Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Đôi Khi, Chúng Ta Phải Lùi Một Bước…

Có những lúc ta cảm thấy thật bất lực và thất vọng không phải vì những người khác xuất sắc hơn mà là vì ta cảm thấy mình kém hơn so với trước. Lời khuyên của tôi ở đây là đừng suy nghĩ nhiều và coi việc này như một quy luật tất yếu của cuộc sống, bình thường như chuyện MV của Sơn Tùng đạt mốc triệu lượt view sau ngày đầu tiên vậy.

Phương Đông hay phương Tây đều có những câu chuyện ngụ ngôn khuyến khích người ta nỗ lực và kiên trì. Những ai đọc Doraemon hẳn còn nhớ câu chuyện về những ninja tập nhảy cao bằng cách nhảy qua nhảy lại một cái cây từ lúc nó còn là cây non cho tới khi nó mọc thật cao. Người Hy Lạp cũng có câu chuyện với thông điệp tương tự: chuyện về chàng lực sĩ Milo xứ Croton. Truyện kể rằng mỗi ngày, chàng Milo vác một chú bê con lên vai. Khi chú bê ngày một lớn, chàng cũng càng khỏe hơn. Cuối cùng chàng có thể mang nguyên một con bò mộng trên vai mình mà chẳng hề hấn gì. Câu chuyện này đúng ở 2 điểm khi nói về hành trình thử thách bản thân: hãy khởi đầu thật khiêm tốn và luyện tập đều đặn, chúng sẽ giúp ta chinh phục những thứ lớn lao thật dễ dàng. Nhưng câu chuyện như này lại sai ở 2 điểm khác:

-         - Thứ nhất, một con bò đực nặng nửa tấn không thể dễ dàng đặt lên vai một người như vậy được vì cấu trúc cơ thể của cả con vật và con người không cho phép;

-         - Thứ hai, quan trọng hơn, sự phát triển của cơ bắp người lực sĩ không bao giờ là một đường thẳng mà sẽ có lúc lên lúc xuống. Điều tương tự cũng xảy ra với con đường phát triển bản thân hay con đường sự nghiệp. Chúng không theo tuyến tính mà sẽ có những lúc tiến nhanh như vũ bão, đồng thời có những thời điểm xuống hụt đến bất ngờ. Nhận thức được điểm này là điều rất cần thiết, nó giúp ta xóa tan ảo vọng tốt lên từng giờ, giúp ta học cách chấp nhận thất bại và giải phóng ta khỏi “gông cùm” của “mục tiêu”.

Từ thành tích trong thể thao

Luyện tập thể thao thực chất là quá trình bắt cơ thể thích nghi với các điều kiện vận động cụ thể. Tuy nhiên sự tiến bộ không bao giờ chạy theo một đường thẳng tịnh tiến từ A đến B, cho dù đó là tiến bộ về sự dẻo dai, linh hoạt, sức mạnh, sức bền hay tỉ lệ mỡ trong cơ thể. Sự thích nghi lên xuống như những cơn sóng vậy. Có lúc bạn tiến bộ rất nhanh trong chỉ 1 tuần ở mặt nào đó, nhưng những lúc khác bạn lại dậm chân tại chỗ tới 3 tháng. Tất nhiên về lâu về dài, mọi thứ vẫn tốt lên thôi, nhưng con đường này mấp mô lắm.

Cứ thử tưởng tượng việc luyện tập tiến bộ hàng tuần xem. Bạn từ người chưa từng tập luyện gì, đến phòng gym và quyết định sẽ tập với tạ, mỗi tuần tăng 5kg. Như vậy sau 1 năm bạn sẽ nâng được 260kg. Nếu mỗi tuần bạn chỉ tăng mức tạ khoảng 2,5kg thôi thì sau 1 năm bạn vẫn nâng được tới 130kg. Nghe thật lý tưởng! Chẳng mấy chốc chúng ta thành nhà vô địch Olympic hết, xô đổ hàng loạt kỷ lục và mang về cho Việt Nam cả tấn huy chương vàng môn cử tạ. Chỉ là tưởng tượng thôi, bạn có chăm đến mấy thì cũng không nhấc nổi 130kg hay 260kg sắt chỉ sau 1 năm luyện tập đâu. Đơn thuần vì việc này không thể xảy ra. Có những buổi tập bạn sẽ cảm thấy rất sung sức và tiến bộ thần tốc, có những buổi bạn chỉ có thể làm lại những bài tập hôm trước, còn buồn nhất là những hôm xấu trời, bạn thực sự yếu đi và phải hạ thành tích. Nhưng cứ mỗi sáu tháng, hãy nhìn lại và bạn sẽ thấy mình khỏe hơn, dáng chuẩn hơn.


