Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Hãy Sống Như Một Đêm Đông, Nằm Trong Chăn Lặng Nghe Một Bản Nhạc

Hôm nay tôi muốn cắt đứt những mộng tưởng, về ngày mai

 

Tôi ném mình trong căn phòng tuềnh toàng, dưới chân chen chúc những đồ đạc lăn lóc liểng xiểng. Cũng chẳng cần bật điện lên. Lê từng bước một. Trong bóng tối. Cùng những suy nghĩ miên man nối đuôi nhau chồng chéo, dày đặc.

Tôi vốn không phải người thích kết bạn, kể cả trong một lớp có ồn ào tiếng nói chuyện, tiếng thì thầm nhỏ to.

Kể cả trong những ngày tới trường, ngay cả khi băng qua một khu chợ lộn xộn tiếng xe cộ rầm rầm xen lẫn vài tiếng mặc cả từ xa vọng lại, tôi cũng không thoát khỏi sự im lặng đang vô thức cháy từ cổ họng lên đến tận mây xanh. Nhẹ bẫng đến nỗi, tôi nghe thấy tim mình thổn thức đập từng nhịp. Con đường cứ thế dài hun hút, ở phía sau. Đôi khi lại chỉ nghe thấy tiếng bước chân ai đang cùng nhịp bước với mình, lúc gần lúc xa, lúc dồn dập lúc chậm rãi. Cứ thế, nhưng chẳng bao giờ thấy người đó vượt qua khỏi mình.

Tự nhốt mình trong căn phòng kín cách âm với dòng xe qua lại, giữa hàng vạn ánh đèn hiu hắt bắt đầu le lói thân mật báo hiệu một đêm đen lại bắt đầu, cũng là lúc tiếng xé không gian nức nở. Tôi bắt đầu khóc.

Vì những ngày đã qua. Vất vả. Để chuẩn bị sự tiếp tục vật lộn chiến đấu với một thứ gọi là ngày mai. Vì những gồng gắng đang tự mình chịu đựng. Vì những lời nói vô tình sắc bén gây đau đớn như cứa dao. Và kể cả, vì những chuyện không đâu vào đâu, như biết chắc rằng ngày mai, sẽ lại đâu vào đấy.

Tôi quen sống một mình nhưng lại không kiềm lòng khỏi bóng tối khi một mình, trừ hôm nay, khi mọi sự hi vọng trong tôi bắt đầu tắt ngóm, khi những nỗ lực dần không còn hồi đáp. Tôi muốn buông xuôi, tất cả, trong lặng lẽ, một mình. Và cắt đứt hết những vọng tưởng, về ngày mai.

 



Câu chuyện của tôi là thế đấy, sau khi đăng tải trên một cộng đồng mạng thì hầu hết không phải là sự cảm thông. Mà là sự thương hại theo nghĩa đen. Họ nghĩ tôi như một chú chim bé nhỏ đang đập cánh giữa một cơn bão. Hoặc là tôi bỏ cuộc để bão quật gió táp, hoặc là mạnh mẽ như họ từng trải, cố gắng đến phút cuối cùng cho đến khi cơn bão qua đi. Mà họ nên biết một điều rằng, đã có hàng ngàn con chim không phải chúng không cố nổi, chúng không muốn làm hết sức như số đông vẫn từng, chúng chấp nhận khuất phục trước cơn bão, khi mà chúng không còn điều gì để trông chờ và hi vọng nữa.

 

Nhiều người nghĩ nó như một lối sống tiêu cực. Khi mà ngày ngày chúng ta được tiếp nhận vô vàn thông tin là Hãy sống tích cực và sống có nghĩa lên. Mà sau cùng, có những người, họ kể với tôi rằng việc họ càng gặp gỡ nhiều người và rất vui vẻ với nhau, nhưng trong sâu thẳm, họ không muốn trở thành người như vậy, hoặc họ cảm thấy cuộc sống của họ tẻ nhạt trôi qua từng giây từng khắc, họ muốn tìm điều gì đó có ý nghĩa hơn hiện tại, nhưng không thể.

 

Điều này khiến tôi liên tưởng đến một nhận định của nhà tâm lý học xã hội Erickson rằng việc chúng ta quá quan tâm tới mọi người xung quanh mà không suy nghĩ nhiều về bản thân sẽ dẫn đến hệ quả rằng cuộc sống nội tâm của chúng ta không được sâu sắc, dẫn đến việc nhiều người đến cuối đời, họ cũng chẳng biết rốt cuộc, bản thân mình đã từng sống về điều gì, giá trị mà mình mang lại có ý nghĩa gì hay không.

 


Chấp nhận sự tiêu cực như gia vị cuộc sống


Vài hôm trước, trong giờ tâm lý học nhân cách, đại khái tôi nghe được vài câu thuyết trình vọng lại trong trạng thái mơ ngủ, nhưng vẫn đủ tỉnh táo nhận ra một câu nói mà tôi thấy rất đúng với bản thân mình: Tất cả những chuẩn mực đúng sai của chúng ta dựa vào những trải nghiệm của chính mình.

