người bạn tri kỷ đáng theo đuổi và thật chân thành!

Khi mọi điều tâm hồn được giải thoát, ngày mai khi bạn đến cơ quan làm việc – nơi mà thường ngày đau đớn bủa vây, bạn sẽ có một thái độ khác và sẵn sàng làm bạn!

 

Bài học cuối cùng: Hãy biết yêu quý bản thân và không ngừng tạo cho mình động lực qua từng giấc ngủ. Bạn bè luôn có xung quanh ta nhưng điều ta cần làm là sẵn sàng đón nhận.  Ngày mai mãi luôn là ngày mai, nhưng thái độ của bạn đánh giá tất cả!

 

Giấc ngủ - nơi “mồi lửa” cho thành công

“Điều biến tính cho con người từ vui thành buồn, từ giỏi thành dở, từ tài thành bại, tất cả đều hội tụ trong lúc họ chỉ thấy màn đen một màu”

                

              

               Khi đạp phải một vật nhọn, ta cảm giác thật đau đớn. Khi người ta yêu thương rời xa ta mãi mãi, ta cảm giác con tim mình như dần co thắt lại. Khi trên đỉnh điểm của thành công nhưng bỗng rơi xuống đáy vực của thất bại, ta cảm giác gục ngã và muốn kết liễu chính mình…Khi ăn được một quả táo ngọt liệm, ta cảm giác thật may mắn. Khi được bố mẹ tặng cho một món quà yêu thích, ta cảm giác thật vui sướng. Khi được người yêu tặng cho món quà “handmade”, ta cảm giác thật hạnh phúc. Khi được quây quần bên những người ta yêu thương, ta cảm giác thật ấm áp…

Bản chất thật sự của cuộc sống là những mối tơ được đan lại nhau nhờ chính cảm xúc của con người. Vui, buồn, tiếc, giận,… là những cảm xúc cơ bản của con người. Cảm giác là thứ biến thế giới này đúng với từ “cuộc sống”. Thật khó để chúng ta hình dung một thế giới nơi con người thiếu đi sự lĩnh hội đau đớn hay hạnh phúc. Con người có hồn và xác thì tương tự, cuộc sống có sự vật và cảm giác.

Cảm giác chưa dừng lại ở chức năng đơn thuần của nó. Trong kinh doanh thương trường, học tập,…; cảm giác là một cái “mồi lửa” cho những ai thành công. Như một ngọn lửa nóng rạo rực, trước đó, ngọn lửa phải được “nuôi lớn” từ những vật dễ cháy, nó cần được mồi, được nhen, được đốt. Con người thành đạt cũng như thế, cần có một nền tảng thúc đẩy sự thành công của chính họ. Và theo tôi, thứ “mồi lửa” cho thành công là cảm giác – thứ tồn tại trong cơ thể như một phần tất yếu!

Nhà Triết gia Jay C.M Halí của Hy Lạp từng nói: “Điều biến tính cho con người từ vui thành buồn, từ giỏi thành dở, từ tài thành bại, tất cả đều hội tụ trong lúc họ chỉ thấy màn đen một màu.” Câu danh ngôn của Halí nhắc đến “màn đen một màu”, có bản chất đang đề cập đến giấc ngủ. Theo ông, khi con người ngủ thì bản chất của họ sẽ bị “biến tính”. Khi lúc đầu tôi nghe đến câu chậm ngôn này, tôi khá khó hiểu và chưa thể hình dung được; tuy nhiên, đến lúc mình đã trải nghiệm, tôi dần tìm thấy sự thâm thúy kỳ diệu của nó.

Việc làm bận rộn, tất bậc mưu sinh,… bao nhiêu gánh nặng đổ sập lên vai những anh, những chị, những cô, những chú. Đã quá mệt mỏi, đã cống mình hết sức nhưng đồng tiền thì cứ hao cạn, thất bại cứ như bám theo mọi quyết định tương lai. Những lúc thế này, hương vị của thành công như thứ quả ngọt hiếm hoi tìm được ở chốn sa mạc hoang vu.

