Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Người Lạ Đã Làm Thay Đổi Cuộc Sống Của Chúng Ta Như Thế Nào?

Người lạ ơi! Xin cho tôi mượn bờ vai, tựa đầu gục ngã vì mỏi mệt quá … 

Chúng ta chắc hẳn không còn xa lạ gì với bài hát “Người lạ ơi” – 1 trong những “hit” đình đám đầu năm nay. Cá nhân tôi ấn tượng một thứ, bên cạnh giai điệu bắt tai và giọng hát khá là tha thiết của Khương Hoàn Mỹ, thì đó chính là cụm từ “người lạ ơi”. Sau khi nghe xong bài hát, nhiều lúc tôi hay tự hỏi: “Ủa thiếu cha gì bạn bè, người thân mà lại đi xin vai của một anh chàng lạ hoắc nào để dựa vậy?” Lùi lại lâu hơn một chút, tôi mới nhớ ra là còn có tác phẩm “Tâm sự cùng người lạ” của Tiên Cookie, nơi mà cô nàng bảo anh chàng của mình chỉ cần một người, kể cả “không quen”, ở bên cạnh anh mà lắng nghe anh. Lại có thêm một “người lạ” nữa.

Phải chăng, các cô nàng ca sĩ này chỉ đơn giản là thích ám chỉ một người thứ 3 nào đó trong chuyện tình của họ – hay bản thân người lạ ở đây có một sức hấp dẫn nào đó, đủ để ảnh hưởng lên cả những người mà họ chưa bao giờ gặp trước đây?

Bạn có thể ngạc nhiên khi nghe thấy điều này: có hẳn một chương trình dạy bạn về tương tác với người lạ đấy. Kio Stark là Tiến sĩ chuyên ngành Hoa Kỳ học tại đại học Yale của Mỹ, về sau cô thành lập khoá học Chương Trình Truyền Thông Tương Tác (Interactive Telecommunications Program) tại đại học New York, nhằm mục đích hướng dẫn các nhà nghiên cứu công nghệ, lập trình viên cũng như kỹ sư thiết kế ứng dụng về cách giao tiếp và đối xử với những người xa lạ mà họ đang tìm cách kết nối lại với nhau, cũng như hiểu được nguồn gốc sâu xa của các hành vi mà họ thực hiện trước những người mà họ chưa từng biết.

Một trong những cuốn sách TED nổi tiếng “Người lạ làm thay đổi cuộc sống của chúng ta?” (When Strangers Meet) của cô đã giải thích được vì sao con người ta lại sẵn sàng cởi mở và trò chuyện rất là thích thú với người mà họ không quen biết và chúng ta nên làm quen với người lạ nhiều hơn nữa. Thật lạ lùng phải không?

Bạn và tôi, đều quý mến bạn bè và người thân của mình. Mặt khác, khi bắt gặp người lạ ở trên đường, ít nhiều chúng ta cũng có một chút đề phòng với quan niệm người lạ thường “lừa đảo, nguy hiểm”, vân vân, mây mây ... và nếu không có gì cần thiết thì không nên nói chuyện với họ làm gì. Tuy nhiên, sau khi đọc bài viết này, tôi có thể chắc chắn một điều rằng bạn sẽ thay đổi ít nhiều suy nghĩ của mình về người lạ, hoặc thậm chí có khi còn cân nhắc mỉm cười và chào họ cơ đấy.

 

Kio Stark có hẳn một bài TED Talks về việc "Tại sao bạn nên nói chuyện với người lạ?" 

(Nguồn: Ảnh cắt từ clip "Why you should talk to strangers" - Kio Stark) 

 

THẬT SỰ THÌ AI MỚI LÀ NGƯỜI LẠ?

Người như thế nào thì chúng ta mới cho là lạ? Thường thì tôi sẽ nghĩ ngay đến những người mình chưa bao giờ gặp hoặc không biết tên – thì hiển nhiên là người lạ rồi. Nếu bạn cũng có quan điểm tương tự, chúng ta thử tiến lên thêm một bước nữa xem. Hãy hình dung rằng bạn đang trò chuyện với một cô gái đang cùng chờ xe buýt, bạn biết được tên của cô, rồi bạn vẫy tay chào trong khi bước lên chuyến xe của mình. Nghĩ thử xem, bạn đã biết tên và gặp gỡ cô nàng này, nhưng liệu bạn đã có thể gọi cô ấy là người quen chưa?

Kio Stark cũng đã thắc mắc điều tương tự và khi cô đi khảo sát câu hỏi "Bạn nghĩ ai mới là người lạ?", cô có được một danh sách mà cô gọi là “đầy mâu thuẫn tuyệt diệu”. Xin được trích 5 định nghĩa tiêu biểu nhất trong danh sách của cô dưới đây:

  • Ai đó bạn mới gặp một lần.
  • Tất cả những người bạn chưa từng gặp hay từng biết.
  • Tất cả những người bạn không quen nhưng có thể nhận ra, những người bạn có chút nhận biết về một vài phương diện, nhưng chưa từng gặp hoặc tiếp xúc trực tiếp.
  • Ai đó là một mối đe doạ.
  • Ai đó bạn hay gặp nhưng lại chẳng biết điều gì về họ ngoài những gì bạn quan sát được.

