Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Là Cư Dân Mạng Nói Quá Hay “Thần Thái” Thực Sự Quan Trọng?

Thời gian gần đây, cư dân mạng đang rỉ tai nhau câu nói “… không quan trọng, quan trọng là thần thái”. Phải chăng đây là một “trào lưu” mới tự phát của giới trẻ? Hay chỉ là câu nói cửa miệng quen thuộc của một ai đó vô tình trở thành “huyền thoại”? Hay là sự chống chế cho sự “không hoàn hảo” của những tấm selfie chưa ưng ý? Tuy nhiên, dù gì đi chăng nữa thì xét ở một khía cạnh nào đó, tôi vẫn thấy câu nói này không chỉ mang tính thời thượng mà còn rất đáng để chúng ta suy ngẫm một cách nghiêm túc về nó!

Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà câu nói này được lan truyền một cách “chóng mặt” đến như vậy. Hẳn phải có một nguyên do xác đáng nào đó! Có khi nào bạn thắc mắc rằng tại sao trước kia “thần thái” lại không được nhiều người để ý đến nhưng bây giờ thì nó đang “rần rần” trên thế giới ảo và các phương tiện truyền thông khác? Nếu bạn tinh ý thì bạn sẽ thấy sự nổi lên của hiện tượng này lại trùng hợp với những chuyển biến của xã hội hiện đại ngày nay và dường như nó rất phù hợp với thời thế bây giờ! – thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Sống ở thời kỳ kỷ nguyên số, nhiều người dần bị lệ thuộc hóa vào sức mạnh của công nghệ. Từ những việc nhỏ nhất cho đến những việc lớn lao hơn, dường như chỉ cần một cú “click” chuột thì thế giới sẽ mở ra trước mắt một cách ngỡ ngàng đến nỗi đôi khi ta không thể tin được đó là sự thật! Cũng chính vì lẽ này mà việc giao tiếp giữa người với người dần trở nên “hiếm hoi” hơn bao giờ hết. Điều này dường như xảy ra với hầu hết mọi người, không chỉ vì những tác động ngoại cảnh mà đôi khi còn vì những giáo điều của xã hội đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, của mỗi công dân.

Trung bình, con người ta mất khoảng 12 năm để mưu cầu tri thức, được giáo dục và học tập trong môi trường đậm chất học thuật cốt cũng chỉ phục vụ cho mục tiêu có được sự nghiệp ổn định sau này. Từ bé ta đã được nghe nhiều về tầm quan trọng của việc học nên phần nào cũng chịu sự chi phối của những ý nghĩ, những lời khuyên này. Chính quan điểm này vô tình đã kéo theo một hệ lụy là rất nhiều học sinh, sinh viên chỉ chú tâm vào việc học và ra sức “cày” thâu đêm suốt sáng để cố gắng hoàn thành nghĩa vụ mà gia đình và xã hội đã định hình sẵn. Rõ ràng là chúng ta không thể phủ nhận được sự cần thiết và tầm quan trọng của việc học, chẳng phải Lenin đã nói “Học, học nữa, học mãi” sao! Tất nhiên, việc gì ta cũng cần phải học nếu nhận thấy rằng nó thực sự cần thiết, kể cả việc học làm sao để có một “thần thái” tốt.

Nhiều người cứ nghĩ “thần thái” là một cái gì đó nghe rất trừu tượng và không thể nào định hình được. Tuy nhiên, theo tôi thì xét ở một khía cạnh nào đó, chính chúng ta là người đang nắm giữ “thần thái” của chính mình! Hay nói cách khác, bạn có quyền lựa chọn và đưa ra những thay đổi, những tác động ảnh hưởng đến “thần thái” của mình. Đừng thấy rằng tôi chưa đưa ra lập luận mà vội phán xét “thần thái” không hề có ý nghĩa gì to tát trong cuộc sống của bạn! Này nhé, giả dụ bạn học rất giỏi ở trường, bạn tiếp thu kiến thức rất nhanh và biết cách vận dụng những gì học được vào cuộc sống một cách linh hoạt. Cuộc sống đối với bạn dường như rất mãn nguyện, gia đình, bạn bè tự tào về bạn, với những gì đã thể hiện, bạn hoàn toàn có lý do để tin vào một tương lai tươi sáng ở phía trước – nơi bạn hy vọng cuộc sống sẽ đối xử tử tế với bạn như những gì bạn đã bỏ ra suốt mấy năm qua! Đáng buồn thay, sự thật dường như lúc nào cũng phũ phàng? Hay chính cuộc sống đã không “đàng hoàng” với bạn? Bạn có gần như tất cả mọi thứ mà gia đình kỳ vọng, thầy cô tâm huyết truyền đạt, bạn bè ngưỡng mộ duy chỉ thiếu một thứ mà xã hội cần, đó là “thần thái” – thứ mà lúc trước bạn nghĩ rằng nó là phù phiếm, là viễn vong và chẳng bao giờ bạn để tâm đến nó! Vậy tại sao chỉ thiếu mỗi hai chữ “thần thái” lại khiến bạn phải ngậm ngùi từ bỏ cuộc chơi mang tên “cuộc đời” này? Lý do cũng khá đơn giản thôi và chắc cũng không đến nỗi quá khó hiểu vì tôi tin rằng khi bạn thất bại vì thiếu đi bộ đôi “thần” và “thái” thì chắc bạn cũng sẽ tự luận ra được nguyên do! Theo quan điểm cá nhân tôi, những người chỉ giỏi mỗi kiến thức học thuật thực sự không đếm xuể, chẳng phải có tới hơn 178.000 cử nhân, tiến sĩ thất nghiệp đó sao! Chưa hết, với xã hội hiện đại như ngày nay thì đa phần các doanh nghiệp thông thường chỉ yêu cầu ứng viên với trình độ “đủ dùng”, tức đủ để đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu mà doanh nghiệp đó đề ra, bởi họ đã biết cách tận dụng các cỗ máy để phục vụ cho doanh nghiệp mình, không cần đến các nguồn nhân lực trình độ quá cao như bạn, nhất là đối với các công việc không chuyên sâu vào nghiên cứu!