Biểu đồ trên mô tả tiến trình của một vận động viên nữ trong 1 năm thể hiện qua tỉ lệ phần trăm lượng mỡ cơ thể và khối lượng cơ toàn thân tính bằng kilogram (bên trái là tỷ lệ mỡ, bên phải thể hiện khối lượng cơ). Cô ấy được đánh giá là người có sự biến đổi rõ rệt nhất, nhưng sự tiến bộ không hề theo một đường thẳng nào. Và hãy để ý cả việc sụt cơ, kể cả khi cô ấy làm đúng mọi việc huấn luyện viên giao. Vận động viên này tiến bộ rất nhiều trong hàng loạt bài tập, cô chưa bao giờ bỏ một buổi tập nào, nghỉ ngơi rất khoa học, cô ấy ăn uống cực điều độ trong cả năm nhưng vẫn mất đến gần 6kg cơ. Tuy vậy, cô ấy vẫn giành giải cao trong các cuộc thi. Việc sụt cơ chẳng ảnh hưởng gì đến thành tích của cô.

Đến việc hoàn thiện bản thân

Cơ bắp và não bộ có một đặc điểm rất giống nhau: chúng hoạt động tốt hơn khi được luyện tập thường xuyên và hợp lý. Tất nhiên chúng giống nhau tới cả đặc điểm không tiến bộ một cách tuyến tính. Nếu như trong thể thao, ta có thể dễ dàng đo lường thành tích bằng khối lượng tạ nâng được hay thời gian chạy hết một quãng đường thì các kỹ năng phi thể chất lại không dễ dàng theo dõi vậy. Thời đi học, thành tích của ta được đo bằng điểm số một cách thường xuyên. Điểm số cũng có nhược điểm: chúng khiến ta đặt ra các chiến thuật như chú trọng hơn vào những bài kiểm tra có hệ số cao hơn, khiến ta học theo khuôn mẫu mà bỏ qua những kiến thức khác có thể giúp ta tiến xa hơn sau này. Bài kiểm tra và những kỳ thi trở thành là động lực để ta đi học. Dù sao giai đoạn này chúng ta cũng có cái gì đó để đo lường sự tiến bộ.

Khi đã trưởng thành, không có giáo viên, không có những bài kiểm tra, không có những kỳ thi, đa phần sẽ mất đi động lực học. Những người còn duy trì việc học tập suốt đời đối diện 2 vấn đề: dành thời gian để học giữa bao bộn bề và không còn được đánh giá thường xuyên. Vì thế tự kiểm tra và nhận phản hồi từ người khác trở nên quan trọng không kém lập thời gian biểu hợp lý.

Biểu đồ từ cuốn sách Personal Efficiency (1925) (tạm dịch Hiệu suất cá nhân) bởi Donald A.Laird

Những ai làm được điều này lại thấy vài vấn đề nữa: sẽ có những lúc họ nhận ra mình chẳng tiến bộ thêm tí nào, thậm chí thụt lùi. Đây là việc rất phổ biến. Chuyện này sinh các khoảng lặng và điểm lùi có thể do người học tạm thời mất hứng thú với kiến thức, hoặc kỳ quái hơn, luyện tập quá đều đặn cũng làm phát sinh hiện tượng này. Càng tiến sát đến trình độ cao, hiện tượng này càng phổ biến. Sẽ có người nghĩ đó là lúc họ chạm tới giới hạn của bản thân và ngừng lại. Tuy nhiên hãy còn rất nhiều khoảng trống để ta tiến bộ. Lời khuyên “Never Give Up” cũng có thể được áp dụng ở đây: khoảng lặng và điểm lùi này chỉ là tạm thời thôi, hãy tiếp tục con đường bạn đã đi. Thỉnh thoảng tự nhiên chỉ muốn thử thách độ bền bỉ của chúng ta.

