Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Đọc Hết Được Không Mà Mua?

“Alo chị có một đơn hàng từ nhà sách abcxyz… bây giờ em có thể qua để giao hàng cho chị không ạ?”. Và y như rằng một lúc sau khi người giao hàng tới, tôi lại nghe thấy tiếng mẹ tôi càu nhàu: “Lại mua sách đấy à? Mua gì mà lắm thế? Đọc hết được không mà mua?”

 

Đọc hết được không mà mua? Đó cũng là câu tôi tự hỏi mình hàng ngày.

 

Đứng trước cái tủ sách bé tin hin và ngắm nhìn từng cái gáy sách bị bám bụi, trong lòng tôi rộn lên nhiều cảm xúc. Phần vì khao khát muốn có thật nhiều thì giờ để ngồi ghiền hết lũ sách, phần vì bỗng dưng cảm thấy yên tâm – chỉ đơn giản là yên tâm mà không có lý do nào cả. Chắc có lẽ cái cảm giác yên tâm ấy xuất phát từ suy nghĩ “mình sẽ không bao giờ thiếu sách để đọc” của tôi.



Sự thật là cho dù kho sách của bạn có vĩ đại đến cỡ nào, hay nó có ít ỏi ra sao, thì vẫn sẽ luôn có những cuốn sách mà bạn chưa bao giờ đọc. Chúng có thể nằm ở đó vài tuần, rồi đến vài tháng, hay thậm chí là một vài năm. Tôi cũng không hiểu vì sao lại thế, có thể không phải là do chúng ta lười đọc, mà là vì tôi cứ luôn có cái linh cảm rằng chưa thực sự đến đúng thời điểm để mình đọc những cuốn sách ấy. Ngày hôm qua tôi buồn, tự dưng thèm da diết một vài dòng văn của chị Tư (Nguyễn Ngọc Tư), nhưng sang hôm sau khi tôi đang tưng tửng và thấy yêu đời, thì ngay tắp lự, tập thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh là sự lựa chọn hàng đầu. Cái sự đọc nó cứ phụ thuộc vào dòng cảm xúc quanh co và uốn lượn liên tục của con người mình, thành ra tôi đoán rằng, số sách tôi chưa đọc cũng đồng nghĩa với việc tôi chưa thực sự trải nghiệm hết các cung bậc cảm xúc ở trong cuộc sống. Tôi muốn rằng mỗi khi đọc một thứ gì đó, mình phải thật “đầy”. Những quyển sách phải làm cho tôi cảm thấy thật đầy đủ, tròn trịa và vẹn nguyên cảm xúc. Dù là nỗi đau, niềm vui, sự thương xót hay bất cứ điều gì, nó vẫn phải thật “đầy”, đầy ắp cả con tim, chiếm đoạt toàn bộ tâm trí, xáo trộn mọi suy nghĩ và gảy lên trong tâm hồn tôi những thanh âm cảm xúc dư đọng.

 

Tôi nghĩ nếu như ngay cả việc đơn giản như ngồi đọc một cuốn sách mà bạn cũng không thể làm cho nó thật toàn vẹn và xứng đáng, thì bất kể là công việc gì, bạn cũng sẽ chỉ hoàn thành nó với một nửa của sự tâm huyết, hay nói cách khác đó chính là sự hời hợt.



Nassim Nicholas Taleb là một trong những nhà kinh tế học, nhà tư tưởng hiện đại có số lượng các tác phẩm đồ sộ, trong cuốn “Thiên Nga Đen” (The Black Swan) của mình, Nissam Taleb đặt tên cho những cuốn sách chưa được đọc là antilibraby (phản thư viện):

Nhà văn Umberto Eco thuộc vào một tầng lớp hiếm hoi gồm các học giả uyên bác, thâm trầm nhưng không bị tẻ nhạt. Ông sở hữu một thư viện cá nhân khổng lồ (gồm ba mươi nghìn cuốn sách), và ông chia khách đến nhà thành hai loại: những người nói “Woah! Thưa giáo sư tiến sĩ Eco đáng kính, ông có cái thư viện lớn ghê. Ông đã đọc bao nhiêu quyển trong số này rồi?” và một thiểu số khác, những người hiểu rằng thư viện cá nhân không phải một thứ để đem khoe nhưng là một công cụ nghiên cứu.

Những cuốn sách chưa đọc có giá trị cao hơn những cuốn đã đọc. Một thư viện riêng nên chứa càng nhiều kiến thức chưa biết càng tốt, miễn là khả năng tài chính […] cho phép bạn làm điều đó. Càng già bạn sẽ càng tích lũy được nhiều sách và kiến thức, và đống sách chưa đọc phình ra theo năm tháng sẽ làm bạn phát sợ. Thật vậy, bạn biết càng nhiều thì số sách bạn chưa đọc càng tăng. Ta hãy gọi tập hợp những cuốn sách chưa đọc này là phản thư viện (antilibrary)” (*)

 

Đó là lý do tại sao tôi chẳng cảm thấy chút bất an hay sốt ruột nào về những cuốn sách còn đang ngủ yên trong phòng mình. Không hề là một sự vứt bỏ, càng không phải là do lãng quên, giống như việc bạn sưu tầm một hầm rượu vang, bạn đâu có dám chắc mình có thể uống toàn bộ chỗ rượu trong đó? Việc mua sách cũng là một dạng sưu tầm như vậy. Bạn lưu giữ chúng, và thi thoảng lại lấy một cuốn ra đọc, nhân một ngày nắng vàng hay trời mưa ẩm ướt, miễn là hợp tâm trạng, và bạn hoàn toàn cảm thấy hài lòng về nó.



