Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Khẩu Hiệu “Ngày Mai Rồi Tính” Và Tâm Lý “Ăn Sẵn”

“Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng.” – Lỗ Tấn

Tất nhiên, không phải mọi thất bại đều bắt nguồn từ sự lười biếng. Nhưng không có sự lười biếng nào không đi kèm với sự trì hoãn. Bạn biết đấy, thời gian, cơ hội, trải nghiệm, ba yếu tố góp mặt trong công cuộc kiến tạo thành công, đều hao hụt hoặc biến mất khi gặp phải sự trì hoãn. Thiết nghĩ, chỉ cần dẫn chứng một vài câu chuyện thường ngày, bạn sẽ nhận ra kẻ trì hoãn ngay trong bản thân mình. Bạn đã đọc được bao nhiêu cuốn sách trong một năm ? (Trong khi mục tiêu đầu năm mới của bạn là tích lũy thật nhiều tri thức từ sách vở) Bạn đã tham gia được bao nhiêu hoạt động thiện nguyện ? (Trong khi kế hoạch của bạn là trau dồi trải nghiệm thông qua những hoạt động ngoại khóa) Lý do để chúng ta cố gắng và tích lũy chỉ có một: thành công và giá trị - một lý do có phần “xa”, một lý do có vẻ vô hình. Ngược lại, ta có thể liệt kê được một danh sách dài những lý do tủn mủn, “gần”, hữu hình, để bao biện cho sự trì hoãn.

KHÔNG, chúng ta hãy thẳng thắn thừa nhận rằng: chúng ta trì hoãn vì chúng ta bị cám dỗ.

Một bộ phim thú vị hơn một cuốn sách nghiên cứu, một “bữa” tán gẫu với bạn bè thú vị hơn mười đến hai mươi phút nghe TED Talks, một lần lướt Facebook thú vị hơn một lần ngụp lặn trên mạng Internet để tìm kiếm tài liệu. Cái thú vị của việc vui chơi lồ lộ ra đó, còn cái thú vị của việc trau dồi chỉ xuất hiện khi chúng ta thực sự lao vào cuộc bằng niềm hứng khởi. Thế nên, chúng ta dễ dàng bị thu hút bởi sự thoải mái khi thư giãn.

Chúng ta còn bị thu hút bởi sự thỏa mãn khi đạt được một thành công nhất định. Mỗi mỗi một kỳ thi lớn đi qua, là bỗng dưng ta có cớ để cho bản thân một trạm nghỉ. Vậy là những dự định của chúng ta rơi vào trạng thái “ngày mai rồi tính”. Nhưng “ngày mai rồi tính”, nghĩa là ngày mai chẳng bao giờ đến cả. Thứ Ba là “ngày mai” của Thứ Hai. Nhưng khi Thứ Ba biến thành “hôm nay”, thì Thứ Tư mới là “ngày mai” cơ!

Chúng ta có nhận thức được sự trôi chảy của thời gian hay không? Tất nhiên, cả tôi, cả bạn, tất cả chúng ta, đều ý thức rất rõ về điều đó. Nhưng điều quan trọng, là chúng ta có thúc đẩy bản thân ngăn cản sự phí hoài thời gian hay không. Tuổi trẻ, tức là thật dồi dào thời gian. Nhưng đâu có nghĩa là bạn được quyền phung phí! Đất nước ta “rừng vàng biển bạc”, đâu có nghĩa là tài nguyên giàu có chẳng bao giờ cạn kiệt, thời gian của tuổi trẻ dài và rộng, đâu có nghĩa là thời gian ở lại mãi với tuổi trẻ đâu. Thời gian của tuổi trẻ dài và rộng, chỉ khi ta cho thời gian ấy một giá trị.

Vậy thì, hãy ngừng suy nghĩ “ngày mai rồi tính”, hãy ngừng cho sự trì hoãn một lý do. Khi bạn trì hoãn một công việc, đơn giản là vì, công việc đó chưa nằm trong mục ưu tiên của bạn. Tựa như người quan tâm đến bạn sẽ luôn có quỹ thời gian để trả lời tin nhắn của bạn, còn người không thực sự quan tâm đến bạn, sẽ thể hiện rằng họ bận rộn vô cùng, thậm chí không có thời gian trả lời tin nhắn của bạn. Không, vấn đề không phải ở chỗ chúng ta có thời gian hay không, mà là chúng ta có ưu tiên cho ai đó, cho công việc đó hay không.

