Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] If I Die Young…

Trước khi chết, vua Phổ cầm tay Mozart và nói: "Ngươi tượng trưng cho cái đẹp, ta tượng trưng cho sự sắp đặt của loài người. Vì thế, biết đâu sau khi ta chết, hậu thế sẽ quên ta đi và nhắc nhở tới ngươi.”

Mỗi sự ra đi đều ở lại trong lòng người ở lại. Một điều đáng ở lại.

Mozart đã để lại cho đời cái đẹp, để lại cho đời nghệ thuật.

Người ta có tiếc nuối sự ra đi của Mozart không? Một trái tim vì nghệ thuật, một thiên tài vì nghệ thuật. Người ta có chứ. Nhưng sau nuối tiếc, là sự chấp nhận, là sự thanh thản, Mozart ra đi khi sứ mệnh của người đã vẹn, khi sinh mệnh của người không còn tiếp tục nữa. Những thiên tài ra đi, để lại muôn vàn đau lòng, muôn vàn tiếc nuối, nhưng cũng đó, muôn vàn những giá trị, những câu chuyện chờ người sau viết tiếp nỗi dở dang. Nhưng nếu tôi ra đi khi mái đầu còn xanh tóc, điều duy nhất ở lại, chỉ là nuối tiếc, muôn vàn nuối tiếc, sự nuối tiếc kéo dài, chẳng biết đến bao giờ mới hóa thành chấp nhận.

Người ta cảm thấy tiếc nuối nhiều hơn với sự ra đi của những tuổi xuân còn dang dở, khi bao trang cuộc đời chưa viết, khi bao người cần gặp gỡ chưa kịp gặp gỡ, khi bao mộng ước chưa vẹn tròn. Cái chết là một sự lựa chọn. Và cho dù đau lòng, cái chết nên được tôn trọng. Có phải ai đó kết thúc cuộc đời đương dang dở của mình, chẳng vì lý do gì đâu? Vẫn luôn có những người lựa chọn ra đi, và khi họ lựa chọn, có lẽ họ chỉ muốn chấm dứt nỗi đau của mình, chứ đâu nỡ làm đau lòng những người ở lại.

Người ta nói gì về sự chết? Bí ẩn, sợ hãi, tò mò, hay tránh né? Có lẽ người ta không thích nói về cái chết, và những sự ra đi khi trẻ tuổi trẻ lòng, lại càng không muốn nhắc tới. Vì sao họ lại lựa chọn cái chết? Là áp lực, là mỏi mệt, là trầm cảm? Là nỗi đau mà họ không thể chấm dứt bằng cách nào khác?

Nhưng cũng vì sao, người ta không lựa chọn cái chết?

“Không có lý do gì để ở lại, chính là lý do tốt nhất để ra đi.”

Những người ở lại, họ tìm được lý do để ở lại. Có lẽ chẳng phải vì lưu luyến tuổi xuân xanh, có lẽ chẳng phải vì nuối tiếc những mộng ước chưa thể hoàn thành. Có lẽ chỉ vì họ biết được viễn cảnh khi họ ra đi, những người yêu thương họ sẽ đau lòng đến nhường nào.

Tôi từng nghĩ người hay đăng các trạng thái buồn thảm trên mạng xã hội, đều là những kẻ phóng đại nỗi buồn của mình. Nhưng tôi biết mình đã sai, ai cũng có nỗi buồn của riêng mình, ai cũng có những mặc cảm chẳng thể nói thành lời, và tôi chẳng thể hiểu được hành trình mà họ phải đi qua. Tôi từng nghĩ việc nghĩ đến cái chết là một điều thật ngớ ngẩn. Nhưng tôi biết mình đã sai, có những lúc, tôi chẳng thể ngăn lòng nghĩ ngợi, chẳng thế ngăn một vài thứ cảm xúc lôi mình đi. Chúng ta biết rằng cuộc đời này đẹp chứ, chúng ta biết rằng tuổi thanh xuân còn nhiều điều đáng tận hưởng chứ, chúng ta biết rằng giấc mộng của chúng ta vẫn còn dang dở chưa thành hình chứ. Chúng ta biết. Chúng ta biết chứ. Và dẫu có biết rằng mọi thứ sẽ ổn thôi, dẫu có biết rằng tôi sẽ đi qua từng ấy áp lực, những lời tự an ủi ấy vẫn chẳng thể khiến tôi thoát ra khỏi dòng suy nghĩ của mình. Những nỗi buồn, là điều tất yếu ai cũng nếm trải, nghĩ đến cái chết, cũng chẳng phải là nỗi niềm riêng của một nhóm người nào, không liên quan đến thành công hay không, giàu có hay không, tài giỏi hay không.