Một người bạn của tôi đã nói rằng: “Nếu mua sách về vứt một chỗ thì nó khóc đấy. Chủ buồn. Sách ố. Thế thì tủi sao bằng.”

Không phủ nhận là tôi cũng từng nghĩ như thế, về việc những cuốn sách của mình sẽ cô đơn ra sao, khi cả năm chẳng có một ai động vào. Mà nếu đúng là như vậy thì những cuốn sách trong thư viện có khi còn cô đơn hơn gấp vạn lần. Một vài buổi khi đi dọc hành lang trong thư viện, tôi đã mò mẫm đến những gian sách cũ nhất, và cổ nhất, những gian sách có vẻ là chẳng mấy ai đến tìm đọc. Chúng nhăn nheo và vàng vọt, hệt như một hội bô lão móm mém đang nằm trong viện dưỡng bệnh của người già. Chẳng phải nếu như vậy thì sẽ có hàng ngàn hàng trăm cuốn sách sống quãng đời cô đơn như vậy hay sao? Vậy nếu bây giờ tôi thử nghĩ theo một cách khác thì sao nhỉ? Liệu những cuốn sách ấy – chúng có thật sự cô đơn? Hay chúng chỉ đơn giản là những viên ngọc ẩn đang chờ được người ta khai phá? Nếu bạn coi những cuốn sách mà mình chưa có thời giờ và thời điểm thích hợp để đọc là những viên ngọc ẩn, thì sẽ có ngày bạn vui mừng đến phát điên khi bỗng dưng khám phá ra những điều thú vị và bổ ích từ chúng. Bật mí cho các bạn rằng, cảm giác tìm ra một ý tưởng đắt giá từ những cuốn sách tưởng chừng như đã bị lãng quên, là một thứ cảm xúc tuyệt vời mà tôi nghĩ bất kì ai cũng phải thử trải nghiệm một lần.



Có một thống kê chỉ ra rằng, tính đến năm 2010 có khoảng 130 triệu cuốn sách (chính xác là 129,864,880) trên Trái Đất. Và đó là số liệu của 8 năm về trước. Tức là nếu áp dụng vào thời điểm này, con số ấy vẫn còn tăng lên. Vậy điều đó nói lên được gì? Cái mà tôi muốn nêu ra ở đây chỉ là nhằm động viên tinh thần của các bạn, rằng sự đọc là một thứ bao la và vô cùng tận. Số sách mà bạn đọc được trong cả cuộc đời mình đôi khi chỉ bằng vài hạt cát giữa một đại dương mênh mông.

 

Giả sử bạn là một người đọc hoàn hảo (a perfect reader), tức là bạn không làm gì cả, chỉ đọc sách từ sáng đến tối thôi, và mỗi ngày bạn đọc được một cuốn sách (cuốn dày bù trừ cho cuốn mỏng, “Chiến Tranh và Hòa Bình” của Lev Tolstoy bù cho “Hóa Thân” của Kafka chẳng hạn), thì nếu bạn bắt đầu đọc mỗi ngày, từ năm 10 tuổi cho đến năm 90 tuổi, bạn chỉ đọc được 365 x 80 = 29.200 cuốn, tức là 0.019% số sách trên toàn thế giới. Bạn đọc lại nhé: 0.019%, tức là 1/50 của 1%! Phần lớn chúng ta không phải người đọc hoàn hảo, vậy số sách chúng ta đọc thậm chí còn ít hơn rất nhiều. (**)

 

Nhiêu vậy cũng đã đủ để ta hình dung về sự vô hạn của việc đọc. Đọc sách không bao giờ nằm ở số lượng những cuốn sách, mà nó nằm ở chất lượng của việc đọc. Tuy là đọc nhưng lại chẳng đơn thuần là liếc qua vài con chữ. Nó là cảm nhận, là lắng nghe, là tưởng tượng, là vận động mọi dây thần kinh cảm xúc, mọi giác quan, và cả hoạt động trí óc. Bạn nghĩ đọc sách là nhàn? Thoạt nhìn thì nó cũng nhàn nhã thật. Nhưng đằng sau cái sự nhàn ấy là cả một thế giới muôn hình vạn trạng của trí tuệ và cảm xúc, mọi thứ đan xen và đem lại cho bạn những điều mà bạn không thể hình dung được.



Tôi tin rằng, nếu có một thứ mà càng mua nhiều lại càng giàu, thì đó là sách. Đọc xong một cuốn sách, nếu nó không giúp bạn giàu lên về mặt tài chính, thì cũng là về mặt trí tuệ. Mà chẳng phải trí tuệ vốn là nguồn gốc của mọi tài sản quý giá nhất mà bạn có thể thấy trên đời này hay sao? Mở một cuốn sách là mở một cánh cửa, đọc một cuốn sách là đi vào một thế giới mới. Sách hay hay sách dở, cũng vẫn đem đến cho bạn những trải nghiệm mới, và cả những bài học mới.

 

Vậy nên chẳng tội gì mà không sở hữu cho mình thật nhiều những “cánh cửa” như thế. Có thể bạn sẽ chẳng đi hết được chúng, nhưng tôi tin rằng, bạn sẽ tìm được những vùng đất tuyệt diệu ở những cuốn sách mà bạn đang mang.

 

Đọc hết được không mà mua? Đó cũng là câu tôi tự hỏi mình hàng ngày.

Nhưng tôi nghĩ mình sẽ không cần phải trả lời nó nữa.

Tác giả: BCat

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/darkoushiza

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

819 lượt xem, 806 người xem - 896 điểm