           Tôi nhìn nhận câu nói của triết gia Hali như một cách để giải thích rằng: “Con người tìm được cảm giác của thành công qua giấc ngủ”. Thật đáng bâng khuâng đúng chứ, chẳng nhẽ mỗi khi thất bại, người ta ủ dột vào giấc ngủ để thành công, đơn giản vậy sao? Giấc ngủ chỉ là một quá trính tái tạo năng lượng đơn thuần. Nhưng với những người như anh T ở câu chuyện trên, giấc ngủ còn là một quá trình tái tạo nhân tâm và là cách đánh giá cho ao ước, hoài bão của các bạn to lớn đến thế nào! Bởi lẽ, giấc ngủ không đưa bạn số vốn nghìn tỉ USD, giấc ngủ không đưa bạn chiếc siêu xe thời thượng,.. câu trả lời cho thành công vẫn nằm ở chính bạn. Song, giấc ngủ là người bạn đường đáng quý. Khi nhắm mắt lại, say dần vào không gian tĩnh mịch, bạn đã vào với thế giới của chính mình. Thế giới ấy, nơi những giấc mơ cho người ta cảm giác của những thứ mà đời thực không có, trong đó có cả thành công. Thành công hiện lên với những biểu hiện khác nhau của mỗi người. Giấc mơ của một cậu bé bán vé số mồ côi, mong có cha có mẹ có gia đình. Giấc mơ của lão vô cư, mong có nơi yên ấm mái nhà, sống bên con bên cháu. Giấc mơ của anh sinh viên mỏi mong việc làm mưu sinh, sống trọn những tháng năm đam mê cháy bỏng. Hàng vạn con người, hàng vạn giấc mơ, vĩ đại có, bé nhỏ có, đơn thuần có, phức tạp có. 
            Nhưng những giấc mơ ấy, nó giúp gì được cho cuộc sống túng thiếu ở thực tại? Một cách nào đó, câu trả lời là: “Những giấc mơ trong giấc ngủ mà bạn có được đúng với những gì bạn mong đợi. là bước đầu bạn chinh phục thành công”. Đôi khi, thậm chí giấc ngủ còn thử thách bạn qua những nỗi đau buồn khi nhìn lại thất bại của chính mình. Không phải một mong đợi nào, không phải bất cứ ai cũng có thể trải nghiệm cảm giác thành công trong giấc mơ của mình. Những giấc mơ ấy phải chân thật với bản thân mình, chúng phải là tiếng lòng nội tâm mà bấy lâu nay ấp ủ chưa thành thực, chúng phải được nung trong những nỗi trắc trở không thôi. Những con người ấy phải là những “kỵ sĩ”, họ phải có đam mê mãnh liệt, phải có ý chí mạnh mẽ không khuất phục, ngày đêm trăn trở tìm câu trả lời cho thành công của mình qua từng thất bại dù là nhỏ nhất. Vì những điều kỳ diệu ấy, tôi gọi giấc ngủ là “phép thử” cho đam mê đạt được thành công. Một đam mê đủ lớn mới đủ để có “giấc mơ trải nghiệm”, bây giờ, bạn đã nếm thử được vị ngọt của thành công và có đủ động lực để bước tiếp trên con đường mình chọn.

Vấn đề sau những giấc mơ ấy, bạn có đủ năng lực để thoát khỏi những “thành công ảo”, coi chúng như động lực để bước tiếp hay không? Khi người ta tìm thấy mình thành công vượt hơn cả mức mong đợi trong những giấc ngủ, thay vì dấn thân vào một cuộc sống thực tại đau đớn, thôi thì cứ trong phòng kín, ngủ và tận hưởng giây phút vinh quang trong những “thành công ảo”.

Thật đáng buồn cho những ai khi có suy nghĩ như thế. Mục đích cho những “giấc mơ trải nghiệm” là để người ta nếm thử vị ngọt của thành công, để thấu hiểu xem đam mê của mình to lớn như thế nào, nhờ đó cố gắng phấn đấu. Tuy nhiên, nếu ta liên tục nhấn chìm vào nó, ta sẽ trở thành nô lệ cho ước mơ thành công của mình, ta sẽ làm sai lệch đi những quyền năng cao đẹp cần phát huy của “giấc mơ trải nghiệm”. Tôi xin thừa nhận, có những giấc ngủ êm ã và thử sức với thành công của mình là điều đáng nên thử để tìm thêm động lực, nhưng trong thực tế, không ít người đã lệ thuộc vào điều hư cấu mà quên mất mục đích ban đầu trong hiện tại. Hãy thông minh và sáng suốt, bản lĩnh của bản thân bạn sẽ quyết định tất cả!

