Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Mình Đã Ngừng Việc Mua Hàng Online Như Thế Nào?


 Chúng ta đang ở trong thời đại mà chỉ cần ngồi ở nhà, vài cú click, đợi vài hôm và tèn ten, chúng ta có một món đồ mà mình muốn. Thú nhận đi, có phải bạn đã từng sục sạo rất nhiều trang facebook bán hàng, hay ngồi hàng giờ để truy cập vào các trang thương mại điện tử để cố gắng tìm cho mình một thứ gì đó mới mẻ như một bộ cánh mới, một đôi giày cho buổi đi chơi vào cuối tuần hay một cái khăn trải bàn thay thế cho cái bạn đã lỡ tay làm cháy xém sáng nay. Mình cũng từng như thế, mình hiểu mà. Nhưng một ngày đẹp trời, mình tự hỏi mình đang làm gì vậy, và nó có ích nhiều như mình vẫn nghĩ hay không?  Rồi mình bắt đầu hủy theo dõi rất nhiều trang bán hàng online và quyết định mua sắm theo kiểu truyền thống (tất nhiên, vẫn dùng các nguồn online như một cách tham khảo).  Và đây là một số nguyên do cho sự thay đổi của mình.


      1. Vấn nạn treo đầu dê, bán thịt chó

Hồi mới bắt đầu mua hàng qua internet, mình đặt một chiếc áo phông tay lỡ khá “chất”. Trước đó, mình đã nhắn tin cho người bán để hỏi về chất liệu và nhận lại được một câu nói khá quen thuộc “hàng bọn mình tự chụp, áo y hình nha bạn”. Hừm, nhắc lại là hồi ấy ngu ngơ mà nên nghĩ người ta cũng nói thật thôi, nên mình cũng không mảy may nghi ngờ. Đặt hàng rồi háo hức chờ hàng từng ngày, hí hửng trả tiền để kịp khoe với nhỏ bạn. Rồi điều không muốn cũng đến như một gáo nước đá dội thẳng vào mặt mình: cái chất áo ấy siêu xấu , vải nhăn nhúm, chất lượng in thì rất tệ, mình còn đếm được mấy chỗ có mực in bị nhòe. Hôm ấy mình có nhắn tin lại cho người bán nhưng cũng không nhận được phản hồi thỏa đáng. Chịu thôi, tiền cũng trả rồi, hàng nhận rồi, người ta làm gì cho trả lại đâu. Vậy là ôm ấm ức mấy ngày.


2. Món đồ mà bạn “tưởng hợp với mình” lại không hợp như bạn tưởng

Một ngày đẹp trời lướt instagram, mình chợt nhìn thấy một bộ váy kiểu vintage rất đáng yêu. Mình ngắm nghía nó rất nhiều, và quyết định tự thưởng cho ngày cuối tuần chăm chỉ của mình. Tất nhiên, rút kinh nghiệm từ nhiều lần đau thương trước, mình đã suy xét kĩ càng về địa chỉ bán và một số feedback của khách hàng. Ồ, mọi thứ đều ổn, các đánh giá cũng khá tốt và tài khoản instagram này có vẻ có nhiều lượt theo dõi - dấu hiệu cho thấy rằng cũng có nhiều người quan tâm đến nó. Và lần này, mình hỏi kĩ về chất liệu, đường may, chính sách đổi trả hàng lỗi hay không giống như quảng cáo. Những shop lớn bán hàng thường khá chuyên nghiệp, và mình đủ hài lòng về dịch vụ của họ. Mình nhấn nút đặt mua.

Cẩn thận hơn lần trước, mình đã xem hàng trước khi trả tiền, rồi chạy như bay vào nhà để thử ngay chiếc váy mới. Lại thêm một lần thất vọng: cái váy rất đẹp, trừ việc nó không hợp với dáng người của mình. Nó làm mình trông khá thảm hại, và sau đó thì buồn rất lâu.

