Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Hạnh Phúc Ở Đâu Trong Mục Tiêu Sống Của Bạn?

1.Chúng ta đã trưởng thành như thế nào?


Một lần ngồi trên chuyến xe về quê ngày cuối tuần, tôi bắt gặp một người mẹ trẻ bế cậu con trai kháu khỉnh khoảng ba tuổi. Ban đầu cậu bé mếu máo, sau đó gào khóc ầm ĩ. Người mẹ liên tục dỗ dành cậu con trai hỏi xem cậu bé muốn gì nhưng cậu bé chỉ khóc thét. Ngọt ngào không được, người mẹ tức giận phát vào mông cậu bé mấy cái. Xe đã chạy ba mươi phút mà đứa trẻ vẫn la khóc khiến người mẹ vô cùng bối rối. Nhưng rồi cuối cùng hai mẹ con cũng thỏa hiệp sau những câu mếu máo tôi chẳng hiểu nổi. Cậu bé cuộn tròn trong vòng tay người mẹ ngủ ngon lành suốt hành trình còn lại. Sau chuyến xe đó, tôi nhận ra hai điều.



Điều thứ nhất: càng lớn chúng ta càng xa cách bố mẹ. Bố mẹ là người yêu thương chúng ta nhất trên đời, luôn dõi theo chúng ta suốt hành trình thơ ấu và trưởng thành, ở bên cạnh và lo nghĩ cho chúng ta đến hơi thở cuối cùng. Vậy mà, chạy theo những cuộc vui ngoài xã hội, theo những ganh đua khẳng định bản thân, chúng ta càng ngày càng đẩy bố mẹ ra xa. Cuộc sống chẳng phải quá bận rộn nhưng chúng ta không chịu dành chút thời gian rảnh rỗi để trở về nhà ăn bữa cơm đoàn viên, đi chợ cùng mẹ, ngồi nói chuyện với bố. Hầu hết những cuộc gọi đều do bố mẹ chủ động mà nội dung chính là hỏi han tình hình sức khỏe, cuộc sống của chúng ta. Từ một đứa trẻ không có mẹ bên cạnh là la khóc chúng ta đã trở thành một đứa con cả tuần mới gọi về cho bố mẹ một cuộc điện thoại. Bố mẹ không còn là người duy nhất chúng ta yêu thương nữa.


Điều thứ hai: chúng ta tự đầu độc mình bằng cách nuốt uất ức vào trong. Trẻ con giải phóng ấm ức ra ngoài bằng cách gào khóc thật to. Bạn có nhớ từ khi nào bạn khóc trong câm lặng không? Tôi thật sự không thể nhớ nổi từ bao giờ mỗi lần ấm ức giận dỗi tôi lại chỉ có thể rơi nước mắt, chỉ có thể nấc nghẹn mà không thể gào lên như một đứa trẻ. Cứ thế, chúng ta nuốt những điều tồi tệ vào trong làm cổ họng nghẹn ứ, tâm trí trì trệ tắc nghẽn, xuống tinh thần trong một thời gian dài. Chẳng có điều luật nào là người lớn không được khóc ra tiếng, chẳng phải người đàn ông nào khóc cũng là yếu đuối. Vậy mà, trưởng thành rồi, con trai không bao giờ khóc, con gái lại chọn cách khóc trong câm lặng. Việc thể hiện cảm xúc trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Lúc nào chúng ta cũng trưng ra bộ mặt tươi cười, trạng thái an nhiên nhưng đằng sau là bao thứ cảm xúc tồi tệ hỗn độn xám xịt một bầu trời tâm trí. Mọi thứ cứ thế dồn nén tích tụ lại đến khi không chịu được nữa, chúng ta trở nên trầm cảm, stress, không kiểm soát được hành động của bản thân. Một nghiên cứu của Đại học Florida phát hiện ra rằng khóc có hiệu quả hơn mọi loại thuốc chống trầm cảm. 88,8% người tham gia nghiên cứu đều cảm thấy tâm trạng của họ được cải thiện hơn nhiều sau khi khóc. Việc khóc lóc không chỉ cải thiện tinh thần (spirit)  mà còn hữu ích cho sức khỏe thể chất (physical). Nước mắt chứa lysozyme, một chất kháng khuẩn tự nhiên có thể tiêu diệt khoảng 90-95% vi khuẩn trong 5-10 phút. Khi chúng ta trưởng thành rồi, việc gào khóc giữa đám đông như một đứa trẻ con có vẻ khó chấp nhận được. Nhưng mỗi lần ấm ức, tôi đều cố tìm cho mình một khoảng không gian chỉ có riêng mình để la hét thỏa thuê. Tôi thật sự muốn khóc được như một đứa trẻ, giải phóng hết những thứ tồi tệ rác rưởi ra khỏi con người tôi, dành chỗ cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống.