“Đôi khi, lựa chọn chấm dứt cuộc đời không phải vì buông thả, thiếu trách nhiệm, hèn nhát mà là hành động tuyệt vọng của một nhân cách hiểu rõ mình chẳng thể giành chiến thắng.” – Nhà báo Minh Nguyên.

Nhưng khi cuộc chiến này vẫn chưa kết thúc, chúng ta vẫn còn lý do để tiếp tục chiến đấu, thì xin đừng dừng lại. Tôi từng đối diện với cảm giác khi người thân ra đi. Tôi tưởng là mình không đau lòng, không hẫng hụt đến thế. Nhưng hóa ra khi đứng trước sinh ly tử biệt, ai rồi cũng khóc. Thử tưởng tượng nếu một ngày người thân ra đi, bạn bè ra đi, có lẽ tôi sẽ ngồi bó gối mà khóc, có lẽ tôi sẽ chẳng ngăn được nước mắt mình khi trông thấy một điều gì gợi nhắc đến họ, có lẽ nỗi tiếc nuối và đau lòng mà họ để lại sẽ còn đi theo tôi đến sau này. Khi nghĩ như vậy, tôi cảm thấy chẳng còn lý do gì để lựa chọn cái chết nữa. Cuộc sống đã đủ khó khăn rồi, tôi không muốn họ phải thêm đau lòng, vì sự ra đi của bất cứ ai nữa.


barefoot, beach, blur

Tôi từng đọc được chia sẻ của một chị gái, về cách chị ấy vượt qua quãng thời gian khó khăn của mình. Chị ấy nuôi cá. Sự kiên cường trong im lặng của lũ cá đã “cứu rỗi” chị ấy trong một khoảng thời gian, đưa chị ấy từ nỗi tuyệt vọng sang hy vọng. Vì chúng rất yếu ớt, rất dễ chết, chị ấy dành thời gian để chăm sóc và giữ cho chúng sống. Và vì chăm sóc tụi nó, chị đã nguôi ngoai đi nhiều. “Chẳng cần gì lớn lao đâu khi tinh thần kiệt quệ”, khi lũ cá bơi theo chị khi nhìn thấy chị, chị cảm thấy vui vẻ hơn nhiều. Bởi vì chị biết, chúng cần chị, và ngoài chúng ra, rất nhiều người cũng cần chị. Chị đã ở lại, vì chị có lý do để ở lại.  

Cái chết, đâu phải chỉ bó buộc trong sự rũ bỏ sự sống của thân xác. Có những lúc, lòng chúng ta cũng chết. Có những lúc, lòng chúng ta cũng chìm trong kiệt quệ và chán nản.

“Some people die at 25 and aren't buried until 75.” – Benjamin Franklin

Có những lúc, chúng ta rơi vào trạng thái chán nản, thất bại, tuyệt vọng, chúng ta chẳng rõ mình là ai, cũng chẳng rõ mình thuộc về chốn nào nữa. Và mặc dù chúng ta không lựa chọn cái chết vào giây phút đó, tâm hồn chúng ta, cũng đã lặng thinh một thời gian rồi. Đó là cái chết từ từ của tâm hồn. Và cái chết đó, có lẽ chẳng hề dễ chịu hơn đi đến điểm cuối của cuộc đời. Tôi từng đọc một confession có chia sẻ:

“Tôi cứ nghĩ đến cảnh mình không kiềm được mà lao vào cột điện hay chiếc xe tải nào đấy. Cứ mỗi khi áp lực chồng chất quá lớn, tôi lại không giữ được lòng mình mà nghĩ về cái chết.”

