Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Điều Quan Trọng Nhất Của Tôi – Một Con Người

“Cánh cửa ... ”

     Cuối năm 1997, tôi ra đời, là người con thứ năm trong gia đình, tôi có 2 chị gái, 2 anh trai. Hồi đó, chính quyền còn phạt những hộ sinh nhiều con, vì thế sự hiện diện của tôi mang thêm vào nhà một món nợ. Tôi còn nghe kể, bố tôi đã định không sinh tôi ra, vì ai cũng đinh ninh anh trai trên tôi là con út rồi, nhưng mẹ tôi đã cương quyết phản đối. Tôi đã làm vỡ tan nát “ kế hoạch hóa gia đình” mà họ đặt ra, sau này nhiều người đùa gọi tôi là “út nữa”. Nghe cách gọi thế có thể nhận thấy mọi người quý tôi lắm, con út mà, ở nông thôn con út bao giờ cũng được quý, cưng chiều nhất, thiệt thòi thường là con cả. Gia đình tôi đúng y như thế, chị cả tôi thiệt thòi lắm. Chị bế 4 đứa em cho mẹ, mà bế em thì mỏi tay lắm, còn dỗ dành em nữa. Tôi rất nể trọng chị mặc dù chỉ được nghe kể lại. Năm tôi được 6 tháng tuổi, chị phát hiện bị bệnh ung thư xương, chị phải nghỉ học để chữa bệnh. Lúc này chị không bế bọn tôi được, bố mẹ cũng không có thời gian, chúng tôi để cho các bác trông nom, nhiều người còn tưởng tôi là con của bác.

     Trong thời gian nằm bệnh, những lúc về nhà, chị vẫn chơi đùa với tôi, dù chỉ nằm thôi, chị hay hù cho tôi cười đến khi mệt mới thôi, đến giờ tôi vẫn hay cười lắm. Sau 6 tháng cả nhà tôi cùng sống với căn bệnh ung thư đó, chị tôi mất, mẹ tôi kể, đêm đó tôi khóc nhiều, năm đó chị 13 tuổi, tôi mới 1 tuổi. Chỉ trong khoảng 1 năm, gia đình tôi thêm và mất một thành viên, người đầu tiên nằm trong kế hoạch của bố mẹ tôi thì lại ra đi sau khi tôi, đứa phá vỡ kế hoạch ra đời, một đời người đã dừng lại và một đời người khác được mở ra, và mở ra rất nhiều điều khác nữa. Đến đây, tôi nghĩ đến việc các bạn trẻ được gọi là “mang thai ngoài ý muốn” ngày nay, thật lạ nếu bạn không biết đến vấn nạn này. Những bạn trẻ đó không đủ can đảm để giữ lấy đứa con trong bụng, họ đã quyết định phá thai, giết đứa con của mình, họ không cho cánh cửa được mở ra, cánh cửa mở ra Sự Sống đã bị tước đoạt chìa khóa đáng lẽ ra thuộc về nó. Việt Nam ta xếp thứ 5 thế giới và đứng đầu Đông Nam Á về nạo phá thai, với con số 250.000 đến 300.000 ca mỗi năm, tôi đã suýt nữa bị tính vào một con số tương tự như vậy.


“Và chìa khóa ... ”

      Đó là câu chuyện mà tôi được biết, về tôi, một cánh cửa được mở ra, về chị tôi, một cánh cửa khép lại, và về rất nhiều cánh cửa không có cơ hội mở ra. Đúng là mọi sự đều chẳng thể lường trước hết được, đến bây giờ cũng vậy, chính những thay đổi trong con người tôi mà chính tôi cũng không thể đoán trước. Tôi chợt nhớ đến một đoạn trong tiểu thuyết Suối Nguồn : “ Roark đứng dậy, đưa tay ra và giật một cành cây từ một cái cây. Anh cầm nó bằng cả hai tay, mỗi bàn tay nắm một đầu, rồi cổ tay và khuỷu tay của anh căng ra , anh từ từ uốn cong nhánh cây đó thành một hình vòng cung. “Bây giờ tôi có thể làm cái gì tôi muốn từ cái cành cây này : một cây cung, một ngọn giáo, một cái gậy, hay một hàng rào. Đó là ý nghĩa cuộc sống .”   

