Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Giải Oan Cho Chu Du

Tương truyền, Chu Du-một quân sư tài giỏi nước Đông Ngô thời Tam quốc - đã đố kị với tài thao lược của Gia Cát Lượng mà hộc máu chết. Người đời sau lấy Chu Du là một bài học về hậu quả của thói ghen tị. 

Nhưng, Chu Du có thực sự đáng phê phán? Ghen tị có thực sự xấu như vậy?

Ghen  là một trong bảy trọng tội trong Kinh thánh. Ghen bao giờ cũng là tính xấu. Ghen cũng có nhiều sắc độ: ghen tức, ghen tị, ghen ghét,.. Nếu ghen tức là sự không bằng lòng với thứ người khác có mà mình không có, thường được thể hiện qua thái độ bực tức, giận dỗi, thì ghen ghét lại gần với tị nạnh, với sự không bằng lòng, ganh đua ngầm, thường giữa phụ nữ. Còn ghen tị được ví như "con rắn độc, gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim" (Ét-môn-đô đơ A-min-xi)...

Tại sao con người lại ghen? Ghen bắt nguồn từ khi nào?

Có lẽ từ thuở xa xưa, khi tư hữu nhem nhóm phát triển trong đời sống các bộ lạc người nguyên thủy, khi một thành viên trong bộ lạc nhìn thấy gia đình "hàng xóm" được nhiều thịt hơn nhà mình, khi một người đàn bà nọ nhận ra chiếc áo lông của mình chẳng đẹp bằng chiếc áo của bà vợ trưởng tộc... Ghen tức len lỏi trong tư duy mỗi con người, từ những phát hiện nhỏ nhất. Ngày nay, người ta thường nhìn vào nóc nhà hàng xóm mà xăm xoi: Nhà mình nhất định phải to hơn nhà bên, xe hơi mình mua phải là xe hơi đời mới, con cái mình phải đỗ Đại học "chất" hơn con cái nhà ấy...

Ghen còn bắt nguồn từ những định kiến cổ hủ, lạc hậu. Ma chay, cưới hỏi, tạ đất,… phải to, phải rình rang mới là nhà có phúc. Đâu phải vậy! Nhưng người ta vẫn cứ chạy đua, không có tiền phải đi vay; ăn có thể đói, mặc có thể rét nhưng nhất định phải hơn hàng xóm.

Một trong những lí do khiến người ta thường “ngại” đi họp lớp, đình đám,… có lẽ bởi “nhìn con bạn ngày xưa không chịu được”. Người ta không chịu được cái cảm giác bạn bè cùng trang lứa thành đạt, giỏi giang, giàu có trong khi mình vẫn chưa nghề nghiệp ổn định, chưa cơ đồ, chưa thành tựu. Âu cũng xuất phát từ thói ghen tuông nhỏ nhem, hủ lậu.

Người ta thường hay so sánh, thường "đứng núi này trông núi nọ" phải chăng vì khát khao thể hiện bản thân, khát khao nổi bật, khát khao chiếm lĩnh vị trí đầu tiên trong cộng đồng mình sinh sống. Suy cho cùng, đó cũng là bản năng, là sự tiến hóa. Bởi mọi sinh vật trên hành tinh luôn tìm cách đánh dấu sự hiện diện của bản thân, không ai muốn bị lãng quên, bị coi thường. 

Nhưng "ghen" cũng là biểu hiện của sự tự ti. Tại sao? Bởi chỉ khi nghĩ rằng người khác hơn mình, người khác có cái mà mình không có, con người ta mới sinh suy nghĩ thua kém, mới bực dọc, tức tối, cảm thấy bất công. Ghen đó hóa ra còn là sự thiếu tự trọng, thiếu bản lĩnh, thiếu sự tự tin.

25+ chú mèo sinh ra để 'làm trò hề' rất thích hợp đi đóng phim, số 3 có thể đề cử giải Oscar? - ĐKN Inspired 

Ghen đơn giản là tính xấu.