Chị ấy viết ra những tâm sự, những ẩn ức trong lòng, những lần chị ấy không kìm lòng được nghĩ đến cái chết. Nhưng cuối cùng, chị lại viết những dòng cuối của confession: “Hôm nay tôi vẫn sống…”. Không biết bạn có giống tôi không, tôi thấy trong năm chữ ít ỏi đó, một niềm hi vọng mới thành hình, một điều gì đó tiếp tục giữ chị ấy lại, tiếp tục giúp chị ấy có lý do để “vẫn sống”, để tiếp tục sống.

Điều đó làm tôi nhớ đến câu chuyện về chiếc hộp Pandora. Trong Thần thoại Hy Lạp, Thần Zeus đã tạo ra Pandora, Thần đã tặng cô một chiếc hộp làm quà cưới, và dặn dò cô không được phép mở chiếc hộp ra, cho dù vì bất cứ lý do gì. Nhưng, một ngày nọ, vì tò mò, Pandora đã mở chiếc hộp. Từ chiếc hộp, tất cả những thứ xấu xa, đau buồn, tai ương tràn ra. Thiên tai, bệnh tật, và chết chóc. Điều tốt đẹp duy nhất trong chiếc hộp, chính là “Hy vọng”. Khi đối diện với quãng thời gian khó khăn trong cuộc đời, khi đối diện với đủ thứ buồn nản, thất bại, tuyệt vọng, đủ thứ hoang mang về quá khứ và tương lai, còn một thứ mà chúng ta không bao giờ được quên lãng, đó là hy vọng. Một thứ mà chúng ta phải luôn nhớ lấy ra khỏi chiếc hộp Pandora của mình. Người ta thường nhắc tới chiếc hộp Pandora như một điều không lành, một tai ương khó có thể giải quyết. Nhưng trong chiếc hộp ấy vẫn còn hy vọng. Khi ta còn hy vọng, ta vẫn chưa có lý do để rời đi khi những trang cuộc đời còn dang dở.



Những trang cuộc đời dang dở ấy. Cần được viết tiếp.

“Before I die, I want to sing for millions.”

“Before I die, I want to plant a tree.”

“Before I die, I want to live off the grid.”

“Before I die, I want to hold her one more time.”

“Before I die, I want to be completely myself.”

Đó là một vài trong số vô vàn giấc mơ được viết trên bức tường của dự án Before I die – một dự án khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2011 tại New Orleans (Mỹ) bởi Candy Chang, một nghệ sĩ người Mỹ gốc Á. Sự ra đi đột ngột của một người thân mà cô vô cùng yêu quý đã khiến Candy Chang chợt nhận ra rằng, guồng quay vội vã của cuộc sống khiến con người ta dễ dàng quên đi những điều thật sự quan trọng trong cuộc sống. Vì vậy, Candy đã quyết định thực hiện dự án. Cô biến bức tường của một ngôi nhà bỏ hoang tại New Orleans thành một bảng phấn khổng lồ, với một câu điền vào chỗ trống “Before I die, I want to…”. Bất kỳ ai đi qua, cũng có thể viết lên đó những dòng chữ, những điều họ mong muốn, những khát vọng cá nhân của họ. Khi đứng trước cái chết, người ta trở nên thành thực với lòng mình biết bao. Khi tiếp tục viết vào câu “Before I die, I want to…” tôi tin, rằng ai cũng sẽ viết những mong ước sâu kín nhất của mình, những mong ước đẹp đẽ nhất, những mong ước mà họ tha thiết muốn thực hiện. Nguyện ước của bạn, là gì vậy? Nguyện ước của bạn, đã hoàn thành chưa? Nguyện ước mà bạn tiếp nối vào chỗ trống “Before I die, I want to…” chính là trang cuộc đời dang dở, mà bạn đừng vì lý do gì mà từ bỏ. Hãy viết kín trang giấy ấy, thật đẹp đẽ, thật cẩn thận.