 

Bài học cuối cùng: Hãy không ngừng mơ ước và tìm cho mình mục đích thành công. Hãy thử xem mơ ước ấy của mình có đủ lớn hay chưa qua những giấc ngủ. Đừng lệ thuộc vào điều hư cấu, bản lĩnh của bản thân bạn sẽ quyết định tất cả!

 

Giấc ngủ - bài học từ hai tiếng “xin lỗi”

 “Trong một cuộc cãi vã, bản thân bạn đã sai dù bạn có phải là người khơi chuyện hay không!”

Vài ngày trước, tôi có cãi nhau với mẹ về việc thường hay dậy trễ vào buổi sáng. Tôi cứ hay có thói quen ấy bởi vì những buổi tối tôi thường đi ngủ trễ. Cả ngày học tập mệt mỏi, chỉ có buổi tối mới có thời gian dành riêng cho việc giải trí. Nhưng mẹ tôi lại không đồng ý và thế là hai mẹ con cãi nhau. Ai cũng có luận điểm của mình, trong lúc nhất thời, tôi lớn tiếng quá mức bảo: “Việc của con mẹ đừng lo, sao mẹ lắm chuyện thế!”, tôi bỏ vào phòng, đóng sầm cánh cửa lại.

Tôi đã cho là mình làm thế là đúng, chẳng cần phải xin lỗi vì giờ mình cũng đã lớn rồi, việc mẹ liên tục nhắc nhở buộc mình phải đi ngủ sớm và thức dậy lúc trước 8 giờ sáng như thể mình là một đứa trẻ con. Thật bực mình. Khó chịu một lúc lâu, tôi thiếp mắt lại.

Bằng một cách nào đó, tâm não tôi được thả lỏng. Tôi không còn nghĩ đến việc hừng hực sự khó chịu với mẹ, không còn nghĩ đến việc mẹ nhắc nhở tôi như đứa trẻ. Bấy giờ, “thâm tâm” lại nhắc nhở tôi những chuyện khác. Chuyện về những lúc hai mẹ con cùng ba vui vẻ ở công viên giải trí, chuyện hồi trưa năm lớp một mẹ đội nắng mua tôi tô cháo cá, chuyện mẹ tôi bôn ba tìm cho tôi hộp cơm trưa và chuyện mẹ đứng hình, buồn bã khi đứa con bà yêu thương cất tiếng “sao mẹ lắm chuyện thế!”. “Thâm tâm” khiến tôi nhận thấy lỗi lầm từ lúc đầu vốn đã thuộc về tôi. Nhưng trong cơn giận, lý trí đã bị che mờ, tôi xét soi phiến diện cho rằng luận điểm mình là đúng mà bỏ quên đi luận điểm của mẹ. Việc gì mẹ phải bắt tôi thức sớm? “Thâm tâm” bảo: “Là vì mẹ sợ tôi mệt mỏi, đơ người khi ngủ quá nhiều; là vì mẹ tôi cần người thức sớm cùng bà, uống tách trà sáng và tâm sự với bà những chuyện phiền não; là vì mẹ tôi cần ai đó giúp bà phơi mớ đồ chồng chất do cái chứng đau lưng cứ “tra tấn” bà”. Tất cả là vì thế thôi hay sao? Vì bà cô đơn nên cần ai đó tâm sự. Mẹ chọn đứa con mẹ mang nặng đẻ đau để bên mẹ, uống tách trà cùng mẹ. Và rồi, mẹ bị bảo là “lắm chuyện”.

Trong giấc ngủ, tôi đã khóc. Khóc tiếc nuối cho tấm thân này. Người ta thèm khát cảm giác được mẹ quan tâm, nhắc nhở; thèm được có mẹ và gọi tiếng “mẹ”. Còn tôi, có được mẹ, mẹ quan tâm tôi và nhắc nhở tôi, tôi bảo mẹ “lắm chuyện”…

“Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ, con sai rồi!” – những gì tôi nói với mẹ sáng sớm ngày hôm sau, ngày tôi thức lúc 7 giờ 30 sáng.

