Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Sự Cứu Vớt Nào Cho Trầm Cảm?

Image result for jonghyun giỗ

18/12/2018


" Anh làm rất tốt. Thực sự đã vất vả nhiều rồi" 

Ngày đông năm 2018, đã tròn một năm từ ngày Thiên thần đưa anh đi. Ngày định mệnh ấy, mọi người bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của anh. Một nghệ sĩ dường như có tất cả mọi thứ trong tầm tay: Tài năng, danh tiếng, bạn bè... Họ đặt câu hỏi xót xa: "Tại sao phải khổ đau đến như thế?"

Tôi không nhớ rằng bản thân đã nức nở đọc bức di nguyện cuối cùng của Jonghyun bao lâu, nhưng tôi chắc hẳn từng câu từng chữ là những trận chiến tồi tệ mà anh phải đấu tranh, đau đớn và cô đơn.  Với những hình xăm cầu cứu tuyệt vọng trên người, anh xin sự giúp đỡ, giá như chúng ta đủ tinh ý để nhận ra, thì có lẽ mọi chuyện đã không tồi tệ đến thế.


1. Rốt cuộc thì trầm cảm là gì?

Trước hết, điều quan trọng nhất nó chính là "bệnh".  Trầm cảm là chứng rối loạn tâm thần phổ biến, mức độ nghiêm trọng tỉ lệ thuận với thời gian trầm cảm đeo bám lấy cuộc sống người bệnh, không giới hạn vị trí địa lý, tuổi tác giới tính và chủng tộc.

Trầm cảm chính là muốn về nhà, nhưng lại đang ở nhà.


2. Vậy thì tại sao?

Cô giáo chủ nhiệm cấp 2 đã một lần hỏi lớp tôi rằng: "Trầm cảm liệu có phải căn bệnh thời đại?". Với suy nghĩ quá thơ ngây, câu hỏi đi qua dường như không chút vương vấn với cái đầu của chúng tôi. Cho đến khi tôi bắt đầu chạm tay vào bong bóng tuổi 16, nó bất chợt hiện về trong tâm thức nhẹ nhàng như cái cách nó từng đi ra vậy.

Em gái cô mất.

Tôi chưa từng thấy cô khóc nhiều đến thế, mắt cô sưng đỏ lên, da xanh xao đi trông thấy. Căn bệnh trầm cảm đã cướp đi người em gái bé bỏng của cô và để lại những dòng chữ với sự vỡ vụn trong bức thư tuyệt mệnh:

                                                                                     "Con không đủ tốt.

                                                                                      Con không xứng đáng."

 "Báo cáo của Viện Sức Khoẻ Tâm Thần, Bệnh Viện Bạch Mai, mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm. Thông báo tại Viện Sức khỏe tâm Thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%." ( Theo Báo Tiền Phong)

 "Theo số liệu thống kê chính thức của WHO, trong giai đoạn từ 2005 đến 2015, số người bị trầm cảm đã tăng thêm 18% và hiện có hơn 300 triệu người trên toàn cầu mắc chứng rối loạn này." (Theo "Depression: let’s talk" - WHO)

Số liệu chắc hẳn cũng đã đủ chứng minh thời đại chính là một trong những gốc rễ gây ra trầm cảm. Thế giới bước dần vào kỉ nguyên văn minh và tối giản. Tối giản từ quần áo, lối sống và cả ngôn ngữ. Bao lâu rồi bạn chưa ngồi ăn cơm cùng bố mẹ để kể về một ngày mệt nhoài? Bao lâu rồi bạn chưa có một buổi nói cười vui vẻ cùng với cô bạn hồi cấp 3? Bao lâu rồi bạn chưa hỏi ai đó: "Mày có ổn không?". Thật là lạ rằng ít người để ý đến những điều vụn vặt ấy, họ tự ngăn cách bản thân với thế giới bên ngoài, để tâm hồn vỡ thành nhiều mảnh vụn và tự vùi đầu vào trong cảm xúc hư vô, vì thế giới của họ nằm trong một từ duy nhất "smartphone".

Áp lực do sự hoàn hảo.

Phải-làm-tốt-tất-cả-mọi-thứ

Một trong những nguyên nhân trong thời đại là từ chính gia đình, theo một cách nào đó, vô tình tạo ra trách nhiệm quá lớn trên vai những người con, người bạn đời của mình, biến họ trở nên quá đỗi nhỏ bé so với những điều gia đình kì vọng. Ở ngoài xã hội, những chuẩn mực ngoại hình dường như rất phổ biến với những người trẻ, bởi vì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra một thế giới mạng nhiễu nhương, thuật ngữ "cyber-bullying" (bắt nạt qua mạng) hay "body-shaming" (miệt thị ngoại hình) quả không còn xa lạ, nạn nhân trở thành mục tiêu bị một cộng đồng chê cười, hả hê. Dần dần, họ trở nên xa lánh với xã hội, họ trốn tránh và ẩn dấu những nỗi buồn chết tiệt của bản thân. Còn về trầm cảm ở lứa tuổi học đường, thật sự thì tôi cũng chẳng ngạc nhiên khi những vụ tự sát do trầm cảm lại xuất hiện nhiều ở trẻ vị thành niên. Lứa tuổi gắn liền với trường học, bạn bè, cũng là lứa tuổi có sự bất ổn nhất về tâm sinh lý, áp lực điểm số, bạo lực học đường, "sự thèm thuồng" thành tích ở giáo dục,... khiến những đứa trẻ "gù lưng" không phải vì cặp sách quá nặng, mà vì áp lực đặt lên đôi vai nhỏ ấy.Tôi không biết mình có thể bàn luận tới bao giờ về lý do dẫn tới trầm cảm, có thể từ áp lực công việc, các mối quan hệ tình cảm, hay nỗi lo cơm áo gạo tiền,...mọi thứ từ nhỏ nhất cũng đều tác động đến tâm lý con người.