2. Hạnh phúc ở đâu trong mục tiêu sống của bạn?


Nhìn lại những bản kế hoạch của mình, bạn có thấy trang nào dành cho “Hạnh phúc” không? Thật nực cười, chúng ta cố gắng làm tất cả để cái đích cuối cùng là có một cuộc sống hạnh phúc, vậy mà có ai lấy hai từ “Hạnh phúc” đặt ở trung tâm? Nếu có, bạn hẳn là một kẻ lạ dòng đấy. John Lennon-nhóm trưởng ban nhạc Beatles từng chia sẻ: “Khi năm tuổi, mẹ luôn nói với tôi rằng hạnh phúc là chìa khóa của cuộc sống. Khi tôi đi học, người ta hỏi tôi muốn trở thành ai khi lớn lên, tôi viết vẻn vẹn “hạnh phúc”. Họ nói tôi không hiểu đề bài, còn tôi nói với họ rằng họ chẳng hiểu gì về cuộc sống." Ai cũng có mục tiêu riêng của mình, nhưng rốt cuộc, mục tiêu mà ai cũng hướng tới chính là sống một đời hạnh phúc. Cháy với đam mê-chúng ta hạnh phúc. Thực hiện được ước mơ-chúng ta hạnh phúc. Chinh phục được thử thách-chúng ta hạnh phúc. Nhưng để đạt được cái đích tốt đẹp ấy, bạn có nhận ra hạnh phúc vốn ở nơi bạn xuất phát, càng đi lại càng tự chuốc đau khổ chưa? Lí do không phải do mục đích của bạn không mang lại hạnh phúc mà do cách bạn đi khiến bạn đau khổ. Ở điểm xuất phát, chúng ta có người thân, bạn bè-những con người đáng trân quý trong cuộc đời mình. Họ cổ vũ, thôi thúc ta tìm kiếm bản ngã. Họ động viên, ủng hộ ta thực hiện ước mơ. Nhưng rồi, càng đi sâu, khoảng cách giữa ta và họ càng xa. Ta mải chạy đua, ta lạc lối, gạt bỏ bạn bè, quên đi người thân, chôn vùi yêu thương tình nghĩa, chúng ta điên cuồng chạy theo ánh hào quang đang trốn chạy mình. Bao lâu rồi bạn chưa về thăm nhà? Bao lâu rồi hội bạn thân chưa tụ tập? Cuộc sống của bạn đang có thêm những người bạn tốt đáng tin cậy hay đến với nhau chỉ vì lợi ích nhất thời? Rõ ràng hạnh phúc giản đơn lắm. Hạnh phúc ở bên ta ngay từ lúc bắt đầu. Là chúng ta đang xa rời hạnh phúc mà cứ ngỡ đến gần hơn. Tất nhiên chúng ta không phải thánh nhân, mà ngay cả thánh nhân cũng không thể cân bằng được cuộc sống. Nhưng hãy tìm cách đi vào đường tiệm cận, mọi thứ không hoàn hảo nhưng rồi sẽ ổn cả thôi. Steve Jobs từng viết khi nằm trên giường bệnh: “Tôi đạt đến đỉnh cao của sự thành công trong giới kinh doanh. Trong mắt người khác, cuộc sống của tôi là một mẫu mực của sự thành công. Tuy nhiên, ngoài công việc, tôi có rất ít niềm vui. Thượng đế tạo ra chúng ta để cảm nhận được tin yêu trong tim chứ không phải những ảo tưởng về tiền tài danh vọng như tôi đã làm trong suốt cuộc đời nhưng không thể đem theo tôi được. Tôi có thể mang theo được những kỉ niệm của yêu thương.” Phải đến lúc yếu mềm nhất, khi cuộc đời giáng cho bạn một đòn chí mạng bạn mới hiểu được rằng điều gì mới thật sự quan trọng. Theo đuổi đam mê không sai nhưng sống chết vì đam mê, gạt bỏ những mối quan hệ tốt đẹp là sai. Hạnh phúc là một hành trình chứ không phải một điểm đến. Trên con đường đam mê, bạn sẽ gặp rất nhiều người, những con người ấy sẽ cùng bạn trải nghiệm, trao cho bạn cơ hội, thúc đẩy bạn tiến xa hơn. Nắm tay nhau cùng đi, có chậm lại một chút nhưng đi được xa hơn chẳng phải sẽ tốt hơn là đi một mình đơn độc hay sao? Góp nhặt hạnh phúc suốt dọc hành trình, bạn chẳng cần đi đến đích cũng đủ hạnh phúc rồi.



