Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Nhiều Khi Muốn Sống Như Một Đứa Trẻ

Người ta bảo con người để mà trưởng thành thì rất khó. Tôi lại không cho là vậy. Vì suy cho cùng trước khi trưởng thành người ta phải là gì? Một đứa trẻ. Bởi vậy đối với tôi, con người để mà sống như một đứa trẻ mới là rất khó.

 

Tôi nhận thấy người ta hay sốt ruột và chán nản khi nhìn thấy người khác trưởng thành nhanh hơn mình. Và rồi họ ao ước giá mà mình có thể già dặn được như thế, sâu sắc được như thế, và từng trải nhiều như thế. Họ không hề biết rằng chính những người trưởng thành lại hằng ao ước mình có một cuộc sống như một kẻ chưa-trưởng-thành. Trưởng thành không dễ, nhưng để quay trở về những tháng ngày vô lo vô nghĩ, có chút gàn dở và hiếu thắng của một thời tuổi trẻ điên cuồng, lại còn khó khăn hơn. Sống như một đứa trẻ thì ngô nghê thật đấy (hay tôi cứ nói thẳng là hơi “ngu” thật đấy), nhưng vì ngu nên về sau ngẫm lại mới có cái để mà cười. Cười vì sự non nớt, cười vì lòng nhiệt thành, cười bởi cái nhẹ dạ, và cười vì nuối tiếc những cảm xúc quá đỗi trong lành bây giờ không thể có được nữa.

 

 

Người trưởng thành thì sao? Đôi khi muốn ngu còn chẳng có cơ hội. Nhiều khi chỉ còn cách là giả ngu để mà sống. Tôi đã từng đọc được một câu nói như thế này: Trưởng thành như một tấm vải được dệt bằng nước mẳt của chính mình.

Vì trưởng thành tức là bạn phải vấp ngã. Vấp ngã tức là bạn phải bị những vố đau điếng bầm dập người, những cái tát mạnh của cuộc đời bạc bẽo và cả trăm gáo nước lạnh của lòng người thật giả tốt xấu đan xen. Rồi sau đó, liệu bạn còn có đủ thơ ngây để thổi những bong bóng xà phòng màu hồng tô điểm cho cuộc sống mình luôn mường tượng hay không? Nếu bạn trả lời là có thì đó là câu trả lời đầy gượng ép của một người đang cố bấu víu lấy những hư ảo không tồn tại trong cuộc sống khốc liệt này. Chúng ta hết thảy rồi cũng sẽ trưởng thành, không cách này thì cách khác. Nó chẳng khó khăn như việc người ta vẫn phóng đại với nhau. Vì trưởng thành là quy luật của cuộc sống, là vòng tuần hoàn của đời người, không có ai trẻ con mãi được, cũng chẳng có ai khờ khạo như đứa trẻ lên ba mãi được, đến lúc nào đó bạn sẽ nhận ra và hối hận tự hỏi tại sao mình lại không sống trọn vẹn quãng đời tuổi trẻ như thế.

 

Vì một khi đã trưởng thành rồi, tự khắc bạn sẽ đánh mất đi những cảm xúc sơ khai nhất, thuần tuý nhất cùa bản thân.

 

Ngày bé làm rơi mất cái kẹo cũng có thể dễ dàng khóc oà, nhưng khóc xong là hết. Còn bây giờ, làm đổ ly cà phê thì không khóc, nhưng lại bực bội vì thấy tốn công xếp hàng đợi chờ rồi phải bỏ tiền ra mua, phí tiền mất thời gian rồi kết cục vẫn phải chịu khát. Không khóc lóc ỉ ôi như trẻ nhỏ nhưng cứ mãi bực bội không thôi. So sánh đơn giản vậy để thấy nỗi buồn của người lớn miên man hơn nhiều so với nỗi buồn của trẻ nhỏ. Cái sự miên man ấy không nằm trong việc đánh đổ ly cà phê mà là vì đa số kẻ trưởng thành luôn tự cho rằng bản thân hiểu biết nhiều quá nên thích tư duy chất chồng gánh nặng thêm cho cảm xúc của mình. Trẻ con buồn, chúng chỉ buồn ở cốt lõi của vấn đề, đó là mất cái kẹo mình định ăn. Người trưởng thành buồn là buồn từ cốt lõi của vấn đề đến những ngoại cảnh tạo ra vấn đề rồi đến hậu quả của vấn đề và cả những cá nhân xung quanh vấn đề ấy. Để rồi buồn lây cả sang những chuyện không liên quan đến vấn đề ấy nữa.


Bởi vậy suy cho cùng, trưởng thành không gì khác ngoài cách nói ngắn gọn của việc tăng tầm nỗi buồn lên cấp số nhân. Một lúc nào đó bạn thấy mình buồn mà mãi không thể tìm ra được nguyên do, hay tự thấy bản thân mình thật giỏi trong việc giấu giọt nước mắt đằng sau nụ cười mệt mỏi, có nghĩa là bạn đã đang trưởng thành rồi. Và nếu như tư tưởng của bạn cũng thay đổi từ việc “luôn có một ngày mai tốt đẹp hơn ngày hôm nay” sang thành “luôn có một nỗi buồn to bự hơn nỗi buồn của ngày hôm nay”, thì xin chúc mừng, bạn sẽ chẳng còn mấy cơ hội được sống vô tư như một đứa trẻ nữa đâu.


