Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Gửi Những Người Bạn Vẫn Đang Hoang Mang Giữ Con Đường Mang Tên "ĐẠI HỌC"

Sau khi tốt nghiệp, có bao nhiêu bạn sẽ tự chọn được ngành mà mình hứng thú, bao nhiêu bạn quyết định được đâu sẽ là công việc mà mình sẽ đi đến suốt cuộc đời mình. Có lẽ một số sẽ được ba mẹ định hướng cho bản thân, có bạn thì đã hiểu được mình giỏi về mảng nào, vậy những bạn vẫn còn hoang mang đứng trước bờ vực lựa chọn thì như thế nào? Mấy ngày gần đây khi ngồi lướt newfeed trên facebook tôi luôn thấy được những câu hỏi “trường…này có được không ạ?”, “Học ngành này trường này được không ạ? Mấy anh chị cho em ý kiến với ạ.”, “trường này tốt nghiệp kiếm việc làm được không ạ?”…Tôi  cũng có đọc bình luận và thấy rằng những câu trả lời khác nhau từ những bạn đến từ sinh viên trường đó. Nhưng mỗi bạn có nghĩ rằng, tốt hay không tốt đều do chính các bạn, không phải lựa chọn của bạn được thông qua bằng những câu bình luận của những người xa lạ.

Các bạn có biết giáo dục đại học tại Mỹ nói chung đi theo triết lý toàn diện. Họ sẽ dành cho bạn hai năm đầu để tích lũy tín chỉ, cho bạn tiếp xúc với một loạt khóa học để bạn có thể nhận ra rằng đâu là ngành mà bạn sẽ hứng thú và tiếp tục theo đuổi trong hai năm cuối. Thế nhưng ở Việt Nam, bạn phải lựa chọn nó ngay khi vừa hoàn thành 12 năm học. Và rồi khi bạn đang hăng hái khăn gói lên đường rời khỏi ngôi nhà thân yêu để bước vào một nơi mới để học tập, sau một thời gian bạn chợt nhận ra rằng đó chẳng phải là ngành yêu thích mà bạn đã lựa chọn. Lúc này đây bạn hoang mang, bạn cảm thấy bản thân thật vô dụng, và thậm chí trong đầu bạn sẽ hiện lên vô số lý do để bạn từ bỏ nó: tiền học phí lại tăng, học chậm hơn các bạn khác khiến bạn chán nản và muốn bỏ cuộc, áp lực từ những chi phí hằng ngày khiến bạn ngại ngùng khi gọi điện về nhà để xin tiền bố mẹ,…Và chính xác đó là những gì tôi đã chịu đựng khoảng 6 tháng.


Tôi đậu vào một ngôi trường thuộc hàng top của thành phố, tôi phấn khởi khi được bước tới một chân trời mới, ngôi nhà mới, mong đợi những thứ vượt ngoài tưởng tượng của tôi. Thế nhưng việc học đã khiến tôi chán nản, đó chẳng phải là ngành mà tôi mong muốn theo đuổi mãnh liệt như ban đầu, lúc ấy đã có nhiều người khuyên tôi rằng: “đừng lo lắng đó chỉ là năm đầu thôi, qua hai năm nữa em sẽ dễ thở hơn, sẽ được học chuyên ngành mà em muốn”. Nhưng thật sự tôi không còn chút hứng thú với những gì tôi lựa chọn, tôi có nói chuyện với bố mẹ, tôi đã khóc bởi vì tôi đã nghĩ vào đại học, sau đó kiếm một công việc ổn định để bố mẹ có cuộc sống tốt hơn và rồi nhận đó không phải là những gì tôi thích. Tôi đã quyết định rời bỏ ngôi trường với sự chấp nhận của bố mẹ.