Như đã nói, Ghen là biểu hiện rõ nhất của sự tự ti, thiếu tôn trọng bản thân. Ghen tức không làm cho người ta đạt được thứ mình muốn có mà chỉ khiến cho chúng ta ngày càng sa lầy vào hố sâu của sự thất bại. Vô hình chung, con người hình thành thói đố kị, gieo mầm cho sự nhỏ nhen, ích kỉ trong lòng chỉ bởi những suy nghĩ, những ý niệm dù chỉ rất nhỏ. Một khi đã trở thành tính cách, rất khó có thể thay đổi được. Giống như hiệu ứng "Lỗ trống": Người ta luôn chú ý đến cái khoảng trống không ánh sáng trên trần nhà mà quên mất rằng, không có lỗ trống ấy, bóng đèn trên trần vẫn chiếu sáng rất hiệu quả. Ghen tức khiến con người ta chỉ chú ý đến phần mình bị thiếu hụt mà lãng quên những ưu điểm, lợi thế của bản thân. Dần dà, Con người ta nhất định chẳng bao giờ đạt được mục đích chính bởi vì đã đánh rơi quá nhiều cơ hội, tiềm năng hứa hẹn vào thời gian mải mê xăm xoi, bới móc và ghen tị với thành quả của người khác.

Ghen còn khiến con người ta dễ dùng những mưu mẹo, thủ đoạn đê hèn để đạt được thứ mình mong muốn. Để hạ bệ đồng nghiệp đang thăng tiến rất nhanh trong công ti, người ta có thể đặt điều, nói xấu đồng nghiệp đó với Sếp lớn, có thể bày mưu xa lánh, miệt thị, tạo ấn tượng xấu, hiểu lầm giữa những đồng nghiệp khác trong công ti... Em học sinh tị nạnh với điểm số của bạn cùng lớp nên gian lận trong thi cử, bày kế hãm hại bạn,... Người vợ đánh ghen cô bồ nhí của chồng bằng những cách hết sức dã man, vô văn hóa: tạt a-xít, lột truồng bêu rếu, thậm chí là giết,...Thói ghen tị không bao giờ chấm dứt nếu chúng ta còn nhìn quanh, còn không ngừng so sánh bản thân với người khác.

Nhưng ghen đồng thời là mầm mống cho sự phát triển và tiến bộ.

Thử hình dung mà xem, chúng ta có muốn sống trong một xã hội mà mọi người điều an phận, hưởng lạc trong những mái nhà ọp ẹp thiếu tiện nghi; mỗi em học sinh chỉ loanh quanh với những hiểu biết hạn hẹp, với sự cào bằng đáng ghét khi cả trường không ai có ý định học tập thật tốt để vươn lên?... Thế giới cần lắm những sự "ghen tức" cực điểm trong công nghệ, giáo dục, sức khỏe... Vì "ghen tức" mà ngày một thêm những tiến bộ khoa học hiện đại về mọi lĩnh vực: thiên văn học, điện tử, hàng không, trí tuệ nhân tạo; vì "ghen tức" mà ngày càng có nhiều những cơ sở giáo dục, phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức hiệu quả, tiến bộ,... Sự ghen tức ấy hóa ra chẳng là cái gì đó tồi tệ, mà là sự tranh đua lành mạnh, lấy đà cho sự phát triển và tiến bộ không ngừng.

Ghen còn là biểu hiện của lòng tự trọng. Khoan đã, Ghen, vừa là thiếu tự trọng vừa là giàu tự trọng? Nghe thì có vẻ mâu thuẫn nhưng có khi ta ghen không phải vì ta cảm thấy kém cỏi hơn người khác, ghen, có khi là sự tự cảm thấy bất bình vì bản thân mình không được đánh giá một cách đúng đắn. Có biết bao lần, bạn cảm thấy bất công khi với khả năng của mình, ta vẫn không được đề bạt những chức vụ yếu trọng, không được điểm cao bằng một người khác mà ai cũng biết là còn kém cỏi? Có bao nhiêu bạn trẻ cảm thấy bất công khi những công sức bỏ ra không được đánh giá đúng mực bằng mối quan hệ quen biết của những “con ông cháu cha”?... Ghen hóa ra lại là một thái độ sống đầy tự trọng, là sự tự đánh giá khả năng, giá trị của bản thân; là sự không cam chịu trước những bất công của xã hội.

