Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Mình Hãy Ôm Nhau Đi!


Ôm ai đó, là việc vô cùng đơn giản và dễ thực hiện. Bạn có nhớ, lần cuối cùng mình ôm một người là khi nào không?

Món quà đầu tiên mà cuộc đời dành cho mọi đứa trẻ khi mới sinh ra, đó là cái ôm trọn trong vòng tay của người mẹ. (Chỉ vài trường hợp đứa trẻ không may mắn thì sẽ không nhận được). Cái ôm đầu tiên ấy, chứa đựng tình thương gần như cao cả nhất của loài người: tình mẹ. Khi đọc tin tức trên Đại Kỷ Nguyên, tôi biết câu chuyện về chị Carolyn Isbister ở Anh. Chị bị nhiễm trùng tử cung, nên em bé Rachael nhỏ xíu của chị đã chào đời khi mới 24 tuần tuổi và chỉ nặng 500g. Qua tất cả dấu hiệu, các bác sĩ dự đoán rằng đứa trẻ sơ sinh này chỉ có thể sống trong ít phút. Rachael không thở và trái tim của cô bé 10 giây mới đập một lần. Mẹ của đứa trẻ muốn ôm con gái bé bỏng trong vòng tay của mình, ít nhất là một lần, vì có thể đó là khoảnh khắc cuối cùng. Có ai nghĩ được rằng, phép màu là có thật và nó đã xảy ra. Đứa trẻ sơ sinh sau khi được sưởi ấm bằng thân nhiệt từ cơ thể người mẹ đã trở nên mạnh khỏe hơn và bắt đầu tự hô hấp. Sau đó, đứa bé được chăm sóc đặc biệt, thở bằng máy ô-xy và được theo dõi y tế. Sau 5 tuần, cuối cùng cô bé đã không cần hỗ trợ máy thở. Bốn tháng sau, cân nặng của đứa trẻ đã gần được 4kg và đã có thể về nhà. Người mẹ vẫn không thể nào tin nổi: “Rachel đã dũng cảm chống chọi với số phận. Đây quả thực là một phép màu khi cô bé vẫn đang hiện diện vào ngày hôm nay. Các bác sĩ chỉ cho cô bé thời gian 20 phút có mặt trên cõi đời, nhưng cái ôm của tôi đã cứu sống của con gái mình. Đây là khoảnh khắc tôi sẽ không bao giờ quên”. Đây chính là điều kỳ diệu mà tình mẫu tử có thể tạo ra. Nếu như chị Carolyn không áp con gái bé nhỏ lên ngực của mình, có lẽ Rachael sẽ không bao giờ có được một ngày để sống.


Ở tuổi 23, thỉnh thoảng tôi có ôm đứa bạn thân, ôm người yêu, ôm bé cháu gái. Nhưng, đã gần mười lăm năm rồi, tôi chưa một lần ôm mẹ. Câu chuyện của tôi có vẻ nhẹ nhàng lắm. Từ khi tôi còn nằm nôi, mẹ đi làm xa dăm bữa nửa tháng mới về một lần. Vài buổi trưa hè hiếm hoi,mẹ nằm võng cạnh bên tôi, hát ru tôi ngủ. Một đứa trẻ lên tám khi đó đã tự dặn lòng là “Không được ngủ, không được ngủ, ngủ dậy là chiều mẹ đi mất”. Trời chạng vạng, tôi tỉnh giấc và lần nào cũng loay hoay tìm mẹ trong nước mắt. Trong kí ức của tôi từ đó mãi đến về sau này, tôi chỉ biết rằng mình chẳng bao giờ nhớ mẹ nữa. Và lần cuối tôi ôm mẹ, đã là vào cái ngày xa xôi nào đó trong quá khứ mà tôi không khi nào mường tượng ra được. Cho dù sau này tôi lớn lên, kinh tế gia đình bớt chật vật, mẹ có nhiều thời gian hơn bên tôi, nhưng tôi chẳng thể vòng tay qua ôm mẹ như hồi bé xíu. Dù trong lòng tôi rất biết ơn mẹ, nhưng dường như có một bức tường khá lớn đã được xây nên. Tôi không cảm nhận được một chút tình thương nào từ mẹ, kể cả tôi là người rất nhạy cảm. Tất cả những gì tôi có từ gia đình, là tuổi thơ khá nhiều đau đớn và chưa một ngày bình yên bên cạnh người cha nát rượu. Tôi không biết cách thể hiện tình cảm của mình, không biết cách quan tâm người khác. Và đôi khi, không biết làm như thế nào để ôm một người. Virginia Satir ước tính rằng: chúng ta cần từ 4 đến 12 cái ôm mỗi ngày để duy trì sức khỏe. Nói rộng ra về sự âu yếm, vuốt ve, cuốn “Chữa lành Đứa trẻ bên trong bạn” viết: “Những trẻ sơ sinh không được đáp ứng nhu cầu này gặp khó khăn trong việc phát triển và đạt được thành công, kể cả khi các bé vẫn được cung cấp đầy đủ thức ăn, dinh dưỡng và sự bảo vệ.”. Chỉ thiếu một cái ôm từ mẹ thôi, mà tôi đã trưởng thành với bao thương tổn chưa thể lành lặn. Rất nhiều lần trong quá khứ, khi phải chạy trốn, khi sợ hãi, khi vấp ngã, … tôi đã ước, giá mà có mẹ bên cạnh, hoặc giá mà có ai đó ôm tôi trong lòng.