Tôi dành nửa năm của mình để học tiếng Anh và làm những công việc để không muốn thời gian trôi qua một cách lãng phí. Tôi bắt đầu với công việc bán hàng trong shop, ban đầu rất vui vẻ vì không bị áp lực nặng nề về học tập, đó chỉ là công việc chân tay, không đòi hỏi quá nhiều. Cuối tuần tôi cũng dành thời gian đi làm thêm ở những nhà hàng, dần dần việc học của tôi bị công việc cuốn theo, không còn thời gian cho nó nữa. Lúc này tôi thấy bản thân vô dụng, vì tôi chỉ làm việc nửa ngày, tôi dự định dành buổi tối để học nhưng sau khi làm về nó khiến tôi mệt mỏi và ngủ thiếp đi cả buổi tối. Làm được một tháng tôi bắt đầu cảm thấy chán nản với công việc vì công việc cứ như vậy lặp lại hằng ngày. Tôi quyết định chuyển đổi công việc của mình. Tôi apply làm trợ giảng cho một trung tâm tiếng anh ở thành phố. May mắn tôi được nhận, và thời gian của tôi thoáng hơn, tôi nhận ra tôi rất thích công việc này, hằng ngày tôi gặp nhiều người khác nhau, những đứa trẻ với mỗi tính cách đặc biệt khiến tôi ngày càng gần gũi và yêu chúng hơn. Ngoài thời gian làm việc tôi cũng có thời gian đăng kí một lớp IELTS để trau dồi hơn cho bản thân. Tôi hài lòng mặc dù lương hiện tại của tôi không bằng những công việc trước vì là part-time, nhưng tôi rất vui vì ít ra tôi có thời gian để tiếp tục việc học của mình. Tôi nhận ra tôi vẫn còn trẻ, vẫn phải học rất nhiều để phát triển bản thân. Vì khi có kiến thức bạn sẽ nhận ra bản thân mình sẽ ở vị trí khác hơn. Tôi  học được những điều qua những con người tôi gặp hằng ngày, trò chuyện cùng họ cho tôi động lực hơn rất nhiều. Tôi bắt đầu lựa chọn việc học lại, và lần này tôi đã không hối hận. Tôi cố gắng mỗi ngày, không từ bỏ phút giây nào để học và học. Vì tôi biết một khi tôi trở lại con đường mang tên đại học, nó sẽ ngốn của tôi rất nhiều thời gian nhưng lúc này “quyết tâm” và “đam mê” của tôi đã đủ lớn để có thể chiến đấu với nó lần nữa.



Dành cho những bạn đang hoang mang giữa ngưỡng cửa mang tên đại học. Bạn cứ lựa chọn ngôi trường mà bạn cảm thấy phù hợp, ngành mà bạn yêu thích, thử sức với những ngày tháng đầu tiên của việc học. Nếu bạn cảm thấy vui vẻ nhưng có một chút chán nản hãy cứ tiếp tục học đừng bỏ dỡ, đừng cố suy nghĩ về tiền bạc nếu gia đình bạn khó khăn khi lo cho bạn. Vì số tiền mà ba mẹ bạn bỏ ra cho bạn học, họ sẽ được bạn đền bù khi bạn đã thành đạt và có thể tự lo cho bản thân mình. Đó là lúc bạn trả ơn cho họ. Còn những bạn khi đã học được vài tháng nhưng bản thân đã chạm tới tận cùng của chán nản, thì hãy dành cho bản thân một khoảng thời gian suy nghĩ. Suy nghĩ thật kỹ về bản thân đừng để bất kỳ con quái vật mang tên “từ bỏ” có thể đánh gục bạn. Nhưng hãy nhớ một khi bạn đã quyết định tạm dừng việc học của mình, bạn phải chuẩn bị thật kỹ những thủ tục như bảo lưu kết quả của mình để bạn có thể trở lại hoặc chuyển trường khi bạn đã sẵn sàng với lựa chọn của mình. Đó là bước quan trọng với bản thân của bạn, đừng nghĩ rằng bạn sẽ bỏ học hẳn để đi làm kiếm tiền. Tin tôi đó là một quyết định tồi tệ vì sau khoảng hai tháng bạn sẽ nhận ra rằng: mình cần phải học rất nhiều. Những công việc đó chỉ có thể khiến bạn thỏa mãn tạm thời không phải là công việc có thể nuôi được bạn cả đời. Đến khi bạn quyết định trở lại bạn vẫn có thể, có lẽ khi đó bạn sẽ chậm hơn những người bạn cùng lứa nhưng đừng lo lắng, khi bạn đã có động lực thì có thể bạn sẽ đi nhanh hơn họ rất nhiều. Không bao giờ là quá muộn để bản thân được học lần nữa và được học đúng với những gì mình yêu thích. Cũng đừng nghĩ rằng có những người không cần đại học vẫn giàu có đấy thôi, vì bạn không phải họ, không biết họ đã trải qua những gì, đã thất bại bao nhiêu lần, và lại nỗ lực vực dậy sau những lần ấy. Bạn chỉ thấy được kết quả cuối cùng của họ. Và thực sự tôi đã nghĩ như những gì bạn nói đó là bằng đại học chẳng có giá trị gì cả, mà giá trị nằm ở những gì bạn đã làm được tại trường, khi đó điều mà nhà tuyển dụng chú ý sẽ là CV đầy sắc màu của bạn, còn tấm bằng chỉ là một tờ giấy thẳng băng đi cùng. Sau bốn năm học với tấm bằng đó và những gì đã được vẽ trong CV, tôi tin bạn và tôi có thể ngẩng cao đầu lựa chọn công việc cho chính bản thân mình.


Tác Giả: Thi  Tuyet

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/hotuyet1460

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

199 lượt xem, 197 người xem - 219 điểm