3. Không phải sự chán nản

Đừng nhầm lẫn, trầm cảm không phải sự chán nản. Không ai có thể nở một nụ cười trên môi ngày này qua tháng nọ. Thỉnh thoảng, cơ thể bạn cho phép bạn được quyền nhạy cảm khi thấy một cơn mưa phùn ngoài phố hay nghe lại một bản nhạc tình ca mùa đông xưa cũ. Đó hoàn toàn là sắc cầu vồng của cảm xúc, đừng phủ định, nó rất đẹp. Trầm cảm không như thế. Trầm cảm, là khi bạn không có đủ khả năng để dọn dẹp mớ hỗn độn nhầy nhụa, bạn nằm trên sàn và khóc. Trầm cảm, không còn là những giọt nước bạn đổ vào ly mà là những giọt nước rơi ra khi bạn rót tràn ly. Trầm cảm, không phải lúc nào cũng là bức hình rạch tay đầy máu trên Facebook, cô bạn cắt đi mớ tóc dài ngồi khóc trong phòng tắm, hay cậu bé nào đó gục đầu vào bàn máy tính không bước ra ngoài nửa bước. Có thể chăng "thứ đó" xuất hiện ngay sau tấm bằng khen, nụ cười gượng gạo và câu nói "Tôi vẫn ổn". Trầm cảm luôn như thế, "sát thủ" âm thầm và chẳng dễ dàng nhận ra. Nếu tôi hỏi bạn, cầm điện thoại lên và nhắn cho ai đó bạn thương, bạn có chắc chắn nắm được cảm xúc của họ ngay thời điểm ấy? Gặp nhau từng ngày, bạn còn không thể hiểu tâm tư tận đáy lòng, vậy thì dựa vào cái gì, bạn khẳng định được sau lớp màn hình điện thoại, là một nụ cười thực sự? Đôi khi những gì chúng ta thấy về người khác trên mạng xã hội, ở những cuộc đối thoại hằng ngày, chỉ là bức hình nhân của một con người.

  "Ẩn sau nụ cười, đó là cả một sự đấu tranh

  Ẩn sau ánh hào quang, đó là bóng tối

  Ẩn sau những tính cách nổi trội, đó là những vết thương lớn hơn bao giờ hết"

                                                                                        (Kevin Breel)


4.  They're not bulletproof, they're human.

Những người trầm cảm thường khó mở rộng lòng mình đối với người ngoài, bởi vì chính họ còn không thể đối diện với bản thân mình. Cảm giác trầm cảm, bởi vì chúng ta không phải là "người khác", chúng ta không hiểu được. Một phần đâu đó trong xã hội này, sự vô tâm còn chiếm hữu, những con người ấy có thể buông lời:

 "Không sao đâu, đừng làm quá lên thế"

"Trào lưu trầm cảm à?"

Những con người kia, sao xấu thế?

Rồi từng câu từng chữ như nhấn chìm những tia hy vọng cuối cùng của người bệnh, họ quyết định buông xuôi. Họ quyết định từ bỏ ván bài còn dang dở, khi họ không còn tìm thấy một niềm vui nào, họ quyết định lật sang trang, để giải thoát cho bản thân. 

 "Bất hiếu", "nông cạn" - Bố tôi tức giận khi nhìn mẩu tin về một học sinh tự tử do trầm cảm. Tôi không muốn tranh luận với bố, không phải vì tôi sợ bố, mà tôi hiểu tôi không phải một người cha. 


5. Vẫn những giải pháp ấy, nhưng làm được không mới là chuyện khó...

Như đã nói, trầm cảm là một căn bệnh. Khi bị sốt xuất huyết, chúng ta không thể nằm ở nhà mà chờ đợi một phép màu nào đó xảy đến bằng cách nắn bóp chân tay cả, phải không? Vậy thì không lý do nào một căn bệnh giết người thầm lặng như trầm cảm lại được quyền sống yên bình và tàn phá cuộc sống của người khác. Có lẽ,cách duy nhất để chữa lành căn bệnh này đó chính là những liệu pháp y tế.

Một cái ôm thoáng qua dành cho những ai đang từng ngày đấu tranh:

Tôi không hứa ngày mai sẽ ổn

Tôi không hứa bạn sẽ khỏi bệnh

Tôi không là ai cả

Tôi chỉ có thể cầu nguyện cho nụ cười không cần phải giả vờ một lần nữa xuất hiện trên môi bạn.

18/12/2017-18/12/2018: 1 năm 

Em cầu nguyện cho nụ cười đấy một lần nữa xuất hiện trên Thiên đàng.



Tác giả: Hoàng Hà Lê

-------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

    


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,524 lượt xem, 2,468 người xem - 2551 điểm