Chúng ta không thể trốn tránh cái chết, nhưng chúng ta có thể chuẩn bị cho một sự ra đi tốt đẹp. Khi chúng ta đã sống một cuộc đời đáng sống, khi chúng ta ra đi vì đến lúc cần ra đi, chứ không phải vì quá mệt mỏi, hay để chấm dứt bất cứ nỗi đau nào. Chúng ta sẽ đi đến điểm cuối cuộc đời khi giấc mộng vẫn còn dang dở, khi những người yêu thương của chúng ta thậm chí còn chưa nhìn thấy chúng ta thành công trong cuộc sống, chúng ta nỡ ư? Chúng ta còn cả một hành trình dài trước khi đi đến cái chết. Và chúng ta có quyền lựa chọn hành trình ấy là một hành trình như thế nào. Suy nghĩ về cái chết, khiến những ước muốn của chúng ta trở nên rõ ràng, khiến những điều lưu luyến của chúng ta cũng trở nên rõ ràng, và hy vọng, và mong muốn sẻ chia, và khát vọng sống, có lẽ vẫn ở đâu đó trong tâm trí chúng ta. Điều tuyệt vời nhất mà dự án của Candy Chang mang lại, có lẽ không chỉ là cơ hội để chúng ta nhìn thấy nguyện ước trong lòng mình, mà còn là cơ hội để sẻ chia hy vọng, nỗi sợ hãi, và những câu chuyện. Khi bạn dấn thân vào một quãng thời gian khó khăn tràn ngập áp lực, tràn ngập thất bại, tôi nghĩ bạn nên chia sẻ câu chuyện của bạn, nỗi bất an của bạn, đau lòng của bạn. Chia sẻ với chính mình cũng được, viết ra những tâm sự trong lòng, đôi khi cũng chính là cách tốt để nguôi ngoai. Nghĩ về cái chết, đôi khi cũng là cách tốt để sống tốt hơn.

“Cái chết là một cái gì đó chúng ta không được khuyến khích để nói đến hoặc thậm chí là nghĩ đến, nhưng tôi nhận ra rằng, chuẩn bị cho cái chết là một trong những điều quyền lực nhất bạn có thể làm. Suy nghĩ về cái chết làm cuộc sống của bạn rõ ràng.” – Candy Chang

Trong một bài viết của mình, tiến sĩ Josh Gressel đã chia sẻ về cuộc trò chuyện với một đôi vợ chồng đã đi đến bờ vực của đổ vỡ, ông để hai người ngồi đối diện nhau, đưa cho mỗi người một tờ giấy và yêu cầu họ điền vào chỗ trống của một câu bỏ lửng: “Nếu biết rằng ngày mai mình sẽ chết, điều cuối cùng mà bạn muốn nói với đối phương là…” Điều đặc biệt là, câu hỏi ấy không chỉ thu hút sự chú ý của họ, mà còn khiến họ rời bỏ cuộc cãi vã, và nói với nhau những lời ngọt ngào, rằng “Anh / em xin lỗi vì đã không phải một người chồng / người vợ tốt” hay “that I love you”. Bạn nghĩ điều gì đã khiến họ thay đổi? Như Josh Gressel đã viết, hãy để cái chết trở thành người thầy của bạn, những suy nghĩ về cái chết khiến ước vọng và những điều thực sự quan trọng đối với bạn trở nên rõ ràng, đó là một trong những con đường để biết mình cần làm gì, để sống mà không hối tiếc.

Nếu bạn biết rằng ngày mai mình sẽ ra đi, bạn sẽ làm gì cho một hôm nay hoàn toàn không hối tiếc, một hôm nay hoàn toàn khác biệt?

Bạn muốn sống một cuộc đời như thế nào?

Để tôi kể cho bạn, về câu chuyện của nàng thiếu nữ Shalott trong bài thơ “The Lady of Shalott” của nhà thơ Anh Quốc Lord Tennyson. Nàng sống trong một thị trấn bí ẩn, từ khi sinh ra, nàng đã mang lời nguyền: nếu rời khỏi thị trấn, nàng sẽ chết. Nhưng có gì ngăn được một tâm hồn trẻ tuổi trẻ lòng, không chịu bó hẹp mình trong một không gian hữu hạn, khao khát được đặt chân đến thế giới bao la rộng lớn ngoài kia. Cái chết không ngăn được bước chân nàng. Nàng rời làng trên một chiếc thuyền, và lời nguyền ứng nghiệm. Người ta tìm thấy thân xác Shalott, nàng ra đi nhưng gương mặt nàng vẫn giữ nguyên nét thanh xuân.