Hãy bắt tay vào việc, thay vì ngồi đó mà ngao ngán thở dài. Bạn biết không, tôi đã trì hoãn việc hoàn thành bài viết này tới ba ngày (cũng vì lý do “ngày mai rồi tính”). Tôi băn khoăn vì ý tưởng, rồi băn khoăn vì không biết bắt đầu ý tưởng thế nào, sau đó lại cảm thấy băn khoản vì vốn trải nghiệm ít ỏi của mình đã thực sự đủ để bàn luận về vấn đề này hay chưa. Và cuối cùng, tôi đang hoàn thành bài viết vào hạn cuối cùng của cuộc thi tháng này. Và tôi nhận ra rằng, cứ viết đi, ta có thể viết rồi sửa, viết rồi hoàn thiện, một điều gì đó chỉ có thể thành hình, khi chúng ta bắt tay vào thực hiện. Phải chăng, có đôi khi chúng ta trì hoãn vì ngại khó khăn? Nếu chúng ta nhận thức được rằng: tuổi trẻ chỉ có thời gian dài và rộng trong tay, thì đây, chính là thời gian để thử nghiệm, để vượt qua khó khăn, để sửa chữa, để hoàn thiện. Và dường như, chúng ta cũng dễ dàng được thúc đẩy khi có một “deadline” trước mắt. Nếu vậy, hãy đặt ra những “deadline” cho chính mình, và hãy tuân thủ những gì mình đặt ra. Hãy bắt đầu loại bỏ khẩu hiệu “ngày mai rồi tính”, bằng cách lên một mục tiêu, sắp đặt kế hoạch cho từng ngày.

Hãy đặt ra những "deadline" cho chính mình

 

Việc của hôm nay, hãy để hôm nay giải quyết. Đừng mãi nói rằng “ngày mai rồi tính”, vì điều đó chỉ càng tạo không gian cho sự lười biếng phát triển và tâm lý “ăn sẵn” hình thành. Sự thực là, “ăn sẵn” hẳn nhiên có cái thú của nó. Đơn giản như, trở về nhà sau một ngày dài mệt nhọc, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ hơn khi bữa cơm đã thơm phức trên bàn ăn, thay vì phải lọ mọ xuống bếp nấu bữa tối. Tiếc rằng, công việc, thành công, không phải là thứ có thể làm thay như bữa ăn, sẽ chẳng có một vị tiên nào xuống trần giới giúp bạn đạt được mục đích. Khi bạn thuyết trình về một vấn đề, bạn chẳng thể nào nói bo mà không tìm hiểu, bạn chẳng thể nào truyền cảm hứng, khi bạn không có trải nghiệm thực sự. Có đôi khi, người ta đọc cả một quyển sách chỉ để rút ra vài ba dòng kết luận cho luận văn của mình. Có đôi khi, người ta tham khảo và nghiên cứu hàng tá tài liệu, chỉ để tìm ra một cách chứng minh luận điểm. Nhân đây, nhắc đến chuyện GS. Bùi Hiền và đề án cải tiến tiếng Việt, (tất nhiên, tôi không có kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ, nên sẽ không luận bàn về đề án này) chưa biết đề án có đi vào thực tiễn hay không, nhưng sự thực là giáo sư đã dành ra bốn mươi năm trời để tỉ mỉ nghiên cứu, đề đạt ra những phương thức cải cách. Đề án là kết quả của sự nghiên cứu nghiêm túc và có cơ sở. Thế nên, nếu như bạn chuẩn bị bắt tay vào tìm hiểu một vấn đề nào đó, hãy thực sự tìm tòi, hãy dành thời gian từng ngày để tích lũy vốn liếng cho mình.

