Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Không Có Thiên Khiếu, Làm Lãnh Đạo Được Không?

Xin chào các bạn,

Trong cuộc sống này, chúng ta mặc nhiên thừa nhận rằng những cá nhân có tài năng bẩm sinh sẽ dễ thành công và có con đường sự nghiệp thuận lợi hơn phần lớn còn lại. Họ xoay xở và thực hiện công việc của mình một cách đơn giản nhưng lại hiệu quả, trong khi chúng ta lại hay chật vật hoặc cố gắng rất nhiều mà kết quả không được như ý muốn.

Cá nhân tôi hay để ý một số người bạn của mình ở trường đại học dường như sở hữu tố chất làm lãnh đạo rất tuyệt vời. Một cách tự nhiên, họ được cả nhóm đề xuất làm trưởng nhóm (leader) và có thể dẫn dắt ý tưởng của mọi người trở nên hoàn thiện nhất dù họ không phải là người giỏi nhất trong nhóm. Không chỉ có bề ngoài ưa nhìn, họ còn có thể truyền năng lượng của mình cho cả nhóm, biến các cá nhân đơn lẻ ấy thành một tập thể đầy sức sống và cùng nhau sáng tạo.

Tôi đã từng băn khoăn rằng, nếu không được sinh ra cùng với những tố chất ấy, liệu tôi vẫn có khả năng trở thành một leader xuất sắc không? Nhà phát minh lỗi lạc Thomas Edition tuy có nói rằng thiên tài bao gồm 1% cảm hứng và 99% mồ hôi, song việc nhìn một ai đó vượt trội hơn bản thân mình rất nhiều, mặc dù họ không mấy vất vả, ít nhiều tôi nghĩ chúng ta đều không khỏi hoài nghi về tiềm năng thật sự của chính chúng ta.

Cho đến một ngày nọ vào tháng 3, tôi có cơ hội được gặp gỡ các chuyên gia người Mỹ của tổ chức Trao đổi nhân lực quốc tế (Resource Exchange Internation – REI). Từng người họ đều có chuyên môn của riêng mình. Thế nhưng, công việc của họ có điểm chung là gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp thế giới để trao đổi kiến thức, cũng như đào tạo những tổ chức này trở nên chuyên nghiệp và hiểu biết tốt hơn về cách thức quản lí doanh nghiệp của họ.

Không bỏ lỡ dịp đặc biệt như thế này, khi đến phần giao lưu với khán giả, tôi liền giơ tay đặt câu hỏi với họ rằng “Liệu thật sự có khả năng nào dành cho những người luyện tập (practiced) có thể có khả năng lãnh đạo ngang bằng với những người có thiên phú (gifted) không và nếu như phải chọn một trong hai thì thầy cô sẽ chọn ai?”.

Đáp án mà sau đó tôi nhận được từ các chuyên gia này khá là bất ngờ. Và tôi cũng cảm thấy rằng có thể nhiều người cũng không hiểu hoặc hiểu nhầm ý tưởng về kĩ năng lãnh đạo giống như tôi. Nên bên dưới đây, tôi xin được chia sẻ những gì mà tôi đã được họ giảng dạy cũng như kinh nghiệm bản thân tự rút ra với các bạn nhé! 

 

ĐIỂM MẤU CHỐT KHÔNG NẰM Ở TÀI NĂNG

Thầy John Scrupton - Wilson đã cộng tác với PetroVietnam Group. Thầy có trên 30 năm kinh nghiệm hướng dẫn lãnh đạo của các doanh nghiệp trên 5 châu lục đối phó với khủng hoảng trong ngành công nghiệp dầu khí. Sau khi tôi đặt câu hỏi, thầy là người tiếp nhận và trả lời cho tôi cũng như mọi người.

Điều đầu tiên, thầy nhận định rằng có nhiều mức độ lãnh đạo khác nhau nên thực tế mà nói, người có tố chất lãnh đạo bẩm sinh như quyết đoán, xử lí và dung hoà được nhiều ý tưởng, tổ chức phân công công việc tốt sẽ thể hiện một cách nổi bật hơn so với những người còn lại. Tuy nhiên, thầy cho rằng điều quan trọng nhất ở lãnh đạo lại nằm ở phẩm chất (personality) chứ không phải tài năng (talent) của họ. Và tất nhiên, phẩm chất có thể được trau dồi theo thời gian.

“Lãnh đạo/trưởng nhóm không nhất thiết phải là người giỏi nhất, vì có quá nhiều chuyên môn trong 1 vấn đề”, thầy John nhận định. “Mặt khác, chính tính cách của họ sẽ dẫn dắt được cả đội đi đến thành công”. Mặc dù tôi cũng có nghe khá nhiều về việc muốn làm lãnh đạo không nhất thiết phải là “siêu nhân”, nhưng đây là lần đầu tiên có người nói với tôi rằng tính cách mới là chìa khoá để làm nên một lãnh đạo xuất sắc.