Tôi đã từng là một người đặt thành công lên vị trí đầu tiên. Ngày còn đi học, lúc nào tôi cũng cố gắng đứng ở vị trí số một, kém bạn 0,1 điểm thôi cũng khiến tôi buồn lòng và cơn ghen tức nổi lên phừng phừng. Tôi đã lao vào học tập, trở thành một cô học sinh gương mẫu được bạn bè ngưỡng mộ, thầy cô yêu quý. Nhưng những điều đó chẳng làm tôi hạnh phúc. Tôi đã bỏ lỡ những cuộc vui chơi bên bạn bè, bỏ lỡ những trò nghịch dại ngốc nghếch thời học sinh. Suốt quãng đời trong trẻo đó, bạn bè của tôi vô cùng ít ỏi, tôi hay ngồi buồn một mình, cũng chẳng có kỉ niệm dại khờ nào đáng nhớ. Tôi đạt được một thành tích học tập như bản thân mong đợi nhưng tôi không hề cảm thấy vui vẻ. Tôi không điên cuồng, không khờ dại, không hóm hỉnh, không đùa nghịch,không làm những điều mà chỉ học sinh mới có thể làm. Đến sau này, bằng cấp, giấy khen, mọi lời bàn tán của người ngoài đều xếp xó, chỉ có những người bạn cùng tôi đi qua năm tháng thanh xuân mới ở bên tôi, cùng tôi sống, cùng tôi trải nghiệm. Cuộc sống này có rất nhiều thứ để chúng ta dành thời gian thay vì tập trung vào mục đích thành công duy nhất. Vậy nên, nếu phải chọn lựa, hãy chọn yêu thương.


3. Bạn có biết yêu không?


Có lẽ câu hỏi này khá ngớ ngẩn. Cuộc sống này ai chẳng biết yêu. “Làm sao sống nổi mà không yêu, không thương không nhớ một kẻ nào”? Chỉ là chúng ta mắc hội chứng “lười yêu” mà thôi.


Tôi có một cô bạn rất xinh đẹp. Suốt thời cấp ba và cả thời đại học cô ấy luôn mong muốn có được một mối tình đẹp đẽ lưu dấu kỉ niệm thanh xuân. Cô ấy được rất nhiều chàng trai theo đuổi, hầu hết đều là những chàng trai ưa nhìn và tài giỏi. Vậy mà lần nào cũng thế, cô ấy luôn tâm sự với tôi rằng thấy hai người không hợp, thấy hơi lo sợ, có thể người ta không yêu cô ấy thật lòng, chỉ là một chút thoáng qua thôi. Cô ấy cứ lo nghĩ như thế, cuối cùng từ chối tất cả những chàng trai đó, nhưng kì lạ là cô ấy vẫn luôn mong đợi người ấy xuất hiện. Tình trạng của cô ấy không phải là “sợ yêu” mà là “lười yêu”. Càng lớn chúng ta càng lười yêu. Nhìn bọn trẻ xem, chúng yêu ghét rõ ràng, rất dễ yêu quý một người, cũng rất dễ ghét bỏ một người, cảm xúc thế nào chúng bộc lộ ra bên ngoài thế ấy. Còn người lớn chúng ta, rất lười yêu nhưng luôn tỏ ra yêu thương người khác. Chúng ta mỉm cười, chúng ta động viên một người đang gặp khó khăn dù rằng trong lòng thật tâm không hề đặt bản thân vào địa vị người ấy. Chúng ta nói yêu mà chẳng phải yêu.




