Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Nhìn Vào Sự Không Hoàn Hảo Của Bản Thân

Hết hạn

Mình không phải là một người hoàn hảo, mình chỉ làm tốt ở một số lĩnh vực và kém ở một số còn lại. Mình cũng hay mắc lỗi, yếu đuối, dễ nản lòng… như bạn vậy. Không may mắn là chúng ta đều mang trong người những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực, đặc biệt là khi đối diện với một vấn đề nào đó. Chúng ta phải hiểu nó và học cách chế ngự nó. Đối diện với năng lực chưa tốt của chính mình không phải là một điều dễ dàng, hãy để mình chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân và biết đâu nó sẽ có ích cho bạn:

 

1.       Kiên nhẫn nào!

Chúng ta không thể sở hữu một kĩ năng nào đó mà chỉ mới học một hai ngày, càng không thể giỏi giang nhanh chóng trong khi chỉ mới học vài tháng. Nó những kĩ năng cần đến vài năm, có những thứ bạn cần tập luyện cả gần chục năm. Điều đó có nghĩa là, nếu ngày hôm qua bạn học 16 tiếng, hôm nay học 16 tiếng hay học rất rất nhiều mà vẫn chưa lên trình thì nó cũng là điều bình thường thôi. Nó không có nghĩa là bạn không thể giỏi được, nó có nghĩa là bạn chưa giỏi ngay bây giờ và chưa nhận được thành quả ngay bây giờ. Vậy phải làm sao? Kiên nhẫn và học tiếp. Kiên nhẫn tập luyện ngày qua ngày, kiên nhẫn tạo thói quen và kiên nhẫn để hiểu năng lực thực sự của bản thân.



Mình đã tự nói với bản thân rất nhiều lần câu “kiên nhẫn nào”, nhiều đến mức mình không thể đếm xuể. Mình phải kiên nhẫn để không đốt cháy giai đoạn, chấp nhận thất bại và kiên nhẫn làm lại từ đầu (thêm một lần nữa), kiên nhẫn hiểu rằng mình cần phải luyện tập nhiều hơn nữa thì mới thành thạo được, kiên nhẫn để không nổi đóa lên vì sự ngu ngốc của bản thân. Chúng ta cần rất rất nhiều sự kiên nhẫn để tạo nên được một thứ gì đó, đó là lý do mình đặt nó ở ngay đầu bài: kiên nhẫn thực sự rất quan trọng.


2.       Đơn giản là họ bắt đầu trước bạn

Ngày bắt đầu một lớp học tiếng anh, mình tròn xoe mắt trước những bạn nói lưu loát và trôi chảy trong khi nửa chữ bẻ đôi mình cũng không biết và không hiểu hết những gì họ nói. Ayda, mình đã phải tự an ủi bản thân rất nhiều để không bỏ cuộc. Mình đã nghĩ rằng, họ giỏi như vậy vì họ đã bắt đầu trước mình một thời gian dài và khi mình bắt đầu ngày hôm nay, một thời gian sau nữa cũng có thể nói như vậy, chỉ cần mình cố gắng. Chúng ta không phải thiên tài, chúng ta đều là những con người và bộ não cần có thời gian để thích nghi và hình thành các liên kết nơ ron trước khi thành thạo một kĩ năng nào đó. Có một câu nói rất hay rằng “Thời điểm tốt nhất để trồng cây là 10 năm trước, và thời điểm tốt thứ hai là ngay bây giờ”. Mình đã lỡ đi thời điểm tốt nhất nhưng mình vẫn còn thời điểm tốt thứ hai mà, đúng không? Bắt tay vào làm việc chăm chỉ ngay bây giờ có thể giúp mình gặt hái những điều tốt đẹp trong tương lai.

