Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Ngừng Ngay Lại Việc Quản Lý Cảm Xúc Đi

Từ khi nào mà cảm xúc lại nhận được sự quan tâm hơn bao giờ hết? Phải chăng chính là từ lúc chúng ta bắt đầu trở nên nhạy cảm hơn so với thế hệ trước?

Nếu bạn gõ “cách quản lý cảm xúc”  lên google thì chỉ trong vòng 0,51 giây sẽ có hơn 439.000 kết quả cho từ khoá tìm kiếm ấy. Chủ đề này chưa bao giờ là hết nóng cả, bởi nó luôn xuất hiện trong các cuốn sách kĩ năng self-help, các buổi nói chuyện của diễn giả. Họ - những “chuyên gia”, vẫn luôn vẽ ra cho chúng ta hình ảnh về một con người hoàn hảo, có thể kiểm soát được cảm xúc và suy nghĩ của mình ở mọi lúc và mọi nơi. Điển hình là cuốn sách “Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công” cùng với khoá học quản trị cảm xúc của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương. Và rất, rất nhiều bài viết, clip trên mạng khác đề cập đến những cách để làm chủ cảm xúc với một mục đích sau cùng nhằm hạn chế sự nhạy cảm ở mỗi con người đi.

Có rất nhiều nguyên nhân để lí giải cho hiện tượng người trẻ đang ngày càng dễ bị “tổn thương” này. Nhưng theo tôi thì có thể chia làm 2 yếu tố chính: Từ internet và từ gia đình.

Từ Internet: Đối với một thế hệ vừa mới mở to đôi mắt của mình ra là đã bắt gặp smartphone, máy tính bảng thay vì thiên nhiên, cây cỏ thì cũng không ngạc nhiên khi tần suất giao tiếp mặt đối mặt giữa họ ngày càng ít đi. Không phủ nhận ưu điểm, nhưng cái nhược của nó thì cũng to lớn lắm. Bởi vì các bạn trẻ ấy thiếu sự va chạm, tiếp xúc ngoài đời nên khi hứng chịu những bình luận trực tuyến, từ ác ý cho đến vô ý, đều sẽ “nhột” và bắt đầu suy diễn ra hàm ý thật sự của câu comment đó là gì.

Khi tôi lướt qua một vài cuộc tranh luận trên mạng thì phần lớn những bình luận về sau đều bắt đầu công kích cá nhân, bắt lỗi nhỏ nhặt tiểu tiết và kết thúc bằng những câu chửi rủa. Thường thì chỉ khi bị đụng chạm đến giá trị bản thân thì con người ta mới bắt đầu phòng thủ và công kích nhằm hạ thấp phía bên kia xuống như vậy và ngày nay thì có vẻ rất dễ dàng để làm điều đó.

Từ gia đình: Thật là lạ khi nhiều phụ huynh có thể biết và nói chính xác những việc họ mong muốn con mình thực hiện được, như là vào trường chuyên, đạt danh hiệu học sinh giỏi, đạt giải các cuộc thi,...nhưng tôi tự tin là ít ai trong số họ biết phải làm gì khi con mình gặp vấn đề về cảm xúc ngoài việc hi vọng rồi chúng sẽ lớn lên, rồi sẽ qua thôi mà.

Quay trở lại khoảng thời gian phải mặc áo trắng quần xanh đi học thì tôi vẫn còn nhớ rằng mình rất hay khóc vì thường bị bắt nạt, bởi cả bạn bè lẫn anh em trong nhà. Khi tôi trình bày với bố mẹ thì tất cả tôi nhận được chỉ là những biểu cảm “Con làm sao mà cứ để bị như vậy? Xem lại mình đi”, “Có nhiêu đó mà bị hoài vậy?”.  Tệ hơn là lâu lâu tôi còn được nghe câu nói kinh điển “Con trai mà khóc”. Thật tình thì chuyện cũng không to tát gì, nhưng ngày đó  đối với một đứa bé 12 tuổi là cả một nỗi ám ảnh. Đến bây giờ tôi vẫn hay ước gì lúc đó bố mẹ có thể ngồi lại và nói chuyện với tôi, hỏi tôi xem vì sao tôi lại hay khóc, rồi giải thích cho tôi nghe vì sao bạn bè, anh em lại hay chọc tức tôi và cho tôi biết mình nên làm gì để cải thiện vấn đề. Mà thật ra có khi cả họ cũng không biết nên làm thế nào cho phải, suy cho cùng thì gần đây những căn bệnh về tinh thần mới được quan tâm nhiều hơn cơ mà.

Dù nguyên nhân chính xác có là gì đi nữa thì có một sự thật rằng các bạn trẻ ngày nay đang phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc. Có những cái nhạy cảm nhẹ nhàng lại rất tinh tế, nhưng cũng có những cái nhạy cảm nặng nề dẫn đến những suy nghĩ và hành động tiêu cực. Là người nhạy cảm có sai không? Không. Nhưng còn hành động theo cảm xúc? Sai nhiều lắm đấy.