Thầy John Scrupton - Wilson trong một buổi giao lưu với sinh viên trường Ngoại Thương.

(nguồn: reivietnam.org)

 

VẬY LÃNH ĐẠO NÊN CÓ TÍNH CÁCH NHƯ THẾ NÀO?

Đáng tin cậy (Trustworthy)

Thầy John đề cập đến yếu tố đáng tin cậy trước tiên. Bởi nhìn chung mà nói, chẳng có ai lại muốn đi theo một người mà họ không tin là có thể dẫn dặt họ đi xa hơn là họ tự đi một mình. Điểm này có thể chứng minh cho các thành viên còn lại qua nhiều cách. Từ năng lực làm việc tốt cho đến uy tín khi chúng ta giữ lời hứa hoặc hoàn thành đúng như những gì đã cam kết, các thành viên sẽ tin tưởng và chúng ta nhiều hơn mà thông qua đó, hiệu quả làm việc nhóm cũng cải thiện đáng kể.

Lời thầy nói làm tôi liên tưởng lại quãng thời gian mình còn làm việc trong câu lạc bộ tiếng Anh của trường. Cứ mỗi lần ý tưởng của tôi không được lắng nghe hoặc các thành viên không thật sự tích cực, tôi luôn nghĩ chẳng qua chỉ là do họ không hiểu hoặc kém năng lực nên mới như vậy. Mãi sau này, ngẫm nghĩ lại thì tôi chưa bao giờ cố gắng tạo dựng uy tín cho mình cả. Trong khi tôi luôn chú trọng việc làm trưởng nhóm nhưng chẳng buồn thể hiện thật xuất sắc nhằm gầy dựng được lòng tin từ các thành viên còn lại. Quả là đúng thật!

Hành vi của con người vốn chịu ảnh hưởng nhiều từ cảm xúc và ấn tượng. Thế nên nhiều khi không hẳn là do ý tưởng hoặc kĩ năng của bạn tệ, chẳng qua là họ chưa tin tưởng ở bạn thôi.

 

Tận tâm (Dedicated)

Có một ý tưởng về lãnh đạo tuy không mới trên thế giới nhưng có vẻ rất lạ lẫm ở Việt Nam. Nói đến tận tâm, thầy John khẳng định: người lãnh đạo tốt phải “phát triển” những lãnh đạo khác. Không chỉ đơn giản là làm việc, cộng tác chung. Lãnh đạo/trưởng nhóm thật sự phải tận tâm hướng dẫn và đồng thời tạo điều kiện cho các thành viên khác có cơ hội được “lãnh đạo” nhóm ở một vài phần trong công việc.

Một guru (tiếng Phạn nghĩa là bậc thầy) nổi tiếng trong lĩnh vực này, John C. Maxwell, cũng tin tưởng rằng lãnh đạo nên hướng đến những cá nhân còn lại. Ông từng tự tin định nghĩa lãnh đạo chỉ đơn giản là gây ảnh hưởng (influence), không hơn không kém. Bằng cách phát triển kĩ năng làm việc nhóm, tổ chức, phân công và giám sát công việc của các thành viên và cả nhóm, lãnh đạo đã tạo được ảnh hưởng vô hình lên các thành viên còn lại.

Ví dụ, trưởng nhóm biết bạn A là người có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong việc lên nội dung cho các hoạt động của chương trình. Thế nên trong một cuộc họp về dự án chạy bộ gây quỹ từ thiện, khi đến phần nội dung của các hoạt động, trưởng nhóm nên để bạn A dẫn dắt cuộc họp đồng thời hỗ trợ bạn tập hợp và xây dựng các ý tưởng được đưa ra. Tương tự đối với các công việc còn lại.

Có một vài người sẽ cảm thấy buồn cười và bảo rằng nếu ở trong công ty thật mà làm như vậy, thì chẳng mấy chốc người lãnh đạo đó sẽ mất “ghế” của mình. Tại sao lại giúp đỡ người khác học hỏi kỹ năng lãnh đạo để rồi họ sẽ thay thế mình chứ?

John Maxwell cũng biết được sẽ có những người nghĩ như vậy, nên ông đã chỉ ra lí do ngay trong phần đầu tiên của cuốn sách Tinh hoa lãnh đạo (Leadership Gold). Trong phần “Giã từ sự cô đơn”, ông nhận định rằng nếu một lãnh đạo chỉ chăm chăm vào việc độc chiếm “đỉnh núi” và sử dụng chức quyền của mình để sai khiến nhân viên, chẳng mấy chốc họ sẽ xa lánh người lãnh đạo này. Họ có thể ngồi ở vị trí ấy một thời gian nhưng chắc chắn không thể về lâu dài được.