Có bao giờ bạn bị sự giận dữ che mắt? Bạn vô tình lớn tiếng với người bạn yêu thương trong lúc nông nổi? Bạn ngại ngùng cất tiếng xin lỗi và chưa tìm được lý do cho cái sai lầm của mình? “Trong những lúc như thế, chúng ta cần bình tĩnh” – những gì bạn sẽ được giải thích nếu xem một video trên Youtube. Tôi đặt ra câu hỏi về cách giữ bình tĩnh. Liệu bạn có thể an yên cầm quyển sách đọc từng chữ để bình tĩnh hay bạn có thể ngồi thiền trong lúc nội tâm bạn chỉ muốn cào xé người làm bạn “điên tiết”? Tôi khuyên bạn những lúc như thế, hãy học cách im lặng, vào một nơi yên ắng và chợp mặt một chút. Chỉ có giấc ngủ mới hiểu rằng bạn đang bực tức để rồi sẽ cho bạn một nơi bình yên. Chỉ có giấc ngủ mới có người bạn “thâm tâm” nhắc nhở, trút đi gánh phiền muộn giúp bạn. Trong một cuộc cãi vã, bản thân bạn đã sai dù bạn có phải là người khơi chuyện hay không. Nhưng thực tế, bạn không thể đủ sáng suốt để nhận ra điều đó. Cơn giận làm bạn chìm đắm trong cay nghiệt và bực tức. Đừng lo, hít thật sâu, hãy cho giấc ngủ làm diệu đi tâm can nóng nảy, hãy để thâm tâm dẫn dắt bạn và cho bạn nhìn thấy điều tốt đẹp mà trong nhất thời, bạn chưa nhận ra từ người bạn đang cãi vã.

Giấc ngủ còn cho bạn những nhìn nhận sâu sắc hơn về vấn đề của hai tiếng xin lỗi. Như việc tôi nhận ra rằng mẹ đã hy sinh vì mình biết bao nhiêu, từ đó, tình cảm mẹ con chúng tôi sẽ thêm phần gần gũi.

Khi bạn ngủ:

 -Bạn sẽ học được cách nhìn tích cực về những người xung quanh.

 -Bạn hiểu được tầm quan trọng của việc bình tĩnh trong những lúc xung đột.

 -Bạn học được cách để thốt ra hai tiếng “xin lỗi” từ tận đáy lòng.

 -Bạn biết đôi khi sự im lặng sẽ giúp ích như thế nào.

 -Bạn hiểu được mối quan hệ mà chúng ta đang có dù tốt hay xấu cũng thật đáng quý làm sao.

 Tùy vào hoàn cảnh của mỗi người mà bài học từ sự bình tĩnh trong giấc ngủ sẽ dạy cho ta những bài học khác nhau. Hãy nhớ, giấc ngủ không phải cách duy nhất giúp bạn bình tĩnh nhưng nó là cách duy nhất thấu hiểu nội tâm bạn!

 

Bài học cuối cùng: Hãy học cách bình tĩnh trong những cuộc cãi vã bằng cách chợp mắt một chút. Hãy sẵn sàng đón nhận lời khuyên của người bạn “thâm tâm”. Giấc ngủ dù không phải cách duy nhất giúp bạn bình tĩnh những nó lại là cách duy nhất thấu hiểu nội tâm bạn!

 

Giấc ngủ - cách thư giãn hữu hiệu

 “Có quanh co khúc khuỷu cũng không sao. Có giảm tốc độ một chút cũng không sao. Có thành tựu thì cũng phải có những phút lánh mình. Không hoàn hảo, không nhanh chóng cũng không sao. Những khoảng trống cân bằng thành thực chính là báu vật của cuộc sống này”

            Thông điệp cuối cùng mà tôi muốn gửi đến các bạn là việc dành cho bản thân chút thời gian để ngủ và thư giãn sao những toan lo trong cuộc sống thường ngày.

            Nhà văn Rando Kim, tác giả của quyển tản văn nổi tiếng “Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu” đã nhận định về tầm quan trọng của những khoảng lặng thư giãn dành riêng cho bản thân qua: “Có quanh co khúc khuỷu cũng không sao. Có giảm tốc độ một chút cũng không sao. Có thành tựu thì cũng phải có những phút lánh mình. Không hoàn hảo, không nhanh chóng cũng không sao. Những khoảng trống cân bằng thành thực chính là báu vật của cuộc sống này”. Ông nhận ra điều này khi bản thân đã cố gắng quá sức đảm đương nhiều việc. Khi cất những bước chân thanh thản bên bờ hồ, trong khu rừng,… ông cảm nhận được sự hạnh phúc và thư thái, lúc quay lại bàn làm việc, tinh thần phấn chấn đã giúp những dòng văn ông viết ra đầy ý nghĩa và đưa người đọc vào những giây phút bình yên vô cùng.