Cho đến con đường thăng tiến sự nghiệp

Thông thường người ta nghĩ muốn thăng tiến nhanh thì hoặc làm việc thật chăm chỉ ở vị trí của mình và cứ vài năm thì thăng cấp tăng lương, hoặc có bằng đẹp ở những trường danh giá rồi được đề bạt dần lên. Nghiên cứu 10 năm được đăng trên tạp chí Harvard Business Review lại đưa ra một câu chuyện hoàn toàn khác: những người có thời gian thăng tiến nhanh nhất đến với vị trí giám đốc điều hành (CEO) là những người có con đường thăng trầm nhất. Giống như chuyện leo núi vậy, con đường mòn người ta hay đi là con đường an toàn nhưng chậm rãi, còn con đường tuy gập gềnh, trắc trở mà ngắn và nhanh hơn nhiều nhưng đòi hỏi rất nhiều công sức. Khác với những ngọn núi thông thường nơi mà người ta chỉ cần đủ kiên nhẫn và sức lực để lên đến đỉnh, không phải ai cũng chinh phục nổi đỉnh núi danh vọng sự nghiệp.

Theo nghiên cứu này, hơn 60% những người leo lên vị trí CEO trong vòng dưới 24 năm kể từ ngày có công việc đầu tiên đều từng đảm nhiệm những vị trí thấp hơn so với trước trong sự nghiệp. Họ có thể bắt đầu cái gì mới trong chính công ty đang làm (như là phát triển sản phẩm mới hay gia nhập bộ phận mới), chuyển tới làm tại các công ty nhỏ hơn nhưng với nhiều trọng trách hơn hoặc tự bắt đầu chuyện kinh doanh. Trong từng trường hợp, họ đều tận dụng cơ hội này để xây dựng một thứ hoàn toàn mới từ con số 0 và sau này có tác động cực lớn.

Cũng có đến 30% những người thăng tiến nhanh nhận ngay một mớ hỗn độn từ rất sớm trong sự nghiệp. Đó có thể là một bộ phận lục đục và bệ rạc trong công ty, một dự án thất bại, thậm chí là một nơi trên bờ vực phá sản – bất kỳ vấn đề lớn nào trên thương trường cần họ xử lý thật nhanh. Những trường hợp như vậy đòi hỏi một người lãnh đạo mạnh mẽ. Khi đối mặt với khủng hoảng, những nhà lãnh đạo mới này có cơ hội để thể hiện khả năng của mình bằng cách đánh giá tình huống một cách bình tĩnh, ra quyết định dưới áp lực khủng khiếp, chấp nhận những rủi ro đã được tính toán, khích lệ đồng nghiệp cố gắng, và kiên cường trước những biến động khôn lường. Nói cách khác, đây là sự chuẩn bị hoàn hảo cho vị trí CEO.

Mũi tên càng được kéo lùi về sau thì càng bay xa sau này. Nhiều lúc cuộc đời sẽ kéo bạn về sau một cách chậm rãi và ngẫu nhiên, nhiều lúc bạn cảm thấy mệt mỏi vì mình không còn xuất sắc như trước, nhiều lúc bạn thấy mình dậm chân tại chỗ dù đã cố gắng hàng ngày. Đừng rời bỏ “cây cung” của bạn, bởi vì sau đó bạn sẽ xuyên gió và bay trúng hồng tâm. Đôi khi, chúng ta phải lùi một bước, thậm chí hai, ba, năm bước… nhưng tiến lên phía trước hay chấp nhận ở vị trí đó mãi mãi hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính bạn.

Tài liệu tham khảo:

1. Ten Rules of Progressive Overload

2. Practice Alone Does Not Make Perfect

3. The Fastest Path to the CEO job, According to a 10-Year Study

Tác Giả: Đỗ Phan Duy

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/confaihoi

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,039 lượt xem, 1,983 người xem - 1983 điểm