 

3.       Tự ti à? Vì sao?

Mình không phải là một con người quá kém cỏi, việc học hay hoạt động ngoại khóa của mình đều làm khá tốt và chưa bao giờ mình thấy bất an về bản thân. Nhưng cũng có những lúc, mình cảm giác thật đuối sức và bị áp lực rất nhiều bởi thành công của người khác. Nhiều người nhỏ tuổi hơn mình nhưng đã bắt đầu start-up, có học bổng du học, có chứng chỉ tiếng anh cao, nhiều bạn bè đã tự kiếm được rất nhiều tiền hay nhiều người thông minh hơn mình và học giỏi hơn rất rất nhiều, chưa kể có những người xuất phát thấp hơn mình nhưng họ lại đang thành công hơn. Mình thú nhận, đã hơn một lần mình thấy áp lực và e ngại về năng lực của bản thân. Mình không biết phải làm gì cả và hoang mang vô cùng.



Mình ngồi lại và trò chuyện với bản thân. Tự ti thì làm được gì? Có rất nhiều người kém hơn mình mà họ vẫn tự tin thì sao? Có rất nhiều người bây giờ mới bắt đầu việc mình đã làm từ nhiều năm trước và họ cũng đang cố gắng thì sao? Thế giới này có cơ man người giỏi hơn mình, giàu hơn mình, mình có đủ thời gian và công sức để ngồi tự ti mãi không? Và tự ti có giúp mình giỏi hơn không? Không! Cùng sống trên một hành tinh nhưng không ai giống ai cả, vậy nên hãy yên lặng và làm tiếp công việc của mình thôi.

Rồi mình nhìn sự thành công của người khác với lăng kính tích cực hơn. Họ đã cố gắng rất nhiều để thực hiện ước mơ, và mình cũng đang cố gắng để thực hiện ước mơ của mình. Có chăng, chỉ là mình xuất phát chậm hơn một tẹo và phải cố gắng nhiều hơn nữa mới tới đích mà thôi. Mỗi lần mình thấy tự ti nhen nhóm trong người, mình sẽ ngồi lại, nhắm mắt và suy nghĩ về những gì mình đã từng làm được, nỗ lực của mình, khả năng của mình…và những gì thuộc riêng về cuộc sống của mình – chính mình, chứ không phải là một ai khác. Mình không kém cỏi, mình vẫn đang cố gắng và mình hài lòng với điều ấy. Cố lên!


4.       Chúng ta là những cá thể độc lập

Một phép tính đơn giản như thế này: nếu tính riêng một kĩ năng nào đó, ví dụ ở lĩnh vực đánh đàn thì  thiên tài là 100% và kẻ ngốc là 0%, thì những người bình thường sẽ giỏi ở khoảng 1%, 3%, 6%, …32%, 59%, …88%, 91%...99%. Những kĩ năng khác như tiếng anh, học hỏi, chơi bóng rổ, nấu ăn… khác cũng có một mức độ như vậy, và bạn là tổng hòa của các kĩ năng ngẫu nhiên. Ví dụ  51% tiếng anh, 69% toán học, 60% nấu ăn, học đàn 0%... sẽ tạo nên một cá thể là mình. Chúng ta luôn có thể học hỏi để tăng chỉ số phần trăm kĩ năng lên, đó là khi bạn thuần thục một kĩ năng nào đó và trở nên giỏi hơn. Vậy thì khi bạn kém một thứ gì đó, còn người khác thì rất giỏi thì sao? Ngẫu nhiên thôi mà, giống như sác xuất ấy, bạn được trao tặng những điều như thế thôi. Bạn sẽ sở hữu thứ gì đó có chỉ số phần trăm cao, nó gọi là bẩm sinh. Và tin tốt là bạn luôn có thể luyện tập để tăng chỉ số phần trăm của mình, và tin tốt nữa là không ai có mọi chỉ số đều giống y đúc bạn cả, họ chỉ có thể tương tự hoặc giống nhau ở một số hạng mục thôi. Bạn là duy nhất, tuyệt vời chưa?



Mình nói điều này để ngừng việc so sánh bản thân với một ai đó. Vì sao? Nếu người khác bẩm sinh giỏi một cái gì đó thì, xời, chẳng qua nó là ngẫu nhiên thôi mà, mà bạn cũng thế. Còn nếu muốn được như người ta thì hãy chăm chỉ nâng cao chỉ số của mình thôi, nó có ích hơn việc ngồi yên so sánh và than vãn nhiều, đúng không?