           Khi bắt tay thực hiện một việc gì đó, hãy cố gắng nhưng đừng bó buộc. Suy cho cùng, mỗi ai trong chúng ta đều là những thực thể linh hồn. Chúng ta có cảm xúc, thấu hiểu được rằng mình có đang mệt mỏi hay không. Bởi lẽ thế, đừng chỉ chăm chăm vào công việc với cái cớ là “đang cố gắng hết mình”. Hãy luôn chừa cho bản thân một khoảng lặng để đi dạo bên công viên, để ôm ba mẹ một cái thật chặt, để hôn lên má đứa con yêu đang ngủ và ít ra để thể hiện sự quan tâm cho bản thân chính mình. Nếu vì hoàn cảnh bó buộc, tôi tin đơn thuần một giấc ngủ kéo dài 5 phút cũng đủ cho cơ thể phấn chấn mà chẳng làm trì trệ bao nhiêu công việc của bạn. Nên nhớ rằng, chất lượng công việc không tùy thuộc vào khoảng thời gian bạn đơn thuần thực hiện nó mà là khoảng thời gian bạn thực hiện nó thật sự chất lượng. Để có được điều đó, bản thân bạn nên được bạn yêu thương và chăm chút. Hãy chợp mắt 5 phút thôi, rồi bạn sẽ lại được nạp đầy năng lượng để chinh phục!

            Bài học cuối cùng: Chất lượng công việc không tùy thuộc vào khoảng thời gian bạn đơn thuần  thực hiện nó mà là khoảng thời gian bạn thực hiện nó thật sự chất lượng. Hãy chợp mắt 5 phút thôi, rồi bạn sẽ lại được nạp đầy năng lượng để chinh phục thử thách cuộc sống.

 

Giấc ngủ tồn tại trong cuộc sống của chúng ta như một quá trình tái tạo năng lượng đơn thuần. Tuy nhiên, nếu bạn có thể thật sự cảm nhận được rằng giấc ngủ thường ngày ấy vẫn còn chút gì đó chưa được khai thác thì bài viết của tôi đến đây coi như là thành công lớn.

Xét một cách thực tế, giấc ngủ sẽ không thể trực tiếp đưa bạn đến thành công hay biến bạn trở thành một người bớt cô đơn. Song, chính bạn mới là những người thực hiện điều đó. Nếu những lúc buồn bực hay cảm thấy khó khăn trong cuộc sống, bạn có một giấc ngủ nhưng trong lòng cứ để đó dự định nằm đấy và hưởng thụ những “thành công ảo”, xin chia buồn cùng bạn, khoảng cách bạn đến với thất bại lại một bước nữa gần hơn. Nhưng nếu bạn hiểu rằng, vào thời khắc mỏi mệt này, việc bạn chợp mắt là một cách để giải thoát bản thân và biến mình thành một con người mới, xin chúc mừng bạn, khoảng cách bạn đến với thất bại lại một bước nữa xa hơn. Tôi không dùng cách diễn đạt “đến với thành công thêm một bước nữa gần hơn”, vì nếu bạn muốn chạm đến thành công, cánh cổng đầu tiên bạn bước qua là thất bại.

 

Đã đến rồi các bạn – những người ấp ủ dự định cho đam mê và hoài bảo, giấc ngủ để gột rửa chính mình đã qua, giờ đây là thời khắc bạn đương đầu với chính mình, bao gồm cả thất bại và nỗi đau!

 

Cảm ơn bạn – những người bạn đọc chân thành

 

            Cảm ơn các bạn đã đọc đến những dòng này của tôi. Tôi hiểu rằng chất lượng của bài viết mình đang thực hiện sẽ không hay hay còn nhiều thiếu sót. Sẽ thật đáng thương cho tôi nếu các bạn đã đến đây mà không để lại cho tôi một nhận xét nho nhỏ, có thể chỉ cần đơn thuần là: “Vẫn chưa được hay!” cũng đã là một điều to lớn với tôi. Những lời kết tôi xin được cảm ơn các bạn – những người bạn đọc chân thành!

Tác Giả: Võ Lập Phúc - Học sinh trường THPT Chu Văn An, An Giang 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/lapphuc.vo

-------------------------------- Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

754 lượt xem, 737 người xem - 745 điểm