“Giá như có người đợi tôi đâu đó giữa cuộc đời

Giá như có người ôm tôi mỗi tối

Giá như có người ngồi nghe tôi kể bao vui buồn

Giá như có thể ôm lấy ai và khóc lên.”

(Phạm Hồng Phước)

Chắc hẳn rất nhiều người trong chúng ta biết đến nhân vật Baymax của phim Big Hero 6. Baymax là robot chăm sóc sức khỏe do Tadashi chế tạo, nhưng cũng là hiện thân của người anh trai này, bên cạnh ủi an sẻ chia cùng Hiro Hamada những lúc cậu đau buồn. Baymax hiểu rằng: “Người buồn chỉ cần ôm để cảm nhận sự chia sẻ”. Chú cũng đã sát cánh bên cạnh Hiro để cùng chiến đấu chống lại cái ác. Người bạn robot này có một câu nói cảm động lòng người: “I will always be with you” trước khi ôm tạm biệt người bạn thân thiết của mình. Cuối phim, sự hy sinh của chú robot đáng yêu đã lấy đi nước mắt của rất nhiều khán giả. Câu nói “I am satisfied by care” – một câu khẳng định sự hài lòng chưa bao giờ lại đau đớn đến như vậy. Bởi những người thân: cha mẹ, Tadashi và cuối cùng là Baymax đã từ từ rời xa cậu. Khi phát hiện ra tấm thẻ xanh không bị mất đi, Hiro đã được một lần nữa ôm chầm lấy Baymax. Để rồi từ đó chúng ta hiểu được rằng, chỉ một cái ôm thôi đủ sức xoa dịu mọi nỗi đau. Chúng ta đừng tự mình ôm vào lòng những vết thương, mà hãy mở lòng dang rộng vòng tay ôm người khác. Và mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.


“Cái ôm là một món quà lý tưởng, thích hợp cho mọi dịp, đem lại niềm vui cho cả người trao lẫn người nhận” (Charles Faraone). Người ta luôn có thể ôm nhau khi đau buồn hay vui vẻ; khi chiến thắng, thành công, hay thất bại; khi gặp gỡ hay chia xa. Ngày cuối của năm trung học, biết bao nhiêu tuổi mười tám sẽ chia tay vĩnh viễn đời học trò, mọi người đều ôm nhau và khóc. Thường thì, cứ đến lúc sắp kết thúc rồi, chúng ta mới đột nhiên muốn bắt đầu lại từ đầu. Ai cũng muốn chạm tay vào ngưỡng cửa mà cuộc đời gọi là “trưởng thành”. Nhưng hóa ra, trưởng thành chỉ càng khiến chúng ta rời xa nhau. Khi làm lễ tri ân trưởng thành, tôi cũng đã bật khóc trên đôi vai bạn bè như bao kẻ khác. Người thầy dạy Văn mà suốt cuộc đời tôi kính trọng và ghi nhớ ân tình đã ôm tôi trong vòng tay, bảo: “Chia tay L. và V. thầy mất hai đứa học trò mà thầy xem như con ruột. Các con phải thành công cho thầy vui nhé!”. Đến bây giờ, lời hứa thành công của tôi với thầy vẫn còn dang dở. Nên tôi mãi vẫn không đủ can đảm để nói với thầy rằng, thầy không hề mất ai trong hai chúng tôi cả. Đi suốt cuộc đời, chúng tôi vẫn là học trò ngoan của thầy. Thầy ơi, chỉ mong thầy đủ kiên nhẫn chờ đợi tôi quay về ôm lấy thầy đầy tự hào để thốt lên điều đó. Bạn đã từng dành tặng ai đó một cái ôm cuối cùng trước khi chia tay nhau chưa?