Mình đã suy nghĩ nhiều rằng tại sao mình không nhận thấy nó không hợp với mình, dù mình đã ngắm nghía nó rất lâu nhưng rồi không có câu trả lời rõ ràng. Mình đành chấp nhận không hợp là không hợp, và chúng ta không thể biết được mình hợp với một cái gì hay không khi chưa thấy trực tiếp nó và thử nó. Vậy thôi.


3. Chúng ta vô tình rơi vào bẫy marketing từ lúc nào vậy?


Marketing luôn muốn có được sự chú ý của bạn để bán được nhiều hàng hơn, và họ không ngại dùng các thủ thuật tâm lý để dẫn dắt và tiêm nhiễm vào đầu bạn suy nghĩ rằng bạn phải mua hàng của họ. Họ khiến bạn có cảm giác sẽ thua kém người khác hay thiếu thốn khi không thể sở hữu một món đồ, và bạn không ngại móc ví ra mua. Một số trường hợp thì quảng cáo làm cho món đồ trông hấp dẫn hơn mức bình thường và bạn cảm thấy nó đáng yêu chết đi được, và mua nó. Mình cũng từng vậy mà, mua hàng với rất nhiều lý do trời ơi đất hỡi. Không trách bạn được, chỉ trách marketing đã quá cao tay. Vậy nên hãy tập làm một nhà tiêu dùng thông thái, cố gắng suy nghĩ thật cẩn trọng và tự hỏi xem mình mua nó vì mình thích nó, hay mình thực sự cần nó. Mình đã thử cách ấy rồi, và hầu hết mình quên ngay món đồ định mua sau vài ngày. Bạn cũng thử xem sao, biết đâu lại bớt được một khoản tiền kha khá thì sao.


4. Mình có cần phải mua sắm nhiều thế không?


Dạo qua các tài khoản bán hàng trên facebook hay instagram, thứ được mua nhiều nhất có lẽ là trang phục, phụ kiện: quần áo, váy xống, giày dép và ti tỉ thứ phụ kiện đi kèm. Chúng ta vẫn hay nói đùa “ hổng có gì để mặc hết” hay đi làm phải mặc một bộ váy công sở, đi chơi phải mặc cái này thì chụp ảnh mới đẹp, rồi bộ đồ này thì phải nhất thiết đi đôi xăng đan này mới hợp nhau, và rồi kéo thêm ti tỉ món đồ về chất trong nhà, được vài hôm lại thấy thiếu thiếu lại lao đầu vào mua sắm. Kết cục, tiền thì cứ đội nón ra đi, chỉ có đống quần áo là ở lại. Mà tệ hơn, nhiều thứ mua với giá khá chát nhưng chỉ mặc được một vài lần, trong vài sự kiện đặc biệt rồi thôi.

Mình cũng từng như thế, lao vào mua sắm như một con thiêu thân và mua sắm điên cuồng. May mắn hơn nhiều người khác một chút là mình đã tỉnh ngộ sớm. Đó là trong một ngày đẹp trời, mình mở cánh cửa tủ ra và nhận thấy mình chỉ mặc đi mặc lại một số bộ nhất định, trong khi một số khác hầu như không bao giờ được đụng đến. Nó làm mình nhớ đến nguyên lý 80/20: 20% số đồ trong tủ chiếm đến 80% thời gian mặc (à, nguyên lý 80/20 có mặt ở hầu hết các khía cạnh trong cuộc sống, và đây chỉ là một trường hợp nhỏ thôi nhé). Nó là một sự lãng phí khủng khiếp, và mình luôn nhẩm trong đầu: lãng phí khủng khiếp. Lãng phí thì phải tìm cách giải quyết.

Khoảng thời gian đó, mình biết đến lối sống tối giản. Ban đầu, mình cũng khá ngại nếu chỉ có một ít đồ trong tủ và phải mặc luân phiên nhau. Nhưng mình đã thử trong 2 tuần: mặc lại một số bộ nhất định và quan sát phản ứng của mọi người. Bất ngờ là chẳng ai phát hiện ra cả, mình đoán rằng người ta không rảnh đến nỗi để ý xem người đối diện họ mặc cái gì (chỉ cần không mặc liền tù tì một bộ đồ quá 3 ngày). Ờ hen, vì mình cũng không bao giờ để ý người đối diện mặc gì.

