Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Sự Công Nhận: Sức Mạnh Tuyệt Vời Mà Bạn Trẻ Nên Có

Xin chào các bạn,

Sau một thời gian bận rộn với những chuyến đi trao đổi nước ngoài, tôi rất vui vì đã có thể quay trở lại với Triết Học Tuổi Trẻ, để tiếp tục chia sẻ những hiểu biết của mình đến cộng đồng của người trẻ. Bởi tôi luôn tin rằng, quan điểm và kiến thức chỉ có giá trị khi chúng được truyền tải đến những người khác, góp phần tạo nên tác động tích cực hơn cho đời sống của họ.

Vào những ngày tháng cuối cùng còn được ngồi ở giảng đường đại học, tôi bắt đầu dành ra một ít thời gian để nhìn lại chính bản thân mình và các cá nhân khác trong lớp của tôi. Quả thực, so sánh với quãng thời gian đầu còn chân ướt chân ráo bước lên bậc thang đại học, chúng tôi đã trưởng thành và tự tin hơn rất nhiều.

Bên cạnh sự tự tin được trau dồi theo những năm học, chúng tôi cũng tự có cho riêng mình những thành tích học tập, hoạt động xuất sắc. Không ngạc nhiên gì khi mà lâu lâu, một vài cá nhân trong lớp chúng tôi sẽ xuất hiện trên các bản tin khen thưởng sinh viên của trường.

Mãi cho đến một ngày, sau khi đọc xong tác phẩm Sức mạnh của sự công nhận (nguyên tác tiếng anh: O Great One: A little story about the awesome power of recognition) của David Novak, tôi mới nhận ra một thứ quan trọng mà phần lớn “sinh viên nổi bật” chúng tôi vẫn còn thiếu - sự công nhận từ bản thân. 

 O Great One: A little story about the awesome power of recognition - David Novak

Tại sao là sự công nhận?

Các bạn có thể lập tức đặt câu hỏi như “Tại sao lại là sự công nhận? Sự công nhận là cái gì và nó có cần thiết không vậy?”. Bạn biết không, phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp chuyên về sản xuất và công nghệ, cũng đã đặt câu hỏi tương tự khi nghe đến với khái niệm này. Nhìn chung, họ không tin tưởng lắm vào các cụm từ hoa mỹ như “bữa trưa miễn phí” hay “văn hóa doanh nghiệp” vì chúng khá mơ hồ và họ không thể đo lường sự ảnh hưởng của chúng một cách chính xác được.

Với David Novak – nhà đồng sáng lập, nguyên Chủ tịch và CEO Tập đoàn kinh doanh nhà hàng thức ăn nhanh YUM! Brands (thuộc Fortune 500) – thì ông lại có một cái nhìn hoàn toàn khác. Sau nhiều năm chinh chiến tại các thương hiệu đa quốc gia như KFC, Taco Bell, thậm chí là cả PepsiCo, ông chứng kiến được rằng nếu môi trường làm việc không được xây dựng trên sự công nhận, nếu bản thân nhân viên không ý thức và hiểu được tầm quan trọng của điều đó, thì doanh nghiệp đó sẽ lụi tàn, không sớm thì muộn.

Đến đây bạn có thể thắc mắc “Ừa nghe có vẻ quan trọng đó, nhưng mà này, doanh nghiệp thì liên quan như thế nào đến sinh viên vậy?”. Chúng ta, một ngày nào đó, đều sẽ bước chân vào một môi trường làm việc tập thể. Khi hiểu được tầm quan trọng và thực hiện đúng cách, sự công nhận sẽ là món ăn nuôi dưỡng tâm hồn của không chỉ bạn mà còn cho cả những đồng nghiệp xung quanh. Thậm chí, bạn cũng có thể áp dụng điều này với bạn bè và người thân của mình nữa đấy.

Khi hiểu được tầm quan trọng và thực hiện đúng cách, sự công nhận sẽ là món ăn nuôi dưỡng tâm hồn của không chỉ bạn, mà còn cả bạn bè, đồng nghiệp xung quanh.

Là một sinh viên ngành Quản Trị Kinh Doanh, tôi luôn thích thú tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng hay mà lại ít phổ biến. Bản thân sự công nhận là một kĩ năng không chỉ thú vị mà còn có thể cải thiện đáng kể hình ảnh và các mối quan hệ của chúng ta. Sau cùng thì, bản thân bạn sẽ có nhiều giá trị hơn khi bạn khác biệt một cách tốt đẹp so với phần lớn người bình thường khác, phải không nào?