Trong ba mươi nguyên tắc giao tiếp của cuốn sách "Đắc nhân tâm", có tới ba điều tác giả bắt đầu bằng hai chữ “Thật lòng”: Thật lòng quan tâm đến người khác, thật lòng làm cho người khác thấy rằng họ quan trọng, thật lòng khen ngợi sự tiến bộ dù nhỏ nhất ở người khác. Xuyên suốt tác phẩm, Dale Carnegie luôn đề cao sự chân tình và cảm xúc xuất phát từ chính trái tim con người. Đó là cách để chúng ta có thể trở thành những người giao tiếp tốt, được mọi người yêu quý. Nhưng rất nhiều lúc, tôi có cảm giác mọi người, ngay cả chính tôi, cũng chỉ đang giả vờ quan tâm, giả vờ yêu thương mà thôi. Chúng ta mong muốn người khác yêu quý mình ngay từ ban đầu mà không chịu dành thời gian hiểu về họ, chúng ta vốn dĩ chỉ quan tâm đến bản thân mình mà không hề đặt mình vào vị trí người khác nhưng lại luôn đưa ra những lời động viên. Nhiều khi tôi cảm thấy bản thân vô cùng giả tạo và sáo rỗng. Một lời động viên, một lời khuyến khích khiến trái tim tôi run lên vì xúc động nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy vô cùng giả dối nếu người nói không phải bố mẹ, chị gái hay cô bạn thân mà tôi quen biết. Vốn dĩ, những người yêu thương ta thật lòng lại ít khi nói lời yêu, cũng chẳng nói lời văn hoa lý thuyết nào hết, không khoa trương rùm beng, chỉ đơn giản, họ bên cạnh ta những lúc khó khăn, âm thầm giúp đỡ ta mà thôi. Càng ngày, chúng ta càng được dạy nhiều điều, việc gì cũng có thể học, có thể truyền kinh nghiệm, ngay cả yêu thương. Nhưng mọi thứ đã biến tướng thành một cái máy chỉ biết làm y hệt như những gì được lập trình sẵn. Chúng ta có trái tim nhưng đồng thời chúng ta cũng có trí não. Trái tim biết yêu biết ghét còn trí não chỉ biết lợi ích. Thông thường, trí não hay giành phần thắng.


Nữ y tá Bronnie Ware, tác giả cuốn sách “The top 5 regrets of the dying”(Tạm dịch:”5 điều tiếc nuối nhất của người đang hấp hối”), đã đưa ra điều thứ ba:”Tôi ước gì đủ can đảm để bày tỏ cảm xúc của mình”. Bày tỏ cảm xúc ở đây không chỉ là yêu những người mình yêu mà còn là ghét những người mình ghét. Có bao giờ bạn cảm thấy nói lời yêu với người mình không yêu còn dễ hơn nói lời yêu với người mình thật sự yêu chưa? Tôi thật sự chưa bao giờ nói được câu “Con yêu mẹ!”, “Con yêu bố!”,”Em yêu chị!”,”Tớ mến cậu!” với những người cần được nghe câu nói ấy. Những yêu thương được chuyển hóa thành hành động chứng tỏ điều hiển nhiên ấy, chẳng cần nói ra ai cũng có thể cảm nhận được. Nhưng tất cả mọi cảm xúc đều cần được khẳng định bằng một câu nói. Nếu bạn nói “Con yêu mẹ!” với mẹ bạn, chắc hẳn người sẽ vui vẻ suốt cả ngày, có khi cả một tuần sau đó. Nếu cậu bạn bạn thích nói với bạn “Tớ thích cậu!”, chắc hẳn ngày hôm ấy bạn chỉ biết tủm tỉm cười. Mỗi người chúng ta đều biết yêu thương, đều biết giận hờn ghét bỏ nhưng không phải ai cũng đủ dũng cảm thẳng thắn nói lên điều mình giấu trong lòng. Biết yêu chính là biết nói lời yêu với người cần được nghe. Hãy mạnh dạn thể hiện cảm xúc, thể hiện tình yêu của chính mình. Có rất nhiều câu chuyện trở thành tiếc nuối vì một lời yêu không được nói ra, vì tình yêu không được khẳng định. Chúng ta chỉ có một đời để sống. Thay vì dành thời gian nghĩ về những điều tồi tệ ở người khác thì hãy nói lời yêu, hãy trao yêu thương, tập trung vào những người mình yêu. Tôi biết, càng lớn chúng ta càng không dễ yêu thương, số người chúng ta tin tưởng quý mến là vô cùng ít ỏi. Vậy bạn còn ngần ngại gì mà không dành thời gian cho người mình yêu? Cuộc sống này vốn dĩ được dệt nên bằng yêu thương. Yêu chân thành, yêu say đắm, dù sau này ra sao bạn cũng sẽ không phải hối tiếc. Chúng ta sống để hạnh phúc, để yêu thương mà!



Tác Giả: Trần Thoại Mỹ
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/tranthoaimy106


--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info



(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,539 lượt xem, 1,499 người xem - 1511 điểm