Thời gian, là để bạn đánh đổi thành trải nghiệm. Đừng đợi đến lúc đi xin việc mới mượn những lời trên internet để “chém gió” vào CV, đừng mượn trải nghiệm của người khác để tô vẽ cho đẹp CV (nếu như bạn thực sự chưa từng tham gia hoạt động thiện nguyện hay ngoại khóa). Bạn không lừa được nhà tuyển dụng đâu! Sự khác biệt của trải nghiệm, sẽ làm nên những suy nghĩ khác biệt. Hãy dành thời gian để tự trải nghiệm, tự đi, và tự cảm nhận sự thiếu thốn tình cảm của những em bé mồ côi, sự giá rét của những đứa trẻ vùng cao, và sự hạnh phúc khi được trao gửi yêu thương. Hãy dành thời gian để tham gia hoạt động ngoại khóa, để biết thế nào là hợp tác, là teamwork, là đặt cái tôi của mình xuống vì một lợi ích chung. Trải nghiệm, là thứ bạn không thể lừa được ai, cũng chẳng thể mượn được ai, những bài luận “săn” được học bổng tiền tỷ, đều xuất phát từ trải nghiệm của riêng họ, một trải nghiệm mà chẳng thể bới đâu ra ở một ai khác ngoài họ. Người ta trân trọng cái tôi, trân trọng sự sáng tạo, và nó cũng chẳng từ trên trời rơi xuống. Tuổi trẻ cho bạn thời gian, chính là để bạn tự tìm hái trải nghiệm, và “chế biến” thành một món ăn ngon, chứ không phải để bạn chờ được “ăn sẵn” đâu!

 

Tất cả cuộc sống đều là thử nghiệm. Bạn càng thử nghiệm nhiều càng tốt.(Nguồn ảnh: PictureQuotes)

Vì vậy, hãy tận dụng thời gian của bạn một cách đích đáng. Nếu như bạn chẳng đủ sự kiên trì để ngay lập tức hình thành thói quen đọc sách, tập thể dục hàng ngày, hay tìm hiểu cuộc sống, hãy bắt đầu nhẹ nhàng hơn: mỗi ngày một chút, một chút. Mỗi ngày đọc thêm vài trang sách, mỗi ngày nghe tiếng Anh năm phút, mỗi ngày, mỗi ngày, từ đó mà hình thành thói quen. Đừng bao giờ bỏ lỡ việc đọc, đọc càng nhiều, càng tích lũy được nhiều, trước hết, hãy đọc điều gì bạn cảm thấy hứng thú, sau đó, thì đọc thêm nhiều đề tài, nhiều lĩnh vực hơn. Có đôi khi, không nhất thiết phải là sách, bạn có thể đọc những bài báo, những bài viết uy tín về các vấn đề xã hội, văn hóa. Không phải tự dưng người ta khuyến khích những chuyến đi, cổ vũ những chuyến trải nghiệm, bởi thông thường, càng tiếp cận gần sự đa văn hóa, càng gần với thành công. Để ý mà xem, nước Mỹ, họ thành công như vậy, chính bởi họ đa văn hóa, họ có cội nguồn ở khắp nơi trên thế giới. Và hãy dành thời gian để tìm hiểu, để nhìn nhận cuộc sống một cách thông minh. Đừng đi theo tâm lý đám đông, đừng dễ dàng bị đám đông dắt mũi, hãy có chính kiến của mình, có suy xét của mình, và có cái riêng của mình. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra rằng: người sở hữu được thời gian, là người làm được điều gì đó hữu ích ngay cả trong lúc nhàn nhã:Lúc nhàn nhã là lúc làm điều gì đó hữu ích. Sự nhàn nhã này người siêng năng sẽ đạt được còn kẻ lười biếng thì không bao giờ.” - Benjamin Franklin

Có lẽ, những lời khuyên trên đây đều là điều mà bạn dễ dàng nghe thấy ở đâu đó, dễ dàng tìm thấy trong những quyến sách self-help, có lẽ tất cả chúng đều chẳng còn xa lạ gì với bạn nữa. Nếu lúc bạn đang đọc bài viết này, đã là lần thứ mấy thứ mấy bạn đọc được những lời khuyên về việc tận dụng thời gian, thì hãy tin rằng đó không phải những lời khuyên vô bổ. Nếu bạn đã bỏ qua chúng nhiều lần, bây giờ chính là thời khắc để bạn bắt đầu ngày hôm nay với nhiều điều hữu ích hơn!

Tác Giả: Lưu Thị Thu Giang, Học sinh @ Trường THPT Chuyên Trần Phú

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/vi.nguyet.9

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN

Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,318 lượt xem, 1,305 người xem - 1311 điểm