Có phải chăng, bởi vì tâm hồn nàng đã vượt thoát khỏi không gian tù túng nhỏ hẹp, thoát khỏi trói buộc để đến được nơi mà nàng ao ước? Cuộc hành trình của nàng, bấy giờ mới bắt đầu.

Thực ra,

tất cả mọi bắt đầu

đều bắt đầu từ chia tay và kết thúc.

Chúng ta sống và chết, trong từng khoảnh khắc của cuộc đời. Chúng ta quăng mình vào những cuộc đua, để rồi áp lực, để rồi thất bại, để rồi mọi thứ chất chồng. Nhưng chúng ta không nỡ buông bỏ, vì ngoài cố gắng ra không còn con đường nào khác, vì ta tin rằng ở cuối đường đua, luôn luôn tồn tại một đích đến. Chúng ta sống và chết trong từng khoảnh khắc như thế, ở cạnh tuyệt vọng, áp lực, thất bại, là niềm tin, là hy vọng, là nỗ lực và lòng can đảm vươn tới. Chính trong sự vươn tới ấy, vượt lên trên những áp lực đè nén, mà ta trưởng thành, ta đi tới.

As human beings we are never static. Being always leads to becoming. We are always in movement.” – Bob Edelstein

Chúng ta không bao giờ đứng lại trên chuyến hành trình của mình.Chúng ta rời bỏ khoảnh khắc này, để bước đến khoảnh khắc tiếp theo của sự tồn tại. Chính trong giờ phút chuyển giao từ khoảnh khắc đã qua đến khoảnh khắc sắp tới ấy, chúng ta bước từ địa hạt những gì ta đã biết, để đến địa hạt của những gì ta chưa biết. Những gì ta chưa biết, bao giờ cũng bí ẩn, tò mò, và sợ hãi. Nhưng chính trong giờ phút chuyển giao ấy, mới có những bước tiến và phát triển. Và chúng ta gọi đó là Hiện tại.

Chúng ta đi qua những cái cũ, đi qua những kết thúc, để bắt đầu một hành trình mới. Chúng ta đi qua những thất bại, để bắt đầu một cuộc lăn xả mới, với những bước chân vững vàng hơn, với một tâm thế mạnh mẽ và can đảm hơn.

“Cái ngày đen tối nhất rồi cũng sẽ trôi qua nếu bạn sống tới ngày mai.” – William Cowper

Trong hành trình đi đến điểm cuối của cuộc đời, có hai thứ quý giá nhất là thời gian và những người thân yêu. Thời gian không dừng lại, và chúng ta trải qua những kết thúc, những bắt đầu, trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời. Cuối cùng thì tất cả điều có ý nghĩa, đều nằm trong hiện tại. Cuộc sống không dễ dàng, cuộc sống chính là sự thiên biến vạn hóa, có lúc hạnh phúc, có lúc tuyệt vọng, nhưng đi qua tất cả những thăng trầm ấy, cuộc sống để lại cho chúng ta một bài học mang tên quá khứ, một khởi đầu mang tên tương lai, một khởi đầu mà ta bắt đầu mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn. Và một thay đổi, mang tên hiện tại.

“Thành công không phải là cuối cùng. Thất bại không phải là chết người. Lòng can đảm đi tiếp mới là quan trọng.” – Winston Churchill

Cuộc sống là sự lựa chọn. Và lựa chọn sống hay lựa chọn chết, cũng đều là lựa chọn cả thôi.

Nhưng mọi lựa chọn đều dẫn đến thay đổi, và mọi thay đổi, đều bắt đầu từ Hiện tại.

“Vào những ngày nặng nề khó khăn,

khi cả thế giới chèn lên đôi vai cậu,

 

hãy nhớ là

kim cương được kết tinh

dưới sức nặng của rất nhiều ngọn núi.”

– Beau Taplin // “Kim Cương”

 

Tác Giả: Bông Nguyễn

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/vi.nguyet.9 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,324 lượt xem, 4,009 người xem - 4057 điểm