 

Lướt qua những định nghĩa này, nổi bật lên một suy nghĩ cho rằng người lạ có thể gây tổn hại đến chúng ta. Không khỏi ngạc nhiên khi ngay từ thời thơ ấu, chúng ta đã được dặn dò kĩ lưỡng về việc không được đi theo người lạ, không nhận đồ từ người lạ và thậm chí là không nói chuyện với người lạ. Những ngày đi học cấp 1 của tôi thường bị quây quanh bởi câu chuyện bắt cóc, xâm hại trẻ em mà thầy cô hay truyền thông vẫn thường kể ra để chúng tôi nâng cao cảnh giác. Mãi đến về sau, ngay cả khi những câu chuyện ấy đã phai nhoà theo năm tháng, thì ý tưởng “người lạ đồng nghĩa đe doạ” vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí tôi.  

Theo Kio, cô cho rằng quan điểm này thường là sai lầm, bởi mỗi khi chúng ta tiếp xúc với một người không quen biết, thay vì dùng linh cảm để đánh giá thì chúng ta lại dò xét họ, xem họ là “loại người nào”. Việc xếp loại này diễn ra nhanh chóng, dễ dàng và cũng đầy thiên kiến. Ở Mỹ, một nhóm người da đen đi chung với nhau sẽ không khó để bị nhìn nhận là thành viên của các băng đảng hay những tên buôn ma tuý. Ở Việt Nam, bạn chắc hẳn cũng sẽ có suy nghĩ không mấy là tốt đẹp đối với những người xăm trổ, mặt hùng hồn bởi đây là đặc trưng điển hình của “dân anh chị”, giang hồ nói chung, trong khi không phải ai có đặc điểm như vậy cũng là người xấu.

Cá nhân tôi cho rằng thật tốt khi tỏ ra thân thiện với người lạ, cũng như khôn ngoan khi biết được lúc nào thì không nên làm thế. Nhưng nhìn chung, cũng như diễn giả TED đã nhận định, đó không phải là lý do để cho chúng ta cảm thấy sợ hãi người lạ. Mặt khác, khi tương tác với người lạ, chúng ta sẽ nhận lại được khá là nhiều thứ tuyệt vời. 

 

Ybox

Người lạ có thể không đáng sợ như chúng ta từng hình dung. Trái lại, họ có thể là những người rất thú vị và tốt bụng.

(Nguồn: Waterfordwhispernews.com)

 

BẠN ĐÃ ĐƯỢC NHÌN NHẬN TRONG PHÚT CHỐC

Nghe có vẻ kì quặc, nhưng nói chuyện với người lạ lại tốt cho chính bạn. Văn chương mà nói, đó là một sự gián đoạn nhẹ nhàng giữa những gì chúng ta đang mong đợi khi đi dạo trên phố, trên xe bus, đứng chờ thang máy hay thú vị hơn là chọn đồ trong siêu thị. Những lúc như thế này, bạn thường để cho tâm trí của mình thả lỏng và trôi từ nơi này sang nơi khác. Khi bất thình lình có người bắt chuyện với bạn, bạn sẽ quay lại hiện tại và bắt đầu sống từng phút giây ấy một cách có ý nghĩa hơn.

Cách đây mấy hôm, khi tôi đang chạy xe trên đường, trong lúc nghĩ vẩn vơ về bài viết này, thì đôi giày Hunter xanh dương của tôi bị sút dây ra mà lại không hay biết. Từ đằng sau, có một anh chàng chạy xe lên, cười với tôi và bảo: “Anh gì ơi, bị sút dây giày kìa, coi chừng vướng vào bánh xe đó.” Thật lòng mà nói, điều cuối cùng  tôi mong đợi là một cuộc nói chuyện ngắn với người lạ khi đang lái xe. Tôi trả lời lại theo một cách bản năng: “Dạ em cảm ơn ạ”. Một lúc sau, tôi cảm thấy khá là vui vì anh chàng đó không nhất thiết phải nhắc cho tôi biết – đó không phải việc của anh ta. Nhưng anh ta đã làm thế, vì thoáng quan tâm một người lạ là tôi. Sự tồn tại của tôi đã được nhìn nhận trong phút chốc. Hơn nữa, tôi nghĩ mình còn nhận được một cái gì đó mang đậm tính "tình người" nữa cơ!

Tôi luôn thích trò chuyện với mọi người, đặc biệt là với người lạ, trong những tình huống thích hợp. Bởi vì những cuộc nói chuyện ngắn như vậy không chỉ mang lại sự kết nối giữa tôi và họ, nó còn nhắc nhở lại một cách nhẹ nhàng về sự có mặt của cả hai người giữa cuộc đời. Vì bạn tồn tại, nên tôi mới mong được giao tiếp, bắt chuyện với bạn.