Bên dưới đây, tôi sẽ trình bày những cách thức mà người trẻ chúng ta có thể áp dụng sự công nhận vào trong cuộc sống. Phần lớn chúng có thể là những điều rất chi là hiển nhiên, nhưng bản thân tôi lại thấy thật khó khăn trong việc tìm ra chúng ở những người bạn sinh viên năm 4 xuất sắc của mình. Kể cả David cũng từng nói sự công nhận là một thứ rất bình thường, nhưng có những doanh nghiệp mà “ngay cả thứ bình thường đó cũng không hề tồn tại”.

Bài viết có thể hơi dài dòng ngoằn ngèo, nhưng hãy cùng tôi đi đến đoạn cuối cùng nhé!

Bạn muốn nhận được sự quan tâm? Hãy lắng nghe nhiều hơn!

Qua các bài tập nhóm, họp hành chuẩn bị cho một chương trình, tôi để ý rằng phần lớn chúng ta hoặc là không hiểu như thế nào là lắng nghe, hoặc là lắng nghe không đúng cách. Mô phỏng lại một buổi họp kinh điển, kiểu như “lên ý tưởng cho một buổi cắm trại” chẳng hạn, sau khi cá nhân đầu tiên trình bày ý tưởng, hầu hết những người còn lại bắt đầu chất vấn ý tưởng đó:

-         Mình nghĩ chúng ta nên tổ chức cắm trại ở bãi biển, lấy chủ đề là “Hot Summer”. Chúng ta sẽ có những trò chơi như giải mật mã, bắn súng nước, văn nghệ và cuối cùng là ném bột màu.

-          Cắm trại ở biển sẽ khó quản lí lắm.

-          Trò giải mật mã có nhàm chán quá không?

-          Bột màu đắt lắm đấy, không mua được đâu.

-         Không nên chơi súng nước, vừa trẻ con lại vừa tốn một khoản tiền mua rồi lại bỏ.

Hoàn toàn đồng ý rằng khi lên ý tưởng, chúng ta sẽ phải chuẩn bị nó một cách chi tiết cũng như hình dung việc phản biện những câu hỏi từ các thành viên khác. Nhưng hãy thử hình dung ý tưởng bên trên là của bạn xem, tầm 1-2 lượt nhận xét như vậy nữa, bạn có còn thiết tha muốn phát triển ý tưởng đó với nhóm không?

Ngay cả khi bạn không thích ý tưởng đấy, hãy cố gắng lắng nghe - lắng nghe ở đây là nghe một cách toàn tâm toàn ý ấy – thành viên khác khi họ đang trình bày và hãy đặt mình vào vị trí của họ. Bạn sẽ làm gì để phát triển ý tưởng ấy? Ở biển có thể khó quản lí thì ta làm cách gì? Bột màu mắc thì thay bằng bột mì có khả thi hơn không? Súng nước trẻ con thì thêm cái gì cho nó vui hơn?... Một sáng kiến có hay đến đâu nhưng không có ai lắng nghe và phát triển nó thì cũng chỉ là một “tối kiến”. 

Hãy lắng nghe và phát triển ý tưởng của người khác, bởi đó là sự công nhận tuyệt vời.

Nếu bạn hỏi vì sao phải mất công “có tâm” đến vậy, thì tôi sẽ chân thành trả lời rằng: bạn có quan tâm và lắng nghe người khác, thì người khác mới làm điều tương tự với bạn được. Đừng chờ đợi một ai đó bắt đầu trước, hãy là người chủ động lắng nghe! Bởi lắng nghe là cách tuyệt vời nhất để thể hiện bạn đang quan tâm người khác.

Một ý tưởng tuyệt vời có thể đến từ bất cứ đâu

Một trong những hạn chế mà tôi nhận ra khi làm việc nhóm trong câu lạc bộ, chính là phần lớn các thành viên sẽ dựa vào định kiến của họ về người đưa ra ý tưởng, để đánh giá những gì họ nói.

Nghe có vẻ buồn cười, nhưng thực tế, Hiệu ứng hào quang (Halo Effect) trong tâm lý đã cho thấy, nếu bạn có ấn tượng tốt về một ai, bạn sẽ có xu hướng chỉ “nhìn” vào điểm tốt của họ, và ngược lại. Tôi từng chứng kiến những sáng kiến có tiềm năng nhưng lại bị “dập” cho tơi bời, chỉ vì đơn giản là người đưa ra sáng kiến ấy không chơi thân với nhóm điều hành.

Tôi biết sẽ thật khó để có thể loại bỏ một định kiến, nhất là định kiến xấu, về một ai đó mà chúng ta không thích. Nhưng trong những lúc thảo luận, bạn nên lặp đi lặp lại trong đầu rằng “Một ý tưởng tuyệt vời có thể đến từ bất cứ đâu” và luôn tự nhắc nhở mình rằng những gì bạn nghĩ về người khác không liên quan gì đến điều mà họ sắp trình bày. 