Thông qua việc giúp đỡ nhân viên/thành viên dưới trướng phát triển, họ đã xoá nhoà khoảng cách về vị trí và đồng thời gắn kết tổ chức lại một cách chặt chẽ hơn, giúp cho các ý tưởng có được không gian phát triển một cách tốt nhất.



Một nhà lãnh đạo giỏi không coi thường người khác – mà họ nâng cao giá trị của người khác.” – John C. Maxwell

(nguồn: cdn-images-1.medium.com)

 

Lắng nghe và Thấu hiểu (Listening and Understanding)

Bản thân tôi cho rằng đây chính là phẩm chất quan trọng nhất. Trải qua những lần làm việc nhóm (teamwork) trong các môn học và hoạt động ngoại khoá, tôi cảm nhận được một điều rằng: chỉ khi lắng nghe và hiểu được ý kiến của các thành viên, thì người đó mới có đủ tư cách để dẫn dắt họ.

Thông thường, chúng ta dễ xem nhẹ yếu tố này. Bởi vì “nghe và hiểu” đâu có cần nhiều sức lực và trí não để thực hiện đâu nào? Tuy vậy, tôi tin rằng “Lắng nghe và Thấu hiểu” đòi hỏi nhiều hơn từ năng lực cho đến sự quan tâm mà bạn dành cho những người còn lại.

Trong một dịp làm teamwork tại YouthSpeak Forum do AIESEC tổ chức, tôi quen biết được một cô bé đang là sinh viên năm nhất tại trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức. Rất nhanh chóng sau khi bắt đầu, cô liên tục kêu gọi mọi người tập trung nghe mình nói và quy định cách thức làm việc, thể hiện mình là một leader. Việc đó không sai, nhưng theo tôi cách làm lại chưa được hay. Bởi nhanh chóng sau đó, các thành viên khác bắt đầu sao lãng và tỏ vẻ không tin tưởng đối với nhóm trưởng “tự xưng” này.

Có hai lí do chính lí giải vì sao chúng ta nên gợi cho các thành viên nói nhiều hơn là nói cho họ nghe. Đầu tiên, mục đích của giao tiếp trong nhóm không phải để truyền đạt thông tin, mà là khơi gởi thảo luận. Và việc này đòi hỏi sự lắng nghe. Bên cạnh đó, trước khi mong muốn được lắng nghe và thấu hiểu, chúng ta phải thể hiện điều đó trước. Không có gì tuyệt vời hơn khi bạn lắng nghe và bày tỏ sự thấu hiểu cũng nhu sự chân thành xây dựng ý tưởng của người khác trước tiên. Chẳng có lí do gì mà họ lại không làm điều tương tự với bạn, đúng không nào?

Là lãnh đạo/trưởng nhóm, họ phải nắm được trọng tâm các ý tưởng mà thành viên đưa ra, đồng thời dung hoà cũng như xây dựng chúng hoàn thiện hơn bằng cách đóng góp ý tưởng của mình và kích thích các thành viên tham gia góp ý. Và hiển nhiên, việc đó chỉ có thể đạt được thông qua sự lắng nghe và thấu hiểu. Hơn thế nữa, khi lắng nghe và cảm nhận, bản thân người lãnh đạo cũng có được những góc nhìn mới mà có thể h chưa từng biết đến.


(nguồn: ảnh sưu tầm trên mạng)

 

HÃY LUÔN SẴN SÀNG ĐỂ “LÃNH ĐẠO”

Tôi luôn quan niệm rằng, có thể mình không có tố chất bẩm sinh trong việc dẫn dắt người khác, nhưng tôi sẽ sẵn sàng gánh vác vị trí đó khi cơ hội đến. Để làm được điều đó thì tôi phải luôn không ngừng hoàn thiện các phẩm chất của mình và trau dồi kiến thức, kĩ năng nhiều hơn.

Lãnh đạo chắc chắn cần đến kiến thức và kĩ năng chuyên môn nhất định. Đồng thời, họ cũng phải sở hữu những phẩm chất phù hợp.

Nói vui thế này, cho dù bạn có đang làm bất kì công việc gì, bạn chỉ nên cân nhắc rời đi khi đã đạt được vị trí lãnh đạo ở công việc đó, đồng thời những nhân viên dưới trướng của bạn đã sẵn sàng  thay thế bạn. Bởi chỉ lúc đó, bạn mới có đủ tố chất để tham gia lãnh đạo bất kì loại công việc nào khác.

Hãy luôn sẵn sàng trở thành một lãnh đạo tuyệt vời, bạn nhé!

 

Tác Giả: Huỳnh Phát, Sinh viên @ Ybox Authors

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/Phat.Huynh.97 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

312 lượt xem, 303 người xem - 305 điểm