 

SỰ THÂN MẬT “ĐẶC BIỆT”, CÓ MỘT KHÔNG HAI

Sự thân mật có thể hiểu nôm na là nhu cầu được quan tâm, được gắn kết, được thuộc về một nhóm người, một cộng đồng. Nếu thiếu vắng nó, con người ta sẽ dễ tổn thương và đau khổ. Các quan hệ chúng ta xem là thân mật thường là quan hệ gia đình, bạn bè, thầy cô,… những người mà chúng ta đã có một thời gian tương đối đủ để hình thành các liên kết về cảm xúc, tin tưởng, được củng cố bởi những kỉ niệm liên quan đến các sự kiện chung của hai bên và gắn kết theo thời gian.

Mặt khác, nếu những quan hệ thân mật trên là riêng tư, thì khi ở trên phố, nó là của chung. Một cái mỉm cười, gật đầu, hỏi thăm nhau và chào tạm biệt khi rời thang máy hoặc xe buýt, tuy đơn giản nhưng để lại cho chúng ta nhiều cảm xúc khó tả. Kio gọi đó là “sự thân mật thoáng qua”. Không cần thời gian để gắn kết, sự thân mật này nhanh chóng kết nối hai người xa lạ lại với nhau, cho họ một cầu nối để chia sẻ cảm xúc dù là chỉ trong chốc lát.

Hơn thế nữa, chúng ta ít khi nào suy nghĩ nhiều khi trò chuyện với người lạ. Sau cùng thì, khả năng bạn gặp lại họ lần thứ 2 trong đời khá là thấp (thậm chí có đi nữa, bạn và người đó có khi còn không nhận ra nhau nữa là).  Do vậy, dù vẫn kiểm soát những thông tin sắp sửa nói ra, chúng ta vẫn thoải mái hơn khi tâm sự với họ. Điều này không xảy ra tương tự với người thân, bạn bè. Bởi phải chăng, chúng ta thường kì vọng nhiều ở họ, rằng họ sẽ hiểu mình, sẽ không đánh giá mình – việc này lại không xảy ra thường xuyên cho lắm. Bản thân người lạ không hiểu biết nhiều về chúng ta nên tất cả những gì họ có thể làm, nếu muốn, là lắng nghe bằng cả tâm hồn những gì chúng ta nói và chia sẻ ngược lại với chúng ta. Giờ thì việc Khương Hoàn Mỹ cũng như Tiên Cookie hát về người lạ cũng khá là hợp lí nhỉ!

Tôi có gặp một cô gái khoá dưới, tên là Ngọc Quỳnh. Cô gái ấy có mái tóc dài, đeo kính, cao ráo và xinh xắn. Chúng tôi biết được nhau khi tôi đang hỗ trợ chạy sự kiện giao lưu văn hoá cho trường, còn cô thì đang chụp hình truyền thông cho buổi hôm đó. Cuối ngày, khi mọi người đang ngồi với nhau để ăn uống tại L'angfarm, tôi tới trễ nên đành ngồi phía ngoài chỗ đầu bàn. Thật trùng hợp là chúng tôi lại ngồi kế nhau. Như một thói quen, tôi luôn thích chủ động bắt chuyện với người lạ, đặc biệt là với người tôi có ấn tượng tốt từ lần gặp đầu. Đúng như những gì Kio Stark đã nhận định, chúng tôi có thể thoải mái chia sẻ cảm xúc với nhau sau một vài câu tìm hiểu, mà không ngại ngần gì nhiều, bởi vì đơn giản mà nói chúng tôi là "người lạ" nhưng đang trò chuyện với nhau. Tuy có thể tôi sẽ không bao giờ gặp lại người con gái ấy, ngày hôm đó có nhiều thứ mà chắc chắn tôi sẽ không bao giờ quên.

 Ybox

Có những con người chỉ thoáng lướt qua nhau trong chốc lát, nhưng có thể để lại ấn tượng sâu sắc về nhau.

(Nguồn: easycroatian.com)

 

ĐIỀU TUYỆT VỜI KHI ĐƯỢC KÊT NỐI

Nhìn nhận chung nhất lại, tuy không phải bất kì người lạ nào bạn cũng nên tỏ ra thân thiện và cởi mở, nhưng cũng không nên đánh đồng toàn bộ những ai bạn không biết với các cụm từ “rủi ro”, "rắc rối", “nguy hiểm”. Vui mà nói thì, tất cả những người bạn quen biết được đến ngày hôm nay, trong đó có một số tôi mà tin là bạn không thể sống mà thiếu họ, đều đã từng là người lạ đối với bạn tại một thời điểm nào đó trước đây cơ mà!

Vậy nên, lần tiếp theo trực giác của bạn mách bảo bản thân nên mỉm cười, gật đầu chào , hỏi thăm một ai “xa lạ” nào đó, thì bạn nên làm theo. Bởi bạn có thể nhận được nhiều thứ tuyệt vời từ việc làm đó đấy.

 

Tác Giả: Huỳnh Phát, Sinh viên @ Ybox Authors

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/Phat.Huynh.97 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

921 lượt xem, 901 người xem - 908 điểm