Sau đó là một cuộc cách mạng lớn, mình vừa lọc hết số đồ không dùng đến để mang cho đi, vừa bỏ theo dõi những nơi bán hàng để ngăn mình không bị cám dỗ, chỉ giữ lại một số ít. Mình đã bỏ đi gần 80% lượt like page và cảm giác mọi thứ thoáng mát hơn hẳn. Hóa ra sống ít vật chất lại khiến con người thoải mái hơn, chưa kể đến việc tiết kiệm được kha khá tiền. Một mũi tên trúng nhiều con nhạn, nhỉ.


5. Shopping cùng bạn bè là một thú vui.


Tất nhiên, những đồ đã mặc thì sẽ có ngày cũ, mình lại phải tiếp tục mua thêm một số mới thay thế. Bởi vì mình không muốn mua hàng online nữa, mình rủ nhỏ bạn thân lâu ngày không gặp cùng xúng xính lựa đồ. Đi dọc con đường ở phố, chỗ nào thấy hay hay thì hai đứa lại nhảy vào. Đứa thử, đứa ngắm, lúc lắc đầu chê dã man có khi lại gật gật liên tục khi thấy một chiếc áo quá ưng ý. Dù lần nào đi về cũng mệt phờ người, dù có hôm không mua được gì cả nhưng mình lại rất trân trọng những khoảnh khắc ấy. Mình sợ sau này già, mắt kém đi, người yếu sức mình sẽ không còn cơ hội được nhỏ bạn ngắm đồ cho nữa. Mà cũng có thể sau này nó đi đâu xa, năm chỉ gặp nhau đôi ba lần thì thời gian nói chuyện vài câu sợ cũng khó. Mình muốn trân trọng thời điểm hiện tại, bởi vì biết đâu ngày mai nó không đi chơi cùng mình nữa được thì sao.


6. Đi ra ngoài đi, cơ thể cần ánh sáng mặt trời

Có những ngày dài ở lì trong nhà, mình thấy nhớ ánh nắng mặt trời kinh khủng. Bạn không tưởng tượng được việc không có ánh sáng của tự nhiên làm con người yếu ớt đi như thế nào đâu. Không những riêng thế chất mà tinh thần cũng bị tác động xấu như ngủ không sâu, uể oải, dễ gáu gắt và dễ tổn thương. Đó là một trong số những thứ mình rút ra được khi quan sát bản thân một thời gian dài. Và mình nghĩ rằng, đôi khi, chúng ta cần một sự kết nối với thế giới chứ không phải là làm một thế hệ sống trong nhà. Mình quyết định đi ra ngoài những lúc có thể, và đi shopping cũng là một trong số đó. Kết hợp với điều mình vừa nói lúc nãy thì đi shopping cùng với một người bạn là một lựa chọn tuyệt vời, biết đâu nó sẽ giúp bạn có một giấc ngủ ngon vào buổi tối.

Tổng kết lại, mình vẫn dùng các trang bán hàng online để tham khảo xem có mẫu nào thực sự đẹp và món đồ nào bản thân thực sự cần, nhưng vẫn cố gắng đến cửa hàng trực tiếp mua nếu có thể. Mình muốn có một sự trải nghiệm về mua sắm, vì khi khoác lên một bộ đồ thì ta mới biết nó có hợp với mình hay không, đó là điều đặt hàng online không thể làm được. Bất kì thứ gì sử dụng không hiệu quả đều là một sự lãng phí lớn, mình mong muốn mọi người có thể học được cách tiêu dùng thông minh và có những trải nghiệm tuyệt vời ở chính thế giới mình đang sống - bằng mắt, tai, hay các giác quan của chính mình chứ không phải qua chiếc màn hình điện thoại.



Tác Giả: Hồng Hà @Sinh viên Đại học FPT
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/hello.hongha
--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info



(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

213 lượt xem, 211 người xem - 213 điểm