Mới đây thôi, tôi có đọc được bài chia sẻ từ tiến sĩ Lê Thẩm Dương với tựa đề “Thái độ quan trọng hơn trình độ”, không biết người khác thế nào chứ riêng tôi cảm thấy quan điểm này rất đúng! Dù cho bạn chưa có kiến thức tốt, chưa có đủ kỹ năng nhưng nếu bạn luôn là người cầu tiến, có ý chí tiến thủ và sẵn sàng học hỏi những điều mới lạ thì tôi tin rằng chỉ nay mai thôi, bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình. Chính những quan điểm cố hủ, những định kiến sai lầm đã khiến nhiều người lầm tưởng rằng chỉ cần giỏi kiến thức học thuật, vững kiến thức chuyên môn là đã đủ hành trang để bước vào đời và có được công việc đáng mơ ước. Nhưng bạn thử nghĩ xem, một người xuất chúng về kiến thức nhưng thái độ lúc nào cũng kiêu ngạo, ra vẻ ta đây thì ai muốn làm việc chung với người ấy! Ngược lại, nếu một người khác có kiến thức chưa thực sự sâu nhưng luôn trong tâm thế chủ động, ham học hỏi thì tôi không nghĩ anh ta sẽ không được trọng dụng!

Có câu nói “Thái độ sống sẽ quyết định tất cả”. Thú thực, đến tận bây giờ tôi vẫn thấy câu nói này giá trị và có ảnh hưởng rất nhiều đến nhân sinh quan của tôi. Thắng không kiêu, bại không nản và luôn giữ cho mình thái độ lạc quan trước mọi hoàn cảnh chính là thông điệp mà tôi luôn nỗ lực hướng tới trong cuộc sống. “Thần thái” không chỉ được thể hiện qua thái độ, sức mạnh nội tâm hay thứ gì đó vô hình mà còn hiện hữu qua những hình ảnh rất đỗi giản dị, những cử chỉ nhỏ bé trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, từ dáng đi, thế đứng, điệu bộ, cử chỉ cho đến phong cách ăn mặc, lời nói, ngôn từ  hay tác phong,…tất cả đều nói lên con người của bạn, phản ánh hình ảnh của chính bạn một cách chân thực nhất trong mắt người khác. “Ăn to, nói lớn”, dáng đi chững chạc, không cúi gằm mặt xuống đất trong lúc giao tiếp với người khác chính là một vài trong vô vàn những hành vi thể hiện “thần thái” của bạn.

Hãy thử tưởng tượng mà xem, có hai ứng viên cùng ứng tuyển vào một vị trí cho cùng một công ty, cả hai đều tốt nghiệp hạng ưu của cùng một trường đại học, có kiến thức chuyên môn như nhau nhưng một người thể hiện sự tự tin, ăn nói dõng dạc và luôn biết cách giao tiếp bằng mắt khi nói chuyện với nhà tuyển dụng, còn người kia thì rụt rè, tự ti và nói chỉ mỗi anh ta nghe thì chắc bạn cũng biết ai được tuyển rồi đúng không ạ!

Có một tin vui cho bạn là “thần thái” có thể tập luyện được! Tức bạn có thể cải thiện những điệu bộ, những tác phong chưa chuyên nghiệp để nó dần trở nên tốt hơn mỗi ngày, từ đó xây dựng nên giá trị cho con người bạn , tạo dựng nên những mối quan hệ chất lượng và mở ra cơ hội cho bạn trong tương lai.

Nguồn: Google

Có lẽ giờ tôi đã hiểu tại sao trong bảy giây từ khi bạn mở cửa và đi vào phòng phỏng vấn, nhà tuyển dụng đã đoán được phần nào bạn là người như thế nào! Chính dáng đi, cử chỉ, điệu bộ của bạn đã mách nước cho họ thấy sự thật về bản thân bạn, điều này chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả cuối cùng.

Thế mới thấy, những điều tưởng chừng như chỉ để làm trò đùa, là lời nói bang quơ như “thần thái” lại vô tình tiết lộ bản thân bạn trong mắt mọi người và trong một số trường hợp, nó hoàn toàn có khả năng chi phối toàn bộ hoàn cảnh, đôi khi là cuộc sống của bạn.

Hãy để “thần thái” nói lên con người mà bạn muốn trở thành, đừng để nó trở thành vật chắn tiêu cực giữa bạn với thế giới!

“Thần thái là quan trọng nhất, những thứ khác có hay không không quan trọng!”

 

Tác giả: Ha-li

  Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/shark.hali.1603 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

 (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,135 lượt xem, 1,125 người xem - 1128 điểm