Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Ngưng Lí Do “Hướng Nội, Hướng Ngoại” Lại Đi

 

“Tôi là người hướng nội nên chắc chắn tôi không hợp với công việc tiếp xúc nhiều người này”, “Vì anh ta/cô ta hướng ngoại nên mới có thể hoạt bát như thế”…

Ngày nay, việc tìm hiểu xem bản thân là người hướng nội (Introvert) hay người hướng ngoại (Extravert) dường như khá là hấp dẫn đối với hầu hết các bạn trẻ. Có vô số bài viết phân tích các đặc điểm nhận biết, lợi thế cũng như khó khăn ở hai loại người này. Khi đọc lướt qua một loạt, tôi nhận thấy điểm chung giữa các bài viết này chính là thừa nhận người hướng nội thường gặp nhiều khó khăn hơn so với người hướng nội trong việc giao tiếp, nhất là trong một thế giới ngày càng phù phiếm và thực dụng này.

Bài viết “Là Người Hướng Nội: Món Quà Hay Lời Nguyền?” bày tỏ quan điểm cho rằng người hướng nội là những kẻ đang chịu “lời nguyền” khi họ không được phép sống trọn vẹn với tính cách của mình. Thay vào đó, họ phải gượng ép bản thân trở nên “năng động hơn”, “nói nhiều hơn”, “cười nhiều hơn”, “hoà đồng hơn” để thích nghi với bạn bè, đồng nghiệp và những người xung quanh. Để rồi sau cùng, họ vẫn mắc kẹt trong một câu hỏi không có đáp án “Phải chăng có gì đó không ổn, trong chính tính cách của mình?”.

Từ khi còn bé, tôi cũng luôn tự hỏi rằng tại sao mình lại phải khổ sở với những cảm xúc tự nhiên của bản thân đến thế. Tôi không muốn phải mỉm cười giả tạo với những người tôi không thích nhưng lại được cha mẹ bảo đừng để ai biết mình ghét họ. Tôi rất lo lắng mỗi khi cảm thấy mình bị đối xử bất công so với những người còn lại. Và hơn hết, tôi kiệt sức khi có một ai đó không thích con người thật của mình.

Mỗi khi quan sát một người nào đó năng nổ, hoạt náo trong các hoạt động tập thể, tôi vừa ngưỡng mộ vừa băn khoăn. Tôi ngưỡng mộ vì họ thể hiện điều đó một cách rất tự nhiên. Tôi băn khoăn vì sao mình không thể được như họ. Đây không phải là vấn đề thử và cố gắng, bởi tôi biết “Đó không phải là con người mình”.     

Dù phũ phàng, nhưng chúng ta chấp nhận rằng xã hội hiện tại đang ưu ái rất nhiều cho những cá nhân hướng ngoại. Chẳng có mấy ai lại đi ghét người hòa đồng, vui vẻ, hoạt bát và quảng giao cả. Để đánh đổi lại, sự chân thành, tinh tế, lãng mạn, và trên cả là đạo đức, lại bị xem nhẹ.

Không phải cứ là người hướng ngoại thì đồng nghĩa với việc trở nên xấu xa. Nhưng ở một nơi mà con người ta chỉ ưa chuộng cái vẻ hào nhoáng bên ngoài, thì việc dành thời gian phát triển những giá trị tốt đẹp bên trong để làm gì cơ chứ?   

 

Người hướng nội thường cảm thấy lạc lõng giữa thế gian này.

(nguồn: pexels.com)

 

Mặc dù người hướng nội nhìn chung mà nói, họ chịu nhiều thiệt thòi hơn so với người hướng ngoại. Nhưng không phải là không có cách để họ cải thiện kỹ năng và đồng thời, vẫn phát triển con người của chính mình.

Tôi nhận ra điều này trong tâm thế của một người “vừa hướng nội vừa hướng ngoại” (Ambivert). Theo nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung, người huớng ngoại lấy năng lượng thông qua việc giao lưu, nói chuyện còn người hướng nội lấy năng lượng bằng cách ở một mình và suy ngẫm.

Đối với tôi, nếu phải ở một mình quá lâu, tôi sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và mong muốn được gặp bạn bè của mình để nói chuyện. Và ngược lại, sau một thời gian đi đây đi đó , tôi cũng tự dành cho bản thân những lúc tự thư giãn để “sạc” lại cơ thể.  Vậy nên, tôi tự tin rằng mình có thể hiểu được cả 2 thái cực này, đủ để tìm được cầu nối hướng đến một cuộc sống tốt hơn cho những người hướng nội.

 

Vui mà nói thì nhiều lúc người “dở dở ương ương” có khi còn cảm thấy mệt mỏi hơn cả người hướng nội cơ đấy.