 

(Nguồn: pexels.com)

 

VẤN ĐỀ CỐT LÕI CHƯA BAO GIỜ NẰM Ở CẢM XÚC 

Người nhạy cảm có thể có nhiều cảm xúc hơn người bình thường và họ khá vất vả trong việc xử lí chúng. Tuy nhiên, cảm xúc chưa bao giờ là vấn đề cần được giải quyết cả. Có một sự thật hơi phũ phàng, tôi cam đoan chắc chắn các bạn sẽ ngạc nhiên: đó là bạn không thể điều khiển cảm xúc của mình được. Chính xác là vậy! Tuy sự nhạy cảm phụ thuộc nhiều vào tính cách, vào di truyền, vào khả năng phản ứng của não bộ đối với tác nhân, nhưng khi các cảm xúc đã được hình thành thì không thể lẩn tránh và loại bỏ chúng đi được. Bởi vì sau cùng, cảm xúc là sản phẩm của quá trình phản ứng hoá học trong hệ thần kinh mà tạo nên. Bạn có thể suy nghĩ khác đi, nhưng bạn không thể cảm thấy khác đi chỉ bởi vì bạn muốn như vậy được.

Một ví dụ thú vị đó là cô bé Riley trong bộ phim hoạt hình Inside Out của Disney. Khi cô bé bắt gặp một số tình huống buồn bã như hoài niệm về thời gian hạnh phúc bên bạn bè ở khu nhà cũ thì Joy (Cảm xúc vui vẻ) rất là muốn làm cho cô bé luôn tươi cười và lạc quan, nhưng đành bất lực khi các cảm xúc khác làm chủ đầu cô và dẫn đến những hành động không tích cực mấy. Bạn thấy chưa, đâu cứ phải muốn vui vẻ là sẽ thấy vui vẻ và ngược lại, muốn buồn bã thì sẽ thấy buồn bã.

Nghe có vẻ hơi khó chấp nhận, nhưng để có thể trở nên tốt hơn, bạn và tôi phải hiểu rằng  phần lớn những cảm xúc chúng ta có thường ngày đều đã rất hợp lí và nó nên được cảm nhận như vậy. Có thể nói vui rằng, cảm xúc là con người của bạn và lẩn tránh chúng không khác gì bạn đang từ chối thừa nhận chính bản thân mình cả.

 

(Nguồn: highdefdigest.com)

 

HÀNH ĐỘNG CỦA BẠN MỚI QUAN TRỌNG

Vài người có thể nói rằng: “Nhưng mà tôi nghĩ cảm xúc mới là nguồn gốc dẫn đến hành động cơ mà?”. Ừa thì không sai. Cơ mà thực tế bạn không thể điều khiển cảm xúc theo ý của mình được, nhưng hành động của bản thân thì lại có đấy.

Có một ngày nọ, tôi bị các anh cảnh sát giao thông chặn xe và dẫn vào lề mà không hiểu vì sao. Sau đó, một anh nói rằng tôi đã lấn vào làn xe ô tô. Thật là trớ trêu, vì đó là làn đứt quãng và khoảnh khắc tôi vừa lấn sang thì lại bị các anh bắt gặp rồi kết luận tôi đã chạy lấn làn từ trước đó. Tôi có tức giận không? Có chứ, rất nhiều là đằng khác. Nhưng tôi không thể la hét hay chửi rủa các anh cảnh sát mặc cho cảm xúc lúc đó lại rất thích hợp để làm vậy (chắc hẳn các bạn cũng cảm nhận được mà, cứ mỗi lần như thế là vài ba trăm ngàn chứ ít gì...). Cuối cùng thì tôi đã hành xử rất bình tĩnh - kí vào biên bản và lên kho bạc đóng tiền phạt. Không phải khoe khoang, nhưng rõ ràng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được hành động của mình bất chấp trạng thái tức giận, khó chịu của bản thân.   

Bạn thấy không, cho dù cảm xúc của bạn có tồi tệ và tiêu cực như thế nào, bạn vẫn được quyền lựa chọn sẽ cư xử ra sao mà. Suy cho cùng, hậu quả lớn nhất của việc nhạy cảm vẫn là sự giận dữ, hận thù thái quá và dẫn đến việc hành xử không đúng đắn. Từ đó, chúng ta tổn thương mình, tổn thương người xung quanh, không phải bởi vì cảm xúc chúng ta có, mà là những gì chúng ta làm với họ. Bạn có thể quên những gì mình đã nói và làm với người khác, nhưng họ thì không.