Tôi sẽ kể bạn nghe thêm về cái ôm tạm biệt có thể khiến tất cả chúng ta rơi nước mắt. Đó là cái ôm của những người mẹ, những người vợ có con, có chồng phải lên đường ra chiến trận trước khi đất nước thống nhất. “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu. Nghe dịu nỗi đau của mẹ. Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về mình mẹ lặng im…”.


Những người của hậu phương vững chắc, dẫu biết ngày chia tay, là người thương, người thân của họ không hẹn ngày về, không dám mong cơ hội gặp lại, nhưng vẫn mạnh mẽ ôm nhau như là lần cuối trong đời. Bao nhiêu con người vào ngày giải phóng còn được chạy đến ôm chầm lấy người thân của mình sau thời gian dài chờ đợi  và đấu tranh gian khổ? Chẳng thế mà bức ảnh “Hai người lính” của Chu Chí Thành lại gây nhiều xúc động cho chúng ta đến vậy. Đó là khoảng cuối tháng Ba năm 1973, khi Hiệp định Paris có hiệu lực. Bức ảnh được chụp tại mặt trận Long Quang, Cửa Việt thuộc xã Triệu Trạch, tỉnh Quảng Trị – khu vực giáp ranh vừa có quân đội Sài Gòn vừa có bộ đội Việt Nam Cộng hoà đóng quân. Hai người lính chỉ vài giờ trước đó còn chĩa súng vào nhau, thì trong bức hình lại quàng tay qua vai ôm lấy nhau thân thiết. Đó là khi họ đã không còn muốn cầm súng vì một cuộc chiến phi nghĩa nữa. Họ hiểu, dù khác chiến tuyến, dù là kẻ đối địch, nhưng họ vẫn luôn là những người chung một ngôn ngữ, chung một nguồn cội, chung một dòng máu Con Rồng Cháu Tiên. Cái ôm ấy đã trở thành cái ôm lịch sử của những người anh em.

Vừa qua, hai bộ xương của một nam và một nữ ôm chặt lấy nhau trong mộ cổ ước tính 3.000 năm tuổi đã được khai quật ở gần thành phố Ternopil, phía Tây Ukraine. Các nhà khoa học dự đoán hai bộ xương có thể là của một cặp vợ chồng.


Người đàn ông nằm ngửa, mặt hướng về phía bạn đời. Trong khi đó, người phụ nữ nằm nghiêng vòng tay ôm lấy người đàn ông, hai chân chụm lại gác lên chân anh. Các nhà khoa học cho rằng với tư thế như vậy, có nghĩa là khi nằm xuống người phụ nữ vẫn còn sống. Nói cách khác, ban đầu chỉ có người đàn ông qua đời. Người phụ nữ đã tự nguyện đi vào mộ, ôm lấy xác bạn đời và chịu chôn sống cùng anh ta. Điều này rất giống với tiểu thuyết của Victor Hugo về hai bộ xương Quasimodo và Esmeralda. Giáo sư – tiến sĩ Mykola Bandrivsky, Giám đốc chi nhánh Transcarpathian của Dịch vụ Bảo tồn khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học Ukraine, cho rằng đây là nét đẹp trong văn hóa của người tiền sử Vysotskaya (còn gọi là Wysocko), nhiều người phụ nữ muốn đồng hành người đàn ông của mình qua thế giới bên kia, nên chấp nhận chôn cất cùng. Tình yêu thật diệu kỳ, con người ta có thể ôm nhau cùng đối mặt với cái chết để mấy thiên niên kỷ sau người đời vẫn mãi ngưỡng mộ họ. Vì biết đâu ngày mai ta không còn gặp gỡ, nên mình hãy ôm nhau đi, và yêu thương nhau như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng bảo:

“Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối

Dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới

Mặt đất đã cho ta những ngày vui với

Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời”

Đối với hầu hết những nước phương Tây, ôm nhau là hành động như một lời chào, thể hiện mối quan hệ quen thuộc, tình yêu, tình bạn hoặc sự cảm thông với nhau. Tuy nhiên, đối với văn hóa Việt Nam, những người lớn tuổi hoặc người theo tư tưởng xưa rất nhạy cảm (và đôi khi khắt khe) với vấn đề ôm ấp, âu yếm hoặc hôn nhẹ lên má người khác. Nếu nam nữ ôm nhau thì có thể gán cho là đang yêu đương, người cùng giới ôm nhau thì chắc chắn bị xem là đồng tính. Cha mẹ chỉ ôm hôn con cái khi còn bé và ngược lại. Tất nhiên chúng ta phải tôn trọng văn hóa xứ mình, nhưng với cuộc sống hiện đại bây giờ có lẽ nên bắt đầu nghĩ thoáng hơn một chút về giá trị những cái ôm. Chúng ta là thế hệ trẻ, những con người của hiện tại và tương lai. Trung thành với văn hóa truyền thống không có nghĩa là bạn quay về những thế kỷ lụi tàn để ngắm một dãy dài những bóng ma, những tư tưởng không còn hợp thời; mà trái lại, đem hết sức mình tiến về phía tương lai, như bông hoa kia chỉ hướng mình về phía mặt trời thì mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó. Chẳng cần “nam nữ thọ thọ bất tương thân” như trước đây, bạn cũng không hề phản bội lại những giá trị tốt đẹp. Bởi làm sao có thể coi ai đó là sống buông thả, suồng sã hay lẳng lơ chỉ vì họ muốn trao đi một cái ôm ấm áp sẻ chia?