(nguồn: cdn.davidwolfe.com)

 

NIỀM TIN SAI LẦM VỀ TÍNH CÁCH

Khá nhiều người cho rằng họ hoặc là hướng nội hoặc là hướng ngoại, một cách hoàn toàn. Nhưng ít ai biết rằng, Carl Jung và các tác giả của MBTI (trắc nghiệm tính cách nổi tiếng) đã cùng khẳng định rằng mỗi con người đều có mặt hướng ngoại và mặt hướng nội, với một mặt trội hơn mặt còn lại. Hay nói một cách khác, chúng ta luôn có tiềm năng để phát triển những đặc điểm của cả 2 bên.

Hơn thế nữa, trong bài trắc nghiêm tính cách MBTI, yếu tố hướng nội/hướng ngoại (Introversion/Extraversion) chỉ là 1 trong 4 tiêu chí để đánh giá tính cách của con người.

Điều này có ý nghĩa gì?

Nó có nghĩa là, việc bạn hướng ra thế giới bên ngoài hay hướng vào nội tâm chỉ thể hiện xu hướng tự nhiên của bạn. Vẫn có nhóm người hướng ngoại nhưng lại thiên về trực giác và cảm xúc (Nhóm người truyền cảm hứng) và nhóm người hướng nội có khuynh hướng sử dụng giác quan và lý trí (Nhóm thanh tra viên). Từ đó chúng ta có thể thấy được, hướng nội hay hướng ngoại không phải là giới hạn, mà nó nói lên thiên hướng phát triển của bản thân

Chúng ta đều biết suy nghĩ, niềm tin là nguồn gốc của hành động, và từ hành động, chúng ta kiến tạo nên con người của mình. Cá nhân tôi tin rằng, từ một niềm tin đúng đắn sẽ cải thiện ít nhiều những trăn trở mà phần lớn người hướng nội gặp phải.

 

Oprah là nữ tỉ phú người Mỹ gốc Phi đầu tiên và được Forbes vinh danh là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới (2006).

(nguồn: ảnh mạng sưu tầm)

 

KHÔNG HẲN LÀ MỘT LỜI NGUYỀN, MÀ ĐÚNG HƠN LÀ … MỘT “CON BÒ”

Có một lần nọ, tôi vô tình tìm thấy một bài viết tiếng Anh với tựa đề “10 truyền thuyết về người hướng nội”. Tác giả của bài viết đó đã phân tích và lí giải phần lớn quan điểm của mọi người về người hướng nội. Trong số đó, tôi khá ấn tượng với việc vì sao người ta hay nghĩ những người sống nội tâm  thường “ghét trò chuyện”, “khó gần”, và hơn hết là có thể “trở thành người hướng ngoại” nếu muốn.

Bản thân tôi phải thường nhận phần lớn trong số đó nghe có vẻ rất hợp lí.

Ví dụ, người hướng nội ít nói vì họ mong đợi được tán gẫu về thứ gì đó mà họ hứng thú, chứ không phải những cuộc trò chuyện “xã giao”.

Họ khó gần bởi vì họ chọn chất lượng chứ không phải số lượng của mối quan hệ.

Họ bất lịch sự vì nghĩ rằng mình nên thành thật với mọi người, mà phần lớn các trường hợp như vậy lại làm mất lòng người khác.

Sau cùng, người hướng nội không thể tự điều chỉnh bản thân mình, nhưng họ vẫn xứng đáng được tôn trọng tính cách và cống hiến của mình cho nhân loại.   

Tuy là như vậy, nhưng mà sau khi đọc tác phẩm “Ngày xưa có một con bò” của tiến sĩ Camilo Cruz, đứng trên một hướng nhìn hoàn toàn khác, tôi cho rằng đó chỉ là những “con bò”. “Con bò” ở đây ám chỉ lời biện bạch mà người ta hay nuôi dưỡng để lẩn tránh đi các khó khăn mà họ không muốn phải đối mặt. Giống như các lí giải ở trên, khi người hướng nội tin rằng việc họ hành xử như vậy là hợp lí, họ sẽ không tìm kiếm giải pháp để cải thiện hành vi của mình.

Xin bạn đừng hiểu nhầm ý của tôi. Tôi thật sự cảm nhận được những gì mà người hướng nội chật vật trong mớ truyền thuyết kia. Thật lòng mà nói, tôi ngả về phía hướng nội nhiều hơn là hướng ngoại. Ngày trước, chính tôi cũng trăn trở vì sao người khác lại bảo tôi bất lịch sự, khó gần, trong khi tôi không hề có ác ý gì trong việc giao tiếp. Tôi chỉ đơn giản là sống đúng với con người của mình thôi mà! Tại sao chứ?