     Đấy, ý nghĩa cuộc sống, nói đúng hơn là ý nghĩa cuộc sống của con người.Chắc chắn ai cũng sẽ có một tuổi thơ khác nhau, rồi người mất, người ở, nào ai đã cản được những việc đó không xảy ra. Nhưng con người, không đơn thuần là sống theo bản năng sinh tồn, con người có ý chí tự do. Dù biết là sự vận động liên tục vẫn diễn ra, nhưng con người không thay đổi theo sự điều khiển, nhưng bằng ý chí của mình, mà đứng trước một thế giới tràn ngập thông tin ngày nay, ý chí ấy dần trở nên yếu đuối, nhưng lúc đây càng là lúc cần luyện tập cho được một khả năng, đó là “nhìn và thấy”. Bởi có nhiều người nhìn mà không thấy nổi “điều cần thấy”.

 

    Tôi sẽ lấy một ví dụ có vẻ cực đoan nhưng dễ hiểu : có nhiều người sợ chết lắm, tôi nhớ đọc bài phỏng vấn của tạp chí Archdaily hỏi Peter Eisenman, một kiến trúc sư người Mỹ nổi tiếng với công trình tưởng niệm nạn nhân Do Thái bị sát hại, điều ông sợ nhất là gì, thì ông trả lời là ông sợ chết. Lạ thế đấy, họ không sợ những điều “thiên biến vạn hóa” trong cuộc sống, họ sợ một điều chắc chắn sẽ xảy ra mà chẳng phải đoán già đoán non gì cả. Phanxico Savie Nguyễn Văn Thuận cho rằng : chết là bổn phận, nhiệm vụ cuối cùng trên đời, còn có ý kiến cho rằng triết học là nghệ thuật chết, Socrates là một điển hình, đối diện với một án tử hình không thể hủy bỏ - một vụ hành quyết trước đám đông sắp diễn ra, trước khi chết ông nói “ Các con chỉ chôn thể xác của thầy thôi”.

     Dù sợ hay không sợ, hay thậm chí còn chưa đủ nhận thức như tôi lúc nhỏ, thế nhưng ai cũng đang đối diện với những sự thật đó, vì con người không thể nằm ngoài hay ra khỏi sự thật đó. Ở đây, con người có thể đưa ra được quyết định của mình : việc bố mẹ tôi sinh tôi ra, cũng như việc sử dụng một nhành cây như nào, đưa ra một quyết định nằm ngoài những điều đã dự định. Đấy, cái chết chỉ là một ví dụ rất cực đoan cho việc ‘nhìn và thấy” được những điều cần thấy ( ai rồi cũng sẽ phải đối diện với cái chết) , từ đó, mở ra muôn vàn lựa chọn khác nhau với ý chí tự do của từng người ( sợ hay không sợ chết là một ví dụ). “Điều cần thấy” là những điều dành cho ý chí tự do con người, đặc biệt trong thế giới bùng nổ truyền thông ngày nay, thông tin ngập tràn, thật giả lẫn lộn, con người cần thiết dành ý chí tự do cho “điều cần thấy”, tôi quen gọi đó là Sự Thật. Chân nhận Sự Thật là chìa khóa của sự hiểu biết!

“Quyết định ...”

     Cũng trong bài phỏng vấn của tạp chí Archdaily hỏi Peter Eisenman về “Lời khuyên cho những người muốn theo học Kiến trúc” . Ông khuyên rằng : “Không nên học kiến trúc, kiến trúc là một nghề vất vả, đấy là điều đầu tiên. Thứ hai, trước tiên nên đi học mọi thứ để có được giáo dục: học triết học, lịch sử, văn học, ngoại ngữ ... để có thể đưa ra được một quyết định trong đời, sau đó quay lại học kiến trúc” . Điều này khiến nhiều người ngỡ ngàng lắm, vì nó không giống như kế hoạch thông thường, hết cấp 3 là lên đại học luôn. Nói đến việc chọn trường, bây giờ học sinh lựa chọn hay lắm. Tôi có hỏi một em tân sinh viên : “Tại sao em đi học đại học?” , em trả lời tôi : “ Em đi học theo quy trình”. Có em khác tôi hỏi nếu được chọn lại em có đi học đại học không, em trả lời tôi : “Không”. Các quyết định của các em đều không bị coi là sai, các em chỉ lựa chọn điều mà mình không muốn, nhưng vẫn chấp thuận, các em có một định kiến, áp lực đè lên mình. Các em thiếu một điều, đó chính là tự do, tự do không phải là muốn làm gì thì làm nhưng là trước những cơ hội, em chọn được lựa chọn tốt nhất, để biết được lựa chọn nào là tốt nhất, các em cần biết cái gì là quan trọng nhất. Cũng như bố mẹ tôi, vì áp lực từ luật phạt sinh nhiều con, suýt nữa bố mẹ tôi đã không sinh ra tôi. Tôi tin chắc rằng, nếu bây giờ tôi hỏi lại, bố mẹ được chọn lại có sinh tôi ra không, câu trả lời càng là có.