 

HÃY BẮT ĐẦU TỪ VIỆC GỌI TÊN CẢM XÚC CỦA MÌNH

Tôi khá may mắn có dịp được tham gia lớp học Trí tuệ xúc cảm (Emotional Intelligence) của cô Cheryl Meredith. Cô là giáo sư chuyên về Trí tuệ xúc cảm trong việc đào tạo lãnh đạo tổ chức và là thành viên nòng cốt của Tổ chức trao đổi nhân lực quốc tế (Resource Exchange International - REI). Cô từng nhận định rằng, cảm xúc tích cực và tiêu cực cũng giống như 2 mốc F và E hiển thị trên thanh xăng của chiếc xe vậy. Nghĩa là, không có cảm xúc tốt và xấu hoàn toàn, chúng chỉ đơn giản là những “mức độ” biểu thị tình trạng hiện tại của con người. Nói một cách khác, có những cảm xúc tiêu cực là rất bình thường, rất con người luôn, nên bạn không cần phải lo sợ hoặc lẩn tránh chúng.

Bên cạnh đó, cô cũng chia sẻ phương pháp để làm chủ hành động của mình dưới đây:

Bước 1: Hãy gọi tên cảm xúc lúc đó. Thoạt nghe có vẻ đơn giản nhưng lại rất thiết yếu. Mọi hành động thiếu kiểm soát của chúng ta đều do cảm xúc lấn át và dẫn dắt hay như cô Cheryl gọi vui là “cảm xúc chiếm quyền điều khiển”. Vì thế, bằng cách gọi tên cảm xúc đó, bạn đã có thể bắt đầu lấy lại được nhận thức của mình.

Bước 2: Hãy tự hỏi bản thân vì sao bạn cảm thấy như vậy và bạn có thể làm gì để thoát ra khỏi cảm xúc đó. Khi tìm hiểu nguyên nhân cũng như  thừa nhận bạn đang cảm thấy như vậy, não bộ của chúng ta sẽ nhanh chóng đánh giá lại môi trường xung quanh từ đó cân nhắc đưa ra các hành động phù hợp.

Bước 3: Thực hiện hành động ấy ngay thôi.

Nhiều lý thuyết quá chăng? Tôi xin được phép lấy lại bản thân mình để minh hoạ cho phương pháp trên nhé.

Lần gần đây nhất tôi có tham gia một cuộc thi tiếng Anh và may mắn được vào vòng chung kết. Đáng tiếc là tôi lại thiếu một chút may mắn nên không thể lọt vào top 3 để tranh giải quán quân. Các bạn đoán thử xem cảm giác của tôi như thế nào khi họ xướng tên top 3 mà không có tên tôi? Ngỡ ngàng, hụt hẫng, tuyệt vọng - tất cả những cảm xúc đó. Trước khi bắt đầu luẩn quẩn trong cái suy nghĩ “Mình là một kẻ thua cuộc” thì tôi bắt đầu gọi tên chúng: Ngỡ ngàng, hụt hẫng và tuyệt vọng. Tiếp theo tôi lí giải vì sao mình cảm thấy vậy: Tôi ngỡ ngàng vì không có tên mình, hụt hẫng vì sau bao cố gắng và nỗ lực đã bỏ ra thì tôi phải dừng bước lại và cuối cùng tuyệt vọng vì không thể thay đổi kết quả được nữa. Điều thú vị là sau khi tự hỏi - tự trả lời như vậy, tôi đồng ý rằng “Ừa thì mình đang như vậy đấy” và thay vì cắn rứt với câu hỏi “Tại sao mình thất bại?” như trước đây thì bây giờ tôi lại suy nghĩ “Mình nên làm gì để thấy ổn hơn?”.Sau đó tôi quyết định mình vẫn sẽ ở lại nhận giải khuyến khích và chào hỏi mọi người trước khi ra về. Bởi tôi biết rằng đây có thể là lần cuối cùng mình gặp được những con người này và hiện diện ở hội trường ấy, nên tôi sẽ trân trọng khoảng khắc này. Tôi có thể làm được như vậy, tất cả là nhờ phương pháp làm chủ bản thân ở trên đấy.   

 

(Nguồn: pexels.com)

 

MỘT BẢN NHẠC TRỌN VẸN

Có một điều đáng tiếc rằng, cho dù có thể kiểm soát hành động của mình tốt hơn thì chúng ta vẫn phải chịu đựng  các cảm xúc tồi tệ cho đến khi nó trôi qua. Bản thân tôi vẫn buồn mất 2 ngày sau cuộc thi ấy, nhưng trải nghiệm ấy rất tuyệt vời, một phần vì tôi tin mình đã hành động phù hợp với lí trí thay vì phó mặc toàn bộ cho cảm xúc.

Có người nói rằng cảm xúc cũng giống như những nốt thăng trầm trong một bản nhạc, có cao có thấp, có nốt nghe hào hứng, có nốt lại xao xuyến, bồi hồi.  Phải có điểm cao trào đi kèm với khoảnh lặng thì bản nhạc mới thật trọn vẹn. Sau khi đọc bài viết này, chắc hẳn bạn đã biết làm như thế nào để dung hoà cảm xúc với hành động của mình. Cuộc đời của bạn giống như một bản nhạc, vì thế hãy viết nó thật hay và ý nghĩa vào nhé! 

 

Tác Giả: Huỳnh Phát, Sinh viên @ Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/Phat.Huynh.97 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,544 lượt xem, 1,532 người xem - 1549 điểm