Ngày 1 tháng 12 năm 2004, chiến dịch Free Hugs được khởi xướng do một người Úc là Juan Mann khi anh cảm thấy quá cô đơn, mệt mỏi bởi cuộc sống. Một lần tình cờ anh đã cảm nhận được giá trị lớn lao và những tác động tốt đẹp từ cái ôm của một người xa lạ. Anh chia sẻ: “Tôi tới một bữa tiệc trong đêm và một người tôi hoàn toàn không quen đã tiến đến, ôm lấy tôi. Tôi cảm thấy mình như một vị vua! Đó là cảm giác tuyệt vời nhất từng xảy ra”. Juan Mann đã cầm tấm bản có dòng chữ FREE HUGS đứng trên đường phố tại khu mua sắm Pitt Street Mall, Sydney chỉ để chờ một cái ôm. Ban đầu Juan Mann đã phải chờ đợi rất lâu, bởi ai ngang qua cũng dè dặt với đề nghị hơi “quái dị” của anh. Cuối cùng, anh đã gặp một bà cụ khổ sở và trao đi cái ôm đầu tiên sau khi lắng nghe câu chuyện của bà. Đó là ngày kỷ niệm của con gái cụ – cô gái đã mất trong một vụ tai nạn xe hơi. Cũng chính hôm đó, chú chó bạn đồng hành mà cụ yêu thương cũng chết đi, để lại trong lòng cụ một khoảng trống rất lớn. Cái ôm của Juan Mann dành cho bà cụ phần nào đã sưởi ấm cho tâm hồn buồn thương của cả hai người. Sau đó, trào lưu Free Hugs được lan rộng ra toàn thế giới với những cái ôm không phân biệt giới tính, tuổi tác hay địa vị xã hội. Ngày hội Ôm quốc tế – International Free Hugs Day cũng ra đời, bởi nhiều tình nguyện viên tại hơn 80 quốc gia trên thế giới, vào ngày chủ nhật trong tuần thứ ba của tháng 7. Đây là dịp để mọi người nhận được những cái ôm thân tình từ những người khác nhằm gửi gắm thông điệp yêu thương, thân thiện giữa người với người.


Tôi nói quá nhiều về một cái ôm – hành động mà ai cũng nghĩ rằng mình không cần bất kỳ lời nhắc nào cũng làm được. Tuy nhiên, bạn có đủ tự tin để có thể ôm ai đó bất kỳ khi nào cần thiết hay không? Cuộc sống hiện đại, sự xa cách giữa người với người không còn là khoảng cách địa lý mà là bởi công nghệ, thiết bị tiện ích. Và những lời yêu thương đã lâu không được nói qua đôi môi. Thời nay là thời của những ngón tay cất lời. Thời điện thoại nhận được nhiều âu yếm hơn người. Khi bạn gặp sự cố hay chuyện đau buồn, khi bạn thành công hay đang vui vẻ, bạn sẽ gặp một ai đó để chia sẻ, hay chỉ đăng vài dòng trên mạng xã hội và chờ đợi những nút like. Khi người thân và bạn bè của bạn cần một ai đó bên cạnh, bạn sẽ chạy ngay đến với họ, hay chỉ gửi vài tin nhắn cùng những câu bình luận trên mạng xã hội vô tri. Đã bao lâu rồi bạn vẫn còn ôm chiếc điện thoại hay laptop? Và đã bao lâu bạn chưa thử ôm người thương, người thân của mình?

Tắt máy tính, cất điện thoại, vòng tay qua người đang bên cạnh hoặc đi tìm người sẽ luôn bên cạnh mình, và hãy ôm nhau đi, bạn nhé!

“Make today amazing:

Smile in the mirror

Say hello to a stranger

Listen (really listen)

Eat slowly

Dance

Have a good belly laugh

Say “I love you”

Give a hug or two

Count your blessings.”


Tác giả: Ny An

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

560 lượt xem, 537 người xem - 557 điểm