Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Hãy Học Cách Sống Cô Độc Trước Khi Muốn Đồng Hành Cùng Người Khác

Đây có phải là một trong những điều phi lí nhất bạn từng nghe? Có gì nhầm lẫn hay không khi đáng lẽ ra phải là “đồng hành cùng người khác để không cô độc”? Vậy thì hãy đọc hết bài viết này - để đến sau cùng, nó có thực sự điên rồ như bạn tưởng tượng.


Những gì bạn hình dung về cô độc - có thể không giống như bạn nghĩ

“Cô độc” có lẽ là một từ mà khi thốt ra thường để lại những ấn tượng mang sắc màu ảm đạm. “Nó thật là cô độc” - nghe được câu nói này, ta có cảm giác như nó là một thực thể không ai quan tâm tới, là một sinh vật vô hình, lang thang giữa trần gian với trái tim trống rỗng. Những suy nghĩ về cô độc với cái nhìn một chiều như vậy không phải là duy nhất. Nó còn kéo theo sự nhầm lẫn khác giữa “cô độc” và “cô đơn”. Có đôi khi họ nhầm hai cái là một, có đôi khi họ nhầm cái nọ sang cái kia, có đôi khi họ nhầm luôn cả hai.


Bản thân từ “cô độc” đã ẩn chứa trong mình nhiều sức gợi, thế nên với tôi, không có một định nghĩa nào đủ chính xác để lột tả nó ngay trong vài ba câu. Manh nha triết học một chút, cô độc là trạng trái mà trong đó một cuộc đối thoại yên lặng sẽ diễn ra giữa tâm hồn và bản thân bạn. Khác với cô độc là tôi đồng hành cùng chính mình thì cô đơn lại đến khi không có sự đồng hành nào; và vì thế, luôn khao khát nhưng không tìm được nó. Trong trạng thái cô độc, ta không bao giờ bứt rứt vì thiếu thốn tình bạn hay tình yêu bởi ta không thực sự cô đơn. Nội tâm chính là người bạn mà ta có thể trò chuyện cùng, là một giọng nói câm với đầy những câu hỏi quan trọng.


Ta biết rằng, trong cuộc sống một cá nhân luôn có hai đời sống cùng tồn tại: đời sống xã hội và đời sống nội tâm. Tự do của một con người không chỉ đòi hỏi ta biết cách cư xử ở chốn đông người, nó còn đòi hỏi khả năng suy ngẫm và xét đoán trong không gian riêng tư. Đó là lúc sự cô độc giúp cá nhân suy xét về hành động và đào sâu lương tâm của chính mình. Nói chính xác là thoát khỏi sự ồn ã của đám đông để rốt cuộc nghe được thanh âm bên trong bản thân.



Cô độc là thoát khỏi sự ồn ã của đám đông để rốt cuộc nghe được thanh âm bên trong bản thân

Ở khía cạnh ngược lại, một người không biết đến những khoảng lặng - ngẫm nghĩ về điều mình nói và việc mình làm sẽ luôn tự mâu thuẫn. Điều này có nghĩa là bản thân cá nhân đó sẽ không bao giờ muốn hay có thể giải thích những điều mình nói và làm. Thất bại khi quay về với bản thể, với trạng thái cô độc chính là vứt bỏ đời sống nội tâm. Nó cũng đồng nghĩa với việc thất bại trong việc bắt đầu quá trình tự hỏi và tự trả lời cần thiết để hiểu sâu suy nghĩ của sự việc, để phân biệt đúng - sai, thiện - ác,...


Hãy dành nhiều hơn những khoảng lặng cho bản thân mình

Một nhà văn nổi tiếng đã đề tặng trong cuốn sách của tôi “Trong hành trình tìm kiếm bản thân, em có thể cô đơn nhưng đừng cô độc”. Lớn lên, dường như điều này càng trở nên trái ngược với thể nghiệm mà bản thân tôi tìm kiếm. Đó có phải là vấn đề chung của tất cả mọi người, khi luôn vô tình đánh tráo khái niệm và ý nghĩa giữa cô đơn và cô độc như đã đề cập ở trên.


Thế nhưng bạn lại tự hỏi, chúng ta trở nên cô đơn trong khi một mình thì sao? Không phải sẽ có những nguy cơ đáng sợ rằng chúng ta sẽ trở thành những cá nhân cô độc không bạn bè ư? Sự lo lắng rất bản năng này lại dẫn đến những điều cần lưu tâm hơn trong thời đại của chúng ta.


Giữa thế giới kết nối cực đại như ngày nay, bạn có nhận ra chúng ta hiếm khi chừa một khoảng không gian để tự suy ngẫm. Chúng ta kiểm tra hàng trăm tin nhắn và email mỗi ngày; chúng ta lướt Mạng xã hội nhiều đến vô thức, luôn ngứa ngáy phải kết nối mọi lúc với người thân lẫn người không thân. Chúng ta bỏ thời gian để tìm kiếm bạn của bạn, người yêu cũ, người yêu mới của người yêu cũ, người chúng ta gần như không biết, thậm chí người chúng ta chẳng cần phải biết. Chúng ta thèm thuồng sự đồng hành liên tục. Ta muốn kết nối với mọi người vì cô đơn nhưng chính ta lại cảm thấy cô đơn trong vòng kết nối của mình.