Chẳng hạn như nếu chúng ta đã đủ những khổ đau, và đã dũng cảm mạnh mẽ kiên cường để trải qua một sự cố (buồn tủi) nào đó trong cuộc đời, thì việc này đối với người khác, mà nếu là điều khó khăn đối với họ, hẳn trong mắt bạn, phần nào đó họ thật yếu đuối, hẳn là việc “tầm thường” mà bạn đã trải qua ấy, cũng không trở thành vấn đề với những người xung quanh.

 

Nhưng đâu đó, những điều bạn cho là tầm thường kia, đôi khi lại là vấn đề đối với người khác. Đôi khi điều đó cũng tầm thường thật, đối với rất nhiều người, nếu họ không còn lý do để chiến đấu hoặc vượt qua nữa thì sao? Như chú chim bé nhỏ đáng thương mà tôi ví dụ ở trên, lựa chọn nào cũng đều đáng tôn trọng. Cho dù đó là lựa chọn tệ nhất. Buông xuôi.

 

Điều này cũng xảy đến với tôi thường xuyên, kể từ khi tôi phát hiện ra điều ấy. Mọi thứ xung quanh dường như vận chuyển xoay vần quanh thứ gọi là “bản thân”. Chẳng có cách nào để thoát khỏi nó, cho đến khi chúng ta lâm vào tình cảnh tương tự của một người khác, mà chẳng bao giờ chúng ta nghĩ nó có thể xảy ra với chính mình.



 

Hãy sống như một đêm đông, nằm trong chăn lặng nghe một bản nhạc

Hôm nay tôi có nghe một bài hát, mà có hai câu khiến tôi phải note lại thế này:

 

Người ta nói em điên, em chẳng thiết ưu phiền
Chuyện đời mông lung mấy chốc rồi qua đi


Một người mà họ quá bận rộn với những chuếnh choáng xảy ra trong cuộc chiến nội tâm, khi vừa phải cân bằng chính mình, vừa phải khéo léo tương tác với người khác tốt hết mức có thể, thì họ không cần để ý đến bất cứ điều gì khác. Họ không cần người khác nghĩ họ thế này hay thế nọ, kể cả có người nghĩ họ có vấn đề về thần kinh.

Vì cái chuẩn mực mà họ có, họ có thể tạo ra, rằng họ đã tốt hết mức có thể, thì cũng không còn điều gì khiến họ bận tâm hơn thế nữa.

Một con chim lựa chọn buông xuôi trước cơn bão, nó chẳng biết nó sẽ còn sống hay lạc đi về đâu, kể cả phải xa gia đình thân yêu của nó. Một khi nó lựa chọn như vậy, nó đã hài lòng và chấp nhận hậu quả có thể xảy ra, như nó đã lường trước được.

Một người quyết định bỏ đại học, bỏ chuyên ngành đang theo đuổi 3, 4 năm để theo đuổi một lĩnh vực khác xa những gì họ đã từng học, hẳn họ đã rất day dứt lẫn lẫn mỏi mệt, toan tính lẫn tuyệt vọng, đắn đo lẫn tiếc nuối. Một khi họ lựa chọn như vậy, nghĩa là dù sao đi chăng nữa, vẫn là một cảm giác nhẹ nhõm, cho dù khó khăn có thể tiếp nối triền miên, cho dù trắc trở phía trước quá dài để họ có thể lê đi hết con đường ấy.

 

Một người, họ lựa chọn sống tử tế trước những phúc lợi trước mắt, mặc cho người người bất chấp tất cả để theo đuổi những thứ viển vông vô đáy, những khao khát mong muốn đến vô vị. Một khi họ quyết định lựa chọn ấy, ít ra họ đã tử tế với chính mình. Họ đi từng bước một, họ tìm gặp những người giống như họ, không phán xét, mà cùng nhau, giúp đỡ, cùng nhau, tiến về phía trước. Bởi sức mạnh đôi khi chỉ là tìm được những người, như mình, không cần nói cũng hiểu, không cần khóc cũng biết người kia đã trải qua rất nhiều đớn đau, để cuối cùng, họ vẫn đặt lương tâm của mình lên trước. 

Mọi điều sẽ được cảm thông nhiều hơn chỉ khi người ta có cùng nỗi đau với mình mà thôi. Chuẩn mực của mỗi người cũng có, được xây dựng trên những gì mà chúng ta từng đau đớn trải qua. Có thể nhiều người nghĩ có mấy ai hiểu được họ.

Đúng thế, chúng ta mãi mãi chẳng hiểu được nhau, cho đến khi cảm nhận nỗi đau ấy một lần. Như một bài hát được nghe vào một đêm đông, người khóc người không. Chẳng phải là đã cùng nghe chung một bài hát vào một đêm đông sao?


  Tác Giả: Nông Thị Yến Nhi@Khoa Tâm lý học - ĐHKHXH&NV

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/acrazymindVN/

              --------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng củaYBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là ""Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ"". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

288 lượt xem, 284 người xem - 291 điểm