Một ý tưởng tuyệt vời có thể đến từ bất cứ đâu, vậy nên đừng để định kiến của bạn cản trở nó.

Bạn không cần phải là nhóm trưởng để có thể khuyến khích tinh thần này. Khi bạn công nhận đúng một nỗ lực tuyệt vời, làm cho nó vui vẻ và trở thành chất xúc tác cho các sáng kiến tiếp theo, tất cả các thành viên khác trong nhóm sẽ hưởng ứng theo tinh thần ấy. Thông điệp mà bạn sẽ gửi đi lúc này chính là “Hãy cùng nhau xây dựng ý tưởng này của chúng mình” chứ không phải “Hãy tìm ra ý tưởng được yêu thích nhất ngày hôm nay”. 

Hãy nói “Cảm ơn” bất cứ lúc nào có thể

            Trong tác phẩm “Bí mật của nước”, Masaru Emoto đã chỉ ra rằng ngôn từ có sức mạnh to lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta thường nghĩ. Ông đã thực hiện một thí nghiệm về điều đó: ông cho gạo lên men vào trong 3 hũ thủy tinh. Mỗi ngày, ông cho 1 hũ tiếp xúc với âm thanh “Cảm ơn”, 1 hũ với “Đồ ngốc” và 1 hũ thì không có gì.

Kết quả sau đó cũng thật thú vị. Hũ gạo “Cảm ơn” đã lên men một cách ngon lành, trong khi hũ gạo “Đồ ngốc” lại trở nên mốc meo. Tệ hơn hết, hũ gạo không được tiếp xúc gì đã ôi thiu hoàn toàn. Điều đó cho thấy ngôn từ tiêu cực vốn đã mang tính phá hoại, thì sự thờ ơ, mặc kệ còn tệ hại hơn gấp nhiều lần.

Từ thí nghiệm thú vị trên, chúng ta thấy được rằng hai từ “Cảm ơn” tuy đơn giản để nói (từ có 2 âm thôi nên chắc không khó rồi) nhưng ẩn chứa sự kì diệu, nhiệm màu mà con người chưa thể hiểu hết được. Vậy nên, bạn hãy nói “Cảm ơn” khi được một ai đó giúp đỡ, hoặc bạn muốn thể hiện sự công nhận cho một hành động, một ý tưởng, một nỗ lực xứng đáng nào đó, mọi lúc có thể. Không nên thờ ơ, mặc kệ vì bạn đã thấy điều đó tác động đến hũ gạo như thế nào rồi đấy.

 Hãy nói "Cảm ơn" nhiều hơn, mỗi khi bạn muốn công nhận nỗ lực của một ai đó.

Vì đó sẽ là một nơi đáng sống hơn…

            CEO Jeff Johnson – nhân vật chính giả tưởng trong tác phẩm “Sức mạnh của sự công nhận” của David Novak – ban đầu đã đánh cược số phận chức vụ và công ty của ông nội mình vào một niềm tin dùng sự công nhận để khôi phục lại tình hình kinh doanh của công ty trong vòng một năm, cuối cùng ông đã cùng mọi người trong công ty vượt qua bao nhiêu sóng gió và giữ được lời hứa của mình với ban quản trị.

            Trong một bữa tiệc chúc mừng cho sự hồi sinh của công ty, Jeff đã có một bài phát biểu, sau khi nhận món quà OGO của mình từ các nhân viên:

“Nhìn cách tất cả các bạn hỗ trợ lẫn nhauchúc mừng kết quả của người khác là một trong những món quà lớn nhất của cuộc đời tôi. Và tôi tin rằng đây chỉ là khởi đầu cho tất cả chúng ta. Điều tốt đẹp nhất vẫn còn chưa đến… Nếu có nhiều sự công nhận trên toàn thế giới, tôi tin rằng đó sẽ là một nơi đáng sống hơn.”

Bất chấp tuổi tác, địa vị, quốc tịch nào..., tất cả mọi người đều thích được công nhận vì những gì họ đã làm tốt. Và chắc chắn một điều rằng. tôi và bạn cũng thích nhận được sự công nhận nhiều như chúng ta muốn công nhận ai đó. Hãy là một người trẻ xuất sắc và cùng đóng góp cho một nơi đáng sống hơn, bạn nhé!

(Bài viết có tham khảo tác phẩm “Sức mạnh của sự công nhận” - David Novak và kết hợp với kiến thức, kinh nghiệm và quan điểm của tác giả nhằm truyền tải nội dung phù hợp hơn đến người trẻ).

 

Tác Giả: Huỳnh Phát, Sinh viên @ YBOX Authors

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/Phat.Huynh.97 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

273 lượt xem, 272 người xem - 280 điểm