5.       Số giờ luyện tập và chất lượng luyện tập phản ánh điều gì?

Mình nghĩ là ai cũng đã từng nghe qua về “quy luật 10000 giờ” mà Malcom Gladwell nhắc đến trong cuốn sách Những kẻ xuất chúng: Chúng ta cần luyện tập 10000 giờ để trở thành bậc thầy trong một lĩnh vực nào đó. Tất nhiên, đối với mình, 10000 giờ chỉ là một con số tượng trưng, ngụ ý rằng: chúng ta cần bỏ ra một thời gian rất rất dài để luyện tập. Nhưng thời gian không phải là tất cả, có một chỉ số còn quan trọng hơn gấp nhiều lần: chất lượng luyện tập. Sự luyện tập có chủ đích quan trọng hơn nhiều so với việc bạn tập trung vào con số 10.000 giờ. Nhưng luyện tập có chủ đích là gì? Nói một cách đơn giản, đó là sự luyện tập sẽ thách thức bạn và nó sẽ đẩy bạn đến cực hạn. Bạn sẽ cần tập trung cao độ, có một kế hoạch chi tiết về những việc mình cần làm và từng bước làm chủ kĩ năng đó. Nó không đơn giản, không để chỉ cho vui, nó rất vất vả và khó khăn hơn nhiều so với việc bạn luyện tập theo cách thông thường. Phần thưởng cho điều đó là bạn sẽ tiến bộ nhanh hơn. Để tìm hiểu thêm chủ đề này, bạn có thể google các từ khóa như “luyện tập có chủ đích’, hoặc tìm đọc cuốn sách Kĩ năng đi trước đam mê của tác giả Cal Newport, được dịch bởi Uông Xuân Vy – Trần Đăng Khoa.


6.       Không tiền bạc, không kĩ năng, không ai “chống lưng”?

 Chúng ta đều hiểu rõ, người có một nền tảng gia đình tốt hay bất kì một cái gì đó thuận lợi thì đỡ nhọc công hơn rất nhiều. Nhưng mình cho rằng bản thân không cần quan tâm quá nhiều đến những điều ấy. Vì sao? Vì đó là việc của thiên hạ. Họ sống trong một gia đình giàu vì đơn giản bố mẹ của họ đã phải làm việc rất vất vả trước đó, nếu mình muốn được như vậy thì cũng phải làm việc chăm chỉ hơn thôi. Cơ bản, những ai đọc được bài viết này đều có một nền tảng không quá tồi, bạn có thể truy cập internet và tất nhiên bạn sẽ có nhiều cơ hội nữa. Không có tiền học tiếng anh, học tin học, học thiết kế, học kinh doanh? Tất cả những điều ấy đều được dạy miễn phí trên google, các web hay youtube. Vậy nên, khi nói rằng mình không có gì cả, không biết gì cả thì nó chẳng qua chỉ là một lời bao biện cho sự lười biếng của bản thân mà thôi. Có thể, dù bạn cố gắng nhiều như thế nào cũng không bao giờ giàu có được như một số người khác, nhưng ít ra bạn luôn có thể hạnh phúc và sống thoải mái với khả năng của mình. Đặc biệt, sau này bạn sẽ tự hào vì bản thân là một con người rất kiên cường và bản lĩnh khi có thể tự mình xử lý được mọi khó khăn. Điều đó không phải là rất tuyệt sao?

Tóm lại, thỉnh thoảng mình vẫn phải đối mặt với khá nhiều áp lực từ sự không hoàn hảo của bản thân và sự giỏi giang của người khác. Nó rất khó khăn, nhưng mình không thể vì thế mà từ bỏ. Mình luôn động viên bản thân rất nhiều, suy nghĩ rất nhiều và hiểu rằng mình phải kiên nhẫn. Hơn hết, mình là một cá thể độc lập, mình chấp nhận nhìn vào những điều chưa tốt ở bản thân và cố gắng cải thiện nó. Và mình hi vọng rằng bạn cũng chấp nhận những thiếu sót của bản thân và cố gắng hơn nữa.




Tác Giả: Hồng Hà, Sinh viên @Đại học FPT
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/hello.hongha

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


Hết hạn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

270 lượt xem, 266 người xem - 268 điểm