Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Người Nhạy Cảm: Sống Sao Cho Vừa Lòng Bản Thân?

Có lẽ trong hầu hết khoảng thời gian khó khăn của mình, tôi luôn tự hỏi rằng: “Phải chăng nhạy cảm chính là nguồn gốc của mọi sự uẩn ức trong con người mình?”

Bởi vì, nếu ít nhạy cảm đi một chút, tôi sẽ ít để tâm những lời nói và hành động, từ vô ý đến ác ý của mọi người xung quanh hơn.

Bởi vì, nếu ít nhạy cảm đi một chút, tôi sẽ không dằn vặt sai lầm của mình trong quá khứ nhiều đến vậy.

Và hơn hết, nếu ít nhạy cảm đi, tôi có thể thật sự cảm thấy hạnh phúc, giữa cuộc đời nhiều bất công và thực dụng này chăng?

 


Sự nhạy cảm phải chăng là nguồn gốc của mọi áp lực tôi đang gánh lấy từ cuộc sống?

 

NỖI KHỔ CỦA NHỮNG CÁ THỂ “YẾU ĐUỐI”

Không biết cách từ chối người khác

Là con trai, nhiều lúc tôi cảm thấy hơi ngượng nghịu với đám bạn của mình khi bị nhận xét là hơi nhạy cảm, điều thường được thấy ở các bạn nữ hơn.

Từ khi còn nhỏ, tôi đã hay khóc vì thường bị bạn bè, anh em trong nhà bắt nạt. Lo lắng bị cô lập, ức hiếp đã phát triển một nỗi sợ vô hình trong tôi, khiến tôi luôn cố gắng chiều lòng người khác. Mỗi khi được nhờ vả những việc mà tôi không thoải mái làm, tôi gần như đã muốn nói “không” ngay lập tức. Nhưng cái ám ảnh ngày xưa ấy cứ mãi đeo bám tôi, để rồi một tiếng “ừ”, “dạ” thốt ra một cách ngập ngừng, xen lẫn chút bức xúc được chôn giấu sâu vào trong tâm hồn.

Việc nói “không” có gì khó đâu , mở miệng ra nói là được ấy ngay ấy mà. Nhưng thứ làm chúng tôi sợ hãi chính là nét mặt, giọng nói, cử chỉ của họ sau đó. “Họ có phật ý không?”, “Họ nói “không sao” nhưng có thật vậy không?”, “Tại sao trong giọng nói của họ, mình lại không cảm thấy sự chân thành?”,  “Ánh mắt đó muốn nói lên điều gì?”,  “Họ đã ghét bỏ mình chăng?”… Chỉ nhiêu câu hỏi đó thôi đã đủ làm chúng tôi nổ tung từ bên trong rồi.

Dễ bị tổn thương tâm trí

Tôi hay thấy người ta đánh đồng người hướng nội với người nhạy cảm, bởi họ có khá nhiều đặc điểm chung: ít nói, hay buồn, thích ở một mình… Nhưng thực tế, người nhạy cảm lại mệt mỏi nhiều hơn khi tiếp xúc với người khác, bởi họ rất dễ bị tổn thương.

Nhìn chung, người nhạy cảm có hệ thần kinh mạnh, khiến họ quá chú ý vào những thông tin mà người khác lại thường bỏ qua.

 Khi bước vào phòng, trong lúc người bình thường để ý tới nội thất hay số người có mặt thì tôi lại thường nhận được vô vàn tín hiệu về tâm trạng cũng như mối quan hệ của những ai đang hiện diện trong không gian đó. Theo thời gian, quá trình này làm tâm trí của tôi kiệt quệ, vì cứ phải cân nhắc hành động của mình dựa trên mớ bòng bong ấy. Tôi chưa bao giờ muốn tiếp nhận những tín hiệu ấy một cách tự nguyện cả. Về lâu dài, chúng chỉ làm tôi thường xuyên quá tải và muốn phát khùng lên thôi.