Sau khoảng thời gian 3 năm làm sinh viên, mang  trong mình trải nghiệm đa dạng ở các hoạt động, tôi nhận ra rằng mặc dù mình sẽ gặp khó khăn hơn trong việc học tập các ưu điểm của người hướng ngoại, nhưng việc đó hoàn toàn có thể.

Quay trở lại chuyện tôi ngưỡng mộ những người hoạt bát trong các hoạt động tập thể. Nói rõ ràng hơn là, khi chứng kiến anh chị của mình có thể đứng đầu các hàng người và khuấy động không khí trong các sự kiện của trường, tôi luôn tự ước thầm mình có thể có một ngày được đứng vào vị trí đó, được cảm nhận sự hào hứng do chính mình tạo ra. Thế rồi cứ mỗi khi nhìn lại mình, tôi chỉ biết bỏ qua và tự nhủ tính cách của mình không hợp để làm điều đó, vì mình hướng nội nhiều hơn và không thích hợp làm việc đó.

Cho đến một ngày, trường tôi chủ trì buổi tập huấn Đại sứ sinh viên của mạng lưới trao đổi P2A, tôi được phân làm trưởng nhóm của một team toàn các bạn sinh viên nước ngoài và yêu cầu phải tạo “không khí” bằng cách hô tên và slogan cho cả nhóm. Trời ạ! Tôi chưa từng có một lần làm công việc như thế với các bạn trong nước, thế mà lần đầu tiên của tôi lại để dành cho các bạn sinh viên trao đổi. Làm sao mà tôi có thể đảm nhiệm được chứ, trong khi trước đây tôi chỉ toàn dám mơ tưởng về nó?

Thế rồi tôi chợt nhớ lại câu chuyện về “con bò” và cuộc sống tầm thuờng khi nuôi dưỡng chúng. Có thể tôi không sinh ra để làm việc này, nhưng tôi quyết định nếu phải làm, tôi sẽ làm nó hết mình. Bởi vì, tôi không muốn mười năm sau khi nhìn lại, tôi sẽ hối hận vì đã chấp nhận giới hạn nhỏ bé này.

Hoá ra mọi chuyện cũng không tệ như tôi hình dung. Màn ra mắt của team tôi không bị lúng túng mà còn khá ngầu nữa là đằng khác. Mặc dù lúc đó tôi cũng cảm thấy gượng gạo một chút, nhưng tôi đã làm được điều đó. Bây giờ nghĩ lại, tuy việc tôi làm được không mấy gì to tát, tôi lại cảm thấy rất vui vì mình đã giết được “con bò” hay trú ngụ trong khu vườn tiềm thức của mình. Và trên hết, tôi đã bước qua một giới hạn mà người hướng nội hay tự áp đặt lên bản thân.

Bạn thấy không, ưu điểm của người hướng ngoại không nhất thiết phải xung khắc với tính cách của bạn, chúng chỉ “không đúng” với những gì bạn hằng quan niệm thôi.

 

Đây là tôi (áo xanh góc phải) và team của mình trong ngày cuối của sự kiện.

 

HÃY SỐNG MỘT CUỘC ĐỜI MÀ BẠN SẼ NHỚ

Nói đến lời nguyền, người ta nghĩ đến sự chịu đựng đau khổ mà không có lối thoát. Tuy nhiên, đối với khó khăn của người hướng nội, nếu chấp nhận nó là lời nguyền, họ sẽ không làm gì để phá bỏ nó. Tất nhiên người hướng nội có những thế mạnh rất thú vị, nhưng tôi sẽ để bạn tự tìm tòi điều đó cho riêng mình nha.

Nếu bạn là người hướng nội và cũng đang trăn trở giữa cuộc đời này, hãy mạnh dạn học hỏi những điểm hay của người khác đi chứ. Có lẽ ở một góc độ nào đó, thật không may khi chúng ta sở hữu phần hướng nội lớn hơn. Nhưng cũng tựa như một thanh thép chưa được tôi luyện, một cuộc đời quá bằng phẳng sẽ sớm gãy vụn trước giông bão mai sau.

Khi viết đến đây, tôi chợt nhớ lại lời bài hát The Nights mà DJ tài năng Avicii từng hát (xin được phép tạm dịch và thay đổi chủ ngữ một chút):

 

MỘT NGÀY NÀO ĐÓ BẠN SẼ RỜI BỎ THẾ GIỚI NÀY

 CHO NÊN, HÃY SỐNG MỘT CUỘC ĐỜI MÀ BẠN SẼ NHỚ!

 

Vậy nhé, hẹn gặp lại bạn ở những bài viết sau. Xin chào!

 

Tác Giả: Huỳnh Phát, Sinh viên @ Ybox Authors

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/Phat.Huynh.97 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,313 lượt xem, 1,302 người xem - 1322 điểm