Trưởng thành ngoài việc khiến bạn hành động có suy nghĩ và sống trách nhiệm hơn thì nó không vui như mọi người vẫn kỳ vọng. Khi đã trưởng thành, đôi khi bạn sẽ có cảm giác mình không nên biết quá nhiều về một thứ gì đó. Biết nhiều thì có lợi thật đấy, nhưng mà khổ. Người ta cứ bảo trải nghiệm nhiều thì sẽ vững chãi trước mọi khó khăn, nhưng đâu có thật là như vậy? Vì quá hiểu quy luật của cuộc đời nên mới dễ bị chạnh lòng và tổn thương. Chỉ khác rằng sự tổn thương ấy bị vùi lấp, không dễ gì để người khác phát hiện ra được. Chúng ta cứ ẩn giấu ở đó, cho nó mọc rễ rồi mốc meo. Những tổn thương cứ thế ăn mòn tinh thần của một người, dù cho người ngoài trông vào lại tưởng người ấy mạnh mẽ lắm. Chúng ta đã đi qua những năm tháng của cuộc đời, đã buồn vui đủ nhiều, đã không còn ngây thơ nữa. Đôi lúc nghĩ sẽ thấy hơi nhói lòng. Và rồi chính chúng ta lại tự hỏi, trưởng thành liệu có phải là một nỗi đau? Nghĩ ngợi nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn liệu có phải là một hạnh phúc?

 

Bởi vậy nếu như cho tôi được khuyên nhủ, tôi sẽ nhắn gửi nhiều người rằng, đừng quá nóng vội mà sống gấp quãng đời hoang dại của tuổi trẻ. Vì một khi bạn đã trưởng thành đủ nhiều để hiểu được mọi thứ, nỗi mong mỏi được quay ngược thời gian để trở về sống như một đứa trẻ sẽ không ngừng buông tha.

 

 

Có một câu nói khá hài hước nhưng rất chính xác: Trưởng thành chính là, ngày trước khi buồn, nấu nước dầu muối không cho, cơm trà không thiết. Nhưng hiện tại có thể vừa khóc vừa vào bếp nấu cho bản thân một bát mì, còn không quên cho thêm 2 quả trứng.

 

Đó là vì sự trưởng thành giúp bạn nhận ra dù có đau khổ tơi bời hay khóc sưng vù hai mí mắt thì vẫn không được bỏ bê bản thân. Có sức tự vực dậy chính mình thì mới có sức để chiến đấu với cuộc đời phía trước, có cách cứu giúp bản thân thì mới có khả năng để giúp đỡ cho nhiều người, tự yêu lấy mình chính là tự yêu lấy những người xung quanh. Bạn biết sống vì mình hơn, biết nghĩ cho những người xung quanh hơn, và cũng hiểu ra nhiều vấn đề hơn. Cuộc sống của người trưởng thành sẽ không còn đơn giản như việc ngày bé vỗ tay thích thú trước cái đu quay sặc sỡ sắc màu, hay dễ dàng khóc nhè khi bị người lớn mắng nhiếc. Bạn sẽ nhận ra rằng nỗi buồn nhiều gấp bảy tám lần niềm vui, và số lần mà bạn có thể thoải mái khóc lại hiếm hoi không tưởng. Thay vì học cách để chống chọi với cuộc đời thì bạn sẽ có xu hướng học cách để chấp nhận nó. Bạn sẽ bắt đầu có cái nhìn thông suốt về mọi chuyện. Bạn sẽ hiểu lý do vì sao những người bạn yêu thương lại rời xa bạn. Hiểu được tại sao một người có thể yêu một người nhiều đến thế và tại sao dù được yêu rất nhiều rất nhiều nhưng họ lại hoàn toàn không hề rung động. Bạn biết rằng không thể xen vào cuộc đời của bất kỳ ai khi họ không cho phép, bạn không còn tò mò về nỗi đau của người khác, không quan tâm đến những thay đổi xung quanh. Những gì bạn làm, đôi khi chỉ là chấp nhận tất cả những điều ấy. Chấp nhận những điều sẽ đến và những điều sẽ ra đi. Chấp nhận kết quả và chấp nhận thực tế của quy luật cuộc sống. Trưởng thành là như vậy, cứ như bạn đã rơi phải vào một guồng quay điên cuồng của cuộc đời, muốn quay về làm một đứa trẻ ngây dại cũng chẳng thể được toại nguyện nữa.

 

Đó là lý do vì sao tôi lại nói sống như một đứa trẻ mới thực là điều khó khăn.

 

 

Có một sự thật là không ai cưỡng lại được việc trưởng thành. Năm tháng đã mài giũa và đánh bóng mọi góc cạnh của chúng ta khiến cho chúng ta trưởng thành như ngày hôm nay. Nhưng tôi tin tận sâu trong trái tim mỗi người vẫn là một đứa trẻ không muốn lớn lên. Chỉ là đứa trẻ ấy giờ đã trở thành một người trưởng thành to xác bị những bộn bề lo toan cuốn đi mất, chẳng có thì giờ để ngồi tự ngẫm lại những điều đã bị bỏ quên trong ký ức của chính mình.

 

Nếu được thì hãy sống như một đứa trẻ, và hành động như một người trưởng thành. Bạn có thể không còn là trẻ con nữa, nhưng thi thoảng hãy gạt bớt sự trưởng thành và tự cho phép bản thân nhìn cuộc đời như cái nhìn của một đứa trẻ vô ưu. Trưởng thành không khiến cho chúng ta quên đi đứa trẻ trong con người mình, chỉ là bạn có thực sự muốn khơi dậy nó hay không. Sống trọn vẹn những khoảnh khắc trong hiện tại cũng là cách để sau này bạn không phải hối hận về tuổi trẻ vội vàng trong quá khứ. Vì sau cùng, trưởng thành không phải là vấn đề gian khó, nhưng vừa trưởng thành vừa giữ được tâm hồn như một đứa trẻ mới là thử thách cho tất cả chúng ta.

 

 


Tác giả: BCat

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/darkoushiza

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,504 lượt xem, 5,468 người xem - 5471 điểm