Con người hiện đại luôn thường trực cảm thấy cô đơn trong vòng kết nối của mình


Nhưng ta cần phải biết, nếu ta mất đi khả năng đồng hành một mình, chúng ta sẽ mất đi khả năng suy nghĩ. Chúng ta dễ bị cuốn đi bởi đám đông, bởi việc mọi người làm và tin vào. Khi đó, ta khó lòng có thể phân biệt phải trái đúng sai trong cái lồng của sự ăn theo. Bởi vậy, sự cô độc không chỉ là một trạng thái tinh thần thiết yếu với sự phát triển trí tuệ và lương tâm của một cá nhân, mà còn là một thói quen tiền đề cho người đó tham gia vào đời sống chính trị xã hội.


Sẽ là một bất hạnh lớn khi mất khả năng ở một mình, khi bị cuốn vào đám đông, khi hi sinh sự độc nhất của mình để làm hài lòng số đông


Trước khi ở bên ai đó, hãy học cách sống cô độc

Nếu bạn vẫn đang tiếp tục đọc những dòng này, thì ít nhiều trong bạn đã không cho những gì tôi nói là điên rồ đúng không. Ta đã biết “cô độc” và “cô đơn” khác nhau như thế nào, ta cũng biết bản thân một con người sẽ trở nên như thế nào nếu không để bản thân “cô độc”. Ở góc độ tình yêu - chủ đề mà tôi nghĩ là sẽ trở nên gần gũi hơn với các bạn cũng không ngoại lệ.


Một mối quan hệ tồi tệ sẽ làm bạn cảm thấy cô đơn hơn cả khi bạn độc thân

Xét về một mối quan hệ giữa hai người, một người nếu chưa hiểu rõ bản thân mình thì rất khó có thể gọi là biết cách yêu người khác. Nếu bản thân một người không có đủ hiểu biết về mình (chưa bao giờ tự nghĩ về mình, hoặc tìm cách để hiểu bản thân - một biểu hiện của cô độc), thì cũng sẽ không có đủ hiểu biết về những cảm xúc xuất hiện từ phía mình.

Khi đó những thứ cảm xúc của mình với một người có thể bị nhầm lẫn với những nhu cầu khác không phải là yêu, ví dụ như tò mò, nhu cầu được xã hội công nhận, nhu cầu được bảo vệ, nhu cầu để bớt cô đơn, nhu cầu muốn thấy mình cũng được yêu và từ đó cảm thấy mình không vô dụng, cuộc đời mình cũng có nghĩa. Tất cả chỗ đấy, chẳng có cái nào gọi là tình yêu cả.

Bản thân việc tham gia vào một mối quan hệ có khiến cuộc sống một người tốt hơn không? Có, nó sẽ tốt hơn ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, sự tốt hơn này không nhất thiết phải do tình yêu đem lại. Nó là cảm giác cuộc sống xuất hiện một thứ gì đó mới (cũng như mua  điện thoại mới, mua xe mới, sách mới,...). Còn muốn xem mối quan hệ đó có làm cuộc sống một người tốt lên không, thì cần có thời gian, và xem đó có phải tình yêu thật không.

Tôi không cổ súy cho việc sống độc thân trong cả một đời người nhưng sự thực là một người hoàn toàn có thể hạnh phúc theo một cách độc lập. Nói một cách cụ thể hơn, việc có người yêu không “hoàn thiện” hay “tô điểm” cuộc sống của một người. Nó không phải là thứ tiêu chuẩn mà một người cần có trong đời. Việc có tham gia một mối quan hệ nào đó hay không là một sự lựa chọn. Nếu một người đặt ý nghĩa cuộc sống của họ vào một ai đó, hoặc vào người yêu trong một mối quan hệ, mối quan hệ đó sẽ trở nên độc hại.



Hãy đồng hành cùng bản thân, lắng nghe tiếng nói từ nội tâm trước khi muốn đồng hành cùng người khác

Sự có mặt của ai đó trong cuộc đời này - vì thế không quyết định được hạnh phúc đích thực của chính mình.Trước khi có thể đồng hành cùng người khác, hãy đồng hành cùng chính mình; muốn sống chung với người khác thì phải sống chung với chính mình. Tóm lại, nói một cách gần gũi và “tình hơn”, đó là: không thương nổi mình, sao thương nổi người!


Tác Giả: Nguyễn Ngọc Ánh, Freelance Writer

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/sasasa.anh

-------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ/tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


 




----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,620 lượt xem, 5,155 người xem - 5164 điểm