    “Hôm qua không còn, ngay mai chưa tới, tôi chỉ có giây phút hiện tại mà thôi”, đây là câu nói của Teresa Cacultta, người phụ nữ được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1979. Mọi quyết định đưa ra đều trong giây phút hiện tại, còn quá khứ, tương lai là thứ định kiến và áp lực rất lớn với con người ta, bởi nó khiến con người lo lắng, thậm chí là lo cho cái chắc chắn sẽ xảy ra như cái chết hay lo lắng về một điều không thể thay đổi được trong quá khứ. Điều đó không có nghĩa là không quan tâm đến tương lai, nhưng quan tâm cho tương lai qua giây phút hiện tại, là thứ duy nhất con người ta có thể có, và chỉ trong giây phút hiện tại đó, con người mới nhận ra được điều gì là quan trọng nhất. Tôi còn nhớ một câu nói của Karol Watila rằng : “The future starts today, not tomorrow” nghĩa là “Tương lai bắt đầu từ hôm nay, không phải ngày mai”.


    Tôi còn trò chuyện với nhiều bạn sinh viên khác nữa, một lần tôi hỏi một bạn sinh viên Y Dược năm thứ 2 : “Tại sao em lại chọn ngành này ?”, em trả lời : “Thực ra em thích ngành kiến trúc, nhưng em chọn ngành này vì em muốn thực hiện ước nguyện của bố em”. Đến nay em vẫn rất vui vì quyết định đó, tôi không chắc em biết điều gì là quan trọng nhất với mình tại thời điểm đó, nhưng tôi tin rằng, em biết điều gì là quan trọng hơn những điều còn lại, mặc dù sau này còn nhiều điều khác mở ra với em. Em đã lựa chọn thực hiện ước nguyện của bố, thay vì đi theo sở thích của mình, tôi nghĩ đó là lí do Peter Eisenman nói nên học tất cả mọi thứ để “ nhìn ra được điều quan trọng nhất tại thời điểm hiện tại” và đưa ra quyết định.


“Điều quan trọng nhất đời tôi”

    Tôi là một sinh viên kiến trúc, tôi đã học kiến trúc được 4 năm. Nếu cho tôi cơ hội chọn lại tôi vẫn chọn thi vào trường kiến trúc, nhưng không phải vì kiến trúc là thứ quan trọng nhất với tôi, mà là so với tất cả các ngành khác, nó hợp với tôi nhất. Điều quan trọng nhất đối với tôi lại không phải là kiến trúc, điều quan trọng nhất với tôi đó ở trong giây phút hiện tại, trong mọi giây phút hiện tại, những giây phút ấy nối liền nhau, và nó kéo dài mãi, vượt qua cả ranh giới cái chết. Trước khi tôi biết điều gì là quan trọng nhất với mình thì tôi sợ chết lắm, nhưng giờ thì không, không phải là tôi đã học triết học, văn học, lịch sử, ngoại ngữ ... học thật nhiều để đưa ra được một quyết định đúng đắn trong đời. Điều quan trọng nhất đối với tôi có từ khi tôi còn trong lòng mẹ, khi tôi trên bàn tay chị cả, khi chị ấy mất, khi tôi lớn lên, xa nhà và đến giờ là cuộc sống sinh viên, điều ấy đã có và vẫn cứ có cho dù tôi có tìm ra hay không. Tôi nhớ đến một phương pháp nghiên cứu để hiểu bản chất của một sự vật, sự việc, đó là chạy theo dòng lịch sử từ khi nó xuất hiện cho tới nay, nếu có thể quan sát cho tới khi kết thúc của sự vật, sự việc đó. Nhìn vào dòng lịch sử của con người tôi nhận ra rằng, điều quan trọng nhất của đời tôi mà tôi đã được nhận, và thấy ngay bây giờ, đó chính là : Sự Sống, Sự Thật và Tình Yêu.


Tác Giả: Đinh Xuân Tiệp
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/dinh.tiepkk.79

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

                                                                                                                                                                                                                                                                                               

                                                                                                                                                              

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

155 lượt xem, 156 người xem - 156 điểm