That's hysterical

“Ghen” còn rất cần trong xã hội ngày nay, khi mà mỗi cá nhân đều bị đặt trong một guồng quay không ngừng của sự chọn lọc gắt gao của của cuộc sống. Nói một cách hài hước thì, chính mỗi con người khi sinh ra đều là người chiến thắng vì ta là “con tinh trùng nhanh nhất” trong hàng triệu những “đối thủ” khác. Nhưng cuộc sống còn chứa đựng nhiều khó khăn, thử thách hơn thế. Mỗi người, đơn giản là không có thời gian nghỉ ngơi, bởi rất có thể, vị trí của ta giành lấy được hôm nay đã trở thành vị trí của người khác ngày mai. Trong xã hội mà người ta phải đấu tranh quyết liệt để cho con cái vào trường điểm, trường dòng, thậm chí trường mẫu giáo tốt, thì ta không thể nghỉ chân. Ghen tức là điều tất yếu, là bàn đạp cho sự tiến bộ vượt bậc.

Điều tôi muốn nói ở đây là: Động cơ của ghen không chỉ có một, mà có rất nhiều. Tích cực và tiêu cực. Thực chất, không có cái gì là tuyệt đối, đức tính cũng vậy. Động cơ tích cực, cách hành xử văn hóa thì dù có được coi là “xấu xí” thì vẫn nên được trân trọng.

Điều quan trọng là không để ghen tức biến thành cuộc chiến vô nghĩa của lòng đố kị, nhỏ nhem, khoe khoang bản thân. Không thể viện cớ “thi đua lành mạnh” về quân sự để đánh chiếm một quốc gia; cũng như không thể lấy danh nghĩa “chạy đua vũ trang” để châm ngòi cho những cuộc chiến tranh phi nghĩa…

Vậy, làm sao để “ghen đúng mực”?

Thực ra không có phương thuốc nào cho một “căn bệnh” thuộc về tâm lí. Thiết nghĩ, mỗi người sinh ra tự thân đã là một điều kì diệu. Chúng ta là bản thể độc nhất của Tạo hóa. Chúng ta hoàn hảo trên chính sự không hoàn hảo của mình. Tự so sánh mình với người khác rồi ghen tuông chẳng khác nào hoa lan ghen tức vì không có được mùi hương như hoa hồng.  Vậy nên ta mới cần hợp tác, giúp đỡ để làm đầy nhau, để hoàn thiện lẫn nhau. Thay vì chú ý đến cái mình thiếu, chi bằng hãy đào sâu, tìm tòi phần ưu điểm, phần mạnh của bản thân, cố gắng nuôi dưỡng, bồi đắp thêm cho những mảnh đất màu mỡ ấy. Cuộc đời sẽ trọn vẹn hơn, ý nghĩa hơn nếu ta ngừng phán xét, so sánh bản thân với bất cứ ai để rồi hậm hực, ghen ghét trong lòng.

Bệnh Chu Du hóa ra chẳng phải là điều gì đó đáng ghê tởm. Cách đối xử với thói ghen tức không phải là xa lánh, miệt thị mà là sự thấu hiểu và cảnh tỉnh. Chẳng ai đáng bị ghẻ lạnh vì thói ghen tị cả. Trái lại, cần động viên, giúp đỡ rất nhiều vì những người có thói hay “ghen” thường rất cô đơn, tự ti hoặc rất cầu tiến, rất tự trọng.


Tác Giả:  Đỗ Kim. 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/ki.do.3701

--------------------------------


Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 


 (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

94 lượt xem, 94 người xem - 96 điểm