Người hướng nội có một ưu điểm tuyệt vời mà ít ai ngờ đến, đó là họ có thể lấy lại năng lượng tinh thần rất nhanh khi ở một mình, đặc biệt là trong một không gian thoải mái. Mặt khác với người nhạy cảm, thường là chúng tôi sẽ trốn tránh vào một góc và khóc một mình.

Nghĩ quá nhiều đi

Một lần nữa, đặc điểm khá tương đồng với người hướng nội. Và tương tự, nó tệ hơn nhiều khi họ lại là người nhạy cảm. Tôi thường hay cười mỗi khi nghĩ đến câu nói “Nếu có 3 người đi chung, thì người nhạy cảm sẽ tự gắn mác mình là người thừa”, bởi vài lúc tôi có nghĩ như vậy thật.

Mỗi lần đi chơi với nhóm bạn, tôi lúc nào cũng phải “cố gắng” hết sức dù bản thân chẳng cảm thấy vui. Nhiều lúc họ cũng chẳng quan tâm tôi nghĩ cái gì hay như thế nào, nhưng tự động tôi sẽ âu sầu, buồn lo. Buồn cười hơn, vì hay sợ mình “không giống họ”, tôi cứ tỏ ra mình không sao hết và cố gắng hòa nhập với tập thể.

Trong khi dân gian thường truyền miệng rằng: “Bạn của tất cả mọi người không là bạn của ai hết”. Quả đúng thế! Sau những lúc cười nói với họ, tôi chợt nhận ra mình đang rất nhạt nhòa. Bởi biểu hiện vui vẻ đó không bắt nguồn từ cảm xúc thât sự của tôi. Chính vì luôn lo sợ mình không cùng “loài” với mọi người, tôi đã hành xử như một người khác, tạo ra một vỏ bọc che giấu bản thân đi.

Còn có gì tệ hơn khi phải sống một cuộc đời mà không được là chính mình chứ?

 

 Có thể một vài lúc bạn cảm thấy ghét bỏ bản thân mình, nhưng hãy kiên nhẫn để người khác học cách yêu quý điểm tốt và chấp nhận điểm xấu của chính bạn.

 

TRÂN TRỌNG NHỮNG GÌ CÓ ĐƯỢC TỪ SỰ NHẠY CẢM CAO

Các bạn của tôi ơi,

Nếu một ngày nọ, các bạn nghe người khác nhận xét mình đại loại như “Sao mà nhạy cảm thế”, “Mạnh mẽ lên đi, cuộc đời còn gian nan lắm”, thì khả năng cao bạn thuộc về nhóm người “nhạy cảm cao” (Highly Sensitive Person – HSP) đấy.

Nhà tâm lý học Elaine Aron, người đã có nhiều nghiên cứu về nhóm người này, cho rằng chìa khóa để vượt qua những thử thách dành cho nhóm người này chính là thay đổi góc nhìn về bản thân và trân trọng nó như một tài sản đáng quý.

Nghe như một lời khuyên muôn thuở cho mọi vấn đề ấy nhỉ?

Nếu các bạn có vô tình đọc được bài viết “Là Người Hướng Nội: Món Quà Hay Lời Nguyền?” của tác giả Đặng Hải Lộc, các bạn sẽ thấy rằng tất cả những khó khăn mà chúng ta hay nghĩ người hướng nội đang chịu đựng, lại chính là thử thách đi kèm với món quà thiên phú chỉ dành riêng cho họ. Nhóm người nhạy cảm cũng tương tự thế.

Chúng ta có thể nói sinh ra làm người nhạy cảm là thiệt thòi, bất công cũng chẳng sai và sẽ tốt hơn khi không nhạy cảm. Tiếc thay rằng cuộc sống lại hoạt động như thế. Có những cá thể sinh ra thừa hưởng rất nhiều ưu điểm, thuận lợi trong giao tiếp và làm việc. Còn chúng ta lại mang cái “của nợ” thường xuyên đày đọa hệ thần kinh và con người của chúng ta.

Tuy nhiên, vì học ngành Quản Trị Kinh Doanh, tôi đã được thầm nhuần một tư tưởng sống phải thật UNIQUE (Khác Biệt). Trong kinh doanh, một doanh nghiệp tồn tại được khi sản phẩm và dịch vụ của họ chất lượng song song với sự độc đáo. Con người cũng nhu thế. Cá nhân tôi rất tin tưởng rằng, một cuộc đời thật sự ý nghĩa chỉ khi bạn có một “giá trị” đặc trưng cho riêng mình.

Vậy nên, tôi quyết định sẽ không để sự “nhạy cảm cao” hạn chế bản thân mà ngược lại, khắc tạo cho chính tôi một “giá trị” riêng biệt nhất có thể.



“Hãy thay đổi góc nhìn về bản thân và trân trọng nó như một tài sản đáng quý.”

Nhà tâm lý học Elaine Aron.

 

Thay đổi góc nhìn về bản thân

Vui mà nói thì, người nhạy cảm thường phát hiện được những chi tiết rất nhỏ nên họ có thể trở nên rất tinh tế. Bản thân Elaine Aron đã nhận ra điều này khi cô phát hiện những tia lửa nhỏ đầu tiên, nhờ vậy cô đã cứu sống cả gia đình của mình khỏi vụ cháy nhà. Bạn không đọc lầm đâu, người nhạy cảm trong lúc cần thiết thì hệt như… Superman vậy.

Hiển nhiên là không phải lúc nào chúng ta cũng ở trong tình huống nguy hiểm như thế. Nhưng hãy để ý vào cuộc sống thường ngày xem, có những thứ người khác rất mong muốn bạn nhận ra ngay cả khi họ đang ra vẻ không cần bạn phải biết đến. Nếu bạn đáp ứng được điều ấy, chắc chắn 200% bạn sẽ chiếm được cảm tình của họ. Đấy là một lợi thế quá lớn rồi còn gì?

Bản thân tôi về sau hay để ý những người xung quanh trong văn phòng công ty nơi tôi làm việc. Có những cử chỉ rất rõ ràng như khẽ ho, mệt mỏi, thở dài từ đồng nghiệp nhưng chỉ cần tôi hỏi thăm một câu, họ đã nhiệt tình đáp lại rất vui vẻ. Thế là tôi vừa kết được thân hơn với họ, vừa ghi được thêm điểm trong mắt họ ở phần “Tôi là người tinh tế”. Kể cả trong những lúc ăn uống, tiệc tùng cũng vậy. Lời nói và hành xử đúng cách và tinh tế của tôi luôn tạo không khí vui vẻ giữa mọi người.

Đấy là một trong những “giá trị khác biệt” được tôi xây dựng từ chính sự nhạy cảm của mình.

 

 

Trân trọng nó như một tài sản quý

Chướng ngại mà tôi tin phần lớn người nhạy cảm hay gặp phải là họ nghi ngờ bản thân có “vấn đề”, lâu dần đâm ra ghét bỏ chính mình. Ác cảm về những thứ tiêu cực, mất mát luôn lớn hơn niềm vui nên sau cùng, chúng ta lại thường hay nhớ về chúng nhiều hơn.

Chính vì thế, nếu cần, bạn hãy lập ra một danh sách các đặc điểm riêng, độc đáo đến từ sự nhạy cảm của bạn, đại loại như “nhận biết cảm xúc của người khác” chẳng hạn này. Những lợi ích đi kèm với đặc điểm có thể là nhận biết được khi ai đó cần một cái ôm, một nụ cười để làm tươi mới tâm trạng của họ… Bạn luôn phải nhắc nhở mình những lợi ích đấy, để trân trọng nó và cũng là để trân trọng bản thân hơn.

 

Hãy để sự nhạy cảm là giá trị tuyệt vời nhất của bạn nhé!

 

Tác Giả: Huỳnh Phát

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/Phat.Huynh.97 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ".  Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,483 lượt